CHIA SẺ

đức Phật

Sự phụ thuộc lẫn nhau [hỗ tương] là luật nhân quả nhìn từ một viễn cảnh khác. Do không có gì tồn tại mà không có nguyên nhân và tất cả các nguyên nhân đều có nhiều kết quả, nên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những hiện tượng khác nhau là một kết quả hoàn toàn logic. Ở đây, nó có nghĩa là tập trung sự phụ thuộc của chúng ta vào những người khác. Tất cả các hành động đều tác động lên những người khác. Những phản ứng của họ đối với hành động của tôi đều có hậu quả đối với tôi, và cứ thế tiếp diễn không có tận cùng.

Công ty là một ví dụ điển hình về tổ chức phụ thuộc. Nó phụ thuộc vào khách hàng, vào chính sách của chính phủ và sự phát triển chính trị, vào nhân viên, cổ đông và nhà phân phối – những hành động và phản ứng trong một chuỗi vô hạn.

Lưới trời Đế Thích là một hình ảnh đẹp cho sự phụ thuộc lẫn nhau. Đế Thích có một tấm lưới hình cầu. Tại mỗi mắt lưới có một viên ngọc. Khi một viên ngọc phát ra ánh sáng, nó phản chiếu vào tất cả các viên ngọc còn lại. Các viên ngọc này lại phản chiếu ngược trở lại viên ngọc chiếu sáng ban đầu và chu trình này cứ thế tiếp diễn. Hãy tưởng tượng bạn là một trong những viên ngọc. Bạn cùng những người khác và toàn thể tấm lưới là những gì đang liên tục thay đổi trong một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo nhận ra mình phụ thuộc vào những người khác, nhưng thường không nhận thức đầy đủ rằng họ phụ thuộc như thế nào vào phản ứng của những người khác, vốn nằm ngoài sự kiểm soát của họ, ví dụ như khách hàng và các phương tiện truyền thông. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của những phản ứng hỗ tương đó đối với danh tiếng của họ: Một sai lầm nghiêm trọng xảy ra có thể khiến họ phải mất hàng chục năm trời mới xây dựng lại được danh tiếng đã bị làm ô uế.

Đức Dalai Lama 14 và Laurens Van Den Muyzenberg
Việt dịch: Trịnh Đức Vinh
Trích: Lãnh Đạo Tỉnh Thức, NXB: Văn hóa dân tộc