CHIA SẺ

tánh không

Mọi sự vật hiện hữu đều phát xuất từ tâm, hoàn toàn chỉ là do tâm gán đặt tên gọi. Nếu không có cái tâm tạo ra danh xưng “tôi” thì sẽ không có cái tôi. Nói cách khác, nếu không có khái niệm “tôi” thì cái tôi tuyệt nhiên không hiện hữu. Chúng ta cần phải hiểu điều này cho thật rõ ràng.

Thân không phải là cái tôi, tâm không phải là cái tôi, và ngay cả cái hợp thể thân và tâm cũng không phải cái tôi. Không có gì trong những cái này là cái tôi. Hợp thể thân tâm là cái thực thể được gán cho tên gọi “tôi”, và “tôi” là một tên gọi. Và như chúng ta vừa khám phá, cái thực thể được gán tên gọi và bản thân tên gọi không thể nào là đồng nhất; chúng phải khác biệt nhau.

Vậy, cái tôi là gì? Cái tôi đang đi đứng, nằm ngồi, ăn ngủ, trải nghiệm khổ đau và hạnh phúc này là gì? Cái tôi đó không gì khác hơn là cái chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt tên gọi trong sự phụ thuộc vào kết hợp cụ thể của thân và tâm này, và cái tôi chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt tên gọi đó quả thật có hiện hữu. Đây là tất cả những gì là “cái tôi” – là cái chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt. Khi ta đang ngồi đâu đó và tự hỏi mình đang làm gì, ta trả lời: “Tôi đang ngồi”. Tại sao ta tin rằng ta đang ngồi? Chỉ vì một lý do duy nhất là thân thể của ta đang ngồi. Vì lý do này, ta mới tạo ra một danh xưng: “Tôi đang ngồi” và rồi ta tin vào danh xưng của chính ta. Đó hoàn toàn chỉ là một ý tưởng, một khái niệm.

Tuy nhiên, khi chúng ta tìm kiếm cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này, chúng ta không thể tìm thấy nó. Dù cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó hiện hữu, nhưng ta không thể tìm thấy nó trong các uẩn này, trong kết hợp của thân và tâm này. Cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi này quả có hiện hữu, vì nó thực hiện các hoạt động của ta, nó trải nghiệm sinh, lão, bệnh, tử; nhưng khi chúng ta tìm kiếm nó một cách cụ thể trong kết hợp của thân và tâm này, thậm chí chúng ta không thể tìm thấy cái tôi hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó ở bất cứ đâu.

Đây không phải là phương thức chính xác để thiền định về tánh Không của cái tôi, vì phương thức này không cứu xét đến cái tôi tự thể, nhưng phương thức này có thể hữu dụng.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ rằng, cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này quả có hiện hữu. Tiếp đó, chúng ta không thể tìm thấy nó ở bất kỳ chỗ nào trong kết hợp cụ thể của thân và tâm này, từ đỉnh đầu xuống đến tận ngón chân. Chúng ta không thể thấy cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi đó bên trong đầu và não của ta, bên trong lồng ngực, trong tim, trong bụng, trong tay chân… Ta cũng không thể tìm thấy nó bên trên bề mặt thân thể hoặc bên ngoài thân thể. Cho dù nó hiện hữu vì tâm chúng ta đã tạo ra tên gọi trong sự phụ thuộc vào các uẩn của ta, nhưng ta không thể tìm thấy cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi này ở bất cứ đâu cả.

Thông thường, chúng ta tin rằng cái tôi hiện hữu trong kết hợp của thân và tâm ta, nhưng chúng ta phải hiểu rằng không hề có một cái tôi như thế. Khi chúng ta không xem xét kỹ thì có vẻ như có một cái tôi như thế. Tuy nhiên, khi chúng ta thực sự tìm kiếm nó, chúng ta không thể tìm thấy nó ở đâu cả, và chúng ta chợt hiểu rằng nó không hề có ở đó. Cũng giống như việc tưởng rằng cái bóng cây trên mặt đất ban đêm là con bò cạp. Nhưng khi rọi một ngọn đèn vào nơi đó thì cái mà trước đó trông giống con bò cạp trong bóng tối giờ đây không thể nhìn thấy nữa. Tương tự như vậy, ngay khi chúng ta thực sự bắt đầu phân tích, ta khám phá ra rằng cái tôi không hề có trong kết hợp của thân và tâm ta.

