CHIA SẺ

Dalai_Lama_1671625315

Nếu muốn luyện tập về quy luật nguyên nhân hậu quả dựa vào bảy điểm thiền định thì trước hết phải phát huy một thể dạng tâm thức bình lặng (equanimity/bình thản, tĩnh lặng, thăng bằng). Khi chưa thực hiện được thể dạng này thì các bạn sẽ không thể tạo ra cho mình một tầm nhìn vị tha và vô tư được. Thiếu sự bình lặng đó thì các bạn sẽ khó tránh khỏi thiên vị những người thân thuộc và bạn hữu mình. Nếu muốn mang lại cho mình một thể dạng bình lặng thật vững vàng thì các bạn phải ý thức được là không nên có một thiển kiến, hận thù hay một sự bám víu nào đối với bất cứ một ai, dù đấy là kẻ thù, bạn hữu hay một người hoàn toàn xa lạ với mình.

Nhằm thực hiện căn bản đó đúng theo những lời hướng dẫn trong tập luận “Các giai đoạn luyện tập trên Đường Giác Ngộ: Con Đường Phúc Hạnh mang lại sự Hiểu Biết Toàn Năng” của Panchen-lama Chökyi Gyaltsen (tức là tập luận “The Graded Stage of the Path: A Blissful Path”/”Lam-rim bde-lam” của Ngài Ban-thiền Lạt-ma thứ IV, 1570-1662), thì trước hết các bạn hãy hình dung ra một người dưng hoàn toàn xa lạ với mình. Sau khi hình ảnh người này hiện ra thật minh bạch, thì các bạn sẽ cảm thấy không có một xúc cảm rõ rệt nào hiện lên với mình, không có một sự cảm nhận thèm muốn hay hận thù nào, có nghĩa là mình hoàn toàn dửng dưng (vô cảm và thờ ơ đối với con người xa lạ ấy). Sau đó các bạn hãy liên tưởng đến một kẻ thù (một người mà mình ghét cay ghét đắng chẳng hạn), thì tức khắc một cơn giận hay sự thù hận sẽ bùng lên ngay trong tâm thức mình. Sau đó các bạn lại gợi lên trong tâm trí mình hình ảnh một người bạn hay một người thân thuộc trong gia đình, thì một thứ xúc cảm quyến luyến và gắn bó nào đó sẽ tức khắc hiện lên với mình.

(Tâm thức là một giác quan, ba loại cá thể trên đây là các đối tượng cảm nhận của nó. “Xa lạ”, “kẻ thù” hay “thân thuộc” là ba cách diễn đạt của tâm thức về ba cá thể ấy. Các sự diễn đạt này là kết quả phát sinh từ sự liên kết giữa các cảm nhận của tâm thức về các cá thể trên đây và các nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức liên quan đến các cá thể ấy. Sự diễn đạt này sẽ tạo ra các xúc cảm đủ loại bên trong tâm thức. Hình ảnh một người dưng không gây ra một xúc cảm nào đáng kể, bởi vì bên trong tâm thức không hề có một nghiệp nào được ghi khắc từ trước, liên quan đến cá thể hoàn toàn xa lạ này, “xúc cảm” nếu có thì chỉ là các xúc cảm “dửng dưng”. Trái lại nếu tâm thức cảm nhận được hình dạng một cá thể liên hệ mật thiết với các vết hằn của nghiệp bên trong nó – chẳng hạn như người này trước đây từng gây ra những sự tổn thương hay oán hận – thì tức khắc các vết hằn này sẽ tạo ra các tác động khiến tâm thức diễn đạt cá thể này là một “kẻ thù”, và sự diễn đạt đó sẽ tạo ra các xúc cảm bấn loạn và tàn phá trong tâm thức. Ngược lại nếu là hình ảnh một người mà mình yêu quý hay gần gũi với mình trong gia đình thì các xúc cảm hiện lên sẽ là sự quyến luyến, bám víu hay “thèm muốn”. Ngay cả trường hợp chỉ cần tiếp xúc với một người nào đó tuy “xa lạ” nhưng hao hao giống với một người mà mình “quyến luyến”, chẳng hạn như nghe thấy tiếng nói, trông thấy vóc dáng, mái tóc hay gương mặt của người này thì cũng đủ để gợi lên cho mình các xúc cảm giống như là mình gặp lại đúng người mà mình “quyến luyến” trước đây. Điều này cho thấy “nghiệp” rất tinh tế và bén nhạy, nó sẽ tức khắc hiện lên thành quả dưới hình thức xúc cảm một khi nó gặp được cơ duyên phù hợp, xúc cảm này có thể đưa đến sự hình thành của tư duy, tác ý trong tâm thức, hoặc ngôn từ, cử chỉ hay hành động trên thân xác.

Đối với các cơ quan giác cảm khác cũng vậy, thí dụ mình đang đói và đi ngang một tiệm phở, mùi phở và hình ảnh các miếng thịt treo lủng lẳng ở tủ kính sẽ khiến mình thèm ăn. “Xúc cảm” thèm ăn – tức bám víu, thèm khát – là sự thúc đẩy của bản năng sinh tồn, phía sau bản năng đó là nghiệp của mình, trói buộc mình với sự hiện hữu của chính mình. Thế nhưng nếu vừa ăn cơm xong thì mình sẽ hoàn dửng dưng trước những thứ ấy.

Nói chung, đấy là các phản ứng khác nhau của tâm thức trong cuộc sống thường nhật. Nếu biết ý thức, phân tích và theo dõi các phản ứng đó hầu tìm hiểu nguyên nhân của chúng thì trước hết sẽ là cách giúp mình nhìn thấy sự vận hành của nghiệp và các tác động của nó bên trong tâm thức mình, sau đó cũng là một cách thiền định hướng vào từng xúc cảm, tư duy và tác ý cùng ngôn từ và hành động trên thân xác, giúp mình kiểm soát và chủ động chúng.

Kinh Satipatthana-Sutta/Kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác gọi đó là cách tập trung sự chú tâm tỉnh thức vào bốn lãnh vực là thân xác, cảm giác, tâm thức và những gì hiện lên bên trong tâm thức mình. Khi đã trở về được với tâm thức “từ bên trong nó, không dựa vào bất cứ gì trong thế giới”, thì dù đang đói hay no, mùi phở và hình ảnh những miếng thịt treo lủng lẳng cũng chỉ làm hiện lên trong tâm thức mình một cảm nhận duy nhất là sự đau đớn của một con bò bị đập đầu và xẻ thịt, và ý thức về bản chất vô thường, khổ đau và vô thực thể của các hiện tương cấu hợp tạo ra chính mình. Sự cảm nhận đó tất sẽ khơi động trong con tim mình một quyết tâm nào đó.

Những gì trên đây cho thấy là các thể dạng tâm thức có thể chỉ đơn giản là các phản ứng phát sinh một cách tự động từ nghiệp và bản năng, nhưng cũng có thể được tạo ra bởi sự quyết tâm của chính mình).

Trước kẻ thù thì các bạn sẽ cảm thấy một sự cách biệt, một cảm tính hận thù hay ghét bỏ nào đó. Hãy tưởng tượng người Trung Quốc là các kẻ thù của mình chẳng hạn, họ ra lệnh hủy diệt Dharma (Đạo Pháp) không thương tiếc, gây tổn thương cho những người đồng hương, cai trị xứ sở bằng sự độc đoán, bất chấp các phẩm tính căn bản của con người, chẳng hạn như lòng tin và sự tín nhiệm. Các bạn hãy hình dung ra các luận cứ nhằm biện minh tính cách chính đáng của các xúc cảm tiêu cực trên đây của mình trước các hành vi đó. Quả thật họ đã gây ra không biết bao nhiêu đổ vỡ cho cuộc sống này, thế nhưng trước đó thì họ có như thế hay không? Tất nhiên các bạn sẽ nhận thấy là không, trong quá khứ họ từng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mình và kẻ khác. Thế nhưng hiện nay thì họ chẳng những không còn giữ được một chút lòng tin nào nơi Đạo Pháp mà còn làm tổn thương đến thật nhiều người. Họ gần như không còn chủ động được mình nữa. Tuy nhiên các khiếm khuyết đó đều là do vô minh, hận thù, v.v. gây ra cho họ, nhưng tuyệt nhiên không phải là bản chất tự nhiên của họ.

Các bạn đừng quên là kể cả tâm thức mình cũng không sao tránh khỏi ảo giác, tuy không mang cùng một bản chất tàn phá như của họ nhưng không phải vì thế mà kém ảo giác hơn. Do đó các bạn nên hiểu rằng các phản ứng xúc cảm [tiêu cực] mà mình dán lên trán những người mà mình xem là kẻ thù, không hề mang tính cách chính đáng nào cả.

Đến đây chúng ta lại tiếp tục nhìn vào thái độ của mình đối với những người thân thuộc và bạn hữu của mình. Có thể các bạn nghĩ rằng đó là những người rất tốt, lúc nào cũng mang lại mọi điều tốt đẹp cho mình, v.v… Họ đối xử tốt với các bạn đến độ các bạn cảm thấy nếu cần thì mình cũng có thể hy sinh cả tánh mạng mình vì họ. Dù là những người vô cùng tử tế với mình trong kiếp sống này thế nhưng trong các kiếp quá khứ biết đâu họ cũng từng là kẻ thù của mình, hoặc cũng có thể là những người đã gây ra cái chết cho mình trong các kiếp sống trước đây của mình. Hoặc cũng có thể họ từng là những người thật hung dữ, gieo rắc đau thương và tàn phá chung quanh họ. Vì thế không có một lý do nào để bám víu vào họ một cách tuyệt đối và vĩnh viễn như là những người thân thuộc hay bạn hữu của mình.

Tóm lại đối với mình, giữa kẻ thù và bạn hữu không có một ranh giới tuyệt đối nào cả. Kẻ thù hay bạn hữu cũng không khác gì nhau, lúc thì mang lại những điều tốt đẹp, lúc thì gây ra mọi thứ đổ vỡ cho mình. Do đó không có một lý do nào để mà chấp nhất hay thiên vị đối với bất cứ ai cả. Vậy các bạn nên tạo ra cho mình một thể dạng bình lặng (equanimity/tĩnh lặng, thanh thản, không phân biệt hay thiên vị) đối với tất cả chúng sinh. Dầu sao thể dạng tâm thức đó cũng không thể hiện lên với mình được sau một hay hai buổi hành thiền, mà cần đến một sự luyện tập kiên trì kéo dài hàng tháng hay hàng năm.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoang Phong

Nguồn: Phát huy thể dạng bình lặng