CHIA SẺ

thien_6.1_bo_thi1_kienthuc_QYPL

Một trong những động lực mạnh nhất của việc tu tập là biết rằng mình sẽ nhận được nghiệp quả của tất cả những nghiệp thân, khẩu, ý mà mình đã tạo ra. Đây là luật nhân quả.

Ý niệm luật nhân quả đã trở nên phổ biến ở Tây Phương, nhưng vẫn có nhiều người nghĩ rằng nhân quả có nghĩa là số mạng hay một loại trừng phạt nào đó mà người ta phải đương nhiên chấp nhận. Có khi người ta than thở khi gặp chuyện không may: “có lẽ đây là nghiệp quả của mình”.

Nghĩ như vậy là sai lầm, vì trước hết nhân quả không chỉ có nghĩa là xấu, mà muốn nói tới tất cả những hành động cố ý, xấu cũng như tốt, gây ra đau khổ cũng như hạnh phúc.

Thứ hai, nhân quả, nghiệp báo hay karma, không phải là số mạng hay định mệnh, cũng không phải là sự trừng phạt do một nhân tố bên ngoài nào đó áp đặt lên chúng ta. Chúng ta đã tạo nghiệp quả cho chính mình. Nghiệp quả là hệ quả của những hành động tự ý mà chúng ta làm trong mỗi khoảnh khắc mỗi ngày. Đại Sư Walpola Rahula viết “lý nhân quả là lý thuyết về nguyên nhân và kết quả, về hành động và phản ứng. Nhân quả là luật tự nhiên, khác với ý tưởng về công lý hay thưởng và phạt. Mọi hành động cố ý đều để lại hậu quả do chính mình gây tạo“. Quả báo là những gì chúng ta đã gieo trồng trong giòng tâm trí với những hành động và những phản ứng của chính mình.

Nếu cho rằng mình phải ngồi đợi kết quả của những hành động quá khứ xuất hiện với mình thì đó là một ý tưởng sai lầm. Tạo những thiện nghiệp về thân, khẩu, ý ngay bây giờ, những thiện nghiệp do chúng ta tạo ra có thể giải trừ những nghiệp quả xấu của mình đã gieo trồng trong quá khứ, và định hình lại tương lai của mình. Nhưng nếu dung dưỡng những ác nghiệp của mình, chúng ta có thể hủy diệt hay giảm thiểu những thiện nghiệp mà mình đã tạo ra trong quá khứ. Chính chúng ta tạo ra vận mạng tốt hay xấu của chính mình.

Khi chết, chúng ta chỉ có thể mang theo những nghiệp quả của mình. Tất cả những gì mà chúng ta đã hưởng thụ trong kiếp này đều phải bỏ lại phía sau. Đức Phật dạy:

“Một vị vua rồi cũng đến lúc chết

Của cải, thân nhân, và bạn bè đều không thể đi theo Ngài

Người ta dù đi đâu, dù ở đâu

Nghiệp quả cũng đi theo họ như bóng theo hình“.

Nghiệp quả là nhân tố độc nhất quy định sự tái sanh của chúng ta, vì kiếp sau chính là hiệu ứng của những khuynh hướng nghiệp xuất hiện trong tâm thức của chúng ta. Đức Phật dạy:

Do thiện nghiệp mà có hạnh phúc

Vì ác nghiệp mà chịu khổ đau

Vậy an lạc hay đau khổ đều do nghiệp quả

Từ những thiện nghiệp và ác nghiệp của mình“.

Nếu hiểu và tin luật nhân quả, chúng ta cố gắng tạo những thiện nghiệp để có hạnh phúc trong những kiếp sau. Vì ý định đi trước hành vi của thân và miệng, nên chúng ta hãy tu sửa thái độ tâm ý của mình đến chỗ an lạc. Chúng ta hãy chấm dứt những ý nghĩ xấu trước khi chúng trở nên quá tệ hại. Nếu thực sự tin vào luật nhân quả, chúng ta sẽ không dám dung dưỡng bất cứ một điều gì xấu, vì không muốn tự làm hại mình với những nghiệp quả xấu. Nếu vẫn có hành vi xấu thì đó là vì chúng ta, chưa hiểu và chưa tin luật nhân quả.

Việc cải thiện hành vi của mình cũng mang lại cho chúng ta cơ hội cải tạo thế giới vốn liên quan chặt chẽ với chúng ta. Nghiệp quả của chúng ta không chỉ liên quan đến bản thân mà còn có nghiệp tập thể (cộng nghiệp) cũng như nghiệp cá nhân (biệt nghiệp). Nghiệp cá nhân quy định con người và đời sống của cá nhân. Nghiệp tập thể là nghiệp quả mà chúng ta chia sẻ với những người có một sự liên quan nào đó với mình. Càng thân cận với người khác, chúng ta càng chia sẻ nhiều quả với họ. Nghiệp tập thể là lý do nhiều người chia sẻ đời sống và ý tưởng giống nhau. Vậy, do tạo thiện nghiệp, chúng ta có thể giúp cải thiện nghiệp báo chung của mọi người. Càng tinh tấn tu tập, chúng ta càng đóng góp nhiều lợi ích cho công việc tạo nghiệp cộng đồng tốt này.

Do vậy, vì mình và vì mọi người, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu một cách chi tiết về luật nhân quả và nghiệp báo.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