CHIA SẺ

đức phật 63

Phật giáo Đại thừa tin rằng toàn thể vũ trụ đều thanh tịnh và viên mãn trong thực tính của nó. Vấn đề không nằm ở hiện tượng của thế giới, không nằm ở việc chúng là gì, chúng không là gì mà nằm ở việc tâm bạn nhận thức chúng ra sao. Nếu bạn nhìn thế giới xunh quanh đều là nguồn an lạc thì nó sẽ trở thành phước lành và đem lại lợi lạc cho bạn. Nếu tâm bạn thanh tịnh và cởi mở, đối tượng chữa lành có thể là một hình tượng Phật giáo hoặc một cái cây. Đức Phật dạy:

Người nào tâm thanh tịnh, dù không sống nơi cõi Phật, Ngài cũng thị hiện trước mặt… Với họ, pháp bảo hiện nơi núi non, chân núi và nơi những cội cây.

Đại Bồ Tát Tịch Thiên đã phát nguyện:

Nguyện cho mọi chúng sinh Nghe pháp âm không dứt Từ con chim, cội cây, từ ánh sáng, bầu trời.

Nhiều người phi tôn giáo không thể nhẫn chịu được các phương pháp chữa lành với ngụ ý tôn giáo, ngay cả khi những phương pháp đó rất có ích lợi. Nếu một trong những mô tả này phù hợp với bạn thì bạn cần thực hành buông bỏ thái độ về sự bất an và tự bảo vệ.

Hàng ngày, các đối tượng và yếu tố tự nhiên có thể là những phương tiện quan trọng trong việc chữa lành khổ đau của chúng sinh. Đoạn trích của Ngài Tịch Thiên thể hiện nguyện vọng của một vị Bồ Tát mong muốn trở thành nguồn chữa lành cho chúng sinh:

Miễn có người bị bệnh, Tới khi họ được chữa lành

Con nguyện làm y tá của họ… Con nguyện là người hộ vệ Cho những ai không được bảo vệ

Nguyện là người dẫn đường cho khách đi đường Cho tàu, thuyền, cầu

Cho những ai muốn qua đại dương, sông ngòi Nguyện làm đất cho ai tìm đất cập bến Nguyện làm đèn cho những ai trong đêm đen mong có ánh sáng

Làm nhà, làm chiếu cho người ốm đau

Làm kẻ tôi tớ cho người già bệnh cần chăm sóc

Cho họ toại nguyện được trang sức quý giá, tàu thuyền hảo hạng,

Thần thông và thuốc thang chữa bệnh Cho họ toại nguyện có cây cối

Cho họ toại nguyện có trâu bò Làm đất, nước, gió, lửa, hư không Để giúp chúng sinh tồn tại

Nguyện luôn là nguồn nuôi sống vô lượng chúng sinh.

Pháp không chỉ là ngôn từ trong kinh điển sách vở mà là sự hiểu biết và thực nghiệm những lời dạy đó cùng với ý nghĩa của chúng. Pháp không chỉ là việc có được chút ít thành tựu tâm linh mà là sự chữa lành tối thượng của bình an và trí tuệ.

Nếu bạn nói đúng, với những mục đích đúng thì đó là chánh ngữ, và đó là một lối rèn luyện của Phật giáo. Nếu bạn nhìn, nghĩ, cảm nhận và tin đúng cách thì bạn đang đi trên giác đạo, hay Phật đạo, ngay cả khi bạn không gọi nó bằng cái tên như vậy.

Vì vậy, nếu bạn có thể thấy bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là đối tượng tích cực – là nguồn an lạc thì nó sẽ trở thành nguồn an lạc, nếu bạn thấy mọi thứ, kể cả những hình tượng Phật giáo trước mặt, là tiêu cực thì nó khó có thể mang lại lợi ích cho bạn.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại