CHIA SẺ

gravering-van-een-boeddha

Thi kệ thứ 2:

Bất cứ khi nào tôi tương tác với ai đó
Nguyện tôi có thể coi mình là người thấp nhất trong số tất cả
Và từ sâu thẳm trái tim, tôi ôm ấp họ như người thân thương
Tôn trọng người ấy là cao cả.

Những sự thực hành được trình bày trong thi kệ này liên hệ trực tiếp với thi kệ 1, trong đó chúng ta học để trau dồi thái độ để nhìn tất cả chúng sanh quý giá hơn một viên ngọc như ý. Ở đây, tác giả hướng dẫn chúng ta trau dồi thái độ này trong khi duy trì một sự tôn trọng sâu sắc cho tất cả chúng sanh. Nói cách khác, chúng ta không nên có một cảm giác cao cả, nghĩ rằng chúng ta đang tu dưỡng lòng từ ái và bi mẫn đối với tất cả chúng sanh bất hạnh đau khổ. Thay vì thế, chúng ta nên liên hệ với họ với sự trân trọng và tôn kính; trong thực tế, khi chúng ta tương tác với họ, chúng ta nên xem chúng ta trong những cách nào đó thật sự thấp kém hơn họ.

Điều này liên hệ đến một điểm quan trọng, đó là một trong những chướng ngại chính với sự thực hành lòng từ bi và tâm bồ đề, tâm vị tha Giác Ngộ, là tính kiêu ngạo. Bất cứ cảm giác nào của sự kiêu ngạo hay tự quan trọng cũng cản trở việc trau dồi xu hướng vị tha chân thành, và phương thức quan trọng hiệu quả nhất để chống lại điều này là sự trau dồi tính khiêm tốn. Nếu chúng ta nhìn vào những tấm gương của những đại sư Kadampa, chẳng hạn như Dromtönpa, thì chúng ta thấy rằng toàn bộ đời sống của các ngài đã chứng minh tầm quan trọng của việc thực hành tính khiêm tốn. Các ngài đã đưa ra tấm gương lý tưởng về vấn đề, khi liên hệ với người khác, chúng ta nên xem họ như những đối tượng của sự tôn kính như thế nào.

Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Tuệ Uyển
Nguồn: Trau dồi tính khiêm tốn, vui bồi tâm bồ đề