CHIA SẺ

Đức Phật Thích Ca

Sự xuất hiện của một căn bệnh liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm linh, tư cách, thói quen, môi trường sống, thậm chí luôn cả xã hội và văn hóa mà một người đang sống. Hòa đồng tất cả những yếu tố này và xúc tiến vào những thực hành cụ thể có thể giúp đem lại một sức khỏe tối ưu và ngăn ngừa bệnh tật. Thu nhập thêm nhận thức về nguyên nhân gây ra bệnh tật và cư xử cuộc đời bằng phương cách nuôi dưỡng và duy trì sức khỏe tốt đẹp cho lâu dài, và rồi chúng ta tự thăng tiến sự lành mạnh tổng quát. Đức Phật cho chúng ta vài điều khuyên nhủ và thực hành mà được coi như là loại y dược sử dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc đời:

Thực hành thói quen ăn uống lành mạnh

Thành ngữ Trung Quốc có câu: “Vấn nạn được gây nên bằng lời nói thoát ra từ cửa miệng; bệnh tật gây ra bằng thực phẩm cho vào cửa miệng”. Bằng sự thận trọng và chừng mực với những gì chúng ta tiêu thụ là một thực hành quan trọng cho sức khỏe an khang. Trước khi dùng bất cứ thức ăn nào, chúng ta nên xác định xem thực phẩm có được tươi tốt, có được rửa sạch sẽ, và số lượng nào hợp lý để ăn. Kinh Phật Đại Thừa Kế ghi rằng: “Khi chúng ta ăn, chúng ta nên coi thực phẩm như y dược, vì tiêu thụ quá nhiều hoặc quá ít đều không lành mạnh. Một hạn lượng đều đặn và thích đáng có thể hỗ trợ cơ thể, trị cơn đói, dịu cơn khát, và ngăn ngừa bệnh tật. Như ong hút nhụy, chúng chỉ tiêu thụ những gì cần thiết, nhưng không phạm đến toàn bộ cánh hoa”. Như ngài Xingshi Chao nói, chúng ta nên cải cách các loại thực phẩm chúng ta dùng tùy theo mùa, tiêu thụ tổng hợp các loại thức ăn khác nhau để duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể. Cơ thể của chúng ta dễ bị nhuốm nhiều loại bệnh tùy theo từng mùa và lối ăn uống ý thức theo thực tế này cho ta cơ hội khả quan hơn để giữ gìn sức khỏe.

Quy chế của Tu viện Chan nêu lên năm quán chiếu để lưu tâm khi chúng ta dùng bữa:

Tôi chấp nhận nỗ lực cần thiết để trồng trọt và nấu nướng thức ăn;

Tôi tri ân cội nguồn thực phẩm.

Trong việc quán chiếu đạo đức này;

Nếu toàn hảo trong tâm và tim,

Tôi xứng đáng hưởng cúng dường này.

Tôi sẽ tự chính mình bảo vệ tâm từ những bẫy rập của lỗi lầm;

Tôi sẽ tự bảo vệ bản thân mình đặc biệt chống lại tham lam.

Để trị một thân thể suy nhược,

Tôi tiêu thụ thực phẩm này như y dược.

Đặt bước chân lên con đường của sự tu dưỡng tâm linh;

Tôi chấp nhận lấy thực phẩm này như một sự cúng dường.

Một người phải duy trì lối ăn uống cân bằng và xem thực phẩm bằng thái độ thanh thản. Khi cơ thể chúng ta tiêu thụ số lượng thực phẩm chính đáng, những cơ quan tiêu hóa sẽ hoạt động đúng mức, và sự trao đổi thể chất sẽ trong tình trạng ưu tú, do đó ngăn ngừa các chứng bệnh tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác. Khi lưu tâm và biết tri ân với các thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ sẽ góp phần cho sức khỏe tinh thần cũng như cơ thể.

Thiền định

Tâm chúng ta luôn luôn khám phá thế giới xung quanh và kết quả là những ý tưởng hão huyền luôn luôn sinh và diệt. Tâm quá mức hoạt động hiếm khi nào có cơ hội để nghỉ ngơi. Những dòng tư tưởng liên tục mà chúng ta trải nghiệm có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung mà chẳng khi nào gián đoạn và có tác động tiêu cực đến đời sống thường nhật. Ngoài các nguy cơ cho sức khỏe tâm lý, sinh lý của một người cũng có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi số lượng hoạt động tinh thần quá cực độ. Bộ não có thể ngừng hoạt động đích đáng do những ý tưởng lộn xộn không ngớt hay trường hợp kích thích tinh thần trầm trọng. Ví dụ, khi ta trải nghiệm một sự ngạc nhiên to lớn, khuôn mặt có thể chợt đổi màu, bàn tay, bàn chân trở nên lành lạnh, và khả năng tập trung thông thường sẽ bị sút kém. Tuy nhiên, nếu họ hít một hơi thở thật dài để hạ xuống nhịp tim đập và trầm tĩnh những cảm xúc, sự hiện hữu của sự thanh thản sẽ trở lại với cơ thể trong trạng thái bình thường và cơ hội làm nguy hại bất kỳ các bộ phận thiết yếu nào sẽ được giảm thiểu.

Qua việc thực hành thiền định bằng cách hít thở chậm chạp và tập trung vào hơi thở, tâm sinh lý lành mạnh của một người có thể thăng tiến rất đáng kể. Trong Y học Chan, được viết bởi một y sĩ Nhật Bản, ba lợi ích đặc trưng cho thân thể xuất phát từ thiền định đề cập tới:

1) Tăng trưởng sinh lực và kéo dài thời gian của tuổi thanh xuân.

2) Cải tiến mức tuần hoàn của máu.

3) Hồi phục hệ thống nội tiết.

Bằng thiền định, cơ thể của chúng ta đạt được một trạng thái cân bằng tốt đẹp hơn và sự hô hấp trở thành quy định. Tâm trí trở nên tập trung, rõ ràng, và thứ tự. Những khát vọng từ từ phân hủy và những tư tưởng bất chính được loại trừ. Khi tâm chúng ta trong sáng và tập trung ở bất kỳ lúc nào, ngay cả khi đi, ngồi, và ngủ, chúng ta sẽ được an lạc và yên bình, đặt kết quả cuối cùng của sức khỏe tổng quát nằm ở một cao độ khả quan hơn cả về tinh thần lẫn thể chất. Đạo sư Tianti Zhizhe thừa nhận rằng thiền định tác động thật đáng kể đối với sức khỏe tổng quát. Ông nói rằng nếu thiền định được luyện tập thường xuyên và áp dụng cho mọi sự việc hằng ngày cùng với trí tuệ, tất cả 404 bệnh có thể được chữa khỏi.

Với tinh thần được tự tại từ sự kiệt quệ và hỗn loạn bởi những suy nghĩ miên man, chúng ta có thể thực hiện những điều quan trọng trong cuộc sống, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ ngợi đến dự định làm. Bằng hành động, thay vì chỉ nghĩ suy, một người có thể trải nghiệm đích thực hơn qua từng thời điểm và sau rốt trực diện với sự thật của cuộc sống.

Tôn kính Đức Phật

Những lợi ích khi tôn kính Đức Phật thì vô hạn và trong nhiều hình thức, nuôi dưỡng cả hai phần sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Cúi lạy Phật làm tăng cường sức mạnh và dẻo dai cơ thể. Khi một người cúi lạy, phần cổ, bàn tay, cánh tay, thắt lưng, và bắp chân duỗi ra, khiến toàn bộ cơ thể có cơ hội được luyện tập. Bằng cách duỗi dài cơ thể, độ cứng đờ của toàn thân được giảm thiểu và máu huyết lưu thông tăng trưởng, do đó làm bớt nguy cơ sinh bệnh.

Mặc dù cúi lạy dẫn đến những lợi ích cho cơ thể, hành động cúi lạy và phúc lợi thu hoạch thì liên quan nhiều với trạng thái tinh thần hơn là hoạt động thân thể. Tâm hiện hữu khi cúi lạy thật vô cùng quan trọng. Khi chúng ta cúi lạy, phải nên tôn kính và chân thành, tập trung thật lắng sâu trong lúc cúi xuống lạy chầm chậm. Bằng cách tỏ lòng tôn kính theo phương pháp này, chúng ta quán tưởng Đức Phật và rồi mở rộng trọng điểm để bao gồm vô lượng chư Phật trong tất cả muôn hướng. Khi chúng ta tỏ lòng tôn kính với vô lượng chư Phật, vô lượng chúng sinh cũng được lợi lạc. Chúng ta, Đức Phật – trong thực tế tất cả chân tâm bổn tánh đều là không. Tuy nhiên, mặc dù là tánh không, nếu cúi lạy trước Đức Phật với tâm chân thành và tôn kính, một kinh nghiệm tâm linh tuyệt diệu có thể xảy ra. Quán xét sự thật của tánh không dạy cho chúng ta phải định hướng lại bản ngã của con người và nhận thức ra rằng khái niệm về cái tôi chỉ là ảo tưởng. Cúi lạy, do đó được thi hành không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đức Phật và tất cả chư Phật, mà còn là một phương cách hữu hiệu để loại bỏ vô minh, giảm bớt sự chấp thủ vào cái tôi, lần diệt gánh nặng của nghiệp, và tu dưỡng sự thực tập tâm linh. Như chúng ta thấy, cúi lạy là một cử chỉ lành mạnh để nuôi dưỡng cả thân và tâm.

Sám hối

Xưng tội là một thực hành để giúp khôi phục và duy trì sức khỏe. Nó cũng giống như nước trong rửa sạch bùn bẩn từ trong tim và bụi bặm từ trong tâm. Câu chuyện về Quốc sư tên là Ngộ Đạt cho chúng ta một ví dụ về cách sám hối có thể là nhân tố trị bệnh. Quốc sư Ngộ Đạt đã giết một người trong kiếp sống trước đó. Để tìm cách trả thù trong những kiếp sống vị lai, người đàn ông kia tái sinh thành một mụn nhọt ở chân Quốc sư Ngộ Đạt. Không có vị lương y nào có thể chữa khỏi mụn nhọt nọ vì nó là biểu hiện của Quốc sư Ngộ Đạt ác nghiệp. Sau khi tìm thấy sự hướng dẫn của một vị A La Hán đã giúp ông nhận định việc làm bất chính của mình, Quốc sư Ngộ Đạt ăn năn trong thành tâm, rửa sạch vết thương bằng nước tinh khiết, và mụn nhọt kia tự biến mất. Chỉ có tâm sám hối mới có thể chữa trị được sự đau đớn của Quốc sư Ngộ Đạt. Như vậy, tất cả chúng ta phải sám hối những lỗi lầm và điều sai lạc với Đức Phật và nguyện không lặp lại những hành vi tương tự mà tạo tác thêm ác nghiệp. Ngoài ra, với trái tim và tâm trí của một vị Bồ tát, chúng ta có thể từ bi sám hối cho tất cả các chúng sinh, do đó sẽ bớt dần sự khổ đau cho họ cũng như chính mình. Theo tâm lý, sám hối được xem là sự buông xả của những tư tưởng không tinh khiết và cảm giác tội lỗi, mà chúng hành động như độc tố trong cơ thể. Nó làm thuyên giảm bao gánh nặng tinh thần và khử trừ cơ hội mắc bệnh.

Tụng Mật chú

Mật chú có nhiều quyền lực trong việc chữa trị bệnh tật khi tụng bằng tâm chân thành, tập trung sâu sắc, và ý định chính đáng. Chú Đại Bi và Chú Phật Dược là hai ví dụ như vậy. Khi tụng, mỗi Mật chú tạo ra số lượng công đức to tát và có tác dụng chữa bệnh và biến đổi tuyệt vời.

