CHIA SẺ

budda

Hai câu kệ từ kinh Pháp Cú được nói đến ở đây có tính cách phổ quát thích hợp cho tất cả, và có thể giúp phát sinh các trí tuệ đáng kể. Trước hết là câu kệ:

Dễ thay thấy lỗi người
Lỗi mình mới khó thấy
Lỗi người ta phanh tìm
Như sàng trấu trong gạo
Còn lỗi mình che đậy
Như kẻ gian dấu bài.”

Ở đây, khuynh hướng che dấu lỗi lầm của chúng ta cũng giống như một thủ đoạn lừa đảo, vì chính thật là ta không thành thật với bản thân. Tuy nhiên, chấp nhận con người thật của mình rất khó, nhất là khi nói về lỗi lầm của mình, vì sự đánh giá bản thân của ta luôn sai lạc – hoặc là quá cao hay quá thấp. Phương cách tốt nhất để có được một cái nhìn rõ ràng và thực tế về bản thân là tự soi xét mình với chánh niệm.

Thấy lỗi của người thật không khó vì chúng thường làm ta khó chịu, và trong trạng thái tâm tiêu cực này ta cho rằng những gì ta nghĩ là đúng và ta có quyền phán đoán người. Đó là lý do khiến chúng ta phê bình hấp tấp, rồi quên rằng những suy nghĩ của mình chỉ dựa trên ý kiến riêng của chính mình, nên không thể nào hoàn toàn khách quan. Ở một mức độ nào đó, tất cả các quan điểm của chúng ta đều sai lạc, vì chúng khởi nguồn từ ảo tưởng về bản ngã của ta: ‘Tôi có, tôi muốn, tôi sẽ, tôi tin rằng, tôi biết, tôi nghĩ.’ Những quan điểm của chúng ta có thể đúng một cách tương đối, nhưng chân lý tương đối không bao giờ đủ để khiến ta hoàn toàn thỏa mãn, vì cuối cùng thì nó cũng chỉ thể hiện sự thật của một bản ngã đối chọi với một bản ngã khác. Một người tin thế này, người khác tin thế kia; người làm cách này, người khác làm cách hoàn toàn ngược lại. Chân lý xây dựng từ ý niệm của một bản ngã không thể nào là chân lý tuyệt đối và hoàn toàn. Nhiều lắm, nó chỉ thể hiện sự lựa chọn của cá nhân. Chân lý tương đối không thể nào hơn thế được.

Nhìn từ quan niệm chân lý tuyệt đối thì hoàn toàn khác. Từ góc nhìn này, chúng ta bắt đầu ý thức được rằng lỗi của người mà ta quan tâm đến cũng cần được nhìn thấy nơi ta. Lỗi của người là phản ảnh của lỗi nơi ta, nếu không ta đã không thể nhận biết chúng. Khi thấy ai giận dữ hay khoe khoang, chúng ta nhận ra những khuyết điểm này từ kinh nghiệm của bản thân. Chúng ta biết những cảm xúc này từ đâu đến và tác động của chúng như thế nào. Tương tự, người ta nói chỉ có Phật mới nhận ra Phật, vì chỉ có Đấng Giác Ngộ mới biết được sự giác ngộ.

Ni sư Ayya Khema
Việt dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú; Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường; Diệu Liên Lý Thu Linh.
Trích: Hãy đến để Thấy, Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc; NXB: Thời Đại 2010