CHIA SẺ

hoa senĐể giúp đỡ mọi chúng sanh đang bị giam giữ trong những khổ đau mà họ tin là không thể sửa tránh được, chúng ta hãy mặc áo giáp mềm mại của một lòng bi không chỉ giới hạn vào nhân loại, mà bao trùm toàn bộ hiện hữu, hữu hình hay vô hình.

Đức Gyalwa Karmapa thứ 16

Có một kho tàng mà mọi chúng sanh đều có đặc quyền chia sẻ, tham dự: đó là mang nơi mình tiềm năng của sự toàn thiện, của trạng thái thức tỉnh của tâm thức. Đó là cái mà trong Phật giáo Đại thừa gọi là Phật tánh: tâm thức được phú bẩm tự nhiên mọi phẩm chất hiểu biết, trí huệ, tình thương và lòng bi, và người nào khám phá ra cái ấy (Phật tánh) nơi mình và đến chỗ biểu lộ trọn vẹn cái tiềm năng ấy là “một người đã thức tỉnh” – một trong những nghĩa của chữ Phật –, thức tỉnh khỏi giấc ngủ của vô minh. Mọi phẩm chất này đang hiện diện trong mỗi chúng ta, ở trạng thái tiềm năng trong tâm thức chúng ta, và chính vô minh – sự không hiểu biết, hiểu sai bản tánh chân thật của những sự vật – cùng tất cả sự tích tập những bất tịnh do vô minh gây ra, đã ngăn chặn những phẩm chất ấy biểu lộ trong sự tròn đầy vinh quang và sống động của chúng.

Tuy nhiên, nếu người ta dần dần trừ bỏ những biến thể méo mó này của tri giác và của những tình cảm, người ta sẽ nhận ra rằng mọi chúng sanh và mọi sự vật của thế giới này, gồm cả và bắt đầu bởi cái tôi, không phải là những thực thể độc lập, mà là những hiện tượng chỉ hiện hữu liên lập, tương thuộc. Trong những điều kiện như thế, rõ ràng rằng làm điều xấu hay điều tốt cho một người nào, trở lại là tự làm cho chính mình. Một khi người ta đã hiểu rằng mọi người đang sở hữu cùng tiềm năng của sự toàn thiện – chính mình, những bạn bè và những kẻ thù ghét mình – và chịu đựng cùng những chướng ngại cho sự thể hiện trọn vẹn bản tánh thật sự của mỗi người, người ta từ từ đến chỗ cảm thấy cùng lòng đại bi cho tất cả.

Sự kiện biết rằng tất cả chúng ta đang có trong chúng ta tinh túy của sự toàn thiện mang một hy vọng vĩ đại: lòng bi không phải là cái gì xa lạ hay bên ngoài chúng ta, một mảnh miếng được mang đến mà người ta phải khó khăn cực khổ để có được và thâu hóa vào mình. Đó không phải là một đức hạnh riêng cho những vị thánh có thân thể bằng thanh khí hay những hiện thể ngoài trái đất, mà là một sức mạnh vốn đã hiện hữu nơi chúng ta, dự phần vào chúng ta. Người ta chỉ tưới nước và nuôi dưỡng hạt giống này với sự kiên trì, và rồi nó nảy mầm, lớn lên và trĩu quả. Không thể có chút nghi ngờ nào: nếu bạn nỗ lực hiểu biết tâm thức và điều phục nó, lòng bi sẽ phát lộ và bừng nở dần dần nơi bạn – bởi vì nó đã ở đó, một cách tiềm ẩn. Thậm chí nó tạo thành tinh túy của con người bạn. Những kinh văn cổ minh họa điều đó bằng một hình ảnh rất ấn tượng: nếu bạn lấy sữa và đánh nó, bạn sẽ có bơ. Trong khi bạn có khuấy nước trong hàng thế kỷ, bạn cũng không thể rút ra một gam nào…

