CHIA SẺ

11

Đã có nhiều người thắc mắc về sự chú trọng thiền quán. Họ thấy thiền quán là sự tự nuông chiều, và còn có thể là vị kỷ hay đòi hỏi, vì nếu chỉ ngồi để hưởng tịnh lạc trong tâm trí của mình thì như vậy có ích lợi gì cho xã hội? Làm sao có thể nói là mình quan tâm tới người khác?

Sự thắc mắc như vậy là hiểu lầm thiền quán, và đó là vì đa số chúng ta chưa thấy rõ lợi ích của thiền quán.

Tất cả những gì chúng ta nghĩ hay cảm xúc đều sinh sản một ấn tượng tốt hay xấu tương ứng trong tâm thức (hay thần thức). Những ý nghĩ vô vị kỷ, hòa thuận hay vui vẻ sẽ gieo những hạt giống sinh ra những hình thể đẹp nhất, những âm thanh hay nhất và những cảm giác tốt nhất. Ngược lại, những ý nghĩ xấu sẽ sinh ra những quái vật, những âm thanh kinh khủng. Nhưng chỉ khi rời khỏi thể xác thô kệch, đi qua cõi trung ấm bardo thì chúng ta mới trông thấy và nghe thấy những hiện tượng này.

Thiền quán là phương tiện tốt nhất để tạo những thân tướng, âm thanh, cảm giác tốt có thể giúp mình cũng như tất cả những người nào sẵn sàng cảm nhận chúng. Những người ở trong cõi trung ấm thân rất nhạy cảm với thiền quán và những lời cầu nguyện vì họ sống trong thế giới tâm linh, không có thân xác vật chất để gá vào, nếu họ nghĩ ” New York” thì họ sẽ thấy mình đang ở New York. Nếu ngay đó họ nghĩ “London” thì London sẽ tức khắc là nơi họ đang đứng, theo sự cho phép của nghiệp báo. Cứ phiêu bạt như vậy, họ thường cảm thấy chán nản, sợ hãi và cô đơn.

Niềm an lạc và tâm từ bi mà chúng ta phát sinh qua thiền quán sẽ là chỗ tốt để những sinh linh trong cõi trung ấm thân nghỉ ngơi và trở nên tự tin, an tĩnh và hoan hỷ. Thiền quán là cách giúp đỡ những sinh linh này tốt hơn là những ý nghĩ tán loạn và những tình cảm thông thường của chúng ta, vì nó phát xuất từ mức sâu hơn và an lạc hơn trong tâm trí của chúng ta. Giống như một cục nam châm, tâm trí trụ trong Thiền quán thu hút những thần thức phiêu bạt và làm cho họ ổn định hơn. Càng trụ trong thiền quán lâu hơn, chúng ta càng có thể an ủi những sinh linh này nhiều hơn và có nhiều cơ hội làm cho tương lai của họ tốt hơn.

Thiền quán cũng làm cho chúng ta giúp đỡ rất nhiều cho những người sống trong cõi vật chất này. Còn nếu tâm trí có đầy những cảm xúc xấu mà lại muốn giúp người khác, dù ở trong cõi vật chất, thì chúng ta có thể vô tình làm cho họ nhiễm những cảm xúc xấu đó.

Thiền quán là cách thanh lọc những bất tịnh, củng cố những tính tốt, và đánh thức chân tính của mình. Thiền quán có thể là sự chứng nghiệm những đức tính như tôn kính, an lạc, từ ái và sức mạnh, được phát sinh bởi những ý nghĩ và những tình cảm thành thực. Trong thiền định chúng ta có thể chứng nghiệm tâm giác ngộ. Như vậy thiền quán và thiền định là một sự chứng nghiệm, một sự đạt tới, có tính chất thanh lọc và giúp thủ đắc kho tàng từ bi, an lạc, hoan hỷ và thành tín và do đó làm cho đời sống của chúng ta phong phú hơn, có thêm năng lực phục vụ người khác. Khi đã có nhưng phẩm tính đó, tất cả những gì chúng ta nói và làm cũng sẽ tự nhiên biểu lộ và phản chiếu những phẩm tính đó. Chúng ta trở thành nguồn từ bi, an lạc và hoan hỷ đối với tất cả những người nào tiếp xúc với chúng ta. Chỉ riêng sự hiện diện của chúng ta cũng mang lại sự an ủi cho người khác. Vậy, cũng giống như không quên gốc rễ của một cái cây nếu muốn nó mang lại hoa trái cho mình, chúng ta không thể lơ là với tâm trí của mình nếu muốn làm lợi ích cho người khác.

Ít nhất cũng ở mức lý trí, nhiều người trong chúng ta biết đến sự quan trọng của thiền quán nhưng lại bỏ qua hoặc không thực hành thiền quán. Lý do là chúng ta biết nhưng không có hứng thú để thực hành. Vậy làm sao để có hứng thú thực hành thiền quán.

Có hai loại động lực căn bản để thực hành thiền quán: thứ nhất là cảm hứng, thứ hai là lo sợ. Đời sống là nguồn phong phú cho hai loại động lực này. Thí dụ, gặp một vị Thầy khác thường có thể là sự kiện gây cảm hứng cho chúng ta. Hoặc có thể là những sự kiện như bị bệnh, một người thân qua đời, hay một thảm kịch lớn xảy ra như tai họa sóng thần ở Nam Á và Đông Nam Á làm cho chúng ta thức tỉnh và nhận xét đúng về cuộc đời.

Phật Giáo thúc đẩy chúng ta suy nghĩ sâu xa về năm tính chất của đời người vốn gây cảm hứng cũng như làm cho chúng ta lo sợ:

– Có đời sống đạo đức là điều quý hiếm

– Cuộc đời là vô thường, luôn luôn biến dịch

– Những sự kiện trong cuộc đời đều là những nghiệp quả tốt hay xấu

– Cuộc đời đầy đau khổ

– Cuộc đời có tiềm năng đạt những mục tiêu cao nhất.

Những tính chất này không phải là giả tạo, mà là những sự thật về cuộc đời. Trước đây chúng ta đã không biết hay không quan tâm đến chúng, nhưng bây giờ chúng ta hãy chú ý đến những động lực tu tập này. Tại tu viện của tôi ở Tây Tạng, mỗi buổi sáng chúng tôi bắt đầu hành thiền bằng việc suy ngẫm về năm điều này. Chúng ta không cần phải ngồi thiền và quán niệm về chúng mà chúng ta có thể suy nghĩ về chúng ở bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Những điều này sẽ giúp cho chúng ta biết rõ bản chất thật sự của cuộc đời, đưa chúng ta đi vào trong đường đạo, và gây cảm hứng cho chúng ta tu tập và thọ trì Phật Pháp.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