CHIA SẺ

2buddha

Một khi thẩm thấu nỗi khổ của chúng sinh rồi, cũng như sớm chiều ở trong bệnh viện lắng nghe tiếng rên la của họ, tôi mới thật sự nhận thức được sâu sắc nguyên nhân tại sao trong kinh điển Phật thường nói đi nói lại, cuộc đời này vốn đầy đau khổ. Từ đó, tôi mới cảm nhận được những lời Phật dạy chẳng có bi quan như người đời thầm nghĩ chút nào. Phật đã dùng con mắt đại trí tuệ, đã thấy được biết bao nỗi thống khổ của chúng sinh. Vì thế mà Phật đã không sợ chúng sinh chê cười Ngài, cho rằng Ngài chỉ biết nói những lời bi quan để hù dọa người mà thôi. Vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh đang đắm chìm trong luân hồi sinh tử, nên Phật đã không ngại những lời chê cười của chúng sinh, mà chỉ khuyên chúng sinh mau mau quay đầu giác ngộ tu hành, để được an vui và giải thoát. Nhưng chúng ta hãy suy tư xem, có được bao nhiêu người sớm giác ngộ mà tu hành?

Cạnh phòng làm việc của tôi có một bệnh nhân, nhìn dáng vẻ bên ngoài của ông trông giống như người có kiến thức học vấn. Người ta cho biết rằng, trước kia ông là giáo sư của trường đại học Bắc Bình. Tuổi của ông có người nói là 92, có người khác lại cho là 88. Đến độ tuổi này lại lâm bệnh nằm viện. Ông là bệnh nhân nằm cạnh phòng tôi làm việc, nên mỗi ngày tôi đều vào thăm ông ta. Vì mắt ông chứa đầy ghèn nên mỗi khi muốn mở mắt ra để nhìn ai thật là khó vô cùng. Quá khứ từng là một người có học vấn, có địa vị là giáo sư, thế mà ngày nay lại nằm trên giường bệnh bất tỉnh nhân sự, cũng không có một người thân chăm sóc. Mỗi ngày đến thăm ông, tôi đều ghé miệng bên tai ông mà thầm niệm: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật”. Tôi niệm thì cứ niệm, ông ta vẫn nằm im đó bất động.

Một ngày nọ, thật ngoài sự tưởng tượng của tôi, ông ta bất chợt niệm lên hai câu: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật!”. Sau đó, ông còn cố gắng chắp tay niệm tiếp. Thế nhưng, sau hai câu niệm Phật đó của ông ta, tôi không còn được nghe ông niệm được câu thứ ba nữa. Mọi người thử nghĩ coi, đó là một ông lão, muốn chắp tay niệm một câu danh hiệu Phật, vậy mà rất khó. Nhìn qua ánh mắt và ý nguyện của ông lão, muốn niệm một câu A-di-đà Phật mà tôi thấy thương vô cùng. Giả như chúng ta một ngày nào đó cũng làm giáo thọ sư, rồi cũng như ông lão lâm bệnh nằm viện, chúng ta còn ý chí phấn đấu niệm Phật Được như ông lão hay không? Nhưng đến khi đó, muốn niệm một câu A-di-đà Phật thật không dễ dàng chút nào! Cho nên, chúng ta muốn đến lúc đó mà có thể niệm Phật được, thì hằng ngày phải cố dụng công niệm Phật.

Có một bệnh nhân bị ung thư phổi. Vừa lên năm cha mất, lúc tám tuổi thì mẹ qua đời, một mình sống bơ vơ đói lạnh. Năm tám mươi tuổi thì lâm bệnh nằm liệt giường. Mỗi khi muốn cho ông ăn uống được thứ gì thì thật là việc đại khó. Tưởng chừng như phải dùng sức mạnh của chín con trâu và hai con hổ mới giúp đánh răng cho ông được. Ông nằm trên giường bệnh mà thân bất động. Với quyết tâm chờ chết, nên ông không muốn đi tiểu tiện cũng như đại tiện. Mỗi khi giúp ông đánh răng, ông nói: “Để cho tôi chết, cần gì phải đánh răng!”. Có đôi lúc, chúng tôi không biết phải dùng phương pháp gì? Thật là một vấn đề nan giải. Khảo nghiệm, chúng ta làm sao để dưới độ được chúng sinh? Làm sao trên cầu Phật đạo khi chính chúng ta không hóa độ được chính mình? Những lúc đối duyên xúc cảnh mà gặp phải những khó khăn thử thách, thì khó tránh được phiền não. Và rồi, chúng ta không biết phải dùng cách gì để giúp đỡ cho tha nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta và bệnh nhân đều là một. Tất cả đều ham sống và sợ chết như nhau.

Lại có một ông lão, trán bị ung thư lây lan đến mắt không thấy được gì. Chúng ta hiện tại đang làm việc trong khoa ung thư, không cần phải bàn luận thêm gì đến bệnh tình của ông nữa. Điều đáng nói ở đây, là nếu đặt bạn và tôi vào vị trí của ông ta, liệu chúng ta có đầy đủ nội lực để tiếp tục mạng sống hay không?

Có một cô gái nọ bị ung thư lưỡi. Sau đó, bệnh lại lây lan đến cằm, sưng lên rất là lớn. Mỗi khi máu ra nhiều thì phải đưa đến phòng cấp cứu. Trị liệu được một thời gian, thì u bướu tự nhiên tan biến đi. Nhưng giữa miệng và hàm dưới bị thủng vào một lỗ. Mỗi khi ăn bất kỳ thứ gì đều bị chảy ra ngoài. Cho nên, mỗi lần ăn là thức ăn đều sót lại chất bẩn trong đó, tích góp dần dần thì tự nhiên mủ sinh ra. Tôi nhớ mỗi lần thay thuốc cho cô ta, trên chân cô bị muỗi đốt tạo nên nhiều mụn nhọt đỏ. Vì cô ở trong phòng, bản thân không thể tắm rửa được nên sinh ra nhiều mụn nhọt. Máu thì không ngừng chảy ra, tay thì lại duỗi thẳng, còn miệng thì lại nói lẩm bẩm. Tóm lại, nhìn qua cô ta, trông không giống bất kỳ một cái gì. Mỗi khi cô ta đứng dậy là liền nghiêng ngả, vả lại, luôn có ý leo ra ngoài để tự sát. Là người con gái còn quá trẻ, mới chỉ có hai mươi tuổi, vậy mà luôn đòi tự tử. Còn mẹ của cô ta thì luôn ở bên cạnh con để niệm Phật, niệm niệm không ngừng với âm thanh đầy run rẩy.

Có một bệnh nhân ung thư miệng, u bướu sưng rất lớn. Vì sao để miệng sưng rất lớn rồi mới đi khám? Một người đứng cách anh ta chỉ có mười mấy bước thôi, là có thể nghe mùi hôi thối phát ra. Lúc anh ta nằm viện, có thể nói, mỗi lần bước vào phòng anh ta, bất kỳ một ai cũng phải khạc nhổ nước miếng. Do đó, anh ta bị tổn thương tâm lý, anh nhất định đòi về nhà, đồng thời lại còn cự tuyệt không tiếp tục ở lại bệnh viện để trị liệu nữa. Cứ mỗi lần nhìn thấy anh ta, là tôi liền nhớ đến những lời Phật thường dạy trong kinh điển. Mỗi khi nói năng bất kỳ sự việc gì, phải hết sức thận trọng và cân nhắc cho kỹ.