Mỗi người mang trong nó tia lửa nhỏ của lòng bi. Ngay cả những người ích kỷ nhất cũng có thể chăm lo cho cha mẹ, con cái, người bạn trăm năm và những bạn bè của họ. Điều ấy người ta cũng thấy trong thế giới loài vật, nơi ngay cả những kẻ giết chóc như rắn hay cá sấu cũng rất chăm lo cho con cái của chúng. Tuy nhiên, loại lòng bi này chỉ dành riêng cho kẻ thân thuộc hay chủng loại mà sự loại trừ nhiều hơn là sự bao trùm. Vậy thì nó rất chật hẹp, nhất là nếu người ta so sánh nó với lòng bi không giới hạn mà tất cả chúng ta đều có khả năng, nếu chúng ta chịu khó để cho nó bừng nở, khai triển nơi chúng ta.

Quyền lực và những kết quả của lòng bi tùy theo mức độ khai triển của nó. Nó càng mạnh mẽ và sâu xa, tác động và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ càng quan trọng. Nếu người ta có khả năng cho lòng bi vũ trụ, người ta có thể cho mỗi người đúng cái mà họ cần, nhưng dù với một ít lòng bi, người ta có thể tự mình sống tốt hơn và làm cho những người khác hạnh phúc.

Có người có thể tự hỏi lòng bi đóng góp cái gì để cải thiện phẩm chất cuộc đời của mỗi người về mặt cá nhân và của xã hội về mặt toàn thể. Càng khai phát lòng bi, người ta dần dần thoát khỏi thế lực của tham lam và thù hận ; người ta có thể làm cho gia đình mình, những người gần gũi với mình hạnh phúc hơn, và hạnh phúc ấy của những người này phun vọt trên những người khác. Nếu càng ngày những cá nhân nhổ nơi họ gốc rễ của mọi cuộc xung đột – lòng ích kỷ – và thay thế vào đó tình thương (từ) và bi, tiến bộ này phản chiếu trước tiên lên giai tầng gia đình, rồi môi trường gần gũi, rồi toàn thể xã hội, và cuối cùng toàn thể thế giới. Hòa bình xã hội và hòa bình trong thế giới bắt đầu trong lòng của mỗi cá nhân.

Mặc dù người ta có thể tưởng tượng lòng bi như thế là cái gì, chắc chắn là người ta còn chưa tới đó. Vào lúc này, đã khá khó khăn khi tự nắm mình trong tay mà không là một gánh nặng cho những người khác, và cố gắng không làm tổn hại họ. Nhưng trước khi người ta đến đó, điều này không phải là nhỏ đâu, nó đã là một bước tiến lớn về phía trước bởi vì đó là nền tảng của mọi tiến bộ tương lai. Thật vậy, làm sao cảm thấy lòng bi cho những người khác nếu người ta không trước tiên cảm thấy nó một chút cho mình ?

Làm phát triển nơi mình tình thương và lòng bi chắc hẳn là một tiến trình tiệm tiến : một công trình làm đi làm lại cả trăm lần… Nhờ kiên nhẫn và kiên trì, tâm thức phải đi đến chỗ xếp những nếp thói quen tốt đẹp mới, đến mức có thể giữ gìn một thái độ từ bi ngay cả khi mọi sự trục trặc. Người ta sẽ phân biệt ba giai đoạn trong việc học nghề tập sự này : thứ nhất, ý thức sự kiện rằng khổ đau là phần của tất cả chúng ta ; thứ hai, trau dồi ham muốn nồng nhiệt chấm dứt những khổ đau này ; và thứ ba, không chỉ có một lời nguyện chân thành, mà chuyển qua hành động bằng cách tự mình giúp đỡ những người khác giải thoát khỏi những khổ đau của họ.

Giai đoạn thứ nhất cốt ở biết rằng tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào khổ đau. Trước hết là khổ đau gắn liền với thân phận con người, dù những cá nhân có khác nhau thế nào đi nữa. Mỗi người đều phải đương đầu với những khó khăn và nhọc nhằn không thể tránh dính liền với hiện hữu của mình : sanh, bệnh, già và chết. Đó là những sự kiện không thể đảo ngược của cuộc đời và người ta chẳng thể làm gì cả, dù cường độ của mong muốn khỏi khổ của chúng ta có đến mức nào. Không có chỗ nào để trốn tránh sự thoát mất của thời gian – vô thường – và phần khổ đau của nó. Người ta là một kẻ bị kết tội chết được thường xuyên hỗn lại ngay từ phút giây mới sanh ra.

Ngoài những khổ nhọc chung cho mọi cuộc đời này, còn có những vấn đề đặc biệt cho mỗi cá nhân. Dầu hoàn cảnh của mỗi người có thế nào, không ai có thể trốn tránh. Những khó khăn của người nghèo thì rõ ràng : chỗ ở thậm chí cả cái ăn và sống trong lo âu không thể cung cấp một đời sống đàng hoàng cho gia đình. Những người giàu sang cũng không được miễn trừ. Họ có những lo lắng riêng, như sợ mất tiền, sợ tiền bạc làm cho hư hỏng, không có bạn bè chân thật yêu quý mình thật sự chứ không phải vì tài sản. Dù thông minh hay thiển cận, luôn luôn vẫn là một sự việc : những người tài giỏi luôn luôn có nhiều vấn đề, mặc dù – hay có lẽ là bởi vì – những tài năng và phẩm chất đặc biệt của họ, trong khi những người khả năng giới hạn hơn cảm thấy dễ dàng bị những biến cố nhỏ nhất vượt qua.

Có một điều quan trọng cần hiểu đối với người muốn khai triển nơi mình lòng bi : không khó để cảm thấy xúc động khi thấy những người bất hạnh biểu hiện ra rõ ràng, nhưng không phải những người không có vẻ bất hạnh hay nghèo khó lại không khổ đau, theo cách của họ. Hơn nữa, người có vẻ bằng lòng làm nhiễm độc cuộc đời của những người khác có lẽ không nghèo hay bệnh, nhưng nó là vô minh : đó là bệnh tật tệ hại nhất, vì chính vô minh là nguồn gốc của mọi bệnh tật và khổ đau. Tự nhiên thì thường thường người ta nổi giận với loại người đó ; nhưng chính nơi đó mà người ta cần trau dồi lòng bi, khi hiểu rằng họ làm hại cho chúng ta bởi vì ác tâm thì ít mà vô minh thì nhiều. Cũng giống như con rắn cắn đứa bé chơi trong bụi cỏ : con rắn không chủ định làm hại đứa bé, nhưng nó không hiểu rằng nó chẳng có gì phải sợ cả. Nó đã hoạt động một cách mù quáng, dưới ảnh hưởng của sợ hãi và vô minh.

Đó là một suy xét rất có ích cho chúng ta khi chúng ta có những phiền não với một người nào đó, để tránh nổi giận, mà trái lại, dùng tình huống để làm lớn thêm lòng bi. Thông thường, người ta có nhiều khuynh hướng tuân theo xu hướng tự nhiên bình thường và ích kỷ và phản ứng trong chiều hướng những lợi ích riêng mình. Vậy thì, đối với người tìm cách khai triển từ bi nơi mình, thiết yếu hãy thử đặt mình vào địa vị của những người khác và thấy những sự việc từ quan điểm của họ : không làm cho những người khác điều mà mình muốn họ không làm cho mình, và cho họ hạnh phúc mà họ đang muốn cho chính họ. Khi cảm thấy ít khác biệt với người khác, chúng ta sẽ trở nên ít thản nhiên lạnh lùng hơn, và một sự hòa điệu nào đó trở nên có thể.

Một khi người ta hiểu rằng tất cả đều bị gộp chung trong cùng một lời giáo huấn – phù du và khổ đau – người ta có thể qua giai đoạn hai của cuộc hành trình : trau dồi ham muốn nồng nhiệt giúp đỡ mọi người thoát khỏi ách nạn của khổ đau. Người ta không chừa ai cả : lòng bi chúng ta nhắm đến ở đây là không thiên vị và vô điều kiện, nó đến với mọi chúng sanh, vì sự kiện đơn giản rằng họ hiện hữu và phơi mình dưới khổ đau.

Có lẽ người ta khó tưởng tượng ra lòng bi không giới hạn này, vì người ta đã có thói quen lựa chọn giữa vài người được chọn mà người ta xem là xứng đáng với “tình yêu” của họ với tất cả những người khác, mà người ta ném vào sự thản nhiên cho đến thù ghét. Chiều sâu và phẩm chất của một tình cảm như vậy có lẽ tìm thấy hình ảnh của nó trong tình thương nối kết một bà mẹ với đứa con, mà ở đây nó được thêm vào một chiều kích không thiên vị và phổ quát : một tình thương vô điều kiện ôm lấy mọi chúng sanh một cách bình đẳng.

Một khi người ta thoáng thấy một ít bản chất của lòng bi, người ta có thể khai triển nó trong mình. Người ta nghĩ đến một người rất thân thiết – nói chung, bà mẹ mình, nhưng người ta cũng có thể chọn một người khác nếu thấy khó khăn – và người ta tập ý thức trước tiên tất cả chiều sâu của những tình cảm mà người ta cảm thấy đối với người thân ấy. Rồi người ta tưởng tượng rằng mẹ mình – hay người thân – đang bị khổ sở. Thế là hoàn toàn không thể chịu đựng nổi, người ta chỉ có một mong muốn : tìm ra phương tiện để chấm dứt những khổ sở ấy càng nhanh càng tốt. Lòng bi chính là như vậy : ham muốn mãnh liệt chấm dứt khổ đau của những người khác. Ban đầu, sẽ dễ cảm thấy với người mẹ hay một người người ta thương yêu nhiều, nhưng một khi tình cảm này đã thiết lập được nơi mình đối với một người, người ta sẽ dần dần tập trải tình cảm đó cho những người khác. Dần dần, người ta thành thật cầu mong điều ấy cho người bạn thân nhất, rồi cho những người khác ít gần gũi hơn, rối đến những láng giềng, và cứ thế cho đến ngày người ta cảm thấy cùng một mong muốn cho tất cả, thậm chí với người trước kia người ta xem như kẻ thù. Tình thương chân thật và lòng bi là cái đối nghịch với thói quen thiên chấp của chúng ta. Người ta cũng có thể lợi dụng những suy nghĩ này để hiểu biết tính chất chuyên chế và thay đổi của những quan niệm bạn và thù : bạn hôm nay có thể thành thù ngày mai và ngược lại. Người ta có lợi gì đâu khi cho những phân biệt này là nghiêm túc thế kia và biến chúng thành những thực tại quá cứng chắc trong tâm trí mình ?

Một chi tiết khác quan trọng : lòng bi phổ quát, vũ trụ không giới hạn vào nhân loại, nó bao trùm toàn thể sự sống. Như chúng ta, những con vật lệ thuộc vào khổ đau nội tại trong mọi hình thức hiện hữu, nhưng hoàn cảnh của chúng thì tệ hơn của chúng ta, vì vị trí thống trị của chúng ta trong thiên nhiên. Hãy tưởng tượng bạn đang ở dưới lớp da của một con thú vật : bạn sẽ khó khăn tự nuôi sống mỗi ngày, rồi những đứa con nhỏ của bạn, bạn sợ loài thú khác và loài người săn bắn đôi khi chỉ để vui chơi. Hãy tưởng tượng một chốc bạn là một con cá, một con sâu lềnh bềnh trên mặt nước, bạn há miệng đớp mồi, và một sự đau đớn khủng khiếp hủy diệt bạn khi một luỡi câu xé rách cổ họng bạn. Trên kia, người câu kéo dây ; dưới nước móc câu đâm sâu vào đầu, thân thể bạn quằn quại đau đớn kịch liệt. Rồi thình lình, còn tệ hơn cái đau đang còn đóng đinh bạn, bạn đã ở ngoài nước, không thở được, không khí tấn công bạn. Sự nổ bùng của đau đớn mới khi người ta rút lưỡi câu ra khỏi miệng bạn, va chạm với đất ; bạn cháy bỏng bên trong, mang phập phồng, mong có chút nước, mắt mờ đi và cuộc sống từ từ thoát khỏi bạn… Người ta có thể nhân sự thực tập lên vô tận, khi thì làm con thỏ, con chồn, con chim… Chắc chắn người ta sẽ ý thức được thế nào là một cuộc đời và những khổ đau của một con thú, và một sự kính trọng nào đó đối với sự sống, dưới mọi hình thức. Dù cho chúng ta không có quyền để lật đổ thái độ và tổ chức của cả một xã hội, mỗi người trong chúng ta ít ra có thể cố gắng, ở mức độ của mình, tốt với loài vật và tránh làm nặng thêm những khổ đau của các tạo vật khác cùng chia xẻ, thừa hưởng trái đất với chúng ta.

Đáng ca ngợi khi biết rằng mọi chúng sanh đang đau khổ và muốn làm cách nào cho sự việc ấy chấm dứt. Nhưng như thế chưa đủ : còn phải đi vào hành động. Và chính đó là giai đoạn thứ ba của sự khai triển lòng bi : người ta thử làm việc gì trong khả năng mình để chấm dứt sự khổ đau của những người khác.

Làm thế nào bắt tay vào giúp đỡ những người khác ? Bằng cách nhờ vào kinh nghiệm của riêng mình, vì làm sao thực sự giúp đỡ một người có những vấn đề khó khăn nếu người ta không biết đảm nhận những khó khăn riêng của mình và đối mặt với những khổ đau của riêng mình ? Khi người ta đã tự giúp mình được, người ta có thể giúp được những người khác. Điều này đưa ta trở lại một lần nữa sự cần thiết phải trước tiên làm việc trên chính mình. Như người ta đã thấy ở trước, thế giới chúng ta tri giác là hình ảnh của chúng ta : người ta càng có khuyết điểm nơi mình, người ta càng tìm thấy những khuyết điểm nơi những người khác. Không phải cố làm chúng thay đổi hay ghét chúng ; sự việc sẽ trôi chảy nếu người ta thử trau dồi một thái độ lòng bi đối với chúng, khi hoàn toàn tiếp tục làm việc trên chính mình.

Tình thương và lòng bi chắc chắn là những phẩm tính kỳ diệu có quyền lực biến chuyển cuộc đời của chúng ta. Nhưng có lẽ có một số người trong chúng ta nghi ngờ về chính họ và về khả năng tiến hành một đường lối như vậy : người ta cần một cú thúc đẩy nhỏ để tiến về phía trước. Vậy thì, trong gương mẫu những người khác người ta có thể tìm thấy một sự khuyến khích như vậy : có biết bao người đàn ông và đàn bà trong quá khứ đã đi trước chúng ta trên con đường tâm linh này cũng như một số người đương thời. Không phải do sức mạnh của lưỡi gươm, của tiền bạc hay những bằng cấp mà những bậc Thánh vĩ đại hay những vị thầy tâm linh đã được nhân loại ghi nhớ : chính là điều họ đã làm cho những người xung quanh. Chính là tình thương, lòng bi, sự khiêm hạ và sự hiến mình toàn diện cho sự tốt đẹp cho những người khác đã khiến một Francois d’Assie hay một Milarepa, chỉ kể hai người thôi, đã có thể giúp đỡ biết bao người, không chỉ trong thời đại họ, mà còn sau khi họ chết. Và cũng những phẩm chất đó người ta tìm thấy ở một số người đương thời đã hoàn toàn hiến dâng đời mình cho sự phụng sự những người khác, như mẹ Teresa hay tu viện trưởng Pierre. Ở một cấp bậc khiêm tốn hơn, người ta cũng thấy chung quanh chúng ta có nhiều người quan tâm đến việc khác hơn là sự an sinh của chính họ và của những người thân, chẳng hạn góp tiền vào những tổ chức từ thiện hay làm việc trong đó, đỡ đầu cho trẻ em thế giới thứ ba, đem lại một sự an ủi và một hiện diện ấm áp cho những người bệnh và người sắp chết, hay giúp đỡ những người không nơi nương tựa của xã hội chúng ta. Mọi hành động này theo chiều hướng tốt, khi nào người ta đơn giản bị điều động bởi mong muốn giúp đỡ và làm nhẹ cho những người khác, mà không phải vì nhu cầu thỏa mãn tà tâm hay vì những ham muốn vinh danh cá nhân. Hơn là cứ bị đè nặng bởi sự bất lực và những giới hạn cá nhân, chúng ta hãy rút nguồn cảm hứng trong sự khẩn thiết cần giúp đỡ của những người đang khổ đau và trong gương mẫu tích cực của những người đã giúp đỡ họ. Hoàn toàn ý thức về những chướng ngại, cạm bẫy của lòng ích kỷ hiện thời của chúng ta, phải học tin cậy vào tiềm năng lòng bi này tạo thành bản tánh thật sự của chúng ta, vào quyền lực của tình thương vô điều kiện đang ngủ trong lòng chúng ta và nó chỉ cần được đánh thức để cho tất cả đều biến hình, chuyển hóa trong chúng ta và chung quanh chúng ta. Chính là khi trui rèn mà người ta trở thành thợ rèn…

Chính trong thực tế hàng ngày mà người ta học trau dồi lòng bi. Sanh, lão, bệnh, tử diễn ra hàng ngày, sự khổ đau, cô đơn, đơn độc xảy ra hàng ngày. Rất tốt khi có một tâm hồn rộng rãi và những tư tưởng rộng lượng và rõ biết những kỹ thuật thư giãn, nhưng tất cả những lý thuyết đẹp đẽ này chẳng giúp ích gì nhiều nếu người ta đóng kín và co lại trong đời sống thường nhật. Khi người ta có một con ngựa giống, người ta không để mặc nó trong chuồng ngựa, người ta cởi nó hàng ngày, nếu không nó chẳng dùng được gì và hình dáng đẹp đẽ sẽ mất đi. Lòng bi không phải là một phòng đẹp đẽ của bảo tàng viện mà người ta xếp vào một góc để thỉnh thoảng ngắm nghía, tán dương, sùng mộ và cảm động rơi lệ. Đó là một sức mạnh lớn dần khi người ta nuôi dưỡng nó mỗi ngày bằng máu thịt của mình, bằng những nụ cười và những nước mắt, bằng những sức mạnh và những yếu đuối, bằng những giấc mơ và những thất vọng, và nó hoàn thành khi cho mỗi khoảnh khắc của đời sống một chớp sáng của sự toàn thiện.

Không phải vì người ta nỗ lực thực hành lòng bi để chờ đợi được đền trả, và để nổi giận nếu những người khác không nỗ lực như chúng ta. Tình thương không phải là một tương tác buôn bán : tôi cho anh cái này, nếu anh cho tôi cái kia. Nếu người ta không biết cho một cách vô điều kiện, tình thương sẽ ô uế bởi ích kỷ và tiếp tục cô lập chúng ta với những người khác thay vì đem chúng ta xích lại gần họ. Lòng bi, đó là lơ là một chút với chính mình để lưu tâm hơn đến những người khác. Người ta ra khỏi tháp ngà của mình, khỏi cái thấy quỵ ngã khi nhìn thế giới ; khi tỉnh lại trong cảnh quan của thực tại, người ta tri giác tốt hơn sự tương đồng căn bản của tất cả đời sống.

Lòng bi vượt khỏi sự phản ứng đơn thuần đối với sự đau khổ của người khác ; nó cũng giả thiết một sự thông minh nào đó về tình thế của người kia. Chẳng hạn, nếu một người nghiện rượu đòi bạn cho uống, hay một người chơi ma túy xin bạn tiền để mua héroine, không phải là lòng tốt khi đáp ứng cho họ. Lòng bi phải đi đôi với một trí huệ nào đó, nếu không người ta sẽ làm điều xấu hơn là tốt, với những ý định tốt đẹp hơn cho thế giới. Phải biết đánh giá khi nào nên làm hay không nên, và bằng cách nào. Khi người ta chưa đủ lòng bi để làm chủ chính những xúc tình của mình, tốt hơn là chớ nên đi vào những hoàn cảnh quá tế nhị.

Điều đó nói lên rằng quan trọng là không tìm cách làm quá mức khả năng của mình, ở mỗi giai đoạn tiến hóa. Cố gắng làm tốt nhất để giúp đỡ những người khác, hẳn thế, nhưng chớ quên rằng người ta không phải là một loại siêu nhân cứu độ của nhân loại. Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng nguyên tắc thiết yếu là luôn luôn không làm gì, nói gì, nghĩ gì có thể làm hại cho những người khác. Lòng bi sẽ lớn lên và an vững nơi chúng ta từng bước nếu chúng ta biết tỏ ra kiên nhẫn, khiêm hạ và thực tiễn đối với chính mình, cẩn trọng và nhạy cảm đối với những người khác, tất cả kèm theo một lương tri và một ít khôi hài.

Một khuyên nhủ cuối : chớ hỗn lại ngày mai điều chúng ta có thể làm hôm nay, về sự làm chủ tâm thức cũng như về lòng bi. Người ta thường có khuynh hướng tự nhủ rằng mọi điều đó thì rất tốt đẹp, nhưng người ta sẽ có thời gian để quan tâm đến chúng sau này, khi người ta đã kiếm được chút ít những lạc thú của cuộc đời. Tuy nhiên chúng ta hãy coi chừng thả mồi bắt bóng : những lạc thú của chúng ta cũng phù du như bông tuyết dưới ánh mặt trời và những sự vật và những con người hôm nay làm nên hạnh phúc của chúng ta có thể sẽ là nguyên nhân của những giọt nước mắt của chúng ta ngày mai. Tất cả đều qua đi, tất cả đều mệt mỏi, tất cả đều tan vỡ. Và người ta cuối cùng mới hiểu rằng không đâu khác ngoài chính mình mà người ta phải tìm kiếm cội nguồn của hạnh phúc đích thực. Điều đó không có nghĩa phải từ chối những niềm vui mà cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta, mà không đầu tư hết mình vào đó, bởi vì những lạc thú thì mong manh và sự đếm ngược tiến về cái chết theo đuổi không ngừng. Trong nhãn quan của lòng bi, chúng ta có thể sống với đôi tay và tấm lòng rộng mở với cái gì xảy ra, sẵn sàng làm tốt nhất điều mà mỗi tình huống đòi hỏi chúng ta, càng ngày càng có khả năng thương yêu và giúp đỡ những người khác bởi vì chúng ta làm chủ tốt hơn tâm thức của mình.

Không ai có thể lẩn tránh cái chết, nhưng người ta có chọn lựa sống tốt đẹp hơn : chinh phục con cọp tâm thức để tránh khỏi việc chính mình là nguyên nhân cho những khổ đau của chính mình và của những người khác, và để cho sức mạnh của lòng bi hướng dẫn hầu cho chúng ta cơ hội để sống tốt hơn – nơi chính mình và cùng với toàn thể – để rút ra phần lợi lạc nhất có thể có của sự băng qua phù du của chúng ta trên trái đất này.

Đức Akong Tulku Rinpoche

Trích: Nghệ thuật để sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời

Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris

Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001