CHIA SẺ

thiền

Một số những bài tập sau đây được lấy trực tiếp từ kinh điển của Phật giáo Tây Tạng, trong khi những bài tập khác được chi tiết hóa bởi tác giả được đặt căn bản trên những nguyên lý trong kinh điển. Hãy chọn bài tập nào thích hợp với hoàn cảnh của bạn.

Để trầm mình vào một bài tập chữa bệnh, bạn cần phải làm quen với những phương tiện chữa bệnh được đưa ra ở Phần Một, chúng có thể được áp dụng cho bài tập riêng biệt.

Đa số những thực tập này được xây dựng trên bốn bước căn bản: (1) nhận thức những vấn đề cần được chữa lành, (2) dựa trên nguồn của năng lực, (3) áp dụng những phương tiện chữa bệnh, và (4) đạt được kết quả của chữa bệnh. Trong một số bài tập nguồn năng lực không được giới thiệu. Cũng vậy, trong một số bài tập cũng không giới thiệu hình ảnh, nhưng bạn phải quán tưởng bất cứ hình ảnh nào thích hợp.

Để tạo hiệu quả thực sự cho chữa bệnh, chúng ta cần phải có sức mạnh của trí tưởng tượng, sự hiểu biết, những cảm nhận và năng lực tin tưởng của chúng ta vào quá trình chữa bệnh. Chúng ta càng thấy, hiểu biết, cảm nhận và tin tưởng vào quá trình chữa bệnh thì những lợi lạc của nó càng sâu hơn.

Chúng ta có thể làm mạnh mẽ mỗi một trong bốn bước căn bản qua bốn kỹ thuật thiền định. Chúng ta có thể (1) thấy hay hình dung mỗi một kỹ thuật như một hình ảnh, (2) nghĩ về tên của mỗi kỹ thuật, (3) cảm nhận những tính chất của nó, và (4) tin vào hiệu quả của nó. Những kỹ thuật này đặt nền trên sự hiểu biết rằng những tư tưởng có được sức mạnh khi nó có một hình dạng cụ thể trong tâm thức chúng ta. Nhìn thấy làm cho sự vật sống động và tức thời đối với ta. Khi chúng ta định danh điều gì đó, chúng ta tạo sức mạnh cho nó và liên hệ nó với chúng ta qua sức mạnh của tư tưởng. Khi cảm nhận điều gì, chúng ta hoàn toàn thể nhập trong chúng. Khi chúng ta tin tưởng vào sức mạnh và hiệu quả của điều gì, nó trở thành một thực tại.

Ví dụ, để chữa buồn rầu, chúng ta phải áp dụng bốn kỹ thuật thiền định cho bốn bước căn bản. Thoạt tiên, hãy thấy nỗi buồn như một hình ảnh. Nhận biết nỗi buồn một cách bình an và hiện thực. Hãy để cảm xúc hay cảm giác buồn rầu xảy đến để sau đó bạn có thể giải thoát nó. Đôi khi có thể ích lợi – dù không nhất thiết – phải định vị nỗi buồn tập trung ở một nơi nào đó trong cơ thể như đầu, cổ họng, ngực hay chấn thủy. Có thể toàn thân bạn có vẻ căng thẳng. Bất cứ nỗi buồn ở chỗ nào, bạn có thể thấy (quán tưởng) nỗi buồn là một hình ảnh như một khối băng. Điều này có thể giúp tâm thức bạn tiếp xúc với điểm đau ốm này với những năng lực chữa bệnh.

Quán tưởng, cảm nhận, định danh và tin tưởng – nhưng không trụ chấp – đối với cơn bệnh sẽ giúp chúng ta nắm chắc được điều gì sai, nhờ đó chúng ta có thể điều trị được nó đúng cách.

Hãy thấy nguồn sức mạnh dưới dạng quả cầu sáng giống như mặt trời, với những phẩm tính như sức nóng, hỷ lạc và sự vô biên.

Hãy thấy phương tiện chữa bệnh dưới dạng những tia sáng rực mạnh mẽ làm tan đi tảng băng buồn rầu trong thân bạn chỉ bằng việc tiếp xúc, giống như tia sáng nóng của mặt trời trên tảng băng.

