CHIA SẺ

22815579_758274124374806_1247611773445952218_n

Cuộc đời đầy khổ đau

Tất cả chúng ta đều muốn có hạnh phúc, nhưng khi còn kẹt trong vòng luân hồi với những hoạt động thế gian, chúng ta sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc, vì thế gian này thực sự không đáng thoả mãn và đầy khổ đau. Chúng ta phải hết sức vận dụng trí tuệ để hiểu thấu điều này.

Nhiều người cho Phật Giáo là bi quan vì nói rằng đời là khổ. Nhưng học giả nổi tiếng thế giới, Hòa Thượng Tiến Sĩ Walpola Rahula từng viết: “Phật Giáo không bi quan, không lạc quan mà chỉ nói lên sự thật. Phật Giáo nhìn sự vật một cách khách quan“.

Khi thực sự thấy sự vô ích của việc tìm hạnh phúc trong thế gian huyền ảo, chúng ta sẽ không tham muốn nữa, mà sẽ đi theo con đường diệt khổ, đắc Niết Bàn an lạc. Đây là sự minh triết của đạo pháp và quả vị.

Chúng ta cần phải đối diện với đau khổ thế gian vì một lý do khác. Nếu muốn đắc đạo, chúng ta cần phải bắt đầu ngay ở đây chứ không phải ở một nơi nào khác trong dự định. Đó là lý do mà bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn nói về Khổ Đế (truth of suffering), một trong bốn chân lý vi diệu, vốn là giáo lý trung ương của Ngài. Và đó là lý do mà chúng ta cũng nên tìm hiểu đời sống một cách khách quan. Nếu cuộc đời của chúng ta phần lớn đã chìm đắm trong mê lầm và đau khổ thì chúng ta nên nhìn nhận như vậy và biết rằng đó là nơi khởi hành để mình tiến tới trên đường đạo.

Đau khổ: chân lý thứ nhất

Chúng ta hãy xét thêm tính chất của sự đau khổ mà mình đang phải chịu. Chúng ta đều quen thuộc với sự đau khổ mà mình trông thấy ở xung quanh, ví dụ như: u uất, đau buồn, than thở và bệnh tật… Sự đau khổ phổ quát này được Phật Giáo gọi là “khổ khổ” (suffering of suffering).

Nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy một loại khổ đau khác nhuộm màu tất cả những niềm vui và những sự hài lòng của mình. Chúng ta lo ngại tất cả những điều tốt đẹp sẽ phải chấm dứt hay biến đổi theo đúng quy luật tự nhiên. Con cháu chúng ta sẽ trưởng thành và xa cách, những người thân yêu rồi sẽ chết, chúng ta sẽ trở nên già yếu. Những điều tốt không chỉ chấm dứt mà còn có thể biến thành nguồn đau khổ. Việc kinh doanh có thể làm cho chúng ta thê thảm vì phá sản. Thuốc lá gây ung thư phổi. Loại khổ đau này được gọi là “hoại khổ”, khổ do biến đổi.

Ở mức sâu hơn là “hành khổ”, khổ có ở khắp nơi. Sự đau khổ này có ở ngay trong năm uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vốn tạo nên thân thể và tâm thức con người, và ở trong đó không có gì thực sự đáng hài lòng. Đức Phật nói : “Tất cả các pháp hữu vi đều biến dịch và hư hoại” (all compounded things are subject to change and decay). Pháp hữu vi là những hiện tượng phát sinh từ nhân duyên. Chúng được tạo ra bởi những nguyên nhân của đau khổ, những ác nghiệp của những ý niệm nhị nguyên và phiền não, với những điều kiện mang lại đau khổ. Vậy, phải sinh ra là khổ.

Có thể nói hành khổ dẫy đầy thế gian này đến mức chúng ta trở nên vô cảm với nó. Lý do một phần chúng ta không nhận thức được nó là vì chúng ta đã không biết gì về một cõi sống nào khác và như vậy không có gì để so sánh với đời sống thế gian của mình.

Vậy chúng ta hãy xét tình trạng sống của mình từ quan điểm của các vị Thần. Trong cuốn “Hành Trình Giác Ngộ” (Enlightened Journey) của tôi, tôi đã trình bày những hình ảnh đơn giản sau đây: Hãy tưởng tượng chúng ta có “thân ánh sáng” giống như cầu vòng và giống như thân của những sinh linh ở cõi trời. Đó là thân ánh sáng phi vật chất nên chúng ta có thể di chuyển bằng cách bay trên không. Không có bóng tối xung quanh chúng ta, chúng ta không cần phải có ánh sáng mặt trời hay mặt trăng, vì thân ánh sáng của chúng ta chiếu sáng khắp vùng xung quanh. Không có sự đau nhức nào vì thân của chúng ta là vô vật chất và bất hoại. Chúng ta sống với thân này trong nhiều năm. Rồi một hôm thân ánh sáng này bỗng biến đổi thành thân có thịt, xương, da, máu và đủ loại chất bẩn. Chúng ta chỉ có thể di chuyển bằng hai chân bước từng bước một. Chúng ta không thể trông thấy gì nếu không có nguồn ánh sáng khác. Thân thể của chúng ta dễ bị xâm phạm bởi những vật khác, dễ gẫy, đứt hay bị cắt thành từng mảnh, không thể lành lặn trở lại hay đi đứng trở lại nếu chúng ta không cẩn thận trông chừng, tránh né và luồn lách mọi vật chung quanh bất cứ lúc nào. Đây phải là một loại khổ không thể nào chịu đựng nổi.

Tất nhiên, sự hoan lạc của các vị Thần không thể so sánh được với sự an lạc của cõi vô thượng. Vì cũng sống trong cõi luân hồi nên các vị Thần chắc chắn phải có sự đau khổ. Khi nghiệp quả tốt của họ chấm dứt, họ sẽ chết trong sự lo sợ kinh khủng vì cảm thấy tương lai đau đớn đang chờ đợi mình trong kiếp sau ở một trong những cõi thấp.

Chúng ta nên nhớ lời Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tính giác ngộ này là mục tiêu để chứng ngộ bằng những pháp tu tập khác nhau như thiền quán. Nhưng đối với đa số chúng ta thì Phật tánh bị che phủ bởi gió nghiệp vốn có gốc rễ là tâm ngã chấp, và bởi những cảm xúc phiền não. Vì vậy chúng ta trở nên vô minh và đau khổ và phải lang thang mãi trong sáu cõi luân hồi, giống như cái bàn xoay của người thợ làm đồ gốm quay vòng vòng. Đức Phật dạy: “Do vô minh tham muốn và biến dịch, trong các cõi của người, trời và ba cõi thấp; năm cõi sinh linh quay cuồng giống như cái bàn xoay của người thợ gốm“.

Giống như một con ong bay quanh trong căn phòng đóng kín, chúng ta liên tiếp tái sinh trong các cõi luân hồi tùy theo nghiệp báo của mình.

1/ Nếu tâm ta đầy sân hận và đã làm hại người khác thì vào lúc chết, thần thức của chúng ta sẽ xuất hiện trong hình dạng kiếp tái sinh trong địa ngục. Những đặc tính của địa ngục như nóng cháy, hoặc lạnh như băng, đau đớn hoặc buồn thảm, áp chế, hung dữ, sẽ là đời sống của chúng ta.

2/ Nếu ta keo kiệt bỏn xẻn, sau khi chết chúng ta sẽ thấy mình tái sinh trong cảnh khốn khổ, bị hành hạ, đói khát và thiếu thốn, vốn là những đặc điểm của cõi quỷ đói.

3/ Nếu tâm ta và những hành động ta đầy vô minh và mê muội, chúng ta sẽ thấy mình tái sinh vào cõi súc sinh, thú vật, chịu sự mê muội, hành hạ, phải kéo cày hay chuyên chở vật nặng, và bị giết để lấy thịt.

4/ Nếu có tâm ganh tỵ, chúng ta sẽ thấy mình tái sinh trong loài bán thần Atula, hiếu chiến, và do lo sợ, ganh tị chúng ta sẽ rơi vào những cuộc xung đột và âm mưu bất tận.

5/ Nếu ta có ý nghĩ và hành vi kiêu ngạo, sau khi chết thần thức ta sẽ xuất hiện như những vị Thần ở cõi trời, nơi chúng ta sẽ phí thời giờ với những thú vui cho đến khi chết và rơi xuống những cõi thấp.

6/ Nếu tâm ta và hành động có tính tham dục và chấp thủ, chúng ta sẽ tái sinh trở lại làm người.

Ở cõi người có nhiều cơ hội để tu tập và phát triển tâm linh, nhưng dù tái sinh làm người, chúng ta vẫn có thể đi lạc ra ngoài đường đạo và tái sinh trong cõi thấp. Có thể chúng ta mắc phải tính ganh tị và sân hận để rồi tạo nghiệp xấu. Kiếp người cũng đầy khó khăn tới mức không có gì bảo đảm cho chúng ta sẽ có sức mạnh để tu tập.

Phải xét những khó khăn mà chúng ta đối diện từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Trước hết chúng ta phải trải qua sự ra đời và tuổi ấu thơ. Rồi nếu may mắn, chúng ta sẽ sống khoảng hai mươi năm kế tiếp với trường học. Sau đó chúng ta xây dựng gia đình và dành phần lớn thời gian cho việc kiếm sống. Cuối cùng là tuổi già, sức yếu. Đủ các thứ bệnh tật làm cho chúng ta phải lo nghĩ, đau đớn và trông mong. Chúng ta có thể không còn tiền bạc và của cải nữa. Cái chết sẽ chực chờ chúng ta ở ngoài cửa và kiếp sống của chúng ta sẽ chấm dứt. Thân người của chúng ta sẽ tan rã thành cát bụi và tên tuổi của chúng ta biến mất khỏi ký ức của thế gian. Chỉ có tâm thức của chúng ta chuyển di qua các cõi luân hồi, trừ khi chúng ta đạt đến giải thoát hay tái sinh trong một cõi tịnh độ, nơi chúng ta sẽ không bao giờ thoái hóa về mặt tâm linh và sẽ chứng đạt giải thoát trọn vẹn.

Ngoài những khó khăn này, con người còn phải chịu bốn nổi khổ trong suốt kiếp sống: khổ vì phải nhận những gì mà mình không muốn, khổ vì mất những gì mình thích, khổ vì không có được những gì mình muốn có, và khổ vì phải gặp những gì mình ghét. Cách độc nhất để thoát khỏi những nổi khổ này là làm ba điều sau đây:

– Nhận ra những tính chất xấu, cảm xúc xấu và hành vi xấu của mình.

– Chuyển hóa từ xấu sang tốt.

– Phát triển từ tốt đến hoàn thiện.

Tham vọng cũng có thể là một tính tốt. Tây Phương đặc biệt đề cao tâm lý “mình có thể làm được“, nhưng chúng ta cần phải biết dùng tham vọng một cách khôn ngoan. Nếu chạy đua marathon mà lại muốn tới đích ngay thì không thể thắng cuộc đua nếu không đi qua hơn bốn mươi hai cây số. Vậy khi nhắm vào phần thưởng cao nhất tức Phật quả, chúng ta cần phải đi từ bước đầu tiên, đó là biết mình đang ở vị trí nào. Chúng ta cần nhận ra rằng cuộc đời của mình có nhiều điều xấu và nhiều đau khổ. Rồi chúng ta phải có ý muốn khẩn cấp tự giải thoát khỏi tù ngục do chính mình tạo ra. Chúng ta cần phải chuyển hóa từ xấu đến tốt bằng cách gây dựng những đức tính an lạc, từ bi và chánh kiến. Sau cùng, chúng ta phải đạt đến sự hoàn thiện và thoát khỏi sự trói buộc của tâm lý sợ đau khổ và muốn hạnh phúc bằng cách tự giải thoát khỏi gốc rễ của đau khổ.

Phật Giáo có một cách tự giải thoát khỏi gốc rễ của đau khổ qua việc tu tập từng bước một cho đến khi đạt đến trạng thái giác ngộ trọn vẹn. Như vậy Phật Giáo chủ trương rộng mở, một quan điểm không có hai biên kiến bi quan và lạc quan. Luận Sư Long Thọ nói:” Đối với người chứng ngộ tánh Không, thì tất cả đều khả hữu“.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