Chúng ta không nên thích gì nói cái gì thì nói cái đó, nói một cách tùy tiện mà không làm chủ được lời nói của chính mình. Đó là việc mà mọi người chúng ta phải nên chú ý. Vì lời nói vốn: “Nhân tạo tác thì nhỏ, nhưng quả lãnh thọ lại lớn”. Và cũng do đó mà tôi hoàn toàn tin tưởng những lời Phật đã dạy. Trong các loại địa ngục, có loại địa ngục tội nhân bị banh lưỡi ra để cho trâu cày. Đây là một sự hành hạ khổ đau có thật, nhân quả không thể nghĩ bàn. Vì thế, mọi người chúng ta phải hết sức chú ý kiểm điểm ba nghiệp: thân, khẩu và ý của chính mình. Không nên đợi chờ đến một ngày nào đó bị nghiệp báo khổ đau, lúc đó mới hồi tâm sửa đổi thì e rằng đã quá muộn.

Phần lớn, bệnh nhân thường mắc bệnh ung thư miệng, là thường bắt đầu từ lưỡi rồi lây lan đến môi và cằm. Sau cùng là lây rộng cả mặt, làm cho cả khuôn mặt của người bệnh trở nên dị dạng và sưng rất to. Loài ngạ quỷ theo như trong kinh diễn tả thì bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, ăn uống rất khó. Chúng ta không cần phải đến thế giới của ngạ quỷ để xem, cũng như không nên cho rằng mình chưa bao giờ thấy cảnh giới của ngạ quỷ. Tôi mỗi ngày ở trong bệnh viện, mắt có thể thấy và nghe được tiếng rên la: “Tôi không nuốt được, cổ họng tôi nhỏ như cây kim vậy”. Đó là những âm thanh rên rỉ thảm thiết từ các bệnh nhân vang vọng lên. Thậm chí, đôi khi họ còn nói: “Bác sĩ Quách ơi! Mỗi khi tôi uống nước vào, là cảm thấy mình như đang nuốt lửa nóng vậy!”. Điều đó, làm cho tôi nhớ đến lời Phật dạy trong kinh, ngạ quỷ do túc nghiệp bỏn xẻn, keo kiệt nên khi ăn uống bất cứ thứ gì, chưa đưa đến miệng đều biến thành than lửa. Từ đó, làm cho tôi càng tin sâu luật nhân quả.

Có một bệnh nhân bị ung thư mũi họng. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Trước đó thì bệnh rất nhẹ, phải quan sát thật kỹ mới thấy được u bướu. Khuyên ta anh ta điều trị thì anh không chịu, đợi cho đến khi khối u phát triển đến nổi nứt miệng ra, lúc đó mới đến bệnh viện điều trị thì quá ư nan giải. Tôi nghĩ là một người học y, trong sách giáo khoa chúng ta có thể thấy được những hình ảnh thảm thương của những bệnh nhân mắc đủ thứ bệnh. Có những bệnh trạng như thế nào? Tên gọi là gì? Cách chữa trị ra sao? Vậy mà nhiều lúc có người lại hỏi tôi: “Vì sao u bướu mỗi ngày mỗi lớn? Vì sao càng ngày càng trở nên trầm trọng như vậy?”.

Có một bệnh nhân bị ung thư da. Thật ra, bệnh nhân này có thể sống sót được một thời gian rất dài. Sau khi bệnh tình tái phát, anh ta được điều trị bằng mọi cách, thế nhưng bệnh không lành mà ngày càng trở nên trầm trọng. Trước đó, bác sĩ đã cho anh ta biết: “Bệnh anh không thể điều trị được, anh hãy trở về nhà đợi chờ thời gian tốt thôi”. Có những khi vết thương bị lở lói, chúng tôi muốn giúp anh ta rửa ráy cho sạch, thế mà anh vẫn cố chấp làm cho chúng tôi rất khó xử. Anh ta nói rằng: “Thôi! Tôi chỉ có chờ đợi thời gian thôi!”. Thử hỏi, anh ta cứ chấp trước như vậy thì làm sao tôi có thể đem một câu niệm Phật mà dạy anh ta được? Chúng ta làm sao để cùng anh ta vượt qua được thời gian đau khổ? Giả như chúng ta không vượt qua được khổ đau của chính mình thì làm sao có thể giúp đỡ tha nhân đây?

Có một bệnh nhân bị ung thư miệng. Tôi hy vọng mọi người hãy xem anh ta như một vị Bồ-tát thị hiện. Trong tâm lúc nào cũng niệm Phật hồi hướng cho anh ta, cũng xin cảm ơn Phật, Bồ-tát đã không ngại khổ nhọc dạy đạo cho chúng ta. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất đã nói quá rõ ràng. Mỗi khi xem kinh mà nước mắt tuôn trào kinh sợ. Ung thư miệng, thật ra người mắc bệnh này rất nhiều. Giai đoạn cuối của bệnh này là má của người bệnh sẽ thủng, nên khi ăn uống bất cứ thứ gì đều theo lỗ thủng mà chảy ra ngoài. Chúng ta mỗi ngày đều tắm rửa, thay vết thương, khử trùng, súc miệng. Nói tóm lại, mỗi ngày cứ lập đi lập lại như vậy. Bạn biết rằng, mỗi lần làm như vậy thì thân thể anh ta sẽ bị suy nhược và rất đau đớn. Song, cứ sống như vậy ngày này qua ngày khác. Bệnh ung thư miệng tuy không làm cho bệnh nhân chết tức thì, nhưng phải chịu sự hành hạ đau đớn ngày này qua ngày khác, khiến cho người ta phải liên tưởng đến cảnh tượng hành hạ khổ sở trong địa ngục “nghìn vạn ức kiếp không ra khỏi”. Thật không biết phải nói ra sao!

Những lúc thay băng vết thương cho bệnh nhân, bất chợt tôi thấy vết thương khoét vào một lỗ như mắt cá. Có những người lúc ăn cá, lấy đũa gắp mắt cá mà ăn. Xin bạn phản tỉnh lại một lần, lỡ một ngày nào đó, bạn bị tai nạn gì mà đến nổi khoét cả hai mắt bị mù lòa, thì bạn chỉ cần quay lại nhìn thân thể mình thôi là có thể thấy được nhân mình đã tạo rồi.

Từ khoa mũi, khoa dạ dày cho đến khoa phế quản, có một đặc điểm chung là hầu như bệnh nhân bị ung thư không ăn uống được bất cứ thứ gì. Mà phần nhiều, bệnh nhân duy trì mạng sống là nhờ thức ăn được đưa vào thông qua một ống dẫn xuống phế quản. Xin hỏi bạn, một người sống nhờ vào ống dẫn như vậy họ có thể niệm Phật được bao nhiêu? Tính trung bình trong khoa ung bướu, khi bốn người mắc bệnh thì đã có một người lâm vào trường hợp như vậy. Bình thường, tất cả chúng ta da dẻ trơn tru phẳng lì, có biết được khi nào chúng ta sẽ lâm vào trường hợp như trên hay không? Ai có thể làm chủ được thân thể này? Vì thế, trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ đầu tiên mà chúng ta cần phải biết, đó là: “Thế gian vô thường, cõi đời nguy biến, tứ đại khổ không, năm ấm vô ngã, sinh diệt đổi dời, giả không chủ tể”.

