CHIA SẺ

đức phật 63

Sự thấu hiểu về vô thường giúp ta dễ dàng quán chiếu bản thân. Khi đã rõ rằng mọi vật ta đang thấy trước mắt biến mất đi ngay lúc đó, thì việc tránh không tự trách mình sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tất cả mọi vật đến, sẽ đi và không trở lại nữa – và không có gì đến sau đó sẽ giống như cái đến trước, dù chúng có vẻ giống nhau đến đâu. Bằng cách quán sát vô thường như thế, ta có thể bắt đầu sẵn sàng chấp nhận bản thân và tha nhân hơn.

Nhận thức được bản chất thật sự của những gì mà ta chê trách ở người giúp ta có cái nhìn mới mẻ về bản thân. Chúng ta dứt bỏ được những gì làm mình khó chịu không phải bằng cách quay lưng lại với người có các lỗi này, nhưng bằng cách không còn bắt người khác chịu trách nhiệm vì họ không như ý ta muốn.

Trong tiến trình này chúng ta có thể nhận thức được cả vô thường và khổ đau. Ý thức được rằng khổ đau đến từ chính những phản ứng tiêu cực của mình, trong đó có cả sự sợ bị chỉ trích, sẽ giúp ta dễ kiềm chế việc phê bình tha nhân. Chúng ta có thể thấy rõ rằng hầu như mọi người đều biết nỗi bất an do không được ủng hộ, chấp nhận, và rằng sự lệ thuộc nơi người khác thật vô cùng khó chịu.

Làm sao chúng ta biết người khác nhận xét về mình có đúng không? Chúng ta có bao giờ thức tỉnh để biết rằng tất cả đều bị kẹt trong cái bẫy ảo tưởng khiến không thể nào ta có được một quan điểm thật sự khách quan? Ảo tưởng đó là tất cả chúng ta đều là những cá thể riêng biệt và rằng nếu đủ khôn ngoan để sắp xếp mọi thứ đúng cách, ta có thể có những sự dễ chịu riêng.

Tất cả mọi người đều sống với ảo tưởng này, khiến họ khao khát hiện hữu và lo sợ bị hủy diệt. Vậy thì làm thế nào để người khác xác nhận sự hiện hữu của chúng ta? Mọi sự sợ hãi phản ảnh nỗi sợ hãi bị hủy diệt. Sự sợ hãi không chỉ giới hạn trong sự sợ cho sự hiện hữu của thân xác, mà bao gồm cả sự hiện hữu của cảm xúc, sự xác định của bản ngã. Nhưng nếu ý thức được sự sợ hãi này, chúng ta cũng có thể phát triển một sự cảm thông sâu sắc đối với tha nhân, vì tất cả nhân loại đều khát khao sinh tồn khiến phát sinh nỗi khổ đau lớn lao nhất.

Ni sư Ayya Khema
Việt dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú; Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường; Diệu Liên Lý Thu Linh
Trích: Hãy đến để Thấy, Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc; NXB: Thời Đại 2010