CHIA SẺ

ed19e48e-ky-nang-ra-quyet-dinh-1536x783

Chúng ta thấy chất lượng của việc ra quyết định phụ thuộc vào việc sử dụng các nguyên tắc của Quan điểm đúng cũng như kỹ năng và mức độ của việc áp dụng những nguyên tắc đó. Thông qua sự quyết tâm và thực hành (hay sự huấn luyện tâm trí), bất kỳ ai cũng có thể đạt tới một khả năng lớn hơn trong việc chọn lựa con đường đúng. Điều đó đặc biệt có hiệu quả đối với các nhà lãnh đạo, bởi vì họ quyết định sẽ làm gì đối với tổ chức của mình và những người làm việc cho mình. Những quyết định này được thể hiện qua những hình thức như các chính sách và hành động, cũng như các vai trò, chức năng mà các cá nhân đảm nhận. Nói đơn giản, các nhà quản lý phải phục vụ nhu cầu của toàn bộ tổ chức cũng như nhu cầu của cá nhân các nhân viên.

Dường như các nhà lãnh đạo thường bị đặt vào một tình huống không thể chiến thắng, khi các nhu cầu có thể không đồng bộ [mâu thuẫn] với nhau. Câu trả lời của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với câu hỏi hóc búa này như sau. Nguyên tắc khá đơn giản: hậu quả của quyết định nên có lợi đối với tổ chức và đối với bất kỳ ai có ảnh hưởng. Hãy tránh không gây hại. Tuy vậy, trên thực tế, một quyết định có thể có lợi cho một vài người nhưng lại tạo ra sự bất lợi cho những người khác. Trong trường hợp như vậy, hãy chọn cách tạo ra lợi ích cho số lượng người lớn nhất. Hoàn cảnh thậm chí còn có thể khó hơn khi không thể tránh khỏi việc gây hại cho một số người nào đó. Nguyên tắc của đạo Phật là nếu như không thể tránh khỏi việc gây hại, – thì nó phải diệt trừ được những điều gây ra tác hại to lớn hơn cho những người khác. Có một tiến trình ra quyết định gồm ba bước. Đưa ra quyết định ban đầu của bạn và kiểm tra xem kết quả của nó có gây hại cho ai đó không. Nếu không, bạn có thể tiến hành. Nếu có, hãy sử dụng sự sáng tạo của bạn để tìm ra giải pháp khác có thể tránh được tác hại đó. Nếu như hoàn toàn không thể tránh khỏi việc gây hại ở một mức độ nào đó, thì bạn phải chắc rằng những tác hại này tránh được những tác hại to lớn hơn, hay nó dẫn tới những lợi ích to tát hơn cho những người khác. Ví dụ như, nếu một công ty đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính bởi vì doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng, thì điều đó có thể biện minh cho việc nó sa thải bớt nhân công. Những người đó bị thiệt hại, nhưng công việc của những người còn ở lại làm việc sẽ được bảo toàn. Tất nhiên sẽ tốt hơn nếu như bạn tránh được khủng hoảng ngay từ đầu, nhưng khủng hoảng đã diễn ra.

Đức Dalai Lama 14 và Laurens Van Den Muyzenberg
Việt dịch: Trịnh Đức Vinh
Trích: Lãnh Đạo Tỉnh Thức, NXB: Văn hóa dân tộc