CHIA SẺ

gravering-van-een-boeddha

Một trong những người thầy đầu tiên của tôi về khoa học – và là một trong những người bạn khoa học thân cận nhất – là nhà vật lý và triết học người Đức Carl von Weizsäcker một người anh của tổng thống Tây Đức. Mặc dù ông ta tự mô tả mình như là một giáo sư hoạt động triết lý chính trị, vốn được đào tạo trong ngành vật lý, thì trong thập niên 30 von Weizsäcker đã làm phụ tá cho nhà vật lý lượng tửWerner Heisenberg. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên thí dụ truyền cảm và gợi hứng của Weizsäcker như là một người lúc nào cũng lo lắng về các hậu quả của khoa học – đặc biệt là các hậu quả về đạo đức và chính trị. Ông ta theo đuổi một cách không mệt mỏi để ứng dụng sự nghiêm ngặt của truy cứu triết học lên hành vi của khoa học, để thử thách nó một cách liên tục.

Ngoài các cuộc thảo luận không chính thức dài, tôi còn may mắn nhận được một số buổi học chính thứctừ von Weizsäcker về các đề tài khoa học. Những điều này tạo nên một kiểu cách không khác chi những buổi chuyển giao tri thức một (thầy) – một (trò), tức là một dạng quen thuộc của việc giảng dạy trong truyền thống Phật giáo của riêng chúng tôi. Có vài dịp, chúng tôi đã có thể xếp riêng hai ngày tròn cho một lần nhập thất khi mà ngài von Weizsäcker hướng dẫn tôi một khoá học cấp tốc về vật lý lượng tử và các hệ lụy triết học của nó. Tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc về lòng tốt – ông dành cho tôi nhiều thì giờ quý báu cũng như sự kiên nhẫn bền bỉ của mình, đặc biệt là khi tôi tự thấy chật vật với một khái niệm khó hiểu nào đó, mà tôi phải thú nhận là cũng không ít tình huống như thế.

Von Weizsäcker thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương thực nghiệm trong khoa học. Ông ta nói, sự kiện có thể được nhận thức theo hai cách – nó có thể được xảy ra như một hiện tượng hay nó có thể được suy luận ra. Chẳng hạn, một đốm nâu trên một trái táo có thể thấy bằng mắt; đó là xảy ra một cách hiện tượng. Nhưng việc có một con sâu bên trong trái táo là sự kiện mà ta có thể suy luận từ cái đốm và từ hiểu biết tổng quát về các trái táo và các con sâu.

Trong triết học Phật giáo, có một nguyên lý cho rằng các giá trị cho bởi một đề xuất đặc biệt được kiểm nghiệm phải nên phù hợp với bản chất của chủ thể được phân tích. Chẳng hạn, nếu một đề xuất có liên hệ tới các dữ kiện thật có thể quan sát được trong thế giới, bao gồm cả sự tồn tại của chính nó thì qua kinh nghiệm thực nghiệm, đề xuất đó có thể được xác nhận hay bị bác bỏ. Do đó, Phật giáo đặt phương pháp thực nghiệm của việc trực tiếp quan sát lên trên hết. Ngược lại, nếu đề xuất đó quan hệ đến sự tổng quát hoá dẫn xuất từ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới (thí dụ như bản chất ngắn ngủi của cuộc sống hay mối quan hệ tương hỗ của thực tại), thì bởi do nó chủ yếu là một hình thức của suy luận, nên đề xuất có thể được chấp nhận hay bác bỏ. Cho nên, Phật giáo chấp nhận phương pháp suy luận – giống nhiều với mô hình được trình bày bởi von Weizsäcker.

Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Tuệ Uyển
Nguồn: Điểm giống nhau giữa Phật giáo và Khoa học là sử dụng phương pháp suy luận để tìm hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng