CHIA SẺ

891193

Để chữa trị các vấn đề, đầu tiên chúng ta phải biết làm gì, sau đó chúng ta cần phải đem kiến thức áp dụng vào thực hành. Chỉ thực hành mà không có kiến thức thì chưa đủ. Nhưng một khi chúng ta biết rằng phải làm gì rồi thì kiến thức suông cũng không thể đủ được. Ngài Tịch Thiên đã viết:

Phải đưa lý thuyết vào thực hành (cả thể chất lẫn tinh thần). Nói suông thì có được gì? Nếu chỉ đọc toa thuốc, Người bệnh sao lành được?

Chúng ta phải rèn luyện bản thân trong thiền định chữa lành. Trước tiên, chúng ta cần phải quyết định xem phương pháp nào là tốt nhất cho bản thân. Mặc dù có vô số pháp thiền nhưng có thể được phân thành hai loại chính.

  1. Thiền Chỉ: là phương pháp thiền trong đó chúng ta nghĩ tưởng liên tục về một đối tượng tinh thần hoặc vật chất để tập cho tâm mình đi vào chu trình chữa lành của suy nghĩ và cảm giác tích cực.
  2. Thiền Quán: là phương pháp trong đó chúng ta bắt đầu bằng việc chú tâm lên một đối tượng cụ thể, nhưng sau đó chúng ta hợp nhất sự nhận biết với cảm nghiệm thiền định. Chúng ta không quan tâm nhiều đến tính tích cực hay tiêu cực mà đơn giản là ở trong trạng thái tỉnh thức, không phán xét và tỉnh thức với tất cả những gì chúng ta đang trải qua.

Thiền dựa trên cơ thể trong cuốn sách này chủ yếu dựa vào lối Thiền Chỉ và tập trung vào mặt tích cực. Tuy nhiên, tất cả chúng ta nên ít nhất bớt chút thời gian vào cuối mỗi giai đoạn của thiền chữa lành cho Thiền Quán. Chúng ta đem tỉnh thức “hòa với” những xúc cảm khởi lên trong khi tập.

Đối với hầu hết chúng ta, việc nhấn mạnh vào những đối tượng tinh thần tích cực là phương pháp hiệu quả nhất trên con đường chữa lành. Dần dần, chúng ta càng thực hành thì bánh xe của những thói quen tinh thần sẽ trở nên tích cực hơn và cách nhìn đời của chúng ta cũng được cải thiện.

Một nền tảng vững chắc trong Thiền Chỉ cuối cùng có thể đưa chúng ta chuyển sang Thiền Quán nên chúng ta không còn cần dựa vào quá nhiều hình ảnh tích cực nữa.

Tuy nhiên, cuốn sách này tập trung vào phương pháp quán tưởng tích cực.

Cuối cùng, những vũ khí mạnh nhất trong kho vũ khí của chúng ta là bốn sức mạnh: nghe, thấy, cảm giác và tin tưởng.

Bốn sức mạnh chữa lành của tâm

Bốn sức mạnh chữa lành là các hình ảnh, từ ngữ, cảm xúc và niềm tin tích cực. Đưa những đặc tính của tâm này vào thiền định giúp gia tăng sức mạnh chữa lành những phiền não về tinh thần, tình cảm và thể chất của chúng ta.

Hình ảnh tích cực

Khi chúng ta hình dung đến những đối tượng tích cực, việc thực hành trí tưởng tượng sẽ thấm vào tâm. Nếu chúng ta có thể duy trì những hình ảnh này trong tâm qua một khoảng thời gian thì việc chữa lành sẽ trở nên gần hơn và hiệu quả hơn. Tâm có xu hướng đi lang thang, đặc biệt nếu chúng ta là người mới tập thiền. Nếu chúng ta thực tập chú tâm vào hình ảnh lâu một cách thoải mái thì định lực sẽ tăng trưởng.

Tuy quán tưởng là cốt tủy của thiền Tây Tạng nhưng nhiều người phương Tây mới đầu thấy rất lạ lẫm. Hình thành những hình ảnh tinh thần là một việc thông thường, ngay cả khi chúng ta không sử dụng việc đó trong thiền định. Trừ một số ngoại lệ, còn đâu chúng ta đều thường quán tưởng trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết thời gian, tâm chúng ta đều bận rộn với những hình ảnh trung tính hoặc tiêu cực. Nếu chúng ta phát triển thói quen nhìn những hình ảnh tích cực thì tính tích cực của tâm sẽ bắt đầu ló rạng và chúng ta có cơ hội để niềm hỷ lạc nảy nở.

Một trong những phương pháp thực hành của Phật giáo Tây Tạng là quán tưởng những hình ảnh tích cực bất cứ khi nào có cơ hội trong ngày, trừ khi chúng ta đang làm việc. Chúng ta có thể mang thiền định, những hình ảnh thiền quán và những xúc cảm liên quan vào cuộc sống của mình – trong giờ giải lao ở công sở chẳng hạn. Điều này khuyến khích việc giữ được những cảm xúc tích cực.

Vì chúng ta thường sử dụng thị giác là chính nên chủ yếu là tập trung vào những hình ảnh tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng âm thanh, mùi, vị và xúc chạm để làm phương tiện chữa lành nếu chúng phù hợp hơn. Một vài người có thính giác nhạy hơn, họ có thể nhấn mạnh vào việc tụng kinh hay kết hợp nhạc trong khi cầu nguyện và thiền định.

Từ ngữ tích cực

Từ ngữ có thể có sức mạnh rất lớn cả tốt lẫn xấu. Là những người có tư duy, chúng ta liên tục có những cuộc đối thoại trong tâm. Chúng ta gán danh xưng cho chúng. Đó là cách để chúng ta nhận biết và xác nhận đặc tính của một thứ gì đó.

Thiền định về hình ảnh sẽ mạnh hơn khi chúng ta thấy hình ảnh đó là tích cực và thậm chí tự bình luận tính tích cực của nó. Thí dụ như khi chúng ta đang quán tưởng một bông hoa, có thể chúng ta nghĩ về những nét đẹp của nó “Bông hoa đẹp đẽ này đang nở” hoặc “màu của nó thật tuyệt diệu, cả bầu không khí đều sáng ngời vì sự rực rỡ của nó”; hoặc “Giọt sương nhỏ trên cánh hoa tươi tràn đầy sức sống”; hoặc cũng có thể là “Nó thật tinh khiết như được làm từ ánh sáng cầu vồng vậy”; hoặc “Tôi ước mọi người đều có thể thưởng thức bữa tiệc cho đôi mắt”.

Đôi khi chỉ cần nhận thức những đặc tính tốt là đủ chứ không cần gọi tên. Nhưng danh xưng có thể giúp ta mở rộng tâm đến một hình ảnh, chẳng hạn như đơn giản nói với mình rằng “Nó đẹp quá” hoặc “Nó màu đỏ”. Vấn đề là xác nhận trong tâm trí sức mạnh của sự tích cực. Bằng cách này, chúng ta bắt đầu chuyển hóa thái độ tiêu cực mà mình dựng lên. Chúng ta có thể chọn nhận thức tích cực hay tiêu cực. Nhận biết sự tích cực có thể là một đồng minh lớn trong việc chuyển biến tâm trong thiền định lẫn cuộc sống hàng ngày.

Ngoài những hình ảnh tích cực, chúng ta có thể kết hợp cả âm thanh và mùi hương tích cực hoặc sử dụng cử chỉ hay cảm giác xúc chạm. Bằng việc nhận biết những đặc tính tích cực của bất kỳ phương tiện nào nói trên, chúng ta có thể tăng cường sức mạnh cho chúng.

Cảm xúc tích cực

Tâm không chỉ nghĩ mà còn nhận biết; nó biết cảm giác. Nếu chúng ta giác ngộ những đặc tính tốt của một đối tượng thông qua cảm xúc thì sự chữa lành của tâm và cơ thể sẽ mạnh hơn.

Lấy thí dụ trong thiền định, nếu chúng ta tưởng tượng một bông hoa đẹp, chúng ta có thể nghĩ “Bông hoa đẹp quá!” nhưng sau đó một ấn tượng tốt đẹp có thể ẩn đằng sau thứ có thể. Thay vào đó, chúng ta có thể hướng tâm đến bông hoa ở mức độ cảm giác – cảm thấy vẻ đẹp lôi cuốn, sự tươi mát của giọt nước nhỏ xuống, sự trong sáng của màu sắc giống như ánh sáng thuần khiết vậy. Chúng ta có thể cảm thấy những tố chất của bông hoa trong trái tim và cơ thể mình, ca ngợi bông hoa thay vì chỉ nghĩ về nó một cách lý trí.

Chúng ta có thể áp dụng phương pháp cởi mở tương tự để thưởng thức vẻ đẹp xung quanh mỗi ngày. Mở rộng đón nhận những cảm xúc trong thiền định có thể mang lại niềm say mê và thích thú đối với tất cả mọi việc chúng ta làm.

Nói chung, chúng ta cần phải cảm nhận những xúc cảm của mình; làm như vậy là tốt cho sức khỏe. Nhưng có những lúc có lẽ chúng ta muốn hoặc cần bảo vệ mình khỏi những cảm xúc có hại do những tình huống hay hình ảnh tiêu cực tạo ra. Để làm được điều này, chúng ta nên cố gắng đối phó với tiêu cực bằng tư duy và trí tuệ hơn là bị cảm xúc lấn át vào giây phút đó. Chúng ta không nhất thiết cần phải để cho những nhận thức tiêu cực hướng sâu vào tim mình về mặt cảm giác.

Trong thiền định cũng như cuộc sống, chúng ta có thể mang sự nhận biết cảm xúc vào những nét tích cực khi ta cảm nhận thông qua các giác quan: thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Chúng ta cảm nhận được sự rộng lớn của bầu trời, sức mạnh mát mẻ của gió, sự ấm áp dễ chịu của mặt trời, v.v…

Niềm tin tích cực

Nếu chúng ta không tin vào sức mạnh của thiền định chữa lành, sức mạnh và năng lượng của nó sẽ bị suy giảm. Niềm tin mang lại cho thiền định một nền tảng vững vàng; nó gắn với tâm trí một cách hiệu quả và tuyệt đối.

Đây không phải niềm tin mù quáng mà là niềm tin dựa trên hiểu biết do năng lực chữa lành hoàn toàn của tâm mang lại nhờ sự trợ giúp của hình ảnh, ngôn từ và cảm xúc. Chúng ta cần tin rằng mình thực sự có thể cải thiện đời sống bằng cách này. Ngay cả khi thiền định giúp chúng ta tiến lên một bước thì ta cũng có thể bị rơi lùi lại nếu luôn nuôi dưỡng hoài nghi trong tâm mình.

Những người trí thức và thực dụng như chúng ta có lẽ thấy khó tin tưởng vào bất kỳ điều gì. Chúng ta cần nhớ rằng tâm là nguồn chữa lành mạnh mẽ và mục đích của thiền định chữa lành là đánh thức các nguồn lực bên trong chúng ta. Chúng ta cần phải dựa vào sự giúp đỡ của các đối tượng tâm linh và tin vào sức mạnh của tâm.

Nếu chúng ta có xu hướng hoài nghi về tất cả và nói: “Làm sao tôi có thể tin rằng việc này sẽ khiến tôi cảm thấy tốt hơn?”. Nó sẽ trở thành tốt nhất nếu bạn chỉ cần ngừng đánh giá. Thậm chí chỉ trong thời gian thiền, chúng ta cũng nên toàn tâm cảm nhận và tin tưởng. Khối óc của chúng ta có thể xâm nhập bằng cách tranh đấu. Có lẽ chúng ta cần chuyển ngay sang thái độ tin tưởng.

Chúng ta có thể nghĩ rằng bằng cách tin tưởng, ta đang vờ như làm một điều gì đó. Nếu cần, chúng ta nên làm như vậy và vờ như ta tin nhưng hãy làm bằng cả con tim và cảm xúc. Hãy nhớ rằng bằng cách giả vờ, những diễn viên có thể gợi lên những xúc cảm sâu sắc nhưng chỉ khi họ tin vào vai diễn mà mình đang đóng.

Chúng ta có thể tiếp tục nhìn, nghĩ và cảm nhận những đặc tính tích cực của đối tượng thiền định, dần dần sẽ có được lợi ích dù chúng rất đơn giản. Một khi chúng ta có được kết quả, một thái độ tin tưởng sẽ phát triển mạnh trong chúng ta một cách tự nhiên.

Nếu chúng ta thích thiền thì đó là sự khởi đầu của niềm tin. Chúng ta có thể bắt đầu chỉ với ý thích hình dung một hình ảnh cụ thể. Khi quen dần với hình ảnh đó, niềm vui thích sẽ gia tăng. Chúng ta nên chú ý đến mọi cảm giác tích cực; đó là nơi niềm tin bắt đầu.

Bốn sức mạnh chữa lành của tâm là những thành phần thiết yếu để thiền định chữa lành được trọn vẹn, toàn hảo. Nhìn thấy các hình ảnh giúp cho quá trình chữa lành trở nên sống động và tuyệt đối. Nhận biết và chỉ định đặc tính tích cực của hình ảnh giúp thiền định trở nên mạnh mẽ và hiệu quả. Sự cảm nhận giúp cho thiền định sâu và phong phú hơn cũng như giúp chúng ta nhận biết vấn đề của bản thân, kết nối trực tiếp với chúng và chuyển hóa chúng. Tin tưởng là cách củng cố và làm cho thiền định viên mãn, gia tăng gấp đôi sức mạnh của thiền và kết quả nhận được.

Bằng cách áp dụng bốn sức mạnh chữa lành theo một phương thức tích cực, chúng ta có thể giúp bản thân vào lúc này và cũng gặt hái được những lợi ích sau này. Theo Phật giáo, hạt giống của tất cả những trải nghiệm được gieo trồng trong chúng ta tại mảnh đất tiềm thức. Những hạt giống tinh thần hay thể chất của chúng ta vừa tích cực lại vừa tiêu cực, được huân tập trong cái mà Phật giáo gọi là nghiệp.

Nghiệp giống như những hạt giống được gieo trồng trong tâm vô thức của chúng ta, nơi chúng có thể ngủ đông hay ẩn náu. Cuối cùng, nghiệp sẽ trổ hoa tốt hoặc xấu. Nghiệp có thể tồn tại dưới dạng các triệu chứng thể chất, cảm xúc hay ký ức. Thiền định với bốn năng lực chữa lành là một phương thuốc rất hữu hiệu cho vụ thu hoạch những nghiệp báo xấu.

Bốn năng lực chữa lành cũng có thể được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể thấy sự tích cực trong chính mình và mọi thứ xung quanh, củng cố đặc tính này trong tâm bằng cách nhận biết nó, hoan hỷ trong bất kỳ cảm xúc tích cực hay an bình, và tin vào sức mạnh chữa lành của cách nhìn thế giới này. Sự tiếp cận với cuộc đời như vậy có thể cho chúng ta gặt hái một vụ mùa lợi ích lớn.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Nguyên tác: Độ sinh vô biên