CHIA SẺ

Nam-Mo-A-DI-Da-Phat-1-1

Phật học và Y học là một trong những loạt bài nói chuyện cùng các giáo sư và bác sĩ của bác sĩ Quách Huệ Trân tại Học viện Y dược Trung Quốc, được cư sĩ Lý Nghi Linh ghi lại thành sách. Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, bà rất tận tâm và hết mình trong công việc. Do ngày hàng công tác trong bệnh viện, được tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ của bệnh nhân, cũng như chứng kiến được nỗi thống khổ của cảnh sinh ly tử biệt kiếp người mà ai phải gánh chịu. Bình thường lại là người có tu học Phật pháp, nên khi tiếp xúc được với cảnh khổ đau thực tế của bệnh nhân, bà mới thật sự tin sâu nhân quả và cảm nhận sâu sắc lời Phật dạy là một sự thật, không có bi quan và yếm thế, như người đời thường nghĩ.

Nhận thấy tập sách rất có giá trị thức tỉnh người giác ngộ khổ đau của thế gian mà chuyên tâm niệm Phật. Với chút hiểu biết kém cỏi về Hoa văn, chúng con đã cố gắng phiên dịch bản văn của cuốn sách nói trên sang Tiếng Việt, với mong ước làm sao được đốt lên một ngọn đèn dầu le lói giữa trời khuya, giúp cho đời một chút tỉnh giác mà sớm hồi tu tập.

Trong quá trình chuyển dịch không sao tránh được những thiếu sót và sai lầm, kính mong các bậc tôn túc chỉ dạy những điều sai lầm và thiếu sót trong cho bản dịch của chúng con, để lần tái bản tới sẽ được hoàn hảo hơn.

Nam mô A-di-đà Phật!

Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn đồng học!

Mỗi khi lên đài bất kỳ nơi đâu, tôi đều có cảm giác lấy làm hổ thẹn vì sở học trong mười phần tôi chỉ được một phần. Ngày nay chọn đề mục “Phật học và Y học”, tôi biết đây là vấn đề khó trình bày. Vì đối với y học tôi chỉ mới được lớp da bên ngoài, đối với Phật học cũng chỉ mới bước đầu học hỏi. Cho nên, trong khi trình bày có gì sai sót xin chư vị niệm tình tha thứ và chỉ giáo cho để cho tôi sửa đổi.

Đứng trên lịch trình cuộc sống, phàm phu chúng ta như người bán dưa quảng cáo dưa ngọt. Hiện tại, nếu quý vị là nhà làm giáo dục thì phải nói đức Phật là một nhà giáo dục lớn. Tùy theo cách nhìn của mỗi người, học nhiều thì hiểu nhiều nhưng cứu cánh là đều được sự hướng dẫn học tập của đức Phật. Nếu quý vị là nhà kinh doanh thì phải nhận thức đức Phật là nhà kinh doanh đại tài. Vì mỗi ngày Phật dùng nhiều phương pháp trí tuệ để tạo ra vô lượng công đức bằng Phật pháp. Nếu quý vị là nhà nông thì đối với đức Phật là một nông phu giỏi. Phật lấy tín tâm làm giống, lấy đại bi làm nước tưới và kết quả thu hoạch chính là trí tuệ giác ngộ.

Nếu chư vị là nhà bảo hiểm thì Phật cũng một đại nghiệp gia bảo hiểm cho chúng sinh tận hư không pháp giới, xa lìa khổ đau thoát khỏi luân hồi trong lục đạo. Còn chúng ta là một nhà y thì phải xem đức Phật là vua của các vị thầy thuốc. Ngay từ bước đầu chuyển bánh xe pháp luân tại vườn Lộc Uyển, với bài pháp Tứ Đế đủ chứng minh cho chúng ta thấy được đức Phật là một giáo sư đại tài về ngành y. Chúng ta rất may mắn trên lộ trình học y lại đầy đủ nhân duyên học Phật pháp. Trên sự thật, giữa Phật học và y học không thể tách rời được. Trước tiên tôi xin kể một câu chuyện. Có một người tu niệm Phật là người Nhật Bản, ông ta làm nghề đóng guốc. Trước đó, ông làm việc thu nhập rất thấp, cũng chưa từng có đi nghe giảng Phật pháp, song không hiểu nhiều lắm. Có một lần nọ, ông được một vị giảng sư giảng cho ông nghe về pháp môn Tịnh độ, dạy ông niệm Phật. Từ đó trở về nhà, trong công việc ông thực hành niệm Phật triệt để. Cứ mỗi khi làm việc, ông đóng một cây đinh vào guốc là ông cất tiếng niệm một câu “Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật”. Ngoài ra, ông còn viết câu niệm Phật lên một tấm bảng, xem như một câu thơ. Sau đó, có người đem tấm bảng này về trong bệnh viện. Một ngày nọ, lúc đó tôi đang trực ca đêm, thân tâm rất mệt mỏi.

Một hôm nọ, đột nhiên ông ta đến bệnh viện nhìn thấy câu niệm Phật trên tấm bảng. Ông ta liền cất giọng và nói: “Hay thay! Thế giới Ta-bà đầy đau khổ, việc nhà bề bộn xoay chuyển, chỉ một câu Nam mô A-di-đà Phật mà có thể biến thành thế giới Cực Lạc trang nghiêm, kỳ diệu thay! Phật pháp không thể nghĩ bàn! Nam mô A-di-đà Phật có phải chăng là tiên đơn, là thần dược, nó có thể làm thay đổi một thế giới phù du thành một quốc độ đầy an lạc!”. Sau khi nghe ông ta nói một câu đơn giản như thế, tôi rất lấy làm cảm động. Nhất là câu nói: “Tại cuộc đời phù du có thể biến thành một quốc độ đầy an lạc”.

Hiện tại, chúng ta đang sống trong thế giới Ta-bà đầy hỗn loạn, chiến tranh, khủng bố, giết chóc hằng ngày diễn ra nhan nhản, điều đó ai cũng biết. Mọi người đang theo học thì chưa có thể cảm nhận được điều này. Lúc nào chúng ta đi vào thực hành, hằng ngày tiếp xúc với cảnh tượng sinh tử đau thương, nội tâm chúng ta có thể biến đổi được hay không? Tất nhiên là có thể được, chỉ cần chúng ta thực hành như người thợ đóng guốc kia, đem một câu Nam mô A-di-đà Phật mà thực hành triệt để trong đời sống hằng ngày. Chúng ta là người hành y, chẳng lẽ không thể thực hành như người thợ kia được hay sao? Không lẽ không thể đem một câu Nam mô A-di-đà Phật mà quán triệt trong đời sống ngành y hay sao?

Lúc còn theo học tại đại học, có một vị giáo sư tên là Trịnh Thượng Vũ, ông rất nghiêm khắc. Lớp chúng tôi lúc có tất cả là 90 sinh viên, thế nhưng trong kỳ thi học phần đã có 70 sinh viên thi lại, những người này sau đó thi lại cũng bị rớt và rất buồn. Song, ông lại nói với chúng tôi: “Tôi không thể tùy tiện đuổi bất kỳ em nào, vì sao? Vì tôi làm như thế, sau này sẽ có biết bao nhiêu người chết, vai trò trách nhiệm của thầy trò chúng ta rất quan trọng và nặng nề, vinh nhục phải cùng nhau chia sẻ”. Lúc đó, nghe thầy nói như thế tôi cho thầy chỉ biết nói lẩm cẩm. Mãi cho đến ngày nay, tôi mới thật sự cảm nhận được sâu sắc lời nói năm xưa mà thầy đã dạy với chúng tôi, thật sự làm nghề y gian nan vô cùng. Nếu bạn là người đang ngồi trên ghế nhà trường thì bạn chưa thể cảm nhận được điều đó. Phải trải qua quá trình học tập gian nan, sau khi ra trường lăn lộn với công việc một thời gian thì bạn mới cảm nhận được làm nghề y thật không dễ dàng chút nào. Các bạn đồng nghiệp của tôi thường nói “ăn mà như không ăn, ngủ mà thấy như mình không ngủ” thì mới có khả năng làm bác sĩ.

