CHIA SẺ

images2634419_8

Việc đạt đến những trình độ của con đường tu tập được giải thích một cách cô đọng trong Tâm Kinh Bát Nhã, ở đấy chúng ta thấy mantra: tadyatha om gate gate paragate parasamgate bodhi svaha. Tadyatha có nghĩa là “Thật sự là như vậy”; gate gate có nghĩa là “tấn tới, tấn tới”; paragate có nghĩa là “tấn vượt tới”; parasamgate có nghĩa là “tấn vượt tới triệt để”; và bodhi svaha có nghĩa là “thành tựu Giác Ngộ.”

Mantra này trong Tâm Kinh tóm lược tiến trình của hành giả trong dạng thức của năm trình độ của con đường tu tập. “Tấn tới, tấn tới” (gate gate) liên hệ đến việc đạt đến con đường tích lũy (tư lương vị) và con đường chuẩn bị (gia hạnh vị); “tấn vượt tới” (paragate) liên hệ đến việc đạt đến con đường tuệ giác (thông đạt vị), nói rằng khi hành giả đạt được con đường tuệ giác – vốn hướng trực tiếp tuệ giác vào trong tánh không – ở tại điểm ấy hành giả đã vượt quá thể trạng của sự hiện hữu thông thường và trở thành những gì được biết như một tôn giả hay “chúng sanh tôn quý.” Biểu tượng “tấn vượt tới” nói việc vượt đến bến bờ bên kia, khi thể trạng thông thường của hành giả được thông hiểu như ở phía bờ bên này. Bờ bên kia là niết bàn hay thể trạng giải thoát. Bằng việc đạt đến con đường tuệ giác thì hành giả đã vượt khỏi trạng thái thông thường của vòng luân hồi. Nhóm chữ kế tiếp của mantra, “tấn vượt tới triệt để” (parasamgate), hàm ý việc đạt được con đường hành thiền (tu tập vị). Một cách đặc biệt đây là thể trạng khi tuệ giác trực tiếp của hành giả đạt được đã sâu sắc hơn qua việc liên tục làm quen và lên đến cực điểm trong việc thành tựu Giác Ngộ hay siêu việt hoàn toàn (cứu kính vị).

Chỗ này là tiến trình toàn bộ của những trình độ Giác Ngộ khác nhau của thực chứng, lên đến cực điểm trong việc thành tựu Quả Phật, được thấu hiểu trong phạm trù Phật giáo như một tiến trình kết hợp khía cạnh phương pháp và khía cạnh tuệ trí của con đường tu tập. Toàn bộ giáo huấn và sự thực tập của Đức Phật được thể hiện trong hai khía cạnh này, vốn được biết như hai tích tập: tích tập phước đức và tích tập trí tuệ.

Hai khía cạnh này có thể được hiểu trong dạng thức của vấn đề chúng ta liên hệ và dấn thân trong thế giới như thế nào. Thí dụ, nếu việc dấn thân của chúng ta với thế giới ở tại trình độ của sự đa dạng của mọi vật, sự kiện và đối tượng, thì đó là khía cạnh phương pháp của con đường. Khi chúng ta dấn thân với thế giới trong dạng thức của bản chất sâu sắc hơn của thực tại, thì việc đó được thấu hiểu như tánh không của tất cả mọi vật và mọi sự kiện, sự thực tập đó thuộc về việc trau dồi trí tuệ.

Vì thế những gì là sự thấu hiểu thâm thúy về tánh không mà chúng ta đang cố gắng để thực chứng qua khía cạnh trí tuệ của con đường? Trong Căn Bản Trung Quán Luận, Long Thọ đã viết:

Bất cứ điều gì sinh khởi một cách lệ thuộc
Được giải thích như tánh không
Điều này được mệnh danh lệ thuộc
Và đấy là trung đạo chân thật.

Nhân duyên sở sinh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Thị danh trung đạo giả.

Một sự thấu hiểu chân thật về tánh không theo trường phái Trung đạo căn cứ trên sự thấu hiểu về duyên khởi hay nhân duyên sanh, hay nguồn gốc lệ thuộc. Nói cách khác, duyên khởi phải được thấu hiểu như chính nền tảng mà trên ấy tánh không sinh khởi. Một cách lịch sử, hai dòng truyền thừa của diễn giải tiến triền liên hệ đến sự thấu hiểu giáo huấn của Long Thọ về tánh không, một được đại diện bởi Thanh Biện (Bhavaviveka) và các môn đồ và phái kia là Phật Hộ (Buddhapalita), Nguyệt Xứng (Chandrakirti) và những môn nhân.

Luận sư Phật Hộ giải thích rằng khi chúng ta phân tích sự vật và sự kiện, đặc biệt thế giới của nguyên nhân và hệ quả và nhiều trải nghiệm hàng ngày của chúng ta, thì chúng ta đang liên hệ đến thế giới ở trình độ quy ước của thực tại. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hài lòng với trình độ thực tại hàng ngày, và chúng ta vượt khỏi nó để thẩm tra nghiêm túc vào trong bản chất chính xác và mối quan hệ của nguyên nhân và hệ quả, sự phân tích chúng là đồng nhất hay độc lập với nhau và v.v., sau đó chúng ta liên hệ với thế giới ở trình độ của lẽ thật cứu kính. Phật Hộ giải thích rằng khi chúng ta nghiêm túc đưa ra nguyên nhân và hệ quả đến loại vấn đề sâu sắc đó, thì chúng ta sẽ mau chóng đi đến kết luận rằng chúng không thể tìm thấy được. Không khái niệm nào, cho dù nguyên nhân hay hệ quả, nguồn gốc và chấm dứt, hay bất cứ thứ gì khác, có thể đứng vững với loại phân tích bình phẩm đó. Do vậy, khi chúng ta dấn thân với thế giới, thì chúng ta phải làm như vậy ở trình độ của lẽ thật quy ước hay thực tại hàng ngày.

Tương tự thế, trong Bổ Sung Trung Đạo Luận, ngài Nguyệt Xứng giải thích rằng một sự thấu hiểu chân thành về tánh không đòi hỏi một sự đánh giá cao hơn về bản chất lệ thuộc tương liên của thực tại – rằng tất cả mọi vật và sự kiện hình thành như một kết quả của sự lệ thuộc vào những nhân tố khác. Việc nhận ra điều này, và khi chúng ta làm sâu sắc thêm niềm tin của chúng ta trong những quy luật và hoạt động của nguyên nhân và hệ quả trong lãnh vực của trình độ thực tại quy ước, thì chúng ta gia tăng sự thực tập của chúng ta về việc tích lũy phước đức. Khi chúng ta dần dần làm sâu sắc hơn niềm tin của chúng ta trong lẽ thật của giáo huấn về tánh không – đặc biệt tánh không như sự vắng mặt của sự tồn tại cố hữu – thì chúng ta có thể trau dồi sự tích lũy về trí tuệ. Đây là hai sự thực tập được biết như hai sự tích lũy đã liên hệ trước đó.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Tuệ Uyển

Nguồn: Tiến trình của con đường tu tập và ý nghĩa của mantra “Tadyatha Om Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha.”