CHIA SẺ

budda

Trong tất cả mọi hành động của tôi, tôi nguyện thăm dò trong tâm ý tôi.
Và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc phát sinh,
Vì chúng làm nguy hiểm cho chính tôi và những người khác,
Nguyện tôi mạnh mẽ đối diện với chúng và ngăn ngừa chúng.

Thi kệ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với phiền não tinh thần của chính mình. Mặc dù mục tiêu tối hậu của chúng ta là loại trừ những chướng ngại từ tâm thức chúng ta (đặc biệt là tự bám chấp) vốn ngăn cản chúng ta đạt được tuệ giác chân thật trong cung cách mọi vật thật sự là, nhưng chúng ta không thể thành tựu điều này mà không vượt thắng những cảm xúc và tư tưởng phiền não của chúng ta. Giống như thế, mặc dù mục tiêu chính yếu của chúng ta là giúp đỡ những chúng sinh khác thuần hóa tâm thức họ, nhưng chúng ta không hoàn thành mục tiêu này trước khi chúng ta thuần hóa tâm thức chúng ta. Cho nên thi kệ này chỉ chúng ta thấy vấn đề xử trí những phiền não tinh thần và cảm xúc của chúng ta như thế nào bằng việc áp dụng những phương pháp đối trị thích hợp.

Thí dụ, khi chúng ta quan sát những tiến trình tinh thần của chúng ta và phát hiện những dấu hiệu sớm sủa của việc phát sinh sự thù oán hay sân hận, thì chúng ta phải cẩn thận trau dồi lòng từ ái và bi mẫn nhằm để xoa dịu năng lực của những tư tưởng tiêu cực này. Tương tự thế, khi sự dính mắc mạnh mẽ bắt đầu sinh khởi, thì chúng ta có thể chống lại nó bằng những thực hành trau dồi buông xả một cách thận trọng, chẳng hạn như quán chiếu về những sự bất tịnh của thân thể hiện hữu. Khi chúng ta nhận ra sớm sủa những dấu hiệu của việc phát sinh sự kiêu căng hay tự quan trọng, thì chúng ta đối phó những thứ này bằng việc quán chiếu về những khiếm khuyết của chúng ta và về giáo lý mười hai nhân duyên và v.v… Tương tự thế, chúng ta nên chống lại những dấu hiệu sớm sủa của ganh tỵ hay tham muốn bằng việc trau dồi một cách cẩn thận cảm nhận của sự ngưỡng mộ vì sự thành công của người khác và vui mừng vì sự thành công và phát đạt của người họ. Đây là cách chúng ta tu dưỡng tâm ý chúng ta. Thứ nhất, chúng ta quan sát những tiến trình tư tưởng nội tại của chính chúng ta một cách mạnh mẽ, và ngay khi nhận thức những dấu hiệu của phiền não sinh khởi thì chúng ta áp dụng những phương thức hay sự đối trị thích hợp.

Kinh luận Phật giáo diễn tả hai loại đối trị. Một loại đối trị gồm những thứ tác động chiến thắng tạm thời những phiền não liên hệ, chẳng hạn như sự thực hành về từ ái đối trị thù oán, và việc trau dồi tùy hỉ và ngưỡng mộ để đối trị ganh tỵ, như được diễn tả ở trên. Loại đối trị thứ hai gồm có những thứ hướng đến việc loại trừ hoàn toàn các phiền não, chẳng hạn việc trau dồi tuệ giác trong tánh không giúp loại trừ tuyệt đối những phiền não từ chính gốc rễ của chúng.

Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Tuệ Uyển
Nguồn: Đối diện và đối trị kịp thời các cảm xúc phiền não