CHIA SẺ

Chủng tự AH

Nghiệp (Karma) là hành động cố ý phát sanh từ ý định của mình. Như vậy tâm có vai trò chính yếu trong việc tạo nghiệp và có năng lực tạo ra kết quả của nghiệp.

Trước khi chúng ta đạt được tâm giác ngộ thì nghiệp là một sự kiện của đời sống. Chúng ta tạo nghiệp khi xem những vật đối tượng của tâm là những thực thể có sự hiện hữu thực sự. Việc xem một đối tượng là một thực thể có thật phân cách với tâm mình thì được gọi là thấy nó với tự tánh của nó. Như đã nói lối cảm nhận này được gọi là “ngã chấp”, tức là bám giữ vào cái ta hay tự tánh. Trước hết chúng ta bám giữ vào tự tánh của thể xác và tâm trí của mình và gọi nó là “ta”, và rồi chúng ta tự chấp thủ tự tánh của những người và vật khác, và gọi những đối tượng đó là “người này”, “người kia”, “vật này”, “vật kia”….

Khi chúng ta thấy năm uẩn (skandha) sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo nên thân xác và tâm trí ta, và xem chúng là “ta” hay “mình”, thì như vậy được gọi là bám giữ vào tự ngã, hay ngã chấp (vị kỷ). Khi xem những đối tượng như thể xác, tình cảm, cảm giác và những hiện tượng khác là có thật, nên được gọi là chấp thủ các hiện tượng hay pháp chấp. Chấp thủ tự tánh hay ngã chấp và pháp chấp là gốc rễ của sự tạo nghiệp.

Mọi vật xuất hiện trong đời sống là kết quả của những nghiệp do tâm cảm nhận và tương tác với những đối tượng của nó, thí dụ như những ý niệm của xúc, cảm giác, (những tâm pháp và sắc pháp) và tất cả những hiện tượng xuất hiện trong tâm thức của chúng ta. Những đối tượng vật chất mà chúng ta cảm nhận được không nhất thiết do nghiệp cá nhân của chúng ta gây ra. Tuy nhiên do nghiệp của chúng ta mà những đối tượng này trở thành nguồn gốc của những nghiệp quả tốt hay xấu trong đời sống.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