Hãy thấy bạn được tràn ngập bởi ánh sáng và sau đó chuyển hóa thành thân ánh sáng chữa bệnh rực rỡ với sự ấm áp, hỷ lạc và rộng mở.

Thứ hai, bên cạnh việc thấy những hình ảnh đó, chúng ta cũng có thể định danh và nhận biết nỗi buồn, nguồn sức mạnh, phương tiện chữa bệnh, và đạt được sự khỏi bệnh.

Thứ ba, không chỉ thấy và định danh chúng mà còn cảm nhận nỗi buồn nhưng không trụ chấp trong nó.

Hãy cảm nhận sự hiện diện của nguồn sức mạnh.

Hãy cảm nhận năng lực của phương tiện chữa bệnh, bằng cách kêu cầu năng lực chữa bệnh này và cho nó hình thức thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bạn. Nó có thể là một luồng gió mạnh xua tan những phiền não, hay sự nuôi dưỡng, một cơn mưa nhẹ, hay năng lượng ánh sáng, hoặc sức mạnh tịnh hóa của lửa, hay bất cứ những phương tiện chữa bệnh nào khác thích hợp với bạn.

Hãy cảm nhận toàn thân bạn tràn ngập năng lực chữa bệnh đầy nồng ấm, hỷ lạc, hạnh phúc, mạnh mẽ và rộng mở.

Sau đó, cuối buổi tập, không có những tư tưởng hay hình ảnh nào nữa mà chỉ đơn giản buông lỏng và mở rộng với bất cứ những cảm nhận nào mà bạn có.

Cuối cùng, không chỉ thấy, định rõ và cảm nhận mà phải hoàn toàn tin tưởng rằng nỗi buồn của bạn hiện hữu ở trong dạng băng. Rằng nguồn sức mạnh đang hiện diện trước bạn với năng lực tuyệt đối để chữa bệnh. Rằng phương tiện chữa bệnh có thể chữa lành bạn chỉ qua tiếp xúc. Và rằng bạn hoàn toàn được chữa lành và chuyển hóa thành thân thể ánh sáng chữa bệnh của sự ấm áp, hỷ lạc và rỗng rang. Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng vấn đề của bạn đã được chữa lành. Hãy vui thích trong sự chữa lành như bạn thấy và cảm nhận nó xảy đến. Hãy tin tưởng rằng khó khăn của bạn được xoa dịu, tịnh hóa, tan biến hay loại bỏ. Sau đó, không có những tưởng niệm hay hình ảnh, đơn giản chỉ thư giãn và mở rộng với những cảm nhận mà bạn có trong cuối buổi tập.

Một số những vấn đề sẽ biến mất một cách nhanh chóng không dấu vết. Những cái khác có thể cần nhiều buổi tập.

Ngoài ra, chúng ta cần thực tế về phạm vi khả năng của chúng ta để cải thiện thế giới quanh ta hay thay đổi những vấn đề xảy đến. Tuy nhiên, mặc dầu thiền định không luôn thay đổi những hoàn cảnh của chúng ta, thì thái độ của chúng ta hướng về chúng có thể thay đổi. Chúng ta có thể hạnh phúc và an bình hơn. Điều này, tự thân nó sẽ cải thiện hoàn cảnh hoặc thay đổi cách hành động của những người khác quanh ta.

Trong bối cảnh của những bài tập chữa bệnh, điều quan trọng là tin tưởng vào sức mạnh của thiền định đem đến cho chúng ta an bình. Chúng ta phải hoàn toàn đưa mình vào bài tập và cảm nhận mạnh mẽ hết mức rằng vấn đề đã hoàn toàn biến mất. Không nên lo lắng về những hoàn cảnh khó chữa lành. Trong thời gian thiền định, chớ nên để ý bất cứ điều gì ngoại trừ sự khơi dậy năng lực chữa bệnh và tin tưởng vào sức mạnh của nó. Đây là cách đánh thức sức mạnh bên trong của tâm và thân.

Trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta bắt đầu con đường chữa bệnh, tốt nhất là giải quyết một vấn đề đơn giản như thay đổi thói quen lo lắng về thời tiết hay nói quá nhiều mà không suy nghĩ. Tương tự, khi thực hành những thiền định chữa bệnh, trước tiên, dễ dàng hơn cho chúng ta khi giải quyết một vấn đề đơn giản hơn là giải quyết những vấn đề phức tạp. Phương pháp đơn giản này phát sinh ra sự khéo léo, thói quen và cảm hứng để dần dần đối phó được với những vấn đề lớn hơn.

Nếu bạn đang áp dụng một thực hành chữa bệnh cho một khó khăn đặc biệt trong nhiều buổi tập, không cần thiết mỗi lần lại bắt đầu bằng cảm nhận hay quán tưởng hình ảnh của vấn đề. Sau một lúc, bạn có thể bắt đầu thiền định ngay về năng lực chữa bệnh.

Ngoài ra, cũng nên suy nghĩ về nỗi buồn và cố gắng xác định đặc tính của nó. Có thể ích lợi nếu bạn có thể cảm nhận được nó nóng hay lạnh. Nếu là lạnh, hãy quán tưởng ánh sáng, nước hay không khí ấm áp như phương tiện chữa bệnh. Nếu nóng là vấn đề, hãy quán tưởng ánh sáng, nước, không khí lạnh. Hãy làm bất cứ điều gì cảm thấy đúng và nếu không cần phải áp dụng về nhiệt độ, bạn có thể thực hành bất cứ điều gì là tự nhiên với bạn.

Cũng nên nhớ rằng, nếu bạn đã cảm thấy tích cực, đây là thời gian làm cảm thức về hạnh phúc của bạn được sâu hơn nhờ thiền định và lúc nào cũng sẵn sàng với những phiền não khi chúng xảy đến. Bạn có thể tham thiền ánh sáng hay nguồn sức mạnh của bạn, hoặc dùng bất cứ kỹ thuật chữa bệnh nào. Dù bạn thực hành bất cứ sự chữa bệnh nào, hãy luôn luôn trau dồi thiền định của bạn như một ốc đảo bình an.

1. Giải thoát những gông cùm của căng thẳng

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một sự tiếp cận thông thường, sự tiếp cận này tự thân chúng sẽ hữu ích hay là một sơ bộ cho thiền định hay bất kỳ kiểu hoạt động nào.

Tập trung sinh lực và sau đó buông lỏng là cách tốt để giải thoát cho bất cứ sự căng thẳng vật chất hay tinh thần nào. Hãy tập trung tâm thức bạn, cảm thấy sự căng thẳng, rồi buông xả. Đây là cách đơn giản để làm thông thoát những bế tắc năng lượng trong tâm và thân.

Khi bạn cảm thấy căng thẳng, trước tiên hãy tập trung cảm nhận áp lực ở đâu. Thường bạn có thể xoa dịu căng thẳng chỉ bằng việc đem tỉnh giác đến nơi đó rồi buông xả. Nếu những cơ bắp bị căng thẳng ở nơi nào, thư giãn khi tỉnh giác về sự buông xả có mặt ở đó.

Hãy giải thoát căng thẳng hay lo âu trong đầu bạn bằng việc buông lỏng các cơ mặt, trán và buông xả mọi căng thẳng. Bạn cũng có thể tưởng tượng rằng một ánh sáng chữa bệnh mở rộng và làm thư giãn sự siết chặt hay đau đớn trong đầu bạn, hoặc căng thẳng ở bất cứ đâu.

Một phương pháp đơn giản khác là đưa tay qua khỏi đầu và nắm chặt bàn tay lại. Hít vào khi đưa tay lên, gồng cơ bắp, giữ tư thế đó một lúc, sau đó tháo lỏng kết hợp với thở ra. Một tiếng ngáp to có thể giúp bạn trong lúc tháo lỏng. Hãy cảm nhận rằng mọi căng thẳng được giải thoát như nắm tay của bạn mở ra và buông xả. Nếu ích lợi bạn hình dung hơi thở ra như một cơn gió ấm áp quét đi mọi căng thẳng. Hãy giải thoát hơi thở trong vô tận của hư không.

Bất cứ bước nhỏ nào khiến chúng ta cảm thấy ít căng thẳng hơn cũng giúp chúng ta được nhiều, nếu thái độ của chúng ta là tích cực và chúng ta hiến mình hoàn toàn cho sự giải thoát.

2. Hồi phục lại năng lực của an bình và hạnh phúc

Như được mô tả ở chương trước, nguồn sức mạnh là phương tiện căn bản của chữa bệnh. Bằng cách gợi lại hình ảnh này chúng ta có thể cho chúng ta sự thoải mái đã có sẵn khi thân và tâm ta mệt mỏi và cuộc sống dường như trống rỗng, vô hy vọng và không ý nghĩa.

Hãy thư giãn trong ít phút. Hít sâu vài hơi, thải ra những năng lực tiêu cực hay năng lực chết khi bạn thở ra. Bây giờ quán tưởng nguồn sức mạnh, an nghỉ tâm bạn và tập trung trọn vẹn ở nơi đó. Không nên chạy theo hay quá phấn khích trong thiền quán. Hơn nữa, hãy để những cảm giác thoải mái và tích cực này khởi lên do hình ảnh gợi lên trong bạn. Hãy từ từ xây dựng một tri giác tự tin rằng hình ảnh này là hiện thân của mọi năng lực tích cực hoặc những bậc thiêng liêng của toàn vũ trụ. Hãy ở với hình ảnh và hiến mình trọn vẹn cho nó. Hãy ở trong những cảm nhận về sự ấm áp và hoan hỷ mà nó sinh ra và vui thích với bất cứ cảm nhận tích cực nào xảy đến. Cuối cùng, hãy buông xả những hình ảnh, thư giãn và hiện diện tỉnh giác trong những cảm nhận của bạn.

3. Nuôi dưỡng đóa hoa của năng lượng tích cực

Thiền định về một hình ảnh đẹp trong thiên nhiên, như một bông hoa, có thể đánh thức niềm vui sống của chúng ta. Để khai thông những bế tắc năng lực, hay củng cố năng lực tích cực chúng ta đang cảm nhận vào lúc đó, hãy quán tưởng bông hoa trước khi kết nụ. Hãy nghĩ bạn như bông hoa, cho dù bạn thấy nó ngay trước mặt hay cảm thấy tự thân bạn là bông hoa. Bây giờ nụ hoa đang được nuôi dưỡng bởi cơn mưa nhẹ, ánh sáng mặt trời, những ngọn gió mang lại sự sống. Hãy cảm nhận những ban phước đó một cách sâu sắc. Nếu điều đó có ích, hãy thấy chúng như đến từ nguồn năng lực của bạn.

Hãy tận hưởng thời gian bạn an trú trong nụ hoa khi nó nở thành một đóa hoa rực rỡ. Vẻ đẹp và sự thuần khiết của nó làm thích thú tất cả chúng sanh. Hãy thưởng thức những cảm giác đáng yêu, rộng mở mà sự thiền định có thể đem lại.

Để mở rộng bài tập này của bạn trong đời sống hàng ngày, khi trồng cây, nuôi dưỡng chăm sóc cây cối, hãy quán tưởng rằng bạn đang chia xẻ và là một phần cuộc sống giàu có của thế giới tự nhiên.

Khi bạn nhìn thấy một hình ảnh đẹp xảy ra trong đời sống hàng ngày, hãy cố gắng không bám chấp nó theo tâm thức như một đối tượng “ngoài kia” tách biệt với bạn, hay bị trói buộc theo cảm xúc vào nó như một sự hưởng thụ dục vọng. Hãy cho phép bạn tự thấy hình ảnh và cảm nhận kinh nghiệm về vẻ đẹp với một tâm buông lỏng và rỗng rang. Do vậy, sự tươi tắn, rỗng rang và an vui, những phẩm tính mà bạn đang thấy sẽ nở hoa trong lòng bạn. Sự thật là ý niệm về vẻ đẹp và hiệu quả của nó phát khởi trong tự tâm bạn chứ không phải ở trong những đối tượng.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Nguyên tác: Năng lực chữa lành của Tâm – Những bài tập chữa bệnh 

Việt dịch: Tuệ Pháp

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức