CHIA SẺ

File 96

Nỗi sợ hãi với gốc rễ đã ăn sâu này làm cho con người không thể hoàn toàn được mãn nguyện, và một khi đã hiểu được sự tương quan này, chúng ta sẽ không còn đi tìm sự mãn nguyện một cách sai lầm nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ cố gắng chuyển hóa những khó khăn của kiếp con người do ngã tưởng gây ra. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải nhận diện được nỗi lo sợ của việc tự soi xét một cách chân thực, cùng với nỗi lo sợ bị người khác chê trách, và ý muốn chỉ trích lại, tất cả là do sự thúc đẩy của nhu cầu muốn tâng bốc tự ngã. Khi kết tội người khác, ta cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu chấp nhận rằng tất cả chúng ta ai cũng có khiếm khuyết, thì ta tiến gần đến sự thật hơn.

Nhận thức này đưa ta tiến xa hơn đến sự hiểu biết về những thiếu sót cơ bản của sự hiện hữu ở cõi nhân sinh hữu lậu này. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được sự khiếm khuyết này thì ta mới cảm thấy thôi thúc phải vượt lên trên cõi này – dĩ nhiên không nói về thể chất, nhưng trong ý nghĩa để buông bỏ được ngã tưởng. Những khó khăn chúng ta đã vượt qua sẽ không còn quấy nhiễu ta nữa, và chúng ta sẽ đạt được tri kiến về những vấn đề khác đang còn gây khó khăn cho ta. Chúng ta sẽ có thể thấy là mình chưa chuyển đổi được các vấn đề khi chúng vẫn còn phiền nhiễu ta. Chẳng hạn như, khi đọc những tin tức không hay và ngay lập tức cảm thấy lòng ta đầy bực tức, ta có thể tự biết rằng mình chưa bỏ hết được những tham lam, sân hận của mình. Thế giới vẫn còn đầy bao biến động, nhưng bực bội, kết tội chỉ cho thấy là sân hận vẫn còn đầy trong ta.

Chúng ta sinh ra với sáu gốc rễ – ba rễ tốt và ba rễ xấu – thế nên việc lên án bản thân hay tha nhân thật là vô ích. Vấn đề là nhận thức được bản chất của những gốc rễ này, và tự nguyện hỗ trợ cho những rễ tốt phát triển, đồng thời làm giảm bớt các rễ xấu.

Dĩ nhiên, các gốc rễ xấu là tham, sân, và si (vô minh trong ý nghĩa về ngã tưởng). Những đối nghịch của chúng cũng rất quen thuộc với chúng ta. Nếu chúng ta có thể thấy ba gốc rễ thiện – bố thí, tình yêu thương vô điều kiện, và trí tuệ – nơi tha nhân, thì ta có thể kết luận rằng chúng cũng có mặt trong ta. Thực ra, chúng ta biết rất rõ ràng phải thực hành khi nào, ở đâu và như thế nào. Ngôn từ và giới luật, tự chúng, không bao giờ đủ cả, nhưng ta đã có đủ trí tuệ trong ta để cảm nhận được sự thật khi nghe đến nó, và biết có thể tìm được nó ở đâu.

Ni sư Ayya Khema
Việt dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú; Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường; Diệu Liên Lý Thu Linh
Trích: Hãy đến để Thấy, Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc; NXB: Thời Đại 2010