Và rồi mỗi lúc đọc điều giác ngộ thứ tám: “Tử sinh liên tục, khổ đau vô cùng, phát tâm đại hùng, rộng độ chúng sinh, nguyện thay chúng sinh, chịu muôn vàn khổ, khiến cho chúng sinh, thanh nhàn an lạc”. Mỗi khi đọc đến đó mà trong lòng cảm thấy nghẹn ngào. Nhớ đến hạnh nguyện của chư Phật, Bồ-tát không từ gian lao khó nhọc, dạy cho chúng tôi thấy được cảnh máu huyết đầm đìa. Hết màn khổ đau này lại tiếp diễn màn khổ đau khác trên sân khấu thực tại của đời sống. Chúng ta có còn đủ thời gian để buông lung rong chơi theo trần cảnh, để rồi đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống, và để cho tháng ngày trôi qua trong quên lãng hay không?

Trên đây, chúng ta đã xem qua những cảnh khổ đau. Tiếp theo, chúng ta thử chiêm nghiệm qua pháp hỷ của người biết tu theo Phật pháp. Sư phụ Sám Công ngồi trên đài sen nói: “Ồ! Ở trên núi, mỗi ngày lạy Phật là trong tâm an lạc làm sao! Đúng là pháp hỷ!”. Chính tấm hình của Ngài đã nói lên những lời đó. Mỗi khi xem qua, chúng ta có thể cảm nhận được thiền duyệt là một nguồn năng lượng mà người biết tu học Phật pháp có thể đạt được. Ngài không cần diễn đạt sự thảnh thơi, an lạc đó qua bút vở. Cũng không cần phải chuyển tải điều đó qua đàn Piano hoặc đàn Viôlông, mà bản thân Ngài chỉ ngồi đó thì đã có ý vị rồi, là một nghệ thuật sống vĩ đại rồi. Mỗi khi nhìn thấy Ngài, là bao nhiêu phiền muộn khổ đau không còn đọng lại nữa.

Nhớ lại, một lần chúng ta đi dự Phật thất, mọi người ngồi xếp bằng, tĩnh tọa được hai tiếng thì chân nhức nhói. Lúc đó, đau đớn không thể nhẫn chịu được. Thầy đứng trước mặt mà bảo: “Các con đến đây học Phật, lạy Phật thì phải học theo gương mặt của Phật. Nên ung dung mỉm cười, sao mặt mày lại nhăn nhó khổ sở, nghiến răng mím môi vậy?”. Chính những khi tịnh tọa đau đớn như vậy, chúng ta mới có được nội lực chịu đựng, cảnh giác. Lỡ một ngày nào đó, chúng ta lâm bệnh như những người đã kể ở trên, thì chúng ta mới có thể có đủ năng lực kham nhẫn chịu đựng đau đớn. Lúc đó, không có cảnh mặt mày nhăn nhó, nghiến răng mím môi, mà ngược lại, chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để mỉm cười, ung dung, tự tại niệm Phật.

Mọi người hãy nhớ đến hình ảnh lão sư Vân Công. Trước mấy ngày Ngài vãng sinh, khi đi phóng sinh, Ngài tự tại biết dường nào. Mọi người xem qua vẻ mặt của Ngài, là một người tuổi cao gần như lẩm cẩm, ít ai có thể sống đến độ tuổi 97. Thế mà Ngài vẫn còn đầy đủ năng lực thăng tòa thuyết pháp cho mọi người nghe, thậm chí đến giây phút lâm chung mà vẫn còn dạy cho chúng ta niệm Phật như thế nào để được “tịnh niệm tương tục”. Gỗ mục và gỗ chắc là khác nhau ở điểm đó. Người phàm phu không biết tu hành thì khổ khổ não não, người biết tu hành thì có nội lực tự tại biết bao!

Lại nữa, nhớ lại thần thái của lão Hòa thượng Quảng Khâm trước hai ngày Ngài viên tịch, lúc dạy chúng đệ tử niệm Phật, ánh mắt Ngài sáng long lanh, thong thả tự tại. Ngược lại, chúng ta ngày qua ngày chỉ biết sống trong điên đảo mê lầm. Sự khác biệt đó chẳng khác nào như một trời một vực vậy. Không gieo hạt, không cày bừa thì làm sao mà có kết quả được! Mọi người hãy nhìn kỹ lại đôi mắt Hòa thượng: “Không đến không đi, không việc gì”. Chúng ta thử so sánh, quán xét xem mình có điểm nào bằng Ngài hay không? Đồng là con người như nhau, tại sao người ta lại có đầy đủ tự tại trang nghiêm, thanh tịnh, lúc ra đi biết trước ngày giờ, tâm không điên đảo? Ngược lại, chúng ta thì phải đấu tranh với khổ đau, đầy hoang mang và lo sợ trước khi chết.

Lúc ở trong Phật đường tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật so với lúc chúng ta đi làm ở trong bệnh viện thì có một cảm giác mới. Mỗi một bệnh nhân vốn là một vị Phật, Bồ-tát đến giáo hóa cho chúng ta, dạy cho chúng ta ý nghĩa trong kinh điển (tuy dùng phương pháp không giống nhau). Vì chúng ta phàm phu ngu si, tham sân đầy dẫy, cho nên đức Phật không thể không dùng các phương pháp thiện xảo. Lại nữa, do chúng ta là người hay quên, sau khi niệm Phật được mấy câu liền đã quên bẵng. Vì thế, Phật, Bồ-tát không thể không dùng các cảnh tượng khổ đau kinh hãi, rùng rợn để thức tỉnh chúng ta mau mau tinh tấn niệm Phật.

Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có viết: “Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là tối thượng. Pháp cúng dường là: tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, siêng năng tu tập các căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ-tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ-đề để cúng dường”. Chúng ta trong công việc hành y tu tập, phục vụ cho bệnh nhân, đó cũng là đầy đủ pháp cúng dường. Đối với tâm cung kính cúng dường Phật, Bồ-tát như trong Phẩm Phổ Hiền, Phật lại dạy chúng ta cung kính phục vụ tất cả chúng sinh như cung kính cha mẹ, như thờ bậc thầy cùng A-la-hán, nhẫn đến như đức Phật đồng nhau chẳng khác.

Trong các loại bệnh ấy, nếu là kẻ có bệnh thì vì họ làm lương y; nếu có ai bị lạc đường thì vị họ mà chỉ cho con đường chánh; trong đêm tối vì họ mà làm ngọn đuốc sáng; người nghèo thiếu làm cho họ được của báu. Bồ-tát bình đẳng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lúc chúng ta ở trong bệnh viện hoặc bất cứ ở nơi đâu, đều nên nhớ kỹ những lời dạy đó của Phật. Nhỡ may một người nào đó có một vị Phật, Bồ-tát xuất hiện trước cửa nhà bạn thì bạn cứ tâm niệm như thế mà đối xử với người. Tóm lại, phương pháp an toàn để chúng ta luôn nuôi dưỡng được tâm từ, là phải có tâm tôn kính tất cả mọi người như cung kính cha mẹ, như thờ bậc thầy và A-la-hán, nhẫn đến như chư Như Lai đồng nhau không khác. Đó là một phương pháp hữu hiệu nhất.

Tôi rất thích một câu chuyện, mà câu chuyện đó đã xảy ra trong chuyến hành hương tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tôi có khi nhớ và đôi khi cũng có quên. Vì thế, không thể không nghi ngờ được, xin kể ra đây cho mọi người cùng nghe. Trong chuyến hành hương đến xứ Phật, có một vị thầy đã kể cho tôi nghe rằng, thầy và sư phụ của thầy có một lần đi hành hương ở Ngũ Đài Sơn để chiêm bái Bồ-tát Văn-thù. Hai thầy trò lúc đó rất nghèo, chỉ có ba cái quần vá. Trên đường đi như vậy, hai người phải thay phiên nhau thay đổi, hễ người này thay quần mới thì người kia phải mặc lại cái quần cũ. Cứ như thế, hai thầy trò luân phiên thay đổi quần cho nhau. Lúc đến Ngũ Đài Sơn, bất chợt họ gặp một ông lão ăn xin đến xin một cái.

