CHIA SẺ

Shutterstock_1192089994-scaled

Có ý định đúng đắn là phần đầu tiên trong khái niệm Chánh kiến của đạo Phật. Phần thứ hai là nhận thức ba khía cạnh của thực tại: không có thứ gì tồn tại vĩnh cửu, tất cả mọi thứ đều thay đổi [vô thường]; không có gì tồn tại độc lập, tự chủ [vô ngã]; không có gì tồn tại mà không có nguyên nhân [Nhân quả hay Duyên khởi]. Bạn có thể nghĩ rằng những điều đó là quá rõ ràng, nhưng con người ta thường quên xem xét đến chúng khi đưa ra quyết định. Nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau và liên tục thay đổi của mọi sự vật hiện tượng cũng là điều cơ bản trong hệ thống tư duy phương Tây. Nhiều đóng góp vĩ đại được tạo nên bởi các viện sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, ví dụ như Peter Senge với Học tập của tổ chức (Organizational Learning), Jay Forrester với sự năng động hệ thống (systems dynamics), và Marvin Minsky với lý thuyết Xã hội về Tâm thức của nhận thức con người (Society of Mind). Viện Santa Fe ở New Mexico, với nhiều người đoạt giải Nobel như Murray Gell-Mann và Kenneth Arrow, tiếp tục phát triển kiến thức về cách thức mà các hệ thống phức tạp như nền kinh tế hay thậm chí xã hội thực hiện các chức năng [của mình]. Tất cả họ đều đi theo cùng một con đường: Kết quả là gì, nguyên nhân và kết quả tác động tới nhau như thế nào? Chúng ta sử dụng từ “chỉnh thể” (holistic) với một nghĩa tương tự như suy nghĩ hệ thống (systems thinking).

Để suy nghĩ đúng đắn, tâm bạn cần bình tĩnh, tự chủ và tập trung. Nếu như tâm bạn bị ảnh hưởng bởi giận dữ, ghen tị, sợ hãi, thiếu tự tin thì bạn sẽ trở nên bối rối và kém hiệu quả; bạn sẽ không thể nhìn thấy sự thực; và tâm bạn không còn bình tĩnh, tự chủ và tập trung được nữa. Bạn phải phát triển khả năng tỉnh thức [chánh niệm]. Tỉnh thức nghĩa là bạn có thể nhìn thấy khi nào một cảm xúc tiêu cực bắt đầu ảnh hưởng đến tâm bạn. Bạn cũng phải phát triển khả năng dừng những cảm xúc tiêu cực này khi chúng đang kiểm soát tâm bạn. Bạn đạt và duy trì được sự kiểm soát đối với trạng thái tâm của bạn để đưa ra các quyết định phù hợp với Quan điểm đúng [Chánh kiến]. Trong những chương tiếp sau, chúng tôi sẽ giải thích cách huấn luyện tâm bạn theo phương pháp này.

Đức Dalai Lama 14 và Laurens Van Den Muyzenberg
Việt dịch: Trịnh Đức Vinh
Trích: Lãnh Đạo Tỉnh Thức, NXB: Văn hóa dân tộc