CHIA SẺ

đức phật 63

Quan điểm đúng bao gồm hai phần: quá trình ra quyết định và ba giá trị hay ba khái niệm cần phải được tôn trọng trong mọi quyết định. Các nhà lãnh đạo luôn phải đối diện với nhu cầu ra quyết định trong mọi thời điểm. Khi hoàn cảnh khó khăn nảy sinh, dù là ở mức độ cá nhân hay mức độ công ty, thì mục đích là không phản ứng theo quan điểm vị kỷ mà dựa trên quan điểm của công ty và mọi người cũng như các tổ chức sẽ chịu tác động của quyết định đó. Mối quan tâm của chúng ta là quá trình – từ khi tạo ra quyết định cho đến khi thực hiện hành động và sau đó là các hậu quả của nó – thực hiện chức năng của mình theo cách thức tốt nhất có thể. Tập trung vào việc ra quyết định dựa trên Quan điểm đúng tức là luôn luôn xét đến những hậu quả của việc thực thi [quyết định đó].

Điều đầu tiên cần xem xét trong quá trình ra quyết định là ý định nằm sau hành động cần xem xét. Ý định phải tốt, nghĩa là ít nhất nó không gây hại cho những người khác. Trong vài trường hợp, một hành động có ích lợi đối với một số người, nhưng lại không tránh khỏi gây thiệt hại cho những người khác. Tuy nhiên, nên có nỗ lực sáng tạo và phát minh cao nhất nhằm hạn chế tối đa sự gây hại. Thông qua cuốn sách này, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều ví dụ của quá trình ra quyết định đúng.

Điều thứ hai là trạng thái tâm của nhà lãnh đạo và những người khác có liên quan trong quá trình này. Thách thức cho người ra quyết định là nhận ra sự xuất hiện của bất kỳ hậu quả tiêu cực nào trong tâm như là sự phòng thủ hay giận dữ, và có thể đưa tâm mình trở lại trạng thái bình tĩnh, tự chủ và tập trung. Vào giai đoạn cuối của quá trình ra quyết định, các nhà lãnh đạo nên tự hỏi chính mình: Những hậu quả của quyết định này liệu có lợi cho tổ chức của tôi cũng như những bên liên quan khác hay không? Động cơ của tôi: Có phải tôi chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình hay không và tôi có xem xét đến việc mang lại lợi ích cho những người khác không?

Khía cạnh nhân quả của việc ra quyết định có thể được hiểu rõ hơn qua các nguyên tắc của đạo Phật về duyên sinh [sinh ra theo nhân duyên], sự hỗ tương [phụ thuộc lẫn nhau], và vô thường [không tồn tại trường tồn, bất biến].

Đức Dalai Lama 14 và Laurens Van Den Muyzenberg
Việt dịch: Trịnh Đức Vinh
Trích: Lãnh Đạo Tỉnh Thức, NXB: Văn hóa dân tộc