Hai thầy trò suy đi tính lại, nhất định là “không cho”. Vì đối với họ một cái quần rất quan trọng vô cùng, nếu cho ông lão một cái rồi, thì hai thầy trò họ sẽ không có quần để thay đổi. Cuối cùng, họ quyết định không cho ông già cái quần. Kết quả, ông già liền nói: “Các ông đã đánh mất đi cơ hội của chính mình rồi”. Nhưng hai thầy trò vẫn nhất quyết không cho. Sau đó, chẳng bao lâu, ông già biến mất. Hai người mới giật mình, nhận ra rằng họ đang đi trên đường đến Ngũ Đài Sơn và đã gặp được Bồ-tát Văn-thù, vậy mà không nhận biết được Ngài. Chỉ vì một phút giây sao lãng, nhận thức sai lầm mà không biết được Bồ-tát. Đó là câu chuyện mà vị thầy đó đã kể cho tôi nghe trong chuyến hành hương đến xứ Phật. Qua đó, khuyên chúng ta nhất định phải chú ý.

Khi đến Bồ-đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, có một ngày nọ tôi đi khám bệnh cho một người Tây Tạng. Lúc trở về, nhìn thấy vị thầy đi cùng với tôi đang đứng cùng với một sư Lạt Ma Tây Tạng khác ở cửa, cả hai người đều xua tay ra hiệu cái gì đó. Họ xua tay ra hiệu cái gì? Điều đó chúng ta không ai hiểu được. Sau đó, tôi hỏi qua thì biết được rằng vị Lạt Ma Tây Tạng đó nguyên đang hóa duyên với vị thầy. Vị sư Tây Tạng đó xin thầy cho ông ta nón, ấm nước, áo quần, Ca-sa v.v… Tất cả những gì thầy đi cùng với tôi có, ngay cả xâu chuỗi duy nhất mà thầy đang đeo, sư Tây Tạng cũng xin. Vị thầy mới hỏi ông sư: “Thầy chỉ có duy nhất một xâu chuỗi, thầy có thể cho tôi được hay không? Tôi không thể cho thầy được, trong khi tôi chỉ có một chiếc y duy nhất”.

Vị sư Tây Tạng đứng đó mới xua tay ra hiệu như vậy. Tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện năm xưa hai thầy trò họ đi hành hương đến Ngũ Đài Sơn, nên mới đến bên thầy nói: “Kính bạch thầy, thầy cho ông ta đi!”. Vị thầy mới đáp: “À!”, vì bất chợt thầy cũng nhớ lại câu chuyện năm xưa mà hai thầy trò họ đã từng đi Ngũ Đài Sơn. Thầy liền đem cho vị sư Tây Tạng tất cả những gì ông ta muốn. Sau đó, chúng tôi đến ở tại chùa Thái Quốc. Lúc soạn hành lý ra, thật bất ngờ là tất cả những gì mà chúng tôi cho vị sư kia như nón, nội y v.v… Tất cả vẫn còn nguyên vẹn, ngẫm ra sự việc thật có ý nghĩa. Lúc chúng tôi đến chùa Thái Quốc thì mặt trời đã lặn. Vị sư lấy tay chỉ vào mặt trời, sau đó lại chỉ vào chính mình.

Sau đó, sư lại nói với tôi, chúng ta vì ngôn ngữ vốn không đồng và rồi sư lại niệm “A-di-đạt Ma, A-di-đạt Ma” (là âm tiếng Tây Tạng). Tôi còn nhớ rất rõ dáng vẻ của sư lúc đó. Miệng thì mỉm cười niệm A-di-đạt Ma, vẻ mặt biểu lộ sự thuần túy không vướng mắc như đang vui chơi vậy. Một con người như thế có cần nhiều áo quần hay chăng? Tôi thấy sư mặc một chiếc áo vá rất cũ kỹ, cũng không đến nỗi bị lạnh. Lúc đó, trong tâm tôi cảm thấy rất thú vị. Ông sư đứng đó đến khi nhận đủ mọi thứ rồi mỉm cười và đi. Chẳng bao lâu, ông quay trở lại? Quay trở lại làm gì? Trở lại xin vị thầy đi với tôi một chiếc túi.

Chiếc túi đó lúc chúng tôi ở Ấn Độ đã được một người Tây Tạng cho để kết duyên, nó được làm bằng thủ công Tây Tạng. Vị sư phụ nghĩ rằng, chiếc túi này mọi người cho chúng tôi để kết duyên, cho nên không nỡ lòng đem cho ông ta. Nhưng thật kỳ lạ làm sao, tại sao vị Lạt Ma kia lại biết được rằng vị sư phụ còn một chiếc túi không bố thí cho ông. Đặc biệt là sau khi ông trở lại, ông không xin cái gì mà chỉ xin cái túi đó. Sau đó, ông lại niệm “Di-đà Đạt Ma, Di-đà Đạt Ma” rồi từ từ ra đi. Chúng tôi ai cũng khiếp sợ. Mọi người nói: “Chà! Sư phụ à! Thầy đi hành hương có thể đã gặp được Phật A-di-đà rồi!”.

Thật là không dễ dàng. Chúng ta hằng ngày đã từng gặp được biết bao nhiêu Phật, Bồ-tát rồi, mà không thể nhận ra được. Suy đi xét lại thật là nguy hiểm thay. Mọi người chúng ta ai cũng đã từng tiếp xúc biết bao nhiêu người, mà không thể nhận ra Phật A-di-đà, đó là một sai lầm rất lớn. Nhất là chúng ta, những người hành y lại càng nguy hiểm. Mỗi ngày, có biết bao nhiêu người ra vào khám bệnh, mà không biết được ai là Phật, Bồ-tát. Biết bao nhiêu hạng người biểu hiện sự kỳ lạ. Người có tật cũng có, người bị ung thư cũng có, người mắt bị đui mù cũng có v.v… đủ mọi hình thức và thành phần, vậy mà chúng ta nào biết ai là Phật A-di-đà biến hóa ra đâu, thật sự là nguy hiểm.

Duy chỉ có biện pháp an toàn nhất, là chúng ta phải dè dặt trong từng phút, chánh niệm nắm lấy danh hiệu A-di-đà Phật mà niệm. Vì thế, mỗi ngày trong bệnh viện, khi tiếp xúc với bất kỳ ai, tôi cũng chắp tay niệm: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật”. Vào một đêm khuya nọ, có y tá gọi điện cho tôi kêu tôi đến khám bệnh. Vừa nhấc điện thoại lên, tai cô đã nghe tôi niệm: “A-di-đà Phật”. Giữa đêm khuya thanh vắng, cô ta nghe tiếng niệm Phật có phiền hà hay không? Thật ra mà nói, trong tâm chúng ta luôn niệm một câu A-di-đà Phật là ý vị và quan trọng hơn tất cả. Có nhiều người không nhịn được tính hiếu kỳ, mới hỏi tôi: “Tôi thấy bác sĩ từ sáng đến chiều gặp ai cũng niệm A-di-đà Phật, là có ý nghĩa gì?”. Tôi cười và trả lời với họ rằng: “Hiện tại, bạn thật sự trang nghiêm như Phật. Cứ mỗi khi nhìn bạn là tôi lại nhớ đến Phật, cho nên, tôi chỉ nghĩ bạn là Phật, nên tôi niệm A-di-đà Phật vậy thôi”.