Cái tôi mà chúng ta cảm thấy như đang ở đâu đó bên trong thân thể ta không hề hiện hữu; đó chỉ hoàn toàn là một ảo tưởng. Nếu nó quả thật hiện hữu thì nó phải trở nên rõ ràng hơn khi ta tìm kiếm nó, nhưng ngược lại, chúng ta hoàn toàn không thể tìm thấy nó. Nếu ta nghĩ là mình có ít tiền trong ví, nhưng khi xem lại và không tìm thấy tiền thì hẳn là cái ví đã rỗng. Tương tự, khi tìm kiếm cái tôi trong kết hợp của thân và tâm, ta không thể tìm thấy nó ở đâu cả, từ đỉnh đầu xuống đến tận các ngón chân.

Bây giờ, chúng ta phải xem xét về cái tôi thật, vốn có vẻ như tự nó hiện hữu và không phải do tâm gán đặt tên gọi. Khi chúng ta hết sức bối rối – chẳng hạn như khi có ai chỉ trích ta, hay buộc tội oan cho ta về một điều gì – hoặc khi chúng ta rất kích động về một điều gì, chúng ta cảm giác rằng cái tôi hiện hữu thật sự và độc lập này đang tồn tại bên trong thân thể ta. Đối với ta thì dường như có thể tìm được cái tôi thật này ở đâu đó bên trong thân thể ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể tìm thấy được ngay cả cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi nơi thực thể này, thì làm sao ta có thể tìm được cái tôi thật? Không có cách nào tìm thấy nó! Vì theo suy luận thì không thể nào hiện hữu cái tôi thật này, vốn không liên quan gì đến tâm của chúng ta.

Khi chúng ta nhận biết một giấc mơ chỉ là giấc mơ, ta biết rằng người ta trò chuyện trong mơ là không có thật; con người đó không hiện hữu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhận biết giấc mơ của ta chỉ là mơ thì ta tin chắc rằng con người trong giấc mơ của ta là có thật. Theo cách nhìn trí tuệ thì con người ta gặp trong giấc mơ không hiện hữu; nhưng theo cách nhìn vô minh thì con người đó hiện hữu. Với cách nhìn này thì đối tượng không hiện hữu; với cách nhìn kia thì đối tượng có hiện hữu. Đối với cái tôi thật cũng tương tự như vậy. Theo cách nhìn của trí tuệ, không hề hiện hữu một cái tôi thật; nhưng theo cách nhìn của tâm ảo tưởng vô minh thì cái tôi thật đó hiện hữu, vì nó hiện ra trước mắt chúng ta và chúng ta tin rằng nó là thật.

Giờ đây, chúng ta nên có một vài ý niệm về việc cái tôi thật sự hiện hữu như thế nào. Cái tôi hiện hữu nhưng hoàn toàn không có một sự hiện hữu theo tự tánh hay chân thật. Nó không có bất kỳ sự hiện hữu nào không liên quan đến tâm ta hay các uẩn của ta. Tâm chúng ta tạo ra danh xưng “tôi” trong sự phụ thuộc vào các uẩn của ta, vào sự kết hợp giữa thân và tâm của chúng ta. Đây là tất cả những gì là cái tôi. Không có cái tôi nào hiện hữu ngoài cái tôi chỉ hoàn toàn được gán đặt tên gọi bởi tâm chúng ta. Bất kỳ cái tôi nào có vẻ như hiện hữu ngoài cái tôi đó đều là ảo tưởng. Nó hoàn toàn trống không. Cái tôi đó không hề hiện hữu.

Tuy nhiên, cho dù chúng ta hoàn toàn tạo ra cái tôi, nhưng chúng ta không nhận biết về sự tạo tác của mình. Cái tôi hiện ra trước mắt chúng ta như là một cái tôi có thật và tự nó tồn tại, chứ không phải hoàn toàn được gán đặt tên gọi bởi tâm trong sự phụ thuộc vào các uẩn của chúng ta. Nói cách khác, cái tôi hiện ra trước mắt ta dường như chẳng liên quan gì đến tâm chúng ta. Nó có vẻ như tự nó tồn tại, thật sự tồn tại. Chúng ta hoàn toàn tạo ra cái tôi không thật này, vốn không thật trong ý nghĩa là nó hoàn toàn không hiện hữu. Cái tôi này không chỉ là không hiện hữu trong các uẩn, mà là hoàn toàn không hề hiện hữu.

Việc tự mình tin vào sự chân thật của cái tôi không thật này chính là vô minh, là cội nguồn của tất cả khổ đau. Điều đó tạo ra các loại vô minh khác cũng như sân hận, tham lam và các phiền não khác, và rồi các phiền não này lại thúc đẩy các hành vi bất thiện mang đến tất cả đau khổ cho chúng ta, bao gồm sinh, lão, bệnh, tử. Khi ta tự mình tin rằng sự xuất hiện của một cái tôi thật vốn tự nó tồn tại là đúng thật, đó là ta đang tạo ra một sự vô minh vốn là nguồn gốc của mọi vọng tưởng phiền não và hành vi bất thiện cũng như nguồn gốc của mọi khổ đau.

