CHIA SẺ

Dalai-Lama-1920x1080

Giai đoạn đầu tiên trong phép thiền định về nguyên nhân hậu quả dựa vào bảy điểm là phát huy một sự quán thấy tất cả chúng sinh đều từng là mẹ của mình. Trong mỗi kiếp sống trong chu kỳ xoay vần bất tận không khởi thủy của sự hiện hữu, chúng ta đều có một người mẹ. Do đó chúng ta không thể nào khẳng định một cách chắc chắn là một chúng sinh nào đó đang sống hiện nay chưa từng là một người mẹ của mình trước kia trong quá khứ. Các bạn nên nhìn vào tất cả chúng sinh qua góc nhìn đó. Thế nhưng các bạn cũng có thể nghĩ rằng chúng sinh thì nhiều vô kể, vậy làm thế nào mà tất cả lại có thể từng là mẹ mình được. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng nếu chúng sinh nhiều vô kể thì các kiếp sống của mình trong chu kỳ hiện hữu cũng nhiều như thế. Hoặc các bạn cũng có thể nghĩ rằng dù cho họ từng đúng thật là những người mẹ của mình thì đấy cũng chỉ là các người mẹ trong quá khứ, không phải là mẹ của mình trong kiếp sống này. Tuy nhiên các bạn cũng thử nhìn lại xem, chẳng phải người mẹ của mình trong ngày hôm qua cũng vẫn còn là mẹ của mình trong ngày hôm nay hay sao?

Nếu đủ sức hình dung được sự sống không khởi thủy thì các bạn tất sẽ phải hiểu được trong quá khứ sự sống đó của mình dù là dưới hình thức nào (trong sáu cõi luân hồi) cũng đều phải được sinh ra từ một người mẹ – từ một quả trứng hay bên trong một tử cung. Do đó không có một chúng sinh nào lại không có thể là mẹ mình (dù đấy là những con thú). Chấp nhận sự thật này không phải là chuyện dễ (dưới một góc nhìn khác thì dù chúng ta tin hay không tin vào sự tái sinh cũng vậy, chủ đích của phép luyện tập này là giúp mình nhìn vào tất chúng sinh đều là mẹ mình, và đó là cách khơi động một thứ xúc cảm thật mạnh bên trong chúng ta là lòng hiếu thảo, giúp chúng ta phát huy bồ-đề tâm thật rộng lớn trong tâm thức mình). Vậy các bạn hãy thử suy nghĩ theo một chiều hướng ngược lại xem sao, tức là tìm cách loại bỏ những người không phải là mẹ mình trong quá khứ. Vậy thì đối với các chúng sinh mà mình gạt sang một bên đó thì các bạn có thể quả quyết một cách chắc chắn là họ chưa từng bao giờ là mẹ của mình hay không?

(Thật vậy, trông thấy hình bóng của mẹ trong tất cả chúng sinh kể cả những con thú không phải là dễ thực hiện, một khi lòng từ bi bên trong chính mình chưa chín mùi, tức có nghĩa là “cái tôi” của mình còn quá to lớn và nặng nề, không cho phép mình “bay lượn” xuyên qua không gian và thời gian cùng với tất cả các chúng sinh khác trong sự xoay vần của thế giới hiện tượng. Bên trong thế giới đó tất cả các chúng sinh khác đều hiện lên với mình như trong một giấc mơ thật dài. Trong giấc mơ đó mình “gặp lại” cha mẹ mình, ông bà mình, những người mà mình từng thương yêu, kể cả các kẻ thù của mình. Tất cả đều bay lượn trong thế giới ảo giác đó, lúc thì hiện lên thật rõ ràng lúc thì mờ đi và biến mất, hun hút trong không gian và thời gian, tương tự như ảo giác. Thế nhưng cũng có một cái gì đó rất thật và cụ thể đó là sự hiện hữu của chính mình. Sự hiện hữu đó chính là món nợ mà mình phải trả cho một người mẹ, có thể là rất gần trong ngày hôm nay, nhưng cũng có thể là rất xa, hun hút ở một nơi nào đó trong thế giới hiện tượng này. Trong sự hiện hữu rất thật đó của mình cũng có một thứ xúc cảm cũng rất thật và vô cùng cao quý, đó là lòng hiếu thảo đối mẹ mình trong ngày hôm nay, hay trong ngày hôm qua thì cũng vậy. Vậy hãy biến lòng hiếu thảo rất thật đó trở thành bồ-đề tâm cũng rất thật trong tâm thức để hồi đáp món nợ ấy cho từng người mẹ của chính mình).

Sau hết các bạn nên tự hỏi như thế này: vậy nếu cứ xem tất cả chúng sinh là mẹ mình thì sẽ phải chịu thiệt thòi hay được lợi? Nếu muốn phát huy bồ-đề tâm – tức lòng thương người – thì các bạn cũng nên ý thức một điều là nếu không chấp nhận cách nhìn đó đối với kẻ khác (tức xem họ là mẹ mình), thì dù có cố gắng cách mấy thì các bạn cũng không thể thành công được. Khi nào chưa chấp nhận cách nhìn đó thì những điều mong cầu của các bạn (bồ-đề tâm) vẫn còn hết sức xa vời. Nên hiểu rằng trong chu kỳ xoay vần bất tận của sự hiện hữu, các kiếp sống không có một điểm khởi thủy nào, do đó trong quá khứ tất cả chúng sinh đều có thể từng là những người mẹ sinh ra mình và nuôi nấng mình.

Nhìn vào kẻ lạ và xem họ từng là những người thân thuộc của mình không có nghĩa là trong quá khứ họ nhất thiết cũng phải là những người xa lạ với mình. Vị đại sư Maitreya (Di Lặc, được xem là thầy của Asanga/Vô Trước, thế kỷ thứ IV) trong tập luận “Abhisamayalankara”/ “Hiện tráng trang nghiêm luận” cho biết rằng chúng ta cũng có thể nhìn vào một người bạn quý nhất hay một người thân thuộc gần gũi nhất với mình và xem họ cũng từng là những người thân thiết với mình trước đây trong quá khứ. Chẳng hạn nếu mình cảm thấy gắn bó với cha mình hơn là mẹ mình thì cứ hình dung cha mình trong kiếp sống này cũng từng là cha mình trong quá khứ, hoặc cũng có thể nhìn vào đứa con yêu quý hiện nay của mình và hình dung nó cũng từng là con mình trong các kiếp sống trước, đó là cách giúp mình bộc lộ tình thương yêu đối với những người khác. Điều quan trọng là phải làm thế nào để phát huy một thể dạng tâm thức giúp mình bộc lộ được tình thương yêu và sự quý mến thật sâu xa của mình đối với tất cả chúng sinh. Đấy là cách giúp mình trông thấy được bóng dáng mẹ mình nơi mỗi chúng sinh.

Dù có kinh sách nào bài bác quan điểm cho rằng tất cả chúng sinh vào một lúc nào đó đều là những người mẹ hết lòng nuôi nấng mình thì cũng không hề hấn gì. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng các trường hợp ngoại lệ đó (tức có những người không phải là mẹ mình hoặc không chăm sóc gì đến mình) không phải là một bằng chứng để phủ nhận sự kiện trên đây. Ngay cả ngày nay cũng có những đứa con sau khi lớn lên không còn đoái hoài gì đến mẹ của chúng nữa. Đối với trường hợp của các bạn cũng vậy, dù được mẹ hết lòng thương yêu và chăm sóc nhưng không phải vì thế mà các bạn bắt buộc tất cả các chúng sinh khác cũng phải cư xử như thế đối với mình.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoang Phong

Nguồn: Trông thấy bóng dáng mẹ nơi tất cả chúng sinh