Hiện tại, tôi tha thiết kêu gọi mọi người hãy xuyên thường niệm Phật. Tùy theo thời gian và hoàn cảnh mà niệm. Không nên sợ người khác chê cười, mà quan trọng là chúng ta có phát tâm niệm Phật hay không? Tất cả chúng ta không ai có thể tránh được hoàn cảnh bệnh tật như chúng tôi đã nói ở trên. Nếu chúng ta đợi đến lúc chỉ còn hơi thở thoi thóp mà tập luyện niệm Phật thì đã quá ư muộn rồi. Nếu bình thường không nắm lấy cơ hội tập luyện thì đợi đến lúc nào đây? Một câu A-di-đà Phật là câu nói rất tốt, tôi dám bảo đảm trên thế gian này không có câu nói nào sánh bằng. Nhưng nếu bạn không có tín tâm niệm Phật thì thật là đáng tiếc thay.

Chúng ta suốt đời đã nói ra biết bao nhiêu chuyện phiếm rồi, chuyện gì cũng có nói, nhưng có bao giờ chúng ta nói được một câu nói tốt nhất đâu? Bạn là người tin Phật, vì sao phải sợ người ta chê cười? Đức Phật là một con người từ bi và trí tuệ viên mãn mà trên trời, dưới đất không ai có thể sánh bằng. Vì sao bạn lại sợ người ta biết bạn là đệ tử Phật? Chúng ta hãy phản tỉnh lại chính mình, liệu rằng, mình có đủ tư cách để làm đệ tử Phật hay không đó mới thật sự là quan trọng? Phật là cha của chúng ta, Ngài đánh đòn dạy bảo chúng ta đúng hay sai? Nếu có người hỏi bạn: “Cha bạn tên họ là gì?”. Bạn không có gì mà e dè, vì cha của bạn đánh đòn dạy bảo bạn, là không có phạm pháp luật. Trên trời dưới đất không có ai sánh bằng Phật A-di-đà, có gì mà bạn không dám niệm? Vì thế, đi đến bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng có thể niệm Phật được. Quyết không thể học theo lối: “Ôi! niệm Phật thật là khó”, “bế tắc nhỉ!” cho đến như chỉ biết nói thiền đầu môi chót lưỡi, đó là bạn đã tự lừa dối chính mình rồi!

Cách đây không lâu, trong bệnh viện có một cô y tá bị tai nạn giao thông. Bình thường, cô là một người rất gan dạ, có khí phách và rất tận tâm chăm sóc bệnh nhân, cô ta cũng có niệm Phật. Một ngày nọ, lúc cô ta băng qua một ngã tư đèn đỏ, vô tình cô bị xe tông và té xuống đường, đầu sưng lên một cục lớn. Đối phương dừng xe lại chửi cô ta, cô ta ấm ức òa khóc lên, mà còn khóc ra tiếng nữa. Mọi người thử xem, bình thường là một con người rất gan dạ, song một khi gặp tai nạn mà lại bật khóc như vậy! Lúc đến thăm cô, tôi hỏi: “Lúc bị tai nạn như thế, em có niệm Phật hay không?”. Cô ta trả lời: “Không có”. “Tôi biết là em không có niệm Phật”. “Em rất hối hận, không biết lúc đó vì sao mình không niệm Phật?”. Tôi nói: “Đúng rồi! Do lúc bình thường em không có dụng công niệm Phật, thì làm sao trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó em có đủ năng lực phát khởi chánh niệm mà niệm Phật, thậm chí em không thể không khóc cho được!”. Cô ta nói: “Nếu trong khi bình thường làm việc mà niệm Phật, thì chắc chắn bác sĩ sẽ luôn mỉm cười”. “Không sai! Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi mà luôn tỉnh giác niệm Phật được thì em sẽ luôn có được nụ cười hoan hỷ.

Vì hằng ngày em không có dụng công niệm Phật thường xuyên trong các oai nghi, cho nên em mới ấm ức cho đến không cầm được cơn giận là vậy”. Vì thế, hằng ngày tốt hơn hết, ngay cả lúc cưỡi xe và nhìn người đi xe đối diện, chúng ta cũng nên niệm A-di-đà Phật. Lúc xe chạy cũng niệm A-di-đà Phật, và ngay cả lúc bị người ta đâm vào xe mình cũng niệm A-di-đà Phật, thì mới có được an toàn. Nếu không thì đi đâu cũng khó tránh được nguy cơ tai nạn xảy ra. Mỗi khi bệnh nhân khi đến bệnh viện, tôi hỏi họ: “Hằng ngày, bạn có bao giờ nghĩ đến việc ngày nay bạn sẽ nằm viện không?”. “Không có!”. Đó là câu trả lời chung mà tôi nhận được từ phía họ. Thậm chí, có những người bị mù một mắt, tế bào ung thư đã lây lan đến hệ thần kinh của não, mà họ vẫn còn có thể nói: “Tôi rất bận rộn, công việc Công ty của tôi rất nhiều”. Tôi mới hỏi: “Giả sử như bạn chết rồi, lúc đó mạng sống không còn, bạn còn có thời gian để mà bận rộn với công việc Công ty của bạn nữa hay không?”.

Sau khi xem các qua trường hợp trên, tôi càng cảnh tỉnh chính mình. Thấy người ta chết, không phải biết rồi là thôi. Tôi luôn nghĩ rằng có một ngày nào đó, người chết đang nằm trên giường bệnh kia lại chính là tôi. Những lúc ấy, tim tôi nhói đau rất khó thở, và rồi chính những lúc như vậy, tôi lại niệm Phật Rất cật lực và thành tâm. Tôi nói như thế mọi người có hiểu được không? Đó chính là lúc tôi đang thực tập niệm Phật đó!

Trong hai đi năm thực tập, tôi chưa hề nhìn thấy một bệnh nhân nào khi chết có thể niệm được một câu danh hiệu Phật. Chỉ một trường hợp duy nhất gây ấn tượng sâu đậm cho tôi, là một bệnh nhân đến lúc lâm chung có đầy đủ năng lực niệm Phật được. Đó là năm đầu tiên tôi công tác trong bệnh viện. Bệnh nhân là một cô gái bị ung thư phổi, cô ta mới chỉ có ba mươi sáu tuổi mà thôi. Cô được mọi người chuyển vào phòng bệnh đúng vào lúc ca tôi trực. Lúc đó, trưởng khoa của chúng tôi sau khi chụp X quang rồi xem qua, ông ta nói: “Chà! không còn cứu chữa được nữa rồi! Bác sĩ Quách ơi! Hãy đọc kinh cho cô ta đi!”. Tôi đến gần bệnh nhân mà nói với cô ta: “Em niệm Phật cho chị nghe, chị có đồng hay không?”. Cô ta đáp: “Được!”. Tôi bắt đầu niệm Phật, niệm mãi niệm mãi, thì cô ta cho biết cô ta cảm thấy rất thoải mái.

Tôi niệm cho đến chiều thì bất chợt cô cũng niệm theo. Cứ thế cho đến sáu giờ, thì mỗi lúc hơi thở của cô ta càng trở nên lớn và gấp dần. Cô ta cứ niệm: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật”. Trong khi niệm Phật, cô không nói gì ngoài câu: “A-di-đà Phật! Vì sao vẫn chưa đến tiếp dẫn con?”. Đứng trước tinh thần hết sức tha thiết và thành khẩn của cô ta, lúc ấy tôi thật sự không sao cầm được nước mắt. Là một bệnh nhân, trong khi bị bệnh tình bức bách khổ đau biết bao nhiêu, vậy mà cô có thể vượt qua sự đau đớn đó mà có đầy đủ năng lực để dụng công niệm Phật. Lại là người có thiện căn đời quá khứ, vì sao khi thầy khoa trưởng bảo tôi niệm Phật cho cô ta, thì cô đã có thể niệm theo?

Vị thứ hai là một bệnh nhân đã nhiều ngày bị ngất đi. Một ngày nọ, lúc ba giờ khuya, đột nhiên anh ta ầm ĩ nói với tôi cho anh ta xuất viện. Tôi nhìn anh ta, trông dáng vẻ bề ngoài bình thường, không có gì thay đổi đặc biệt. Nhưng giữa đêm khuya, ba giờ sáng lại đòi xuất viện, tôi không dám ngăn cản anh ta, mà chỉ biết tặng anh ta một tượng Phật, rồi căn dặn anh trên đường về nhớ giữ gìn nó và nhớ niệm Phật. Anh ta không nghĩ ngợi gì, tay liền cầm lấy tượng Phật mà trở về. Sau đó, tôi đến nhà thăm anh ta, mẹ của anh tâm sự với tôi: “Nó về nhà lúc nào tay cũng bưng tượng Phật và niệm niệm Phật không dừng”. Song, người nhà của anh ta thì sao? Dù tôi có tiếp xúc làm sao đi nữa thì vẫn không có phương pháp để phá vỡ được lập trường của anh ta: “Đừng đụng vào tôi! Tôi muốn niệm Phật! Tôi không muốn giết người!”.

Anh ta cứ khư khư giữ lập trường của mình, không ai có thể đến gần được. Vì thế, người thân của anh muốn giúp anh cũng không thể giúp được. Mười một giờ chiều hôm sau, khi tan ca, tôi lại đến nhà anh ta để xem người nhà của anh có trợ niệm cho anh ta hay không. Vừa bước vào nhà, thì mọi người đều nằm ngủ la liệt dưới đất, tôi cảm thấy rất buồn vì đây chính là thời gian quan trọng nhất. Tôi mới kêu người thân của anh đến trợ niệm, nhưng tất cả mọi người đều đang nằm ngủ mê man. Tôi mới nhờ cha của anh: “Thưa bác, bác có phải là cha của anh ấy không?. “Vâng! Tôi là cha của nó”. “Vậy xin bác hãy niệm Phật cho anh!”. Sau đó, cả nhà mới tập trung lại niệm Phật một cách miễn cưỡng. Thế nhưng, điểm đặc biệt là bệnh nhân tay vẫn ôm tượng Phật, niệm niệm không dừng, niệm cho đến tắt thở. Dù sao thì vẫn còn tốt hơn là mệt mỏi trông chờ vào sự trợ niệm của người thân. So ra thì tự lực niệm, có lẽ vẫn tốt hơn là nhờ vào sự trợ giúp của người khác.

Tôi có một người bạn thân, cô ta là người rất cao minh. Một khi gặp tai nạn gì, cô đều vào phòng ngồi xếp bằng “nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh”. Đến lúc lâm bệnh hơi thở còn thoi thóp, cô ta không cần ai trợ niệm mà chỉ niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát”. Cho nên từ đó, tôi mới cảm nhận ra rằng, dù không được người khác trợ niệm, nhưng đến phút lâm chung mà tự bản thân người sắp chết thành khẩn tha thiết niệm Phật được là tốt lắm.

Có một bệnh nhân bị ung thư phổi, anh ta có một cháu trai, mới chỉ có năm tuổi. Tuy tuổi nhỏ như thế, nhưng cháu vô cùng hiếu thuận. Từ khi biết được cha mình bị mắc bệnh ung thư, cháu dõng mãnh phát tâm mỗi ngày đều ăn chay, lạy Phật. Thật ra, trước đó, anh ta đến khám bệnh ở thầy chủ nhiệm của chúng ta là Vu Lập Trung. Thầy đã cho biết bệnh trạng của anh đã quá nghiêm trọng. Cho nên, không giúp đỡ anh ta được việc gì, mới không còn lưu tâm khám cho cho anh ta nữa. Từ đó, bệnh nhân mới kiến nghị với người thân mời tôi khám cho anh (vì thầy Vu nhà ở tận Đài Bắc, trong khi nhà bệnh nhân lại ở mãi Cao Hùng). Lúc gia đình của ông đến mời tôi: “Thưa bác sĩ Quách, xin mời bác sĩ hoan hỷ đến khám bệnh cho cha chúng con”.

Sau khi nghe họ nói xong, là tôi đã có nghe qua tình hình quá nghiêm trọng của anh ta, và cũng như không còn nằm trong phạm vi cứu vãn của y khoa nữa. Vì thế, tôi mới đưa cho anh ta một xâu chuỗi, dạy anh niệm Phật. Tôi thật sự không có nghĩ rằng anh ta sẽ niệm được, vậy mà anh đã niệm rất tốt. Song đứa con trai của anh ta rất thành khẩn. Khi tôi đến nhà, vừa thấy tôi là cháu đã chắp tay niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát”. Nghe cháu niệm như thế thì tôi mới hỏi: “Cháu nhỏ tuổi như vậy, sao mà có thể niệm được một hơi dài như thế?”. Cháu trả lời: “Vì cháu mỗi chiều đều quỳ bên cha của cháu mà niệm như thế”. Do cháu mỗi ngày đều niệm một cách thành tâm, cho đã có một lực cảm ứng đối với bệnh nhân rất kỳ lạ.

Sau đó, tôi không đến thăm lần thứ hai nữa, mà chỉ gửi cho anh ta một loại thuốc do Nhật Bản sản xuất, bảo người nhà cho anh ta uống. Sau đó lại gọi điện thoại đến hỏi thăm tình hình thì được con gái của anh ta cho biết: “Cha con đã bị hôn mê bất tỉnh”. Tôi lập tức đến nhà anh ta trợ niệm. Bệnh nhân trong khi đang hôn mê bất tỉnh, nghe chúng tôi niệm Phật thì tỉnh lại hỏi: “Niệm tiếng gì vậy?”. Chúng tôi nói: “Niệm A-di-đà Phật”. Sau đó, cả nhà cùng hợp lực trợ niệm. Con gái của anh từ Mỹ trở về, cũng khuyên nhủ cha: “Cha ơi cha! Cha niệm Phật đi cha, niệm mau đi cha!”. Nghe mọi người khuyên như thế, anh ta liền niệm: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật”. Niệm được một thời gian thì anh ta lại hôn mê bất tỉnh! Cả nhà đều niệm Phật không dừng.

Sau đó, anh tỉnh lại, lại chắp tay niệm: “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật” rồi lại hôn mê tiếp. Cứ như thế, cả một buổi chiều anh ta cứ hôn mê rồi tỉnh, tỉnh rồi lại mê không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, anh ta niệm Phật một hồi, thì niệm không ra tiếng nữa và sau đó tắt thở. Lúc đó, xem qua diện mạo của anh ta, ai ai cũng lấy làm kinh ngạc. Miệng anh ta mỉm cười để lộ ra cả răng. Tôi đã từng chứng kiến biết bao người chết, vậy mà chưa từng thấy một người nào ra đi mà thảnh thơi và an lạc như anh ta, mỉm cười mà để lộ cả răng ra nữa. Sát nhà anh ta có liên hữu thọ Bồ-tát giới, một khi gọi là đến trợ niệm ngay. Vả lại, bình thường anh ta cũng không phải là một người học Phật. Thế mà đến lúc lâm chung lại được nhiều người trợ niệm, niệm đến tám tiếng thì anh ta ra đi.

Thật ra mà nói, người chết có nhiều trường hợp khác nhau. Thế nhưng, tìm được một người chết trong an lạc và tốt lành thật không đơn giản. Giống như ngày trước, lúc tôi khám cho một bệnh nhân bị ung thư phế quản, bệnh nhân này đã hai ngày không nói được. Mỗi ngày, trên giường bệnh thở hổn hển, đau đớn không thể tả được. Do anh ta thở một cách khó khăn như vậy, nên không có biện pháp nào giúp anh ta. Cho đến mấy ngày sau cùng, hơi thở của anh càng trở nên khó khăn. Lúc đó, đã hết ca trực của tôi, đến người khác thay ca, mà trong lòng tôi cảm thấy không yên tâm chút nào. Tôi đã khuyên anh ta niệm Phật suốt cả nửa ngày, sau cùng, anh cũng chắp hai tay lại được, nhưng niệm Phật không ra tiếng (tôi không biết trong tâm anh ta có niệm hay không niệm).

Tôi bất chợt vừa mới quay đầu đi, thì anh ta đã vào nhà cầu, và sau đó hộc máu chết trong đó. Cho nên, cứ mỗi lúc hết giờ làm việc, là tôi phải đành lòng xa rời bệnh nhân. Tôi hết đi khám cho người này rồi lại chăm sóc cho người khác. Vì mỗi lần nhớ đến lời mà thầy chúng tôi đã dạy trước đây: “Mỗi một sự việc các em có mười phần năng lực, mà chỉ sử dụng có chín phần, thì các em vẫn chưa thật sự tận tâm và tha thiết với công việc”. Cứ mỗi lúc nhớ lại lời dạy năm xưa của thầy, đôi lúc tôi từ trong phòng bệnh nhân đi ra thì lại liền quay trở lại xem họ một lần nữa mới chịu đi. Nhưng đối với trường hợp trên, anh ta bị bệnh đã lâu và chưa từng được tôi chăm sóc.

Tôi không biết một khi anh ta được đưa đến nơi tổ chức việc ma chay, những người thân của anh trong khi đau khổ có niệm Phật cho anh hay không? Hoặc tối thiểu có một người nào đó niệm Phật cho anh hay không? Đó là việc không đơn giản, tất cả đều hoàn toàn tùy thuộc vào chính bản thân của anh ta, là anh ta có hay không có phát tâm niệm Phật. Thật là một việc quá khó, khó vô cùng. Bản thân chúng ta hằng ngày, đưa tiễn biết bao nhiêu người ra đi, một ngày có thể có sáu trường hợp. Song, nhiều năm qua, chỉ hy hữu có được mấy người đến lúc lâm chung có thể niệm Phật cầu vãng sinh. Thật là: “Sinh tử việc lớn, đường giác ngộ cách xa vời vợi”.

Cả ngày hôm nay, tôi đã lải nhải không ngừng. Mong sao khi trở về nhà, mọi người hãy suy tư và quán chiếu về những lời tôi đã nói. Điều mà tôi muốn nói cùng quý vị ở đây là gì? Là Phật dạy chúng ta hãy nắm chắc một niệm, làm sao đem ba nghìn thế giới biến thành chín phẩm hoa sen thanh lương. Muốn làm được vậy, thì ngay từ bây giờ, mọi người hãy sớm gieo trồng hạt giống niệm Phật. Chúng ta phải sắp xếp thời gian nghiên cứu Phật pháp, đi chùa tập niệm Phật và lạy Phật. Trong mọi công việc, luôn luôn nhớ Phật và niệm Phật.

Làm sao chúng ta phải được như người Nhật nói ở phần đầu, đã ứng dụng một cách tuyệt vời câu niệm Phật vào công việc đóng giầy của chính mình, thậm chí đã ghi nhớ nó như một câu thơ hay vậy. Đó là việc mà mọi người có thể làm được. Chúng ta càng nhìn sự đau khổ của bệnh nhân bao nhiêu, phải càng niệm Phật nhiều bấy nhiêu. Nhưng phải luôn nhớ: “Không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà sinh về cõi Phật kia đâu”. Cho nên, chúng ta cần ứng dụng thực tập, muốn cứu người khác phải quan sát chính mình có đầy đủ năng lực hay không? Mình có đủ khả năng thoát ly khổ não luân hồi thì mới có cơ hội cứu giúp cho người khác được. Bằng ngược lại, tự mình đã không thể xuất ly được thì làm sao giúp đỡ cho người?

Thường thường, chúng ta nghe bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân rất vui: “Bác sĩ ơi! Tôi đau quá, đau không chịu nổi!”. “Bạn cần phải có nhẫn nại, nếu uống thuốc vô hiệu thì bạn cần phải có nhiều nhẫn nại!”. Thế nhưng, đến khi chính bác sĩ bị bệnh, bị đau đớn thì lại rên la không ai sánh bằng, miệng không nói được những lời vui vẻ. Nhớ lại lúc còn đi thực tập, có một bác sĩ khoa ngoại là VS, bình thường bệnh nhân than với anh ta: “Vết thương của tôi đau quá”. Anh ta khuyên bệnh nhân: “Bạn phải có nhẫn nại, bạn to xác như thế thì phải có kiên nhẫn chứ!”. Kết quả, lúc anh ta bị viêm ruột thừa thì lại rên la thảm thiết. Gây tê cho anh ta nữa thân không thành, vì thế phải gây tê luôn cả thân, thậm chí anh ta không nói được một lời vui vẻ, chẳng khác nào những bệnh nhân mà anh đã khuyên răn trước đó.

Vì anh ta là bác sĩ, là người biết rõ bệnh tình của chính mình hơn ai hết, cho nên anh ta sợ hãi cũng không ai bằng được. Vậy mà lúc bình thường, đối với bệnh nhân lại hồ đồ, trong khi không biết năng lực của chính mình, đó là một điều rất nguy hiểm. Cho nên nói: “Bình thường niệm Phật được một trăm câu mà không có một câu bị tán loạn, thì đến lúc tịnh tọa mới được mười phần công phu”. Chúng ta hãy phản tỉnh lại chính mình, xem mình có được một phần công phu nào hay không? Nếu thật sự có được nội lực thì dù đến lúc xông pha ra giữa chiến trường, hay đến phút lâm chung bị bệnh khổ bức bách mà chúng ta có được nguyện lực niệm Phật khẩn thiết, thì nhất định sẽ được Phật rước. Đó là điều tất nhiên, và đó cũng chính là việc quan trọng mà chúng ta cần phải nhận thức cho rõ.

Tôi có chăm sóc cho một bệnh nhân, tôi khuyên ông ta niệm Phật: “Bác à! Bình thường bác có niệm Phật hay không?”. Ông ta đáp: “Bình thường tôi không có niệm Phật, đến lúc bị bệnh mới niệm. Nhưng tôi bình thường không có đi chùa, không cúng dường gì cho Phật. Bây giờ bị bệnh lại niệm Phật, còn nhờ Phật rước nữa, không biết Phật giúp có giúp hay không?” (đó là suy nghĩ của bệnh nhân). Tôi trả lời: “Không thành vấn đề! Cũng như bình thường bác và cháu đâu có biết nhau, bác cũng không có đến nhà cháu chơi. Vậy mà đến lúc bác bệnh, thì bác cháu ta lại biết nhau, và cháu còn giúp đỡ khuyên răn bác niệm Phật nữa!”. Ông ta đáp: “Bác sĩ nói nghe cũng có lý! Bình thường tuy không niệm Phật, nhưng đến lúc bị bệnh mà niệm Phật cũng có thể được Phật rước”.

Ông ta suy đi tính lại và cuối cùng quyết tâm niệm Phật, niệm trong hoàn cảnh thân thể bị bệnh hoạn hành hạ khổ sở. Ngày trước, ông ta bệnh, hơi thở con thoi thóp, không còn hy vọng cứu chữa mà vẫn ra sức tìm tôi. Đây là một bệnh nhân rất kỳ lạ, trong lúc bệnh tình gần như trầm trọng mà rất còn hy vọng, vẫn tìm bác sĩ để chữa trị. Tại sao trong khi bệnh tình đã lâm vào tình trạng nguy nan rồi, hơi thở chỉ còn thoi thóp, mà ông ta vẫn tìm bác sĩ? Tìm bác sĩ để làm gì? Tìm câu niệm Phật! Không phải ông ta tìm tôi mà là tìm A-di-đà Phật! Bình thường, mọi người hỏi tôi: “Bác sĩ ăn chay, lạy Phật, niệm Phật Làm gì, bác sĩ chắc có “vấn đề” rồi”. Đến khi họ lâm bệnh nặng đến nằm viện, họ thấy bác sĩ của họ ăn chay, lạy Phật, thì có bệnh nhân thì thầm với tôi, rằng họ cảm thấy họ rất an tâm.

Họ cho rằng người ăn chay, lạy Phật đại khái sẽ đem lại cho họ sự bình an trong khi đau đớn, mà ít ra cũng là một trợ lực rất lớn trong quá trình đấu tranh với sự tử sinh. Cho nên, mọi người chớ nên lo âu, và đừng có sợ người ta chê cười khi mình niệm Phật. Hãy cứ thành tâm niệm Phật đi, cho dù chúng ta ở bất kỳ địa vị nào, hoàn cảnh nào, hãy đem một câu A-di-đà Phật mà thực hành cho triệt để. Được vậy, bạn như đang cầm trên tay một đóa hoa sen thanh khiết mà đi vào chốn bệnh viện đầy dẫy máu mủ, khổ đau.

Tôi phát hiện ra có nhiều bệnh nhân rất hay. Bình thường họ không biết niệm Phật, vậy mà khi họ thấy tôi, họ đều chắp niệm một câu A-di-đà Phật. Lý do là khi họ nằm viện, tôi đã chăm sóc cho họ rất lâu. Mỗi khi đi khám cho bệnh nhân nào, bước vào phòng của họ là tôi chắp tay niệm “A-di-đà Phật”. Có những ngày, lúc tôi bước vào phòng của họ mà quên niệm Phật thì họ liền nhắc tôi: “Bác sĩ Quách ơi! Sao ngày nay tôi không nghe bác sĩ niệm Phật?”. Đúng vậy! Sao tôi lạy quên niệm Phật nhỉ? Quả thật tuyệt vời! Không chỉ có đức Như Lai dạy tôi niệm Phật, mà tôi đến bất nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng được mọi người nhắc nhở niệm Phật. Vì tôi rất dễ quên, cho nên không thể không nhờ mọi người giúp tôi hộ trì một câu niệm Phật.

Có một ngày nào đó mà bạn không thấy tôi niệm Phật, xin hãy chắp tay nhắc tôi niệm Phật cho! Cho đến khi tôi tắt thở mà nhắc nhở tôi niệm Phật được lại càng có ý nghĩa nữa. Có nhiều bệnh nhân, một khi thấy tôi thì miệng của họ đã chào A-di-đà Phật. Thế mà, đến lúc họ lâm chung, tôi đến thăm, thật hiếm thấy được một người nào chắp tay niệm A-di-đà Phật. Chỉ cần niệm được một câu danh hiệu Phật, ít nhất là không bị đọa vào ba đường ác. Cụ thể, trong kinh Địa Tạng, đức Phật từng nói: “Một người đến lúc lâm chung mà nghe được danh hiệu Phật hay một danh hiệu của Bồ-tát, hoặc một câu kệ hay câu kinh, sẽ không bị đọa vào ba đường ác”.

Chẳng những không bị đọa vào ba đường ác mà còn thành tựu được việc thoát ly sinh tử luân hồi. Vì thế, chúng ta cần phải có dũng khí, chớ có sợ người khác nhìn bạn như thế nào. Bạn đợi đến lúc người ta hiểu được bạn thì cơ hội quý báu đã đánh mất. Ngày nay, bạn lỡ đánh mất đi cơ hội dạy cho người ta niệm Phật, đánh mất cơ hội dạy cho người ta Phật pháp thì về sau, bạn sẽ vĩnh viễn không còn biện pháp để bồi thường cho người ta đâu. Và rồi, có lẽ một ngày nào đó, những người nằm trên giường bệnh kia sẽ là những người thân yêu nhất của bạn. Như cha mẹ, ông bà, là bạn bè thân thiết nhất của bạn. Đến lúc đó, bạn hy vọng có người khác vì họ mà dạy Phật pháp, dạy cho họ niệm Phật thì khác nào việc bạn lấy cát nấu mà mong ước nấu thành cơm. Vì bình thường bạn không có gieo giống, tạo nhân giúp đỡ người khác.

Chắc chắn đến lúc đó sẽ không có người giúp đỡ cho những người thân yêu của bạn. Vì thế, bạn hãy thành tâm mà niệm Phật đi, đừng có sợ người ta chê cười. Tôi thấy có nhiều người thiếu can đảm, khi niệm Phật thì lại sợ người khác chê cười. Bạn đừng có sợ mà cứ niệm đi. Vì một khi câu niệm Phật rơi vào tai rồi thì nó sẽ trở thành chủng tử thiện, và bạn sẽ không bao giờ quên được. Chúng ta hãy biết thương yêu lấy mình, hãy lo chăm sóc cho mình từng li từng tí, đừng sợ người khác nhìn mình, phải biết hy sinh vì hạnh phúc chúng sinh. Từ bao kiếp đến nay, chúng ta cũng như họ, những việc nên làm thì không làm, việc không nên làm thì lại làm. Vì thế mà chúng ta cứ trôi mãi trong vòng lao ngục luân hồi sinh tử. Chúng ta hãy tự xét lại chính mình, rằng mình có đã có cống hiến được gì cho người khác chưa? Chúng ta đã làm được gì lợi ích cho mọi người chưa? Cho xã hội và đất nước hay chưa?

Tôi xin thành thật sám hối về những lời đã nói. Trong quá trình nói chuyện, tôi cảm thấy rất hổ thẹn. Vì tôi biết rằng có nhiều người tu tập hay hơn, giỏi hơn tôi nhiều, mỗi ngày công phu niệm Phật, lạy Phật đều đặn trong khi tôi tu tập chẳng có bao nhiêu, lại còn mê muội trong chiêm bao tăm tối. Ngày nay, lấy những cảnh khổ đau trong bệnh viện mà nói chuyện cùng mọi người, với mục đích mong sao mọi người chúng ta hãy sớm thức tỉnh, giác ngộ mà tu học Phật pháp, mau mau tinh tấn niệm Phật, vì cuộc đời dĩ vốn vô thường, thời gian không chờ đợi chúng ta. Có như thế, chúng ta mới giúp được tha nhân và gánh vác được gia nghiệp của Như Lai vậy.

Bác sĩ Quách Huệ Trân

Việt dịch: Thích Tâm An

Trích: Phật học và y học – Nhà xuất bản Tôn Giáo (2006)