Có một vị bác sĩ hành y đã 30 năm, bất chợt một hôm nổi giận đùng đùng quát với tôi: “Tại sao từ sáng đến chiều không nghe ai nói được một câu vui vẻ?”. Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ, sau khi nghe ông ta nói tôi không đồng ý, lại khăng khăng cho rằng ông không đúng tư cách của một người bác sĩ, vì làm bác sĩ không thể nói ra những lời nói như thế được. Sau một thời gian dài làm bác sĩ, nhớ lại lời nói năm xưa của vị kia tôi mới cảm nhận ra rằng, nếu trong tâm chúng ta không có chút nội lực tu học Phật pháp thì khó mà tránh được việc thốt ra những lời như vậy. Bạn nghĩ xem trên cuộc đời này có ai hoàn toàn không bệnh tật đâu, không bệnh nhiều thì cũng phải bệnh ít.

Bệnh viện là nơi chỉ dành cho những người bệnh tật, không có ai mạnh khỏe lại tìm đến bệnh viện. Một khi bị bệnh người ta mới đi đến bệnh viện gặp bác sĩ để khám. Bác sĩ khám cho bạn lại khuyên răn, an ủi bạn, thậm chí còn nói những lời làm cho bạn vui, bạn thì lặng im. Thậm chí về sau có gặp thì bác sĩ vẫn coi bạn như bằng hữu. Đối với bạn thì hoàn toàn ngược lại, lúc không bệnh thì không liên lạc, chỉ khi nào bị bệnh mới gọi điện đến cầu xin: “Hãy giúp đỡ tôi với, xem tôi có bệnh hoạn gì không? Tôi không được bình thường, mời bác sĩ đến khám giúp cho…”. Lúc không bệnh không nhớ đến, đến khi ngã bệnh rồi thì mới tìm đến. “Trời sinh” chúng ta làm bác sĩ thì từ sáng đến chiều chỉ biết nghe những lời than vãn đó. Tóm lại, người ta đau đớn mới tìm đến bạn một phen. Con người bình thường bệnh tình phát sinh là đã khổ rồi, vì thế chúng ta phải chấp nhận lắng nghe, nếu không chuẩn bị tâm lý chắc không thể hành nghề y.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình hành y, bản thân lại được tiếp xúc với nhiều vị trưởng lão, phần lớn họ là bác sĩ có rất nhiều người tài giỏi, không những có danh tiếng trong ngành y mà còn có địa vị cao ngoài xã hội, từng liệt liệt oanh oanh. Nhưng đến lúc họ già, họ lại bị bệnh cùng một loại bệnh như hằng ngày họ chữa trị, vẫn phải vào bệnh viện và ra đi trên giường bệnh. Con đường chúng ta đi so với bất kỳ người nào đều rất gần, chúng ta trực tiếp ở bên giường bệnh, thân đến bên giường bệnh, hơn nữa cũng giống như người khác, rồi cũng kết thúc mạng sống trong sợ hãi và khổ đau.

Tôi đã thấy nhan nhản nhiều trường hợp như vậy. Ví dụ như: Gần đây vừa có mấy vị bác sĩ nổi tiếng qua đời, đang mổ được nửa tiếng, cuối cùng bị tăng xông mà họ không biết mình bị. Trước tiên, không có một giờ phòng ngừa, hai mươi năm không một giờ đo huyết áp cho chính mình. Chúng ta mỗi ngày đứng trước bệnh nhân mặt ra vẻ nghiêm khắc nhắc nhở: “Bạn cần phải điều trị! Bạn cần phải xét nghiệm…”. Song, chính bản thân mình thì sao? Trước đây mấy ngày, chúng tôi có điều trị cho một ông cụ. Ông mới hỏi chúng tôi: “Cô có biết bạch huyết cầu của mình bình thường là bao nhiêu không?”. Mọi người không ai trả lời được. “Bạn công tác ở bệnh viện bao nhiêu năm rồi, mà ngay bạch cầu của chính mình không biết được bao nhiêu?”

Ngày ngày đo bạch cầu cho bệnh nhân, mà ngay chính bản thân mình lại không biết bạch cầu là bao nhiêu. Đứng trên địa vị thì có khác biệt, bạn là bệnh nhân, tôi là bác sĩ. Thật ra, tất cả chúng ta đều giống nhau, hoàn toàn là chúng sinh phàm phu sinh tử. Như vậy, chúng ta cần phải học tập cái gì? Lúc tôi còn đi học, các vị giáo thọ thường tha thiết dạy chúng tôi: “Bạn cần phải nỗ lực học tập, bản thân phải nuôi dưỡng tâm từ bi”. Vì ngày nay bạn chưa hiểu được tầm quan trọng trong việc học của bạn, sau này khi ra trường, đem cái gì ra ứng dụng cho bản thân? Có lẽ là sở học tri thức và tình thương yêu của người mẹ. Biết đâu chừng, bạn sử dụng tri thức mà người ta không thể nhận thức được! Thế nhưng, khi bạn đem tâm từ bi bình đẳng mà đối xử với người thì người ta có thể hiểu được bạn.

Đó là điều mà người học Phật chúng ta trong quá trình học tập cần phải nhận thức và tu tập. Bạn nghĩ xem, lỡ bạn học hành không tốt, sau này nửa đêm cấp cứu cho người, bạn chẩn đoán sai bệnh, đánh mất tính mạng của người, đời đời kiếp kiếp bạn làm sao bồi thường cho họ? Làm sao chuộc được lỗi lầm đó? Đó là một áp lực rất lớn đối với những người hành y như chúng ta. Nhìn bề ngoài bộ y phục rất đẹp, rất oai phong, song trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Rất may mắn cho chúng ta là trong quá trình học y, học bệnh lý, học các khoa nội ngoại… có nhiều khoa khác nhau, chúng ta thấy được thực tế chúng sinh phải gánh chịu biết bao đau khổ. Điều này trong tất cả kinh Phật đều có nói đến, có thể nói rất phù hợp với phần “khổ đế” mà Phật thường dạy trong kinh điển.

Nếu bạn nghiên cứu tường tận Phật pháp, sẽ thấy được từ hệ thống thần kinh, tim mạch, huyết quản v.v… Bạn sẽ phát hiện ra tất cả đều không lìa Phật pháp. Điều này, đòi hỏi lúc chúng ta bình thường phải chịu khó đọc sách nghiên cứu và tư duy sẽ càng thể hội hơn. Chúng ta rất may mắn so với những người khác, có học tổ chức học, sinh lý học. Lúc còn học tổ chức học, kính hiển vi điện tử báo cho chúng ta biết trong màng tế bào có nhiều lỗ nhỏ, thế nhưng về sau lại phát hiện trong những lỗ nhỏ đó lại có màng. Nhân vì trước đó bội số kính hiển quá nhỏ không có khả năng phát hiện ra được các lớp màng trong lỗ nhỏ. Tương tự như vậy, khi chúng ta quan sát một phân tử đường glucose từ tế bào bên ngoài cho đến tế bào bên trong, cũng tương tự như việc chúng ta đi chùa Liên Vân vậy. Trước tiên, chúng ta phải tập trung tại trước cửa trường, sau đó lại phải đón xe tắc xi đến bến xe.

Đến bến xe rồi lại phải điểm danh số người, rồi phải lại đón xe, còn phải leo lên núi rồi xuống núi. Lúc đến chùa rồi phải có thầy tri khách hướng dẫn… Cũng thế, một phân tử đường glucose hay sự vận hành của một tế bào cũng tương tự như vậy. Cho nên, khi chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, so sánh giữa các môn học lại càng hiểu rõ được: “Trong một hạt bụi có vô số hạt bụi, trong một hạt bụi có bất khả tư nghì Phật, trong mỗi một hội chúng Phật ở, ta thấy có vô số Bồ-tát thường hành Bồ-tát đạo”. Mỗi khi đọc đến câu: “Ở mỗi một chỗ bằng đầu sợi lông chuyển đại pháp luân”, cảm thấy rất tuyệt vời. Vào thời Đức Phật, không biết Ngài đã dạy cho chúng đệ tử về bạch huyết cầu hay chưa? Mọi người đọc qua một lần rồi tư duy cho thật kỹ. Cách đây hơn 2600 năm mà Phật đã nói rất rõ trong thân thể có rất nhiều vi trùng.

Khi chúng ta học qua bộ môn sinh lý học, ai cũng được biết trong bạch huyết cầu chúng ta có vô số trùng A Míp. Vậy mà hơn hai nghìn năm trước, đức Phật đã nói ra một cách rõ ràng rồi. Vì thế, lúc học qua những vấn đề đó, tôi suy ngẫm thấy Đức Phật sao mà quá trí tuệ. Đức Phật không cần kính hiển vi hoặc kính hiển vi điện tử, hay một ống nhòm thiên văn nào. Vậy mà, trong kinh Phật đã nói cho chúng ta biết được có thế giới như hình trùng, lại có thế giới như hình xoắn, và ngoài thế giới của chúng ta lại còn có vô lượng vô biên thế giới khác nữa. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, người ta vẫn chưa khám phá ra được những thế giới mà Phật đã từng nói, có hay chăng chỉ là những thế giới tương đối gần với trái đất mà chúng ta đang sống thôi.

Nếu lấy khoa học so sánh với Phật học thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được đạo lý tính không, duyên sinh và vô ngã trong Phật pháp. Hơn thế nữa, lại có thể giúp cho chúng ta tu tập thành tựu quán thân bất tịnh mà Phật đã từng dạy cho đệ tử của Ngài. Bạn thử nghĩ xem, cứ mỗi lần giải phẫu cho một bệnh nhân nào, tuy mắt, tai, mũi, lưỡi của họ vẫn có đó, nhưng họ không còn thở, tất cả các cơ quan trong cơ thể dường như đều ngừng hoạt động. Bản thân chúng ta có thể nắm tay họ nói chuyện, song họ không có trả lời một câu. Trái lại, chúng ta đem họ ra mổ xẻ, như vậy, thử hỏi lúc đó họ đang nơi đâu? Chúng ta lấy đó phân tích và suy nghĩ thì từ từ sẽ thâm nhập được đạo lý tính không mà trong Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, đều cũng như vậy”.

Trước đây, đức Phật có nói đến Tịnh sắc căn. Khi chúng ta học môn thần kinh học, thì có học qua “Thống giác” (cảm giác đau), hoặc là sự truyền dẫn cảm giác. Đứng trên góc độ hóa học, nói một cách rõ ràng hơn, đó chẳng qua là sự truyền dẫn điện thế bên trong những phân tử Kalium và chỉ là hiện tượng truyền dẫn thuộc phạm vi hóa học vật chất mà thôi. Tương tự như thế, hằng ngày phàm phu chúng ta thường chấp chặt vào cảm thọ vui sướng và đau khổ của chính mình, để rồi mãi mãi trôi lăn trong vòng sinh tử vô tận. Thật ra, đức Phật đã nói đạo lý y học này rất rõ ràng từ xưa rồi. Chẳng qua ngôn ngữ hiện đại và cách diễn đạt ngày nay với khi xưa có phần khác biệt mà thôi. Khi chúng ta đọc sách, đã đọc qua rồi thì phải biết quán chiếu và tư duy, áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày; cũng như đến lúc lâm chung, phải quán sát thân thể chúng ta như thế, mà đi cho nhẹ nhàng.

Giống như thầy trưởng khoa nói: “Bắt đầu một ngày sống trong an lạc”. Tôi muốn rằng chúng ta, ai cũng học được như thầy vậy. Cứ mỗi buổi sớm mai, tôi ở tầng dưới nghe tiếng niệm Phật của thầy từ tầng trên vọng xuống rất rõ ràng: “Nam mô A-di-đà Phật”. Sau đó, thầy lại đọc văn tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Mỗi ngày, tôi đều thực tập như vậy. Đức Phật bỏ ra một vài chi phiếu thì thu vào rất nhiều đầu cơ giá hạ thị trường chứng khoán lợi nhuận. Cũng như thế, hằng ngày chúng ta đọc kinh điển, không hiểu cũng đọc, tự nhiên lâu ngày sẽ thâm nhập được nghĩa lý.

Cũng như gần đây, tôi mới thể hội được ý nghĩa của chương Đại Thế Chí Phật Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông. Trong kinh có đoạn viết: “Mười hai Như Lai tương tục trong một kiếp, đức Phật sau cùng có danh hiệu là Siêu Nhật Quang, đức Phật này dạy con niệm Phật Tam-muội”. Sau đó, tôi đến bệnh viện mới cảm nhận được. Không những chỉ có mười hai Như Lai trong một kiếp, mà mỗi ngày đều có vô số Như Lai đến gõ cửa khám bệnh, tiếp đó lại dạy tôi đạo lý Tứ Diệu Đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Chẳng những như vậy, mà họ còn dạy tôi niệm Phật, thậm chí còn cảnh tỉnh tôi, chỉ cho tôi chỉ có niệm Phật mới tránh được mối họa đọa lạc trong sinh tử luân hồi. Thật vậy, đạo lý này sau những năm tháng hành y tôi mới dần dần hiểu được. Bản thân chúng tôi trước đó đã có học rất nhiều Phật học. Nhưng tóm lại, tôi mới nhận thức được rằng, chỉ có niệm một câu Nam mô A-di-đà Phật rất đơn giản thôi, thế mà người phạm phải tội ngũ nghịch, thập ác đều có đủ khả năng vãng sinh. Việc này, chúng ta có làm được hay không? Theo tôi, nhất định không có vấn đề gì.

Từ ngày hành y đến nay, mỗi ngày tôi nhận thấy có nhiều đức Như Lai đến diễn kịch cho tôi thấy và nghe, đồng thời, dạy cho tôi sự khó khăn của việc niệm Phật, tâm tư và nhận thức của tôi mới thật sự bị thay đổi, làm cho tôi không còn dám xem nhẹ việc niệm Phật nữa. Cũng nhờ đó, tôi mới thật sự cảm nhận được tấm lòng Phật, Bồ-tát từ bi biết dường nào.

Có một lần nọ, tôi khám cho một bệnh nhân bị ung thư tử cung (người này bị ung thư ở giai đoạn hai). Người bị ung thư tử cung giai đoạn hai dùng tia phóng xạ điều trị rất có hiệu quả, cũng như không có biến chứng gì. Cho nên, sau khi tôi khám cho cô ta rồi, tôi rất tích cực sắp xếp thời gian để trị liệu cho cô. Điều trị được một thời gian, thì con trai của cô ta bị tai nạn giao thông. Từ đó về sau, cô ta cho tôi hay là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bao nhiêu tiền của tiết kiệm, cô đành phải nhường cho con mình điều trị cho con. Do đó, cô không thể đến bệnh viện để tiếp tục trị liệu được nữa.

