CHIA SẺ

đức phật 54

Trong kinh Phật có nhiều câu chuyện kể về các vị Bồ Tát (Bodhisattva) hay các bậc thánh nhân, những vị luôn hy sinh bản thân vì người khác. Theo thuật ngữ Sanskrit, Bodhisattva có thể được dịch như là “vị anh hùng giác ngộ”. Các vị Bồ Tát tuy chưa giác ngộ viên mãn, nhưng không hề tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến việc chăm lo những người khác và làm việc bằng cả thân, khẩu, ý của mình vì lợi lạc cho chúng sinh hữu tình. Các ngài không chỉ mong ước người khác được hạnh phúc mà còn tự mình nhận lấy trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Các ngài thệ nguyện làm việc này mà không cần biết nó khó khăn như thế nào hay bao lâu sẽ hoàn thành. Với tâm đại từ đại bi, các ngài nhận lấy trách nhiệm tự mình và duy nhất chỉ riêng mình sẽ hoàn thành công việc. Đó là tư tưởng hiến dâng trọn vẹn với một trái tim dũng mãnh cực độ. Bất kỳ chúng sinh nào có được phẩm chất dũng mãnh này đều là một vị anh hùng đích thực.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi đạt giác ngộ viên mãn đã từng là một vị Bồ Tát trong hàng trăm đời sống, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp. Tuy nhiên, không chỉ các vị Phật, các vị Bồ Tát mới có được tâm thanh tịnh này, các vị thánh trong Thiên chúa giáo cũng có tâm như vậy, chẳng hạn như Thánh St. Francis ở Assisi, nước Ý, sống cùng thời với ngài Milarepa. Dù là thuộc tôn giáo nào, Hindu, Thiên chúa giáo hay Phật giáo, hễ ai có tâm quên mình để nghĩ đến việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ thì đều là thánh nhân, là chúng sinh thiêng liêng. Ngay cả loài vật nếu có thái độ hoàn toàn vị tha như vậy cũng được xem là một chúng sinh thiêng liêng.

Trong suốt thời gian còn là vị Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã hàng trăm lần hy sinh thân thiêng liêng của mình vì chúng sinh hữu tình. Trong hàng trăm kiếp, đức Phật đã dùng mắt của mình tặng cho những người mù, tặng cả tay chân cho những người cần đến. Có một lần, đức Phật đã để cho một gia đình cọp sắp chết đói ăn thân thể của mình. Và Ngài đã cầu nguyện rằng nhờ vào mối nhân duyên được ăn thịt thân Ngài mà các con cọp đó sẽ tái sinh làm người và trở thành đệ tử của Ngài. Ngài cũng cầu nguyện sẽ khai mở cho họ con đường đưa tới giác ngộ. Kết quả là, nhờ vào nhân duyên kết nối đó, các con cọp sau này đã tái sinh làm người, đã nghe giáo lý trực tiếp từ đức Phật và đã thực chứng được con đường giác ngộ.

Vào một kiếp khác trong quá khứ, khi còn là Bồ Tát, đức Phật đã để cho năm quỷ dạ-xoa – loài chúng sinh hút máu – hút máu của mình và cũng cầu nguyện là sẽ ban giáo lý giác ngộ cho họ trong các kiếp sau. Kết quả là, sau này năm quỷ dạ-xoa được tái sinh làm người và trở thành năm đệ tử đầu tiên của đức Phật, đã được nghe đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế ở Sarnath, Ấn Độ.

Vào một kiếp khác nữa trong quá khứ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng với một chúng sinh địa ngục kéo một chiếc xe chở các cai ngục đi trên một nền toàn bằng sắt nung chảy trong một địa ngục nóng. Ngài cảm thấy quá xót thương cho chúng sinh địa ngục đang cùng ngài kéo xe, đến nỗi Ngài hy sinh bằng cách tự kéo xe một mình. Ngài cũng cầu nguyện rằng Ngài sẽ chịu đựng sự đau khổ thay thế cho tất cả các chúng sinh đang có cùng nghiệp khổ như thế.

Khi Ngài phát nguyện thay thế chịu nghiệp cho các chúng sinh địa ngục, các cai ngục bảo Ngài là điên khùng và lấy búa đánh lên đầu Ngài. Lập tức Ngài được giải thoát khỏi địa ngục, và tâm thức được chuyển lên cõi trời Đâu-suất (Tushita). Kinh điển nói rằng, đó là lần đầu tiên Ngài phát sinh tâm đại bi.

Lại một kiếp khác nữa trong quá khứ khi còn là Bồ Tát, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là thuyền trưởng của một con thuyền chở năm trăm lái buôn. Các lái buôn này đi thuyền qua biển để tìm mua ngọc. Với tâm sáng suốt, vị thuyền trưởng Bồ Tát linh kiến biết có một người trên thuyền định mưu sát tất cả các người khác. Ngài quá đỗi xót thương cho kẻ định gây tội ác và nghĩ rằng: “Tôi phải giết người này – tôi bất chấp việc giết người sẽ đẩy tôi vào địa ngục.” Với sự hy sinh quên mình, Ngài chỉ nghĩ đến chuyện ngăn cản người kia không tạo nghiệp cực ác giết các lái buôn và Ngài chấp nhận tự mình vào địa ngục thay cho người kia. Và vị thuyền trưởng Bồ Tát đã làm như vậy với lòng bi mẫn không gì so sánh được.

Nói chung, hành động giết người là xấu ác, và quả là phải tái sinh địa ngục. Tuy nhiên, hành động giết người của vị thuyền trưởng xuất phát từ tâm đại bi mãnh liệt tột bực, nên thay vì tái sinh địa ngục, Ngài đã được tẩy sạch nghiệp và rút ngắn thời gian ở cõi luân hồi một trăm ngàn kiếp. Nói cách khác, nhờ vào việc toàn tâm toàn ý hy sinh quên mình cho hạnh phúc của người khác, hành động giết người của Ngài đã mang Ngài đến gần bến bờ giác ngộ hơn.

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn Văn Điều và Đỗ Thiết Lập

Trích: Điều trị bệnh tận gốc năng lực chữa lành của Tâm bi mẫn, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội