CHIA SẺ

Đức Phật A Di Đà

Thiền định cho người chết hoặc người hấp hối 

Nếu người hấp hối là người tu tập theo Phật giáo, với tư cách là người trợ giúp, bạn có thể thực hiện thiền pháp và cầu nguyện khi người đó đang hấp hối và trong 49 ngày sau khi người đó chết.

Trong nhiều truyền thống Phật giáo Tây Tạng, người ta thực hiện các nghi lễ phức tạp dành cho người chết. Với lời cầu nguyện chư Phật, bạn mang ý thức của người chết vào lại cơ thể hoặc vào một hình nhân. Sau đó bạn thực hiện các nghi lễ chi tiết nhằm mục đích chỉ dạy và dẫn dắt người chết. Bạn tiến hành tịnh hóa và tích tập công đức. Cuối cùng, bạn chuyển ý thức của người chết vào tâm Phật hoặc vào cõi Tịnh Độ.

Tuy nhiên, là người trợ giúp, bạn nên làm bất kỳ điều gì có thể và mang lại ích lợi. Thay vì cố làm thật nhiều việc, phương pháp mang lại lợi ích nhiều nhất là thực hiện thiền định và đọc những lời cầu nguyện mà cả bạn và người hấp hối đều quen thuộc và làm tốt.

Sử dụng những lời cầu nguyện, các bài thiền định để đánh thức suy nghĩ và cảm giác của người đó và để họ trải qua tiến trình chết. Hãy nghĩ và cảm thấy cả hai đang ở trong bầu không khí của sự giác ngộ vĩnh cửu về an bình, hỷ lạc, sức mạnh và ánh sáng, sau đó hãy thư giãn với những cảm giác đó. Nếu người hấp hối có thể hợp tác với bạn trong những bài thiền này, họ sẽ đạt được lợi ích. Có thể đọc to hoặc đọc thầm những lời cầu nguyện.

Nếu người đó không đón nhận Phật giáo, phương pháp sau đây có thể là tốt nhất và an toàn nhất. Nó dựa trên các nguyên tắc Phật giáo nhưng lại mang tính phổ biến như những phương pháp được sử dụng trong cuốn sách này. Vì vậy bạn có thể thực hiện các lời cầu nguyện và thiền định sau đây cho người hấp hối hoặc người chết:

  1. Hãy nhìn lên bầu trời và thấy các bậc giác ngộ, thiên nhân, thần, thánh được làm từ ánh sáng vô hạn lượng. Các Ngài là những người có tình yêu vĩ đại, có niềm an bình tuyệt vời và hoàn toàn rộng mở.
  2. Hãy lắng nghe âm thanh A được hát lên. Đó là âm thanh của vũ trụ. Hoặc bạn có thể lắng nghe bất kỳ lời nói hay âm thanh an bình nào. Hãy lắng nghe và cảm nhận tình yêu vô bờ bến và sự rộng mở vô hạn trong tiếng vang của âm thanh
  3. Sau đó hãy nghĩ về người chết và cảm nhận sự có mặt của họ. Hãy cảm thấy người này cũng đang nhìn thấy sự hiện diện của các đấng giác ngộ được làm từ ánh sáng, đang lắng nghe âm thanh A và đang cảm nhận tình yêu vô hạn lượng, niềm an bình tuyệt vời và sự rộng mở tuyệt đối của các Ngài.
  4. Hãy nhìn và cảm nhận các đấng giác ngộ kia đang gửi đến người hấp hối tình yêu thương, phước lành và sức mạnh của các Ngài dưới dạng các chùm ánh sáng – ánh sáng ấm áp, hỷ lạc và mạnh mẽ. Toàn cơ thể người ấy ngập tràn ánh sáng phước lành. Một chút ánh sáng phước lành có thể làm an dịu mọi lo âu, sợ hãi, rối ren và đau đớn trong người ấy và đong đầy trong họ niềm an lạc, sức mạnh và trí tuệ.
  5. Hãy cảm nhận người này và bạn, cũng như mọi thứ xung quanh được chuyển thành thế giới ánh sáng và hãy cảm thấy cả hai đang được tưới tắm trong niềm an lạc vô hạn đó. Hãy an trú nơi cảm giác đó.

Hướng dẫn cho người chết hoặc người hấp hối 

Nếu người chết hoặc hấp hối là một Phật tử hoặc có thái độ cởi mở với những lời cầu nguyện và sự trợ giúp, bạn cũng có thể nói chuyện với họ và gửi đến họ những thông điệp tích cực của mình bằng cách nói to hoặc nghĩ thầm:

  • Ở giai đoạn trung ấm, có thể bạn nhìn thấy các hình ảnh đầy phẫn nộ, xấu xí hay đáng sợ. Bạn phải nhớ rằng những hình ảnh khủng khiếp này không có thật mà là do tâm tự tạo ra, chúng là sự phản chiếu của tâm. Chúng chỉ là những hình ảnh do tâm bạn dựng lên, giống như ảo giác hoặc các trò ma thuật vậy. Bây giờ bạn phải nghĩ chúng là những hình ảnh của ánh sáng. Hãy nhớ chúng rất an bình, vui vẻ và mở rộng trong chân tính của chúng. Với tâm rộng mở, hãy thấy đó là những hình ảnh an bình, hỷ lạc.
  • Trong thân trung ấm, có thể bạn nghe thấy những âm thanh như sấm và những lời nói đáng sợ. Hãy nhớ rằng những cảm giác này chỉ là sản phẩm của tâm trí, chúng giống như cơn ảo giác hay ác mộng vậy. Bạn phải nhớ rằng mọi ý niệm và cảm giác đều an lạc trong thật tính của chúng. Hãy cảm nhận những suy nghĩ và cảm giác của bạn đều an lạc.
  • Đừng tham luyến vào các hình ảnh, âm thanh, cảm giác, đừng bám chấp vào chúng hay sợ chúng. Hãy nhìn những hình ảnh đó một cách cởi mở, lắng nghe những âm thanh một cách thanh thản và cảm nhận sự vui sướng. Chúng là những hình ảnh, âm thanh và cảm giác về thật tính của tâm.

