CHIA SẺ

tmbook_orig

Hãy tiếp tục với hệ thống y tế thật sự. Nếu muốn chẩn bệnh, thì mình phải đặt câu hỏi, khám bệnh và bắt mạch. Người Tây Tạng không quá chú trọng đến việc hỏi người bệnh vấn đề của họ là gì. Yếu tố thứ hai được nhấn mạnh nhiều hơn. Việc khám bệnh bao gồm cả việc khám lưỡi, nhưng điểm chính là xem xét nước tiểu. Bác sĩ sẽ xem đợt nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng. Nước tiểu này sẽ được đem đến cho bác sĩ trong một hộp trong suốt, hay màu trắng, rồi bác sĩ sẽ dùng một cái que để quậy nó. Bác sĩ sẽ tìm kiếm nhiều yếu tố. Đầu tiên, họ sẽ nhìn vào màu sắc. Sau đó, họ sẽ nhìn vào loại bong bóng hình thành, khi nước tiểu được quậy lên, kích cỡ của bong bóng, và thời gian mà chúng sẽ tồn tại. Khi chúng phân tán, thì sẽ phân tán như thế nào, và có một loại chất nhờn nào ở trong đó hay không? Nước tiểu mỏng hay dày? Có chất kết tủa nào hay không? Họ cũng kiểm tra mùi nước tiểu. Nếu họ nhận được nước tiểu ngay lập tức vào buổi sáng, thì cũng có thể quan sát màu sắc của nó sẽ thay đổi như thế nào, khi nó nguội bớt. Với tất cả các yếu tố này, người ta có thể chẩn bệnh một cách rất chính xác.

Việc khám nước tiểu thật ra là một hệ thống chẩn bệnh rất tuyệt vời, vì khi bắt mạch thì bác sĩ phải xem xét tuổi và giới tính của người bệnh, và thời gian trong năm. Khi khám nước tiểu thì bác sĩ cũng cân nhắc xem nó cũ bao lâu rồi. Điều này sẽ cho phép bác sĩ khám nước tiểu đã cũ, sau một hay hai tuần. Điều này rất hữu ích ở Tây Tạng, nơi mà một người thân trong gia đình có thể phải mang mẫu nước tiểu bằng yak trong một hoặc hai tuần để đến gặp bác sĩ. Trong thời hiện đại, có thể chúng ta phải gởi nó qua đường hàng không, để đến Ấn Độ.

Người bệnh cũng được bắt mạch. Điều này cũng rất tinh vi. Bác sĩ thường bắt mạch trên cổ tay, xa hơn ngón tay cái một chút, bằng cách sử dụng ba ngón tay. Với mỗi ngón tay thì bác sĩ sẽ ấn xuống với một lực khác nhau. Ngón trỏ chỉ bắt mạch trên bề mặt. Ngón giữa ấn xuống một chút nữa, rồi ngón áp út sẽ ấn xuống càng sâu càng tốt. Mỗi ngón tay sẽ lăn nhẹ từ bên này sang bên kia. Điều này được thực hiện trên cả hai cổ tay. Dựa vào cách này thì mỗi bên của ngón tay sẽ chẩn đoán một bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Nhịp mạch được đo bằng cách so sánh nó với hơi thở của bác sĩ. Vì không có đồng hồ đeo tay vào thời Tây Tạng cổ xưa, nên họ sẽ đếm số nhịp của mạch, cho là trong mười hơi thở của mình. Ngoài ra, khi ấn tay xuống thì họ sẽ xem điều gì xảy ra với mạch. Liệu nó có biến mất hay không? Nó có đập trở lại một cách mạnh mẽ không? Người ta sẽ nhìn vào cách mà mạch di chuyển trong động mạch, bằng cách cảm nhận cách nó chảy qua ba ngón tay. “Hình dạng” của mạch được ghi nhận. Nó có lăn không? Liệu nó có nhảy theo cao điểm sắc nét không? Nó có lượn từ bên này sang bên kia không? Có nhiều khả năng. Rõ ràng là điều này đòi hỏi bác sĩ có ngón tay rất nhạy cảm. Trong khi có những cách bắt mạch trong hệ thống Ayurveda Ấn Độ, bắt nguồn từ Ấn Độ giáo, cũng như trong y học Trung Quốc, nhưng nó được thực hiện theo một cách khác nhau trong mỗi hệ thống. Việc khám nước tiểu dường như là điểm đặc thù trong hệ thống Tây Tạng.

Tiến sĩ Alexander Berzin 

Chuyên Việt ngữ: Lozang Ngodrub. 

Hiệu đính: Vũ Thư Ngân.