Nghe cô nói như thế, tôi mới nghĩ rằng: “Ngày nay, cô ta bỏ qua cơ hội điều trị tốt, đợi đến lúc có tiền rồi mới quay trở lại điều trị, thì lúc đó e rằng bệnh tình trở nên quá nghiêm trọng không còn cứu chữa được nữa”. Cho nên, tôi lập tức trích ra một số tiền. Sau giờ tan ca ngày hôm đó, tôi cùng với một người bạn thân, hai người mới tìm đến thăm cô ta, khuyên cô ta trở lại bệnh viện điều trị. Lúc chúng tôi đến, thì cô ta đang ngồi vắt chân trước cửa nhà. Thoáng thấy tôi, có lẽ có cô ta đã nghĩ rằng: “Chà! Sao lại là bác sĩ, rắc rối rồi! Chắc là có việc gì đây, chiều tối lại đến nhà mình, không biết chuyện gì nữa?”. Cho nên, dù chúng tôi dùng lời khuyên cô ta như thế nào hay chăng nữa, cô ta vẫn một mực từ chối không trở lại điều trị.

Tôi làm sao khuyên được cô ta, làm sao nói cho cô ta hiểu được tính chất nghiêm trọng căn bệnh mà cô ta gánh chịu, để cô ta trở lại bệnh viện tiếp tục điều trị đây. Trong khi đó, bệnh nhân cứ khăng khăng cho mình: “Bệnh của tôi không nặng! Chẳng qua âm đạo của tôi máu chảy ra một ít mà thôi!”. Cô ta cứ bảo thủ hoài như thế. Song, nếu chúng ta là người hành y, ai cũng đều biết rằng bệnh tình của cô ta nếu để về sau này, ắt sẽ trở nên nghiêm trọng, và chắc chắn rằng, cô ta chịu đựng không nổi đau đớn do bệnh tình hành hạ. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng đó, nên tôi không quản ngại đường xá xa xôi trở lại nhà cô ta một lần, hai lần, rồi lại đến ba lần khuyên cô ta: “Gia đình chị gặp khó khăn, điều đó không thành vấn đề. Phí tổn trị liệu tôi sẽ giúp đỡ cho chị, chị hãy an tâm mà trở lại điều trị”.

Thế mà, dù tôi khuyên như thế nữa, cô ta vẫn không quan tâm đến lời tôi nói, xem như không có việc gì xảy ra vậy. Tôi còn nhớ, người bạn đi cùng với tôi là Giang Tả. Lúc đó, có tỏ ra thái độ tức giận trước hành động thờ ơ của cô ta. Sau đó, tôi trở về nhà, đối trước Phật mà thành tâm sám hối. Tôi còn nhớ lúc đó, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng đau đớn. Khi đó, mới cảm nhận được rằng, chắc trước kia tôi cũng vốn là một bệnh nhân bị ung thư tử cung, hoàn toàn giống như cô ta. Nếu dùng nhãn quan trí tuệ của Phật mà quan sát, thì từ vô thủy kiếp tôi cũng vốn là một bệnh nhân bị mắc bệnh nặng. Thế rồi, cũng có người đến giúp đỡ tôi, thậm chí chịu mọi phí tổn cho tôi điều trị nữa. Thế nhưng, tôi từ chối lòng tốt của họ. Trải qua bao kiếp lang thang trôi dạt trong sinh tử luân hồi vô tận, thọ nhận biết bao thống khổ, vay trả rồi trả vay.

Ngày hôm nay, cô ta không thọ nhận lòng tốt của tôi ắt hẳn là việc không lạ gì, vì đó là quy luật của nhân quả. Thế mà, tôi phải trải qua một phen sám hối, tâm tư đau đớn mới thật sự cảm nhận được. Đứng trên phương diện khác mà nói, làm sao bệnh nhân kia có thể tin tưởng tôi cho được. Trong khi tôi không có tu hành, nhìn vẻ bên ngoài cũng không giống người tốt. Vì thế, chị ta nhìn tôi làm sao mà tránh được sự hoài nghi: “Vì sao bác sĩ lại xuất tiền ra để giúp đỡ mình, khuyên mình nên trở lại bệnh viện để điều trị? Xét đến cùng, tại sao bác sĩ lại sớm chiều đến thăm mình? Không biết có ý gì không?”. Chúng ta sống trong thế giới Ta-bà này, thường nghi ngờ và không tin tưởng lẫn nhau.

Điều đó đã huân tập thành tập quán, do đó mà chúng ta không đủ niềm tin để tin tưởng vào bất cứ việc tốt gì. Ngay cả việc Phật A-di-đà, vì thương xót chúng ta đắm chìm trong biển khổ sinh tử luân hồi mà Ngài phải trải qua bao nhiêu kiếp gian khổ tu hành để thiết lập nên thế giới Cực Lạc. Để rồi hằng ngày, Ngài phải dõi mắt trông theo và thương nhớ chúng ta, duỗi tay chuẩn bị tiếp dẫn để rước chúng ta về thế giới Tây Phương, mà chúng ta cũng không dám tin tưởng nữa. Một khi chúng ta đã đánh mất đi niềm tin rồi thì khó mà thành tựu được việc tốt gì, ngay cả việc niệm Phật cầu vãng sanh. Thật vậy, cũng trong thời gian đó, tôi mới cảm nhận được sâu sắc lời Phật dạy trong kinh: “Pháp môn Tịnh độ là pháp môn khó tin” là vậy.

Hầu như trong bệnh viện, mỗi ngày đều có một bệnh nhân đến tâm sự với tôi mỗi sự việc khác nhau. Đồng thời, còn dạy cho tôi nhiều pháp môn khác nhau nữa, hoặc khuyên răn tôi niệm Phật. Tuy họ nói dưới nhiều khía cạnh và nhiều phương pháp khác nhau như thế, nhưng dường như tất cả đều hướng đến một mục đích chính, là họ dạy cho tôi niệm Phật. Cứ mỗi lúc như thế, tôi mới cảm nhận được rằng, nguyên mỗi một chúng sinh đều là những đối tượng trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh. Họ đến dạy cho chúng ta phương pháp làm thế nào trên cầu Phật đạo, và dưới có thể độ tất cả chúng sinh. Vì thế, hằng ngày chúng ta phải cố gắng học theo hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, biết lắng tai nghe khi người ta nói, biết nhìn sâu mọi sự việc xảy ra trên cuộc đời này.

Có như thế, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào nỗi khổ mà người khác đang gánh chịu; có như thế, tấm lòng chúng ta mới rộng mở ôm lấy được niềm đau của người, và rồi mới thương được người đang đau khổ. Bồ-tát Quán Thế Âm, trên tay của Ngài thường cầm nhành dương liễu. Nhành dương liễu là biểu tượng cho tâm hướng thượng, vững chắc, đồng thời cũng có đặc tính nhu nhuyễn, mềm mại, hướng xuống. Chúng ta trong quá trình học tập cũng như thế, phải có tâm hướng thượng cầu tiến để vươn lên. Song, cũng phải biết cúi mình xuống, biết khiêm hạ để đón nhận những cái hay, cái tốt của người khác, cho dù người đó còn nhỏ.

Có như vậy, chúng ta mới học được những cái hay của người, trình độ kiến thức cũng như sự hiểu biết của chúng ta mới mở mang được. Cứ mỗi lần ở trong bệnh viện, tôi đều cố gắng lắng nghe những lời của bệnh nhân tâm sự. Thế nhưng, họ không nói gì ngoài những lời oán trời và trách đất. Nói một cách khác, một khi chúng ta đã biết dụng tâm học Phật trong việc hành y rồi, thì những phiền phức tựa hồ sẽ tan biến. Và rồi dần dần, tôi mới thể hội câu nói: “Bình thường trước cửa trăng vẫn vậy, sao có hoa mai lại đổi thay”.

Có một bà lão nọ đã tám mươi tuổi bị ung thư vú. Tuy bà đã được giải phẫu, song điều trị vẫn chưa lành hẳn, thì u bướu lại phát sinh. Lúc bà đến bệnh viện điều trị, tôi chuẩn bị dùng tia phóng xạ để trị liệu cho bà, thì bà lại than: “Cha! ngày nào cũng đến bệnh viện để điều trị thật sao mà phiền phức quá, ngồi hết xe này lại sang xe khác thật là mệt mỏi!”. Chính vì thế mà bà ta không tiếp tục đến bệnh viện để điều trị nữa. Thấm thoát thời gian trôi, một ngày nọ bà trở lại bệnh viện, lúc này tay của bà sưng rất lớn, xưng đến nỗi không cử động được nữa. Cứ mỗi khi cử động tay, là bà rên la lên một cách thảm thiết.

Nhìn thấy hoàn cảnh đó, tôi thương vô cùng. Từ khi tay không cử động được thì dưới nách của bà sinh ra rất nhiều dòi. Mỗi khi tôi thay thuốc cho bà, là y tá nói với tôi: “Bác sĩ Quách ơi! Hết biện pháp rồi! Tôi nhất định phải bịt khẩu trang thôi! Không chịu đựng không nổi nữa. Nó hôi thối quá! Thịt ở bên trong đã thối nát hết rồi!”. Đó là một bà lão tám mươi tuổi. Lẽ nào trước kia, bà không có làm một cô dâu hay sao? Chẳng lẽ khi bà còn trẻ, không có diện mạo xinh đẹp sao? Thế mà, chỉ có một ngày trôi qua thôi, thì bất chợt bà nhìn xuống nách mình lại xuất hiện những con dòi, bà ta biết làm sao đây? Nếu là tôi, tôi sẽ làm sao đây?

Lại có một bệnh nhân khác cũng bị ung thư vú. Sau khi đến bệnh viện mổ rồi cũng lại bị tái phát. Ở ngực của bà ta xưng lên hay cục u nhỏ. Bà ta cảm thấy cực nhọc, điều trị lại phiền hà, và cũng từ đó không đến bệnh viện trị liệu nữa. Sau đó, bệnh lại lây lan tạo nên một lỗ ngay trên ngực. Mỗi khi bà thở ra thở vào, nước mủ đều chảy ra thấy rất là rõ. Nhà bà ta ở Viên Lâm, nơi đây có nhiều trạm xá, thế nhưng thuốc men lại không đủ để chữa trị cho bà. Vì thế, mà bà ta mỗi ngày phải đón xe từ Viên Lâm đến bệnh viện, để chúng tôi thay thuốc và rửa vết thương cho bà. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà không có đủ tiền để nằm lại bệnh viện điều trị. Chúng tôi thiết nghĩ, lúc đó bà ta không phiền phức cũng không được.

Do muốn giữ gìn vết thương được sạch sẽ, mỗi ngày chúng tôi phải thay băng cho bà ta hai lần. Buổi sáng bà đến bệnh viện, chúng tôi thay băng lần thứ nhất. Sau đó, bà ở lại trong bệnh viện hết đi rồi lại ngồi, hết ngồi rồi lại đi. Có đôi khi bà lại nằm trước cửa để đợi chờ đến trưa thay băng lần thứ hai. Cứ như thế, thời gian trôi qua hơn một năm trường, đôi khi có tiền thì bà ta tìm đến, không có tiền thì lại ở nhà. Mãi cho đến một ngày bệnh tình không còn khả năng điều trị được nữa thì bà ta qua đời. Sau khi bà mất, con gái của bà gọi điện báo cho tôi biết: “Mẹ của con trước khi qua đời muốn nhìn mặt bác sĩ”. Tôi còn nhớ, ngày đó vào buổi chiều mưa rơi tầm tã, ngoài trời không khí lạnh lẽo, tôi đón xe đến Viên Lâm để viếng đám tang của bà, vì bà ta mà niệm Phật.

Nhìn qua song cửa sổ, dưới tiết trời se lạnh mà tôi lại thầm nghĩ: “Đây là một bà lão, bà ta phải chịu biết bao đau đớn và khổ sở do bệnh tình hành hạ”. Mỗi ngày phải đón xe một mình đi đi về về cô đơn lặng lẽ. Một năm hơn bảy trăm lần đi lại, trong thâm tâm bà không phải là không muốn con gái mình đi cùng. Song, nếu con gái bà không đi làm việc kiếm tiền thì bà lấy tiền đâu ra để đi chữa bệnh? Thiết nghĩ, hơn một năm trường, bà chưa bao giờ dám nhìn vết thương của chính mình. Cứ mỗi khi thay băng cho bà, bà chỉ biết nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực. Cho nên, trong thâm tâm của tôi, khi ấy sao mà cảm thấy đau đớn và khó xử. Thế nhưng, phải ráng nở nụ cười, hoặc niệm Phật với bà, mong sao bà quên đi đau đớn. Có một ngày nọ, trong khi đang thay băng cho bà, thì bất chợt có một người tiến lại gần, người này do không làm chủ được mình nên la lên một tiếng rất lớn, làm bà khiếp đảm khóc mấy ngày mấy đêm không ngừng.

Lúc tôi đến viếng đám bà, nhìn qua căn phòng một lượt, tôi thấy một cổ quan tài được kê ngay chính giữa nhà, vây quanh là bà con quyến thuộc. Tôi có mang theo một túi xách, kiếm được một chỗ để móc rất là khó. Một vài đứa cháu thì nói chuyện ồn ào. Đó là cuộc đời của một người, cả đời lao nhọc và vất vả cho con gái, vậy mà kết thúc chỉ có vỏn vẹn vậy thôi sao? Trên ngực thủng một lỗ lớn, một cổ quan tài nằm bất động buồn bã thê lương. Đó có phải chăng là cuộc đời của một kẻ phàm tục?

Có một thanh niên nọ hai mươi bảy tuổi, là bệnh nhân bị ung thư mũi họng. Vào tháng ba, anh đến bệnh viện tôi khám cho anh ta và phát hiện thấy một cục hạch bạch huyết nhỏ nằm bên dưới tai. Song, chứng bệnh anh ta biểu hiện lại là rỉ ra máu, nhức đầu, sờ đến cục hạch là tôi đã biết có chuyện không hay rồi. Lúc đó, tôi không dám nói thẳng bệnh tình của anh cho anh ta biết là: “Anh đã bị bệnh ung thư, anh cần phải điều trị”, mà chỉ dám nói: “Bệnh tình của anh rất là nghiêm trọng, nhưng có thể điều trị lành, anh phải trở lại bệnh viện gấp để tiếp tục điều trị”. Thế mà, sau khi trở về nhà, anh ta lại nghĩ rằng: “Mình vẫn có thể đi làm được, lại vừa mới lấy vợ, mình cảm thấy rất thoải mái, đôi lúc mũi chảy máu, trong giống như bị cảm vậy thôi”. Anh không nghe lời tôi nói.

