CHIA SẺ

Đức Phật Dược Sư 2

Học cách sống trong khoảnh khắc hiện tại là một thiện xảo vĩ đại và mạnh mẽ giúp chúng ta trong mọi việc chúng ta làm. “Hiện hữu ở đây và bây giờ”, buông xả trong bất cứ việc gì ta làm chính là sống và khỏe mạnh. Trong đạo Phật, tỉnh giác nhận biết cái đang xảy ra ngay lúc này, gọi là chánh niệm tỉnh thức.

Trong đời sống hàng ngày, tỉnh thức là một tâm cảnh giác nhận biết mọi khía cạnh đang diễn tiến, cái gì cần làm mà không bị phân tán. Trong thiền định, tâm tỉnh thức là trao trọn vẹn chính chúng ta cho hơi thở của mình, hay cho bất cứ bài tập nào.

Tỉnh thức là chú tâm trọn vẹn vào hiện tại, không lo nghĩ về quá khứ hay tương lai. Thường thì, chúng ta mượn phiền não từ tương lai bằng cách suy nghĩ liên tục về những gì ngày mai sẽ xảy đến với chúng ta, thay vì ứng xử với một ngày trọn vẹn

Trong đạo Phật sự nhấn mạnh là ở vào khoảnh khắc hiện tiền này. Chúng ta có thể hướng dẫn tâm thức chúng ta sống trong hiện tại. Để làm điều này, chúng ta cần xây dựng vững chắc một thói quen chú tâm hoàn toàn vào những gì ta đang làm bây giờ. Với mỗi công việc, chúng ta phải quyết định một cách có ý thức không để cho những ý tưởng, cảm nghĩ, và hoạt động khác xen vào, và đặt chúng ta vào cái mà ta đang làm.

Trở nên tỉnh thức không có nghĩa là trở nên căng thẳng xúc động hay khuấy động vô số ý niệm để nhìn ngắm cái chúng ta nghĩ hoặc làm. Trái lại, tâm được buông xả và bình lặng, và do đó tâm thức nhận biết sắc bén mỗi một sự kiện như nó là, không có sự vật lộn của xúc cảm và ý niệm. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy tâm trí mình đi rông, phải nhẹ nhàng và vững chắc đem tâm về hiện tại, về cái chúng ta đang làm. Phần lớn chúng ta, nhất là trong lúc bắt đầu, cần lập đi lập lại điều này. Như Ngài Shantideva đã nói:

Khảo sát trở đi trở lại

Mỗi khía cạnh những hoạt động thân và tâm,

Tóm lại, đó thực sự là cách tỉnh thức quan sát.

Dù chúng ta đã được dạy về thiền định hay tu tâm, chúng ta cũng cần chánh niệm và tỉnh giác, nếu không tâm chạy rông như thú hoang, không thể giữ sự chú tâm hay an nghỉ thậm chí trong vài phút. Lúc ấy chúng ta sẽ được gì từ việc chỉ có thể xác tham gia thiền định? Sự tỉnh giác là sự sống nên Ngài Shantideva yêu cầu:

Tôi chắp tay cầu xin

Những ai muốn bảo hộ tâm mình

Hãy giữ gìn chánh niệm và tỉnh giác

Thậm chí bằng cả cái giá của cuộc sống mình.

Quả của sự tỉnh thức là sự bảo vệ, nó giúp đỡ ta trong mọi rối loạn và khó khăn. Theo Ngài Shantideva:

Như vậy, tôi phải nắm giữ và bảo vệ

Tâm tôi một cách thích hợp

Không có kỷ luật bảo vệ tâm tôi

Vậy còn ích gì các giới luật khác?

Nếu tôi ở giữa một đám đông rối loạn không kiểm soát

Tôi phải cảnh giác và cẩn thận để khỏi bị đụng vào những vết thương của tôi.

Tương tự, trong lúc tôi sống giữa những người không giới luật

Tôi phải bảo vệ tâm mình khỏi bị đụng vào những vết thương của nó.

Với sự chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta học nhẫn nhục hay hành động khi hoàn cảnh đòi hỏi. Nhẫn nhục trở thành năng lượng chuyển hóa. Ngài Shantideva nói:

Khi bạn muốn cử động hay nói

Trước tiên khảo sát tâm mình

Sau đó, với sự an vững, hãy hành động theo cách thích đáng.

Khi cảm thấy tham dục, sân hận trong tâm

Không nên nói hay làm, mà hãy ở yên như một khúc củi.

Sự thực hành tỉnh giác không nên thành ra căng thẳng. Nếu có, chỉ là dấu hiệu ta quá cố gắng, rằng chúng ta đang bám chấp vào chính sự tỉnh thức, ta cần buông xả một ít và ít tự ý thức lại. Thượng Tọa Rahula viết:

Chánh niệm hay tỉnh giác không có nghĩa rằng bạn cần nghĩ hay ý thức “Tôi đang làm cái này” hay “Tôi đang làm cái kia.” Không. Chính là ngược lại. Phút giây bạn nghĩ “Tôi đang làm cái này”, bạn trở thành ý thức của tự ngã, và rồi bạn không sống trong hành động mà bạn sống trong ý niệm “Tôi là” và kết quả là công việc của bạn bị ung thối. Bạn phải hoàn toàn quên chính bạn và mất chính bạn trong cái bạn làm.

Bằng cách ở trong một cách thế buông lỏng và trống không, chúng ta sống trong dòng tự nhiên của chánh niệm và tỉnh giác. Tâm ta trở thành vững vàng hơn, thay vì bị đứt đoạn liên tục thành những tư tưởng phân tán và đuổi bắt điên cuồng quá khứ hay tương lai. Sau một lúc, sự tập trung sẽ được cải thiện và chúng ta thấy dễ thiền định hơn. Học cách làm thế nào để hưởng thụ và hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tiền sẽ dẫn đến sự rỗng rang và thời gian phi thời gian. Bằng sự tỉnh thức, chúng ta tìm thấy an vui trong chính mình.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.