CHIA SẺ

gravering-van-een-boeddha

Hãy tưởng tượng một nhà quản lý cấp cao khám phá ra một người đồng cấp trong một công ty khác, nhỏ và kém thành công hơn, lại nhận được mức thu nhập cao hơn anh ta. Phản ứng tự nhiên của anh ta là sự trả lương này không công bằng. (Sẽ thật phi lý nếu như anh ta lại tự hào với việc nhận được thu nhập ít hơn so với một người kém thành công hơn mình). Quá trình tư duy của anh ta sẽ dẫn đến câu hỏi: “Tôi nên làm gì, nếu có thể?” Một số người không nhận thức được các khái niệm về Quan điểm đúng và Hành động đúng dường như sẽ trao đổi với ban giám đốc và nói rằng anh ta được trả lương thấp, đề nghị phân tích tình hình và xác định một mức bù đắp hợp lý cho anh ta. Anh ta không xem xét tới bất kỳ hậu quả tiềm tàng nào mà hành động đó của anh ta có thể gây ra cho những người khác. Trong khi đó, một nhà lãnh đạo kinh doanh, người có nhận thức về Quan điểm đúng và Hành động đúng – người có một tâm thức được huấn luyện, như được bàn luận ở các chương 2 và 3 – sẽ suy nghĩ khác. Anh ta hỏi: “Có phải tâm tôi đang bị ảnh hưởng bởi lòng tham? Tôi có đang bắt đầu đi trên con đường vị kỷ – tự coi mình là trung tâm?” Anh ta có thể dừng lại ngay lập tức quá trình này, hay có thể tiếp tục với sự thận trọng tối đa. Anh ta có thể phản ứng với sự thật là anh ta kiếm được nhiều hơn nhiều so với mức cần thiết để có một cuộc sống thoải mái. Như một phần của sự phản ứng này, một tư tưởng có thể thâm nhập vào tâm trí anh ta rằng nhiều nhà kinh doanh ở những vị trí tương tự có thể đang trượt tuyết ở Aspen [họ đang đi nghỉ thoải mái trong khi anh phải làm việc vất vả ở đây]. Anh ta ngay lập tức nhận ra đó là sự bắt đầu của một quá trình tư duy bị gặm nhấm bởi lòng ghen tị. Sau đó, anh ta hỏi chính bản thân mình: “Phản ứng của mình sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của công ty như thế nào?” Đây là một ví dụ điển hình của việc có chánh niệm [nhận thức] về tư tưởng và cảm xúc tiêu cực. Anh ta nhớ rằng công ty đang trong thời kỳ giãn việc. Liệu có hợp lý không khi mình đòi thêm tiền lương? Điều đó có hợp đạo đức không? Kiểu câu hỏi về hậu quả của hành động của mình đối với những người khác này sẽ tiếp tục cho đến khi anh ta có được quyết định của mình. Cuối cùng, quyết định của anh ta là có nêu ra với sếp về vấn đề trả lương thiếu công bằng hay không; nhưng dù gì, con người với tâm thức được huấn luyện luôn phân tích hậu quả hành động của mình và nhận thức rằng anh ta nên xem xét cẩn thận các động cơ và cảm xúc vị kỷ, ví dụ như ghen tị.

Tất nhiên, các quyết định trở nên phức tạp khi chúng ta nâng tầm ví dụ từ cá nhân một nhà quản lý lên mức độ của một tập đoàn. Khi các tập đoàn ra quyết định, hậu quả phải được nhìn thấy trước vì nhiều lý do: rủi ro tài chính, danh tiếng của công ty để xem xét liệu đó có phải là hành động tốt nhất đối với phần lớn nhân viên và tất cả các bên liên quan đến công ty hay không.

Đức Dalai Lama 14 và Laurens Van Den Muyzenberg
Việt dịch: Trịnh Đức Vinh
Trích: Lãnh Đạo Tỉnh Thức, NXB: Văn hóa dân tộc