Tôi lại phải viết thư cho anh ta, thậm chí còn gọi điện thoại khuyên anh ta sớm trở lại điều trị. Vậy mà anh ta vẫn một mực từ chối, nhất định không trở lại bệnh viện. Về sau, anh mới tâm sự cho tôi biết, lúc đó trong tâm anh cứ nghĩ rằng: “Bác sĩ này chắc là ham tiền lắm, mình đã không đến, vậy mà còn viết thư, lại còn gọi điện thoại cho mình nữa”. Thấm thoát, thời gian trôi qua ba tháng. Vào tháng sáu, anh ta vội vã tìm đến bệnh viện nhờ tôi khám bệnh. Ban đầu nhìn qua, tôi đã biết rằng trong thời gian ba tháng, khối u đã hành hạ anh ta, làm cho anh ta khó thở, cổ họng khó nuốt, anh chịu đựng không nổi nên mới tìm đến. Vì sao lại chậm trễ quá như thế? Lúc đó, đã quá muộn màng rồi! Mới chỉ có hai mươi bảy tuổi, lại vừa mới cưới vợ. Người vợ mà mẹ của anh vừa mới cưới cho anh đó, đành phải cam chịu hoàn cảnh quả phụ.

Tôi nhìn qua nỗi ưu sầu biểu hiện trên khuôn mặt của cô ta mà trong thâm tâm quá ư đau đớn. Vì sao anh ta không thể đủ niềm tin để tin lời tôi nói? Nhưng thiết nghĩ, tôi không phải là không giống như anh ta? Chúng ta là những người đã trải qua nhiều năm học y, thì đều biết rằng sau ba tháng, sự thay đổi bệnh tình của anh ta sẽ như thế nào. Thế nhưng, đối với anh ta hoàn ngược lại, anh ta không biết một tí gì về bệnh tình của mình cả. Thật sự mà nói, ngày mai sẽ xảy ra việc gì, tất cả chúng ta không ai biết trước được. Mà chúng ta chỉ biết hy vọng mịt mờ trong tương lai mà thôi. Chỉ vì một sự nhận thức sai lầm, về sau tận lực điều trị, bệnh của anh ta có thể cầm chừng, nhưng không thể kéo dài được mạng sống. Vì thời gian chữa trị tốt nhất đã trôi qua, bệnh của anh ta lúc đó đã lây lan sang phổi, mỗi khi anh ta thở rất đau đớn.

Khi đó, tôi dạy anh niệm Phật, anh ta tỏ ra vô cùng hối hận. Lúc tôi nói anh ta không nghe, tôi bảo với anh ta: “Anh không nghe lời tôi đã bị tổn thất một lần rất lớn rồi. Nay tôi dạy anh niệm Phật mà anh tiếp tục không nghe nữa thì anh phải chịu thêm một thiệt thòi lớn hơn nữa”. Anh ta nói anh ta biết rồi, kể từ đó anh luôn đến điều trị. Cho đến lúc bệnh đã trở nên quá nguy kịch, thì anh phải trở về nhà. Trên tay của anh ta luôn luôn cầm một xâu chuỗi niệm Phật. Niệm niệm không dừng, làm cho tôi không sao cầm được nước mắt. Chúng ta có đạt được trình độ đó hay không? Chúng ta có hay không có sớm thức tỉnh như anh ta?

Lại có một cháu gái chỉ có mười lăm tuổi, cũng bị bệnh ung thư mũi họng. Dưới tai của cháu sưng lên một cục hạch bạch huyết. Hạch càng sưng bao nhiêu thì cháu phải chịu đau đớn bấy nhiêu. Mẹ của cháu tâm sự: “Tôi ở dưới quê, lấy xe đạp chở con đi chữa trị mà không biết nơi đâu có thể trị liệu được, không biết nơi đâu mà lần”. Lúc đưa cháu đến bệnh viện mổ ra xét nghiệm, thì xác định bị ung thư, chúng tôi dùng tia phóng xạ để điều trị cho cháu. Dùng tia phóng xạ điều trị thì không có hiệu nghiệm gì, nhưng điều trị được một lượng thời gian tương đối dài, thì da và nơi được chiếu xạ là niêm mạc bắt đầu phát sinh phản ứng. Đó chỉ là một hiện tượng tạm thời, đại khái một hoặc hai tuần sau thì lành bệnh. Nhưng sự đau đớn mà cháu phải gánh chịu có thể nói thật quá lớn so với độ tuổi của cháu.

Cháu tâm sự với tôi: “Những khi bị bệnh tình hành hạ đau đớn như thế, cháu cảm thấy như bị một con trâu cái đè cháu ra mà cắt cổ họng vậy, mấy ngày mấy đêm cháu không ăn uống được bất kỳ thứ gì”. Do tuổi còn quá nhỏ mà phải chịu một áp lực và sợ hãi quá ư là lớn như vậy. Cho nên, tuy thân thể cháu nằm trên giường bệnh mà mắt cứ mở đau đáu. Từ chỗ hằng ngày tận mắt chứng kiến cảnh đau khổ và nghe bệnh nhân rên la, nhờ vào đó mà tôi thật sự hiểu được cảnh giới khổ đau của địa ngục và ngạ quỷ. Nó thật sự không giống như bình thường tôi đã từng nghĩ: “Phật sợ mọi người làm việc xấu nên chẳng qua nói ra những cảnh giới đó để hù dọa người mà thôi”. Cũng chính từ đó, tôi mới thật sự tin sâu lời Phật dạy là chân thật, không hư dối. Mẹ của cháu bé thấy con đau khổ, chị ta luôn quỳ bên con, thậm chí bảy ngày bảy đêm không rời con nửa bước, nước mắt cứ tuôn đầm đìa.

Khi đó, chúng tôi chỉ biết tự tâm khởi lên câu niệm Phật, cộng thêm tình thương của bà mẹ cháu có giúp cho cháu thoát được đau khổ hay không? Mỗi khi nhìn con rên la đau đớn, là chị ta khóc thảm thiết: “Sao không cho con tôi chết đi. Trời ơi! Sao con tôi lại ra nông nỗi này”. Bản thân chúng tôi, mỗi ngày đi làm đều có đi ngang qua chợ vịt Bắc Bình, là một nơi chuyên bán vịt quay. Nhìn cảnh tượng những con vịt bị treo ngược trên những bếp lửa than, nướng cho đến cháy rán. Khi ấy, tôi nhớ lời những bệnh nhân trong bệnh viện thường rên la thảm thiết: “Bác sĩ Quách ơi! Cổ họng của tôi đau quá, không ăn uống được thứ gì hết!”. Tôi liền cảm nhận được tiếng rên la của bệnh nhân, thật không khác gì tiếng kêu đầy thất vọng của những con vịt quay khi bị cắt tiết vậy. Trong kinh Phật có nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.

Chúng ta ngày nay không nằm trong hoàn cảnh những con vịt quay đó. Thế nhưng, trong những kiếp sau, liệu chúng ta có trốn thoát được quả báo hay không? Đây là một đứa bé chỉ mới mười lăm tuổi đầu, là độ tuổi sức sống dồi dào. Thế mà, tự nhiên nước da biến sắc. Muốn về nhà cũng không dám về, vì sợ bà con đến thăm thấy được nước da xấu xí của chính mình. Chúng ta ngày nay, ai đủ khả năng để tiên đoán, và biết trước được rằng cháu bé kia đến mười lăm tuổi sẽ phát sinh bệnh trạng như thế hay không? Hiện tại, tuy bệnh cháu đã lành, nhưng cháu đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm không bao giờ phai. Chính nhờ vào hoàn cảnh bị bệnh mà cháu đã biết niệm Phật. Hiện tại, cháu và mẹ đã phát tâm quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới. Nhớ lại, lúc tôi giảng về giới sát sinh cho mẹ con của họ nghe.