Việc nhận ra rằng cái tôi hoàn toàn không tự nó tồn tại chính là sự nhận biết tánh không của cái tôi, hay sự thật rốt ráo của cái tôi. Cách duy nhất để tự giải thoát mình cũng như giải thoát tất cả chúng sinh khác khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân khổ đau là chấm dứt sự vô minh tin vào sự tồn tại theo tự tánh của cái tôi. Mọi sự đều tùy thuộc vào sự cắt đứt cội gốc vô minh này, và cách duy nhất để làm được điều đó là nhận biết tánh Không. Chúng ta phải thực chứng được trí tuệ nhận biết tánh Không của cái tôi và của các uẩn.

Chỉ có trí tuệ thực chứng tánh Không mới có thể xóa bỏ được sự vô minh vốn là nguồn gốc của mọi khổ đau. Chúng ta phải thực chứng tánh Không, bằng không thì dù có đạt được bao nhiêu chứng ngộ khác đi nữa ta cũng không có được vũ khí có khả năng phá hủy trực tiếp cái quan niệm ảo tưởng về sự hiện hữu như thật [của cái tôi]. Khi chúng ta còn ôm giữ quan niệm về một cái tôi thật sự hiện hữu thì các vọng tưởng khác nhất định sẽ tiếp tục nổi lên, thúc đẩy các hành vi bất thiện và tạo ra các vấn đề bất ổn cho chúng ta.

Sự thật là cái tôi chỉ hoàn toàn do tâm tạo ra. Mặc dù tâm chúng ta hoàn toàn gán đặt tên gọi “tôi” lên hợp thể của thân và tâm ta, nhưng cái tôi xuất hiện trước mặt chúng ta một cách giả mạo như thể là tự nó hiện hữu. Rồi tư tưởng vị kỷ khởi sự chăm lo và bám chấp vào cái tôi giả mạo này vì nó có vẻ như tự hiện hữu chứ không phải chỉ hoàn toàn do tâm gán đặt. Chúng ta phát sinh tư tưởng chăm lo nuông chiều cái tôi giả mạo này, cho rằng nó quí báu và quan trọng hơn bất kỳ chúng sinh nào khác. Đối với chúng ta, điều quan trọng nhất trên thế gian này là cái tôi cá biệt này phải được hưởng hạnh phúc và không phải gánh chịu các vấn đề bất ổn.

Trong thực tế, việc chăm sóc “cái tôi” là chăm sóc một ảo tưởng. Cũng giống như việc có được một triệu đô-la trong giấc mơ và khóa chặt nó an toàn trong két sắt vì đó là một số tiền rất lớn. Khi giấc mơ vẫn còn kéo dài thì ta vẫn còn thấy có một triệu đô-la, vẫn còn quan tâm gìn giữ và lo lắng về việc cất giữ cho an toàn. Nhưng sau khi tỉnh giấc mơ, chúng ta không còn thấy có một triệu đô-la, thậm chí chỉ một đô-la cũng không thấy! Việc chăm sóc “cái tôi” [tưởng như] có thật này cũng giống như chăm lo gìn giữ một triệu đô-la kia. Thực ra không hề có một cái tôi tự tồn nào để [ta] chăm sóc. Đó chỉ hoàn toàn là một ảo tưởng. Không có gì cả. Bao lâu chúng ta còn bị mê muội trong quan niệm sai lầm tin vào sự hiện hữu thực sự [của nó] thì một “cái tôi thật” vẫn còn có vẻ như hiện hữu và đáng để được chăm sóc. Tuy nhiên, trong thực tại thì ý tưởng chăm sóc cái tôi chỉ là chăm sóc cho một đối tượng hoàn toàn không có thật.

Thực chứng tánh Không của cái tôi là một thiền định có năng lực mãnh liệt trong sự tịnh hóa và chữa lành bệnh tật; đó là biện pháp mãnh liệt để tìm thấy sự bình an, vì nó loại bỏ trừ tất cả những lo âu sợ hãi không cần thiết của chúng ta. Bằng sự thiền định về tánh Không, chúng ta sử dụng sự suy nghĩ khéo léo của chính mình để loại trừ bệnh tật và các vấn đề bất ổn khác.

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn Văn Điều và Đỗ Thiết Lập

Trích: Điều trị bệnh tận gốc năng lực chữa lành của Tâm bi mẫn, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội