CHIA SẺ

BuddhaStatue_Paul_OConnor

Cuộc đời rất quý báu vì nó là nền móng cho chúng ta xây dựng công trình tu tập không chỉ của kiếp này mà còn cho tất cả những kiếp sau. Cuộc đời dành cho chúng ta cơ hội để đạt đến giác ngộ, chứng nghiệm an lạc đích thực và tỏa chiếu những phẩm tính này để mang lợi ích đến cho chúng sanh. Nếu chứng ngộ chân tánh của mình, vũ trụ vạn vật sẽ trở thành nguồn an lạc cho chúng ta, và chúng ta cũng trở thành nguồn an lạc cho vũ trụ vạn vật.

Nếu chúng ta nhận ra sự quý báu của cơ hội này và hiểu giá trị của cuộc đời mình, chúng ta sẽ tức khắc cảm nhận và biết ơn cuộc đời. Sự biết ơn này sẽ trở thành sự cương quyết không lãng phí một khoảnh khắc nào của đời sống và dành trọn cuộc đời cho việc làm lợi ích với tất cả những khả năng của mình.

Chúng ta hãy xét xem có bao nhiêu sinh linh trên thế gian này có cơ hội dị thường này, vì khi xét như vậy chúng ta sẽ hiểu mình đã may mắn biết bao. Nhìn chung quanh chúng ta sẽ thấy có vô số sinh linh đang sống trên thế gian. Nếu lật một tảng đá lên, chúng ta thấy có hàng trăm côn trùng đang bò bên dưới. Nhìn qua kính hiển vi, chúng ta thấy có vô số sinh vật ở trong một giọt nước. Chỉ riêng ngay trong ruột của chúng ta cũng có hàng tỉ vi trùng. Theo Phật Giáo thì mỗi con vi trùng đó cũng có thần thức và cũng đang tìm hạnh phúc.

Thêm nữa, còn có vô số sinh linh mà chúng ta không trông thấy. Giống như tất cả những nền văn hóa cổ truyền khác trên thế giới tin rằng có những sinh linh vô hình như các vị thiên thần và ma quỷ. Phật Giáo cũng tin rằng có vô số loài sinh linh vô hình đối với mắt thường của chúng ta, những sinh linh này hiện hữu giữa chúng ta, ở ngay chỗ mà ta đang ngồi và đang thở. Lý do chúng ta và những sinh linh đó không trông thấy nhau và không can thiệp vào đời sống của nhau, là vì chúng ta và họ không có liên hệ nhân quả với nhau để sinh ra sự nhận thức lẫn nhau.

Nhưng trong đời sống của loài hữu tình và vô tình rộng lớn và kỳ diệu này, loài người có tiềm năng lớn nhất để đạt đến giác ngộ, vì chúng ta có cảm hứng, có lý trí và có nỗ lực để tìm đến và đi theo con đường tâm linh.Trong khi đó loài súc sanh và sinh linh ở địa ngục chịu đau khổ và thiếu lý trí đến mức không thể có được một phẩm tánh giác ngộ nào cả. Các vị Thần trường thọ có thể may mắn hơn chúng ta vì họ có thân ánh sáng đẹp đẽ và có đủ thứ phúc lạc, nhưng họ không có những kinh nghiệm khổ vui lẫn lộn để gây động lực và khả năng tìm sự giác ngộ giống như loài người chúng ta, mà lại quá chìm đắm trong dục lạc của mình.

Tuy vậy, loài người ở thế gian, chúng ta cũng thấy có rất ít người có khuynh hướng hay có ý định nắm lấy cơ hội quý báu để tu tập và đạt giác ngộ. Nhiều người ngày nay không tin vào tín ngưỡng và tôn giáo. Nhiều người không biết gì về tiềm năng tâm trí của mình, kể cả một số người có trình độ trí thức cao. Có lần một người trí thức nói với tôi: “tâm trí chỉ là một thứ nấm mọc ở trên bộ óc”.

Nhiều người quá bận rộn với việc cuộc sống mưu sinh cơm áo và bệnh tật hoặc quá đam mê lạc thú mà không dành thời gian cho việc phát triển tâm linh. Những người khác thì dùng hết năng lực của mình cho việc đạt thành công vật chất và danh tiếng thế gian. Lại có những người có một chút khuynh hướng tâm linh nào đó nhưng không đi đúng đường đạo, vì không gặp được minh sư hoặc đúng người hướng dẫn và đã chọn lầm giá trị. Như vậy chỉ có một phần nhỏ loài người có cơ hội phát triển tâm linh.

Giáo lý Phật Giáo đề ra những điều kiện lý tưởng cho việc phát triển tâm linh, đó là tám điều tự do và mười điều lợi.

Tám điều tự do là:

1/ không sinh ở địa ngục

2/ không sinh vào loài quỷ đói

3/ không sinh vào loài súc sanh

4/ không sinh về cõi trường thọ thiên (ở cõi này không có cơ hội để tu tập)

5/ không có tà kiến

6/ không có hành vi man rợ

7/ không có đoạn kiến

8/ không sinh ra ở nơi không có một vị Thầy giác ngộ nào xuất hiện

Mười điều lợi ích là:

1/ được sinh làm người

2/ có đủ năm giác quan

3/ nghề nghiệp chân chính

4/ sinh ra nơi có Phật Pháp

5/ sinh ra nơi có vị Thầy giác ngộ

6/ vị Thầy dạy giáo lý đạt đến giác ngộ

7/ giáo lý đó vẫn tồn tại

8/ có niềm tin vào giáo lý

9/ tu tập theo giáo lý

10/ có sự hướng dẫn của một vị đạo sư

Như vậy, rất hiếm khi có đủ tất cả 18 điều kiện lý tưởng nói trên. Trong Phật Giáo những ai có đủ những điều kiện này thì được xem là có đời người quý báu. Nhưng dù có được bao nhiêu điều, chúng ta cũng nên mừng là vì mình đã có những điều đó và tận dụng chúng. Và chúng ta cũng cố gắng để đạt được những điều mà mình đang thiếu. Nếu nhận biết như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ dám bỏ phí cơ hội quý báu này, và sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ hiểu đời người quý báu là an lạc và chứng ngộ chân không.

Nếu không nắm bắt cơ hội này để làm cho cuộc đời của mình có ý nghĩa và chuyển hóa nó thành đời người quý báu thì chúng ta không thể nói là mình sẽ có một cơ hội khác trong tương lai. Sau cùng, loài người có trí khôn sắt bén nhất trong các loài sinh linh mà cũng có những cảm xúc mạnh mẽ nhất, vì vậy chúng ta rất dễ bị cảm xúc lôi cuốn và làm những việc sai lầm có thể đưa tới tái sinh vào những cõi thấp. Luận Sư Shantideva nói: “rất khó được làm người với những điều kiện tốt. Chúng ta đang có cơ hội đạt được mục tiêu cao quý của cuộc đời, nhưng nếu không tận dụng cơ hội này, làm sao có được cơ hội khác?”

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