Bà mẹ cứ khóc nức nở mà nói trong nước mắt rằng, trong suốt thời gian nhìn thấy con mình lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh, da dẻ cháy xám, khổ đau muôn phần, chị ta mới sực nhớ lại trong quá khứ, mình đã từng bắt gà nhổ lông và cắt cổ. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng đó, là chị cảm thấy rùng mình sợ hãi. Phật, Bồ-tát dùng rất nhiều phương pháp dạy cho người niệm Phật. Một đứa bé tuổi mới chỉ mười lăm tuổi, chúng ta nên dạy nó niệm Phật lúc nào đây? Có phải chăng đợi đến lúc nó không ăn không uống được thứ gì, không chịu đựng được sự hành hạ khổ đau của bệnh hoạn thì mới dạy cho nó niệm Phật? Tại sao chúng ta lại phải đợi đến lúc thọ khổ mới chịu niệm Phật?

Có một bệnh nhân khác cũng bị ung thư mũi họng. Đây là một bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Bướu sưng rất lớn, lây lan đến da thịt, các động mạch ở cổ có thể nhìn thấy được. Một mắt lớn, mắt còn lại thì nhỏ, và mắt anh ta bị lệch về một bên. Song, hiếm có một bệnh nhân nào trong lúc bệnh hoạn lại có khả năng thông hiểu như anh ta. Có khả năng niệm Phật, dựa vào tượng và chuỗi để niệm. Ban đầu, đến điều trị khoảng chừng đâu được một thời gian, thì mẹ vợ anh ta qua đời. Sau đó, tiếp tục con anh ta lại bị tai nạn giao thông mà chết. Từ đó, tài sản tán tận, anh không đủ khả năng để tiếp tục điều trị. Mãi cho đến ngày bướu phát triển và lan dần, lúc đó, chúng tôi cho rằng hầu như anh ta không thể sống qua được mười ngày nữa. Vì lúc đó, cổ động mạch bị rạn nứt, máu chảy ra từ từ.

Khi ấy, chúng tôi dạy cho anh ta niệm Phật. Thật không ngờ, anh ta lại tha thiết thọ trì danh hiệu Phật, niệm niệm tiếp nối không ngừng. Thanh đới của anh bị xưng lớn, vì thế mà anh không tài nào niệm ra tiếng. Anh ta thì thào tâm sự: “Tôi đang tu thân dưỡng tánh, và đang phản tỉnh lại chính mình, xem cả đời đã làm việc gì sai lầm hay không? Tôi rất muốn đi làm việc thiện. Lúc mà tôi muốn đi, xin bác sĩ hãy làm ơn đưa tôi đến các tự viện cho”. Nghe anh ta nói, mà trong thâm tâm tôi đau xót không cùng. Vì sao phải đợi chờ đến một ngày như thế này, mới nghĩ: “Tôi phải đi làm việc thiện, tôi phải đi chùa?”. Vào một buổi sáng, huyết áp của anh ta hạ xuống rất thấp làm cho anh ta bị ngất đi. Tôi đến bên anh thành tâm niệm Phật, và trợ niệm cho anh với tâm nguyện cầu cho anh ta được vãng sinh. Tôi không nghĩ rằng anh lại thành tâm đến nỗi trong lúc bị ngất đi như thế, mà tay vẫn còn lần chuỗi để niệm Phật, niệm niệm không ngừng.

Tôi nói với anh ta: “Anh ngày nay muốn đi làm thiện, tôi xin chỉ cho anh một phương pháp tốt nhất mà anh có thể làm được ngay lúc nguy nan này, đó là không có gì quý hơn anh hãy thành tâm mà niệm A-di-đà Phật. Chỉ cần một mình anh thành tựu việc tịnh hóa thân tâm, hoàn thành việc tự giác cho sinh mạng của chính anh, lại còn để làm tấm gương cho đời, khuyên người trong cảnh khổ biết giác ngộ mà hồi đầu niệm Phật. Như thế, anh đã làm được một việc thiện rất lớn lao rồi”. Nghe tôi nói như thế, anh ta càng thêm tinh tấn niệm Phật, niệm niệm tương tục. Lúc ấy, tôi không đành lòng ở lại bên anh, mà đi lấy máy chụp hình để chụp cho anh một tấm hình. Thật không ngờ, anh ta càng niệm Phật nhiều bao nhiêu thì huyết áp của anh lại càng tăng lên bấy nhiêu, chẳng bao lâu anh ta nói với tôi, cho anh ta đứng dậy.

Lúc bệnh chưa trầm trọng, anh cho tôi biết mỗi ngày anh niệm Phật được ba nghìn câu. Tôi mới nói: “Bệnh tình của anh đang trong thời kỳ nghiêm trọng, niệm ba nghìn câu liệu có đủ hay không? Tối thiểu mỗi ngày anh phải niệm được một vạn câu. Vì sao? Vì bình thường tâm của anh không niệm Phật thì cũng nghĩ bậy nghĩ bạ mà thôi!”. Anh ta liền nói: “Niệm như thế có nhiều quá hay không?”. Anh ta biết rất là khó, vì đôi lúc anh bị hôn mê, mà một khi hôn mê là không còn được tỉnh táo nữa. Với tâm thành khẩn tha thiết cứ mỗi khi bất tỉnh, mà tỉnh lại được là anh ta niệm Phật liền. Cứ như thế trải qua mấy ngày, tôi lại đến thăm anh ta, anh ta nói: “Bây giờ, mỗi ngày tôi đã niệm Phật được một vạn câu rồi!”.

Xin hỏi mọi người, chúng ta bình thường thân thể tráng kiện, tinh thần sung mãn, mỗi ngày có dụng công niệm Phật hay không? Lỡ một ngày nào đó, chúng ta lâm vào hoàn cảnh như bệnh nhân này, liệu chúng có đủ sức lực nhẫn nại để dụng công niệm Phật hay không? Tôi còn nhớ trong một bài thuyết pháp của thầy Ngô Thông Long, thấy có nói: “Nếu lúc tĩnh tọa niệm Phật được mười phần công phu, nghĩa là niệm được một trăm câu mà không có một câu bị tán loạn, niệm được một vạn câu mà không có một câu bị tán loạn thì mới được gọi là trọn mười phần công phu. Lúc tĩnh tọa mà được trọn mười phần công phu, thì trong cảnh động chỉ còn lại được một phần. Trong lúc động có được mười phần công phu thì trong khi nằm mộng chỉ còn lại được một phần. Trong lúc nằm mộng mà có được mười phần thì đến khi bệnh hoạn chỉ còn lại một phần.

Trong khi bị bệnh có được mười phần, thì đến lúc lâm chung chỉ còn lại được một phần mà thôi”. Chúng ta có được bao nhiêu phần lực công phu để có thể trải qua sự khảo nghiệm của sinh tử? Lúc khám bệnh và niệm Phật cho anh mà tôi không sao cầm được nước mắt. Vì hoàn cảnh của anh làm cho tôi bất chợt nhớ đến lời Phật phó chúc cho Bồ-tát Địa Tạng trong kinh Địa Tạng: “Đừng để cho chúng sinh nào đọa vào đường ác, dù chỉ là trong một ngày một đêm”. Nhìn người ta mà cũng như phản tỉnh lại chính mình. Chúng ta đã bao kiếp lang thang trong sinh tử, và luân hồi trong sáu nẻo rồi? Vậy mà Phật, Bồ-tát vẫn từ bi không cùng tận, thậm chí không muốn cho chúng ta đọa vào bất kỳ một đường ác nào, dù thời gian dài chỉ có một ngày một đêm. Chư Phật, Bồ-tát tình thương bao la không bờ bến.

Các Ngài đã xả thân hết kiếp này sang kiếp khác, chịu biết bao đau khổ, chỉ vì một mục đích là khuyên chúng sinh thấy được cảnh khổ của kiếp luân hồi mà sớm giác ngộ hồi đầu tu tập. Thật quả đúng như hai câu đối mà tôi đã từng đọc được ở Phật đường chùa Linh Sơn: “Hệ ngô hóa thân bát vạn thứ, vị nhữ thuyết pháp tứ cửu niên” (Ta đây hóa thân tám vạn lần, vì người thuyết pháp bốn chín năm). Nếu không sớm giác ngộ mà niệm Phật, thì chúng ta khó mà có đầy đủ năng lực tự tại như anh ta được. Tôi có cảm giác như mình dạy cho anh ta bốn chữ A-di-đà Phật. Ngược lại, anh ta lấy cảnh máu huyết đầm đìa, vật lộn với sinh tử để mà dạy cho tôi cái khổ của kiếp người.

Lại có thêm một bệnh nhân nữ khác cũng bị ung thư mũi họng. Cô ta chỉ có hai mươi, hoặc ba mươi tuổi gì đó mà thôi. Lúc cô ta đến bệnh viện thì u bướu đã sưng rất to, nó đè lên hai bên cổ làm cho cô ta thở rất khó khăn. Bệnh nhân này trước đã có một thời gian phát tâm ăn chay và niệm Phật cầu sinh Tây Phương rồi! Cứ mỗi khi bị bệnh hành hạ đau đớn, là cô ta cứ cầm tay tôi mà nói: “Bác sĩ Quách ơi! Nếu không còn hy vọng nữa, tôi chỉ cầu mong sao đức Phật A-di-đà sớm đến tiếp dẫn tôi đi cho rồi!”. Cô ta ở lại ngoài bệnh viện để dùng tia phóng xạ điều trị. Có một buổi sáng nọ, lúc tôi đến bệnh viện, trong khi đang khám nửa đêm hôm qua, cho một bệnh nhân khác thì đài phát thanh cho gọi tôi. Tôi mới hay vào cô ta thở rất khó khăn (vì u bướu phát triển đã đè lên đường hô hấp).

Sau đó, cô ta được đưa vào bệnh viện cấp cứu, cho thở bằng oxy thông qua khí quản mà vẫn vô hiệu không cứu chữa kịp. Vào buổi sáng thì cô ta tắt thở, và người thân đang làm thủ tục đưa xác cô ta về nhà. Nhớ lại, khi tôi bước vào phòng, thấy cô ta nằm bất động, mà trong tâm tôi buồn rười rượi. Tôi đến bên cạnh ghé vào tai của cô ta mà nói: “Mạng sống của chị đã kết thúc rồi, những đau đớn mà chị phải chịu do bệnh hoạn lúc này không còn nữa. Xin chị hãy phát khởi chánh niệm mà cùng tôi niệm Phật. Xưa kia, Phật có phát nguyện rằng: “Nếu có chúng sinh nào muốn sinh về cõi nước tôi, mà chí tâm tín mến, niệm từ một niệm cho đến mười niệm, nếu không được sinh thì tôi thề không thành Chánh Giác”. Lúc này, chỉ có duy nhất nguyện lực từ bi của Phật nhiếp thọ cho chị. Vì thế, chị hãy thành tâm mà niệm Phật!”. Sau đó, tôi một mình đứng một bên mà thành tâm niệm Phật, niệm niệm tiếp nối nhau.

Và rồi thật bất ngờ, cô ta chợt chảy nước mắt. Lúc đó, tôi mời các y tá đến xem và đã giải thích cho họ nghe: “Trong Phật pháp có nói, một người sau khi tắt thở thì thức thứ tám (là thức A-lại-da) vẫn chưa rời thân xác. Do thức thứ tám còn, nên cô ta sau khi nghe lời tôi nói, cô ta đã niệm Phật và xúc động đến cả rơi nước mắt”. Như vậy, chúng ta có nên đợi chờ đến lúc lâm chung như cô ta mới niệm Phật hay không? Ai ai trong chúng ta cũng đã từng đi bệnh viện, có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân, thậm chí, mỗi ngày đưa tiễn mấy người. Xin mọi người cứ nhớ lại đi, có được bao nhiêu người trong khi bệnh hoạn mà có khả năng giữ được tâm chánh niệm để niệm Phật đâu? Có được bao nhiêu người ra đi trong thanh thản?

Có một bệnh nhân bị ung thư miệng, rồi bệnh phát sinh lây lan rộng đến môi. Trải qua một thời gian trị liệu thì bướu đã tan biến. Thế nhưng, sau khi bệnh lành, thì giữa môi và gò má bị thủng vào một lỗ thủng, do u bướu tan. Cho nên, bắt buộc chúng tôi phải cắt thịt ở vai của anh ta để đắp vào lỗ hổng đó. Chúng ta là người hành y lâu năm, cũng như đã từng học qua khoa chỉnh hình, chắc chắn đã từng đọc qua loại FLAP. Anh ta vẫn còn rất trẻ, lồng ngực vạm vỡ có thể trên đời này không ai sánh bằng. Thế mà, trong quá trình đấu tranh với sự hành hạ của bệnh hoạn, anh ta đã nói: “Một khi môi đã không còn cảm nhận được mùi vị gì, mà bác sĩ bảo tôi ăn thì làm sao tôi có hứng thú để ăn uống bất kỳ thức ăn gì được?”. Bản thân anh ta là một tay giang hồ ăn chơi trác táng, là một người con hư hỏng, cho nên gia đình anh ta không cần anh ta nữa.

Thế mà, kể từ ngày lâm bệnh, anh ta rất ăn năn hối cải và muốn trở thành một con người lương thiện. Anh ta tâm sự với tôi: “Đây là quả báo mà tôi phải gánh chịu vì những hành động sai trái của chính mình, tôi thật là đáng đời!”. Cho nên, trong quá trình điều trị, anh rất nhiệt tâm giúp đỡ những bệnh nhân khác. Có những bệnh nhân tuổi già sức yếu, đi phải chống gậy rất khó khăn. Thế là ngày ngày anh ta phát tâm dìu họ lên xuống các dãy lầu. Với tâm biết hổ thẹn ăn năn và sám hối, cộng thêm vào đó sự nhiệt tâm điều trị, nên chẳng bao lâu thì bệnh ung thư của anh ta, sau thời gian điều trị bằng phóng xạ và phẫu thuật, có thể nói cũng trở nên khả quan hơn. Chúng tôi rất mừng cho anh ta. Chính nhờ vào khi lâm bệnh và bị bệnh tình hành hạ khổ đau như thế, mà đã dạy cho anh ta biết sám hối và sửa đổi những lỗi lầm của anh ta đã gây tạo.

Còn đối với chúng ta thì sao? Một khi phạm phải sai lầm rồi, có hay không có dũng khí nhận lấy tội lỗi của chính mình như anh ta? Sau khi được phẫu thuật lần thứ nhất, trước khi chuẩn bị phẫu thuật lần thứ hai do mặt anh chỗ được chỉnh hình chưa lành hẳn. Có một ngày nọ, lúc anh ta đang ngồi chờ ngoài phòng khám, thì có một đứa bé bất chợt trông thấy gương mặt xấu xí của anh ta, nó liền co giò bỏ chạy. Vậy mà anh ta không buồn, hơn thế nữa, lại dũng cảm thừa nhận rằng đây là quả báo của anh đã gây tạo. Đây quả thật là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Có lẽ đối với chúng ta, một khi lâm bệnh rồi, thậm chí phải phẫu thuật, chúng ta có hay không có can đảm để thừa nhận quả báo mà mình gây tạo cho người khác? Mà mình ngày hôm nay phải chiêu cảm?

(Còn tiếp)

Bác sĩ Quách Huệ Trân 

Việt dịch: Thích Tâm An

Trích: Phật học và y học – Nhà xuất bản Tôn Giáo (2006)