Nếu người đó cởi mở với Phật giáo thì hãy giải thích cho họ biết cách quán tưởng đức Phật Dược Sư (hoặc bất kỳ hình ảnh vị Phật nào) cùng các vị thánh hiện tướng nam hoặc nữ bằng ánh sáng. Hãy nhẹ nhàng nói với người ấy như sau:

Hãy thấy các đấng giác ngộ này tràn đầy tình yêu thương, an bình, hỷ lạc, oai hùng và trí tuệ. Các Ngài xuất hiện trên bầu trời phía trước mặt để bảo vệ và dẫn dắt bạn trên hành trình của mình. Các Ngài ở đây để gia hộ cho bạn.

Hãy nghe thấy mọi âm thanh đều là tiếng nói đầy yêu thương của các bậc giác ngộ. Hãy nghe thấy mọi âm thanh đều là tiếng cầu nguyện (hay âm thanh A), những âm thanh hoàn toàn an bình, rộng mở và hỷ lạc.

Cảm nhận sự hiện diện của các đức Phật Dược Sư, cảm nhận hơi ấm giác ngộ trong sự hiện diện đó. Hãy cảm nhận sự an toàn trong sự hiện diện đó. Hãy cảm nhận sự thành tựu mọi sở nguyện trong sự hiện diện đó. Hãy cảm nhận và tin rằng kể từ nay, bạn được các bậc giác ngộ bảo vệ và dẫn dắt.

Người trợ giúp và người sống nên hành xử ra sao

Những ai trợ giúp người chết hoặc người hấp hối nên trợ giúp về mặt tâm linh phù hợp với kinh nghiệm thiền định trong Phật giáo của cả người giúp lẫn người được giúp. Cụ thể như sau:

  • Nếu người hấp hối sẵn lòng được giúp nhưng không quen thiền định và người trợ giúp được rèn luyện tốt hơn thì người trợ giúp phải nói các lời cầu nguyện, thực hiện các nghi lễ và chỉ dẫn về cái chết, nói thật to cho người hấp hối nghe. Các chỉ dẫn nên ngắn gọn, đơn giản và chân thành.

Điều quan trọng là người trợ giúp nên nhấn mạnh kinh nghiệm thiền định của người đó. Bằng cách này, người trợ giúp có thể dẫn dắt người hấp hối đi qua tiến trình chết và thân trung ấm để đến bờ an lạc, giống như đưa một người bệnh đi qua dòng nước lũ vậy.

  • Nếu người hấp hối là một người thành thục về thiền nhưng chưa phải là chứng ngộ cao và ít nhiều cũng cùng trình độ với người trợ giúp thì người trợ giúp nên nói lời cầu nguyện, tiến hành các nghi lễ và nhắc nhở người hấp hối những chỉ dẫn về tiến trình chết.

Điều quan trọng đối với người trợ giúp là nghĩ và cảm thấy mình và người hấp hối đang hợp nhất trong thiền định. Phương pháp này có thể giúp người hấp hối, giống như bạn và người hấp hối cùng nhau đi qua dòng nước lũ, nắm tay nhau để hỗ trợ nhau.

  • Nếu người hấp hối chứng ngộ thiền cao hơn, thành thục hơn người trợ giúp thì người trợ giúp có thể đi vào thiền định và cầu nguyện thầm hoặc ở một khoảng cách

Điểm quan trọng ở đây là để cho người chết trải qua tiến trình với tốc độ của họ. Người trợ giúp không nên chạm vào cơ thể của thiền giả thuần thục kia. Nếu được, không nên gây ra âm thanh nào khi người ấy đang trong giai đoạn cuối của tiến trình chết. Thông qua sự xúc chạm, âm thanh hay những lời gợi ý, một người bình thường có thể khiến thiền giả kia bị phân tâm trong hành trình của mình. Chỉ khi tiến trình chết hoàn thành thì người trợ giúp mới nên lớn tiếng đọc lời cầu nguyện và thực hiện các nghi thức về cái chết với sự có mặt của thể xác kia.

Các nghi thức Tây Tạng lâu đời dành cho người hấp hối và người chết kêu gọi người sống thiền và cầu nguyện. Những lời cầu nguyện và thiền định có thể dẫn dắt người chết trực tiếp đạt được lợi ích tâm linh. Nhưng ngay cả nếu không vậy thì việc đó cũng sẽ tạo nghiệp lành cho người chết và giúp người đó cải thiện được kiếp tương lai của mình.

Nếu ta đã có kinh nghiệm vững vàng về thiền định cũng như các sức mạnh chữa lành của tâm thì có thể trợ giúp mọi người rất nhiều tại thời điểm họ lìa đời. Nhờ giúp đỡ người khác mà bản thân chúng ta cũng được duy trì bởi các nguồn năng lượng an lạc. Chúng ta cũng sẽ hoan hỷ đón nhận cái chết khi nó đến. Chữa lành không phải chỉ là chữa lành thân mà chúng ta có thể chữa lành tâm và cuộc sống, đời này và đời sau, chữa cho mình và cho người, bây giờ và mãi mãi.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại