CHIA SẺ

d3a061c7031190aa8dff386b56d53b91

Nói chung thì bệnh tật có thể xảy ra vì chế độ ăn uống, khi dùng những thức ăn không thích hợp với mình, hay có quá nhiều dầu mỡ. Chúng có thể là vì vấn đề về hành vi của mình, như ra ngoài trời lạnh mà không mặc đủ đồ ấm. Ngồi trên mặt đất lạnh, hoặc trên một tảng đá ướt lạnh, là nguyên nhân chắc chắn tạo ra vấn đề cho thận. Bệnh tật có thể do các sinh vật nhỏ, vi trùng hay vi khuẩn tạo ra. Điều này tương tự như những điều mà Tây y nói. Tuy nhiên, những điều mà y học Tây Tạng nói thì vượt qua những điều này, đó là chúng ta có thể xem xét mức độ sâu sắc hơn của nguyên nhân gây bệnh. Tôi nghĩ có lẽ cách nhìn thú vị và hữu ích nhất về y học Tây Tạng theo cách suy nghĩ của chúng ta là ý tưởng rằng nguyên nhân cơ bản tiềm tàng cho việc mất quân bình thể chất là vì mất quân bình về cảm xúc và tinh thần.

Nếu muốn vượt qua bệnh tật một cách hoàn toàn, thì phải giúp cho tất cả các mức độ được quân bình, đặc biệt là mức độ cảm xúc/tinh thần. Có ba phiền não chính. Trước tiên là tham. Đó là dục vọng loạn thần mà tôi cảm thấy mình phải có được thứ này, và nếu không có được nó, thì tôi sẽ điên lên. Thứ hai là sân. Thứ ba là si, tâm khép kín và bướng bỉnh. Những phiền não này tương quan với những chứng rối loạn của ba năng lượng. Dục vọng tạo ra chứng rối loạn về khí; tâm sân đưa đến sự rối loạn về mật; tâm khép kín tạo ra sự rối loạn về đờm. Điều này rất thú vị. Hãy xem xét chúng kỹ hơn một chút.

Khi khí bị rối loạn thì cảm giác rất bồn chồn thường là một triệu chứng rất đặc trưng. Nó có liên quan với huyết áp cao. Chúng ta cũng có cảm giác căng thẳng trong ngực. Chúng ta cảm nhận được điều mà mình mô tả như là cõi lòng tan nát; phiền muộn kinh khủng. Đây là những chứng rối loạn khí rất phổ biến, liên quan đến dục vọng. Chẳng hạn, nếu như mình rất dính mắc với việc kiếm được nhiều tiền, nên cứ làm việc quần quật, rồi bị huyết áp cao, và luôn bồn chồn lo lắng. Nếu như quá quyến luyến với người nào, rồi họ chết đi, hay rời xa mình, thì ta sẽ mắc phải hội chứng cõi lòng tan nát. Những người thiền không đúng cách và tự thúc đẩy bản thân quá mạnh, cũng bị chứng rối loạn khí. Khi thúc đẩy bản thân quá mạnh về bất cứ điều gì, thì nó sẽ đè nén năng lượng trong cơ thể, tạo ra sự căng thẳng ở ngực, hồi hộp, hoang tưởng và vân vân. Ruột hay dạ dày căng thẳng cũng là chứng rối loạn khí. Nguyên nhân tâm lý tiềm ẩn tạo ra những vấn đề này là quá nhiều tham ái hay dục vọng.

Chứng rối loạn mật bắt nguồn từ tâm sân. Chứng loét bao tử, khi có quá nhiều mật trong dạ dày, có liên quan đến tâm quá sân hận. Khi tức giận thì mặt mình sẽ đỏ lên. Mật ảnh hưởng đến sắc tố. Khi mắc bệnh vàng da thì da sẽ bị vàng, và khi tức giận thì da sẽ đỏ. Cũng có những cơn đau đầu vì mật, thường đi kèm với sự tức giận, khi mắt bị rát, đầu đau rát.

Đờm có liên quan đến tâm si mê và khép kín. Chúng ta chấp chặt những ý tưởng rất bướng bỉnh, và không muốn lắng nghe người khác. Hay là lòng mình khép kín đối với một số người nào đó, vì không muốn giao thiệp với họ. Giống như tim óc của mình khép kín, thì xoang của mình cũng đóng lại, và ta sẽ có vấn đề về xoang, hay vấn đề với ngực, như viêm phổi hay suyễn, hoặc cơ thể khép kín và cứng nhắc vì viêm khớp hay thấp khớp. Cơ thể sẽ phản ảnh tính thiếu linh hoạt của tâm trí.

Tuy điều này có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng có thể áp dụng cách suy nghĩ này cho những căn bệnh khác. Thông thường thì với bệnh ung thư, chúng ta sẽ thấy người ta có thái độ tự hủy hoại bản thân rất nặng nề. Sau khi cô của tôi qua đời, thì chú của tôi không muốn sống nữa. Lối sống của ông bắt đầu trở nên tự hủy hoại, và ông đã bị ung thư khá nhanh, là chứng bệnh mà cơ thể tự hủy hoại. Ông đã qua đời trong vòng một năm. Người ta có thể nghĩ rằng tâm trạng được phản ảnh vì tính tự hủy diệt của bệnh ung thư. Hiển nhiên là điều này không đúng với tất cả các trường hợp ung thư, nhưng nó cung cấp cho ta điều gì thú vị để tư duy.

Đối với bệnh AIDS thì cơ thể không có khả năng chống lại những vấn đề khác. Một số người bị AIDS thì không thể chống lại chứng nghiện ma túy, hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Giống như họ không thể khống chế dục vọng của mình, thì cơ thể không thể tự bảo vệ, để thoát khỏi bất cứ bệnh tật nào. Đây là khía cạnh của y học Tây Tạng mà tôi thấy phấn khởi nhất, ngoài việc sử dụng  thuốc men thực tiễn.

Tiến sĩ Alexander Berzin 

Chuyên Việt ngữ: Lozang Ngodrub 

Hiệu đính: Vũ Thư Ngân.