Niệm Phật

Nhiều người khốn khổ bởi vì lo âu, kích động, mong cầu không thiết thực, và suy nghĩ hão huyền. Những hành hạ này không chỉ làm phiền toái đến sức khỏe tâm lý và kết cuộc lại hại mất đi một phần sức khỏe bản thân, chúng cũng cản trở khả năng để cảm nhận sự chân thật của cuộc sống và đạt đến giác ngộ. Khi chúng ta niệm Phật, sự hành hạ của những suy nghĩ bất chính và viển vông sẽ chấm dứt và tâm giận dữ sẽ tan biến. Tim hạ nhịp xuống, tâm được tỉnh thức và tinh khiết, và không có tham, sân, si, hoặc những độc tố khác sẽ phát sinh, do đó cho chúng ta được bảo vệ mỹ mãn hơn để khỏi mắc bệnh và đưa chúng ta ra khỏi vòng mê muội. Niệm Phật cũng giúp giảm bớt ác nghiệp, triệt tiêu bao nhiêu lầm lỗi nhiều như cát sông Hằng. Một câu nói Phật giáo dạy cho ta rằng: “Niệm Phật một câu làm giảm đi một ác nghiệp, và cúi lạy Đức Phật là tăng thêm thiện nghiệp”. Như vậy, niệm Phật là một thực hành hữu hiệu để chữa lành các phiền não của tâm và thân, cũng như gây lợi lạc trong việc tu dưỡng, và đánh thức chúng ta thấy được sự thật của cuộc sống.

Sử dụng chánh Pháp như y dược

Thế giới chúng ta đau yếu ở phạm vi rộng lớn của các bệnh tật hiện đại, trong khi không thực sự phân loại là các bệnh y tế tiêu chuẩn, vẫn gây ra quá nhiều khổ đau và cần phải được điều trị. Một số này là các thứ bệnh môi trường, trong đó bao gồm ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên, tiếng ồn ào và các bệnh xã hội, bao gồm bạo động, quấy rối, duy vật, bắt cóc, và tội phạm. Ngoài ra còn có, bệnh giáo dục, chẳng hạn như hành hạ thể chất và tinh thần của học sinh và càng ngày càng thiếu tôn trọng với nhà trường và các bệnh kinh tế, chẳng hạn như lạm dụng, tham lam, và tham nhũng. Còn có các bệnh tôn giáo, mà có thể được giải thích như mê tín dị đoan, các tôn giáo khuyến khích thực hành bạo động, và những giải thích sai lạc về khái niệm tôn giáo. Những bệnh giao tiếp ám chỉ đến bội tình, đa thê, hãm hiếp, và các bệnh tinh thần bao gồm ghen ghét, nghi ngờ, và oán giận. Chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ của một vị bác sĩ cho bệnh sinh lý, nhưng những căn bệnh được liệt kê trên chỉ có thể được chữa khỏi bằng nỗ lực phát triển cá tính, tu dưỡng trí tuệ, và thực hành giáo Pháp. Phật giáo có thể được sử dụng như một y dược để trị những tư tưởng hiểm họa và suy đồi, mà chính chúng tạo ra điều kiện cho tất cả các căn bệnh nói trên. Một tâm thanh tịnh tạo ra một thế gian tinh khiết và giáo Pháp kỳ diệu là y dược toàn hảo để hướng dẫn chúng ta đến những suy nghĩ lành mạnh, hành vi chân thiện, với cuộc sống yên vui.

Đặc biệt, Lục độ Ba-la-mật có thể được sử dụng để chữa sáu loại bệnh trong Phật giáo:

1) Rộng lượng chữa trị tham lam,

2) Trì giới chữa trị phạm giới,

3) Nhẫn nhục chữa trị hận thù,

4) Tinh tấn chữa trị giải đãi,

5) Thiền định chữa trị tâm nhiễu loạn,

6) Bát Nhã (trí tuệ) chữa trị vô minh.

Y dược của Lục độ Ba-la-mật cho phép chúng ta điều phục tâm và kiến tạo ra mối an bình, hòa hợp với tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi chấp nhận lấy Phật Pháp, chúng ta có thể giải quyết những xung đột trong cuộc sống thường ngày một cách dễ dàng hơn, và phát triển một tâm trí lành mạnh và một cá tính độ lượng.

Đạo sư Wuchih sáng tạo ra một công thức với những phần tử được sử dụng để biến đổi một tâm trí bạc nhược thành khỏe mạnh. Theo tinh thần của Đạo sư Wuchih, tôi tự tạo một công thức riêng cho sức khỏe:

Một nhánh tâm từ ái,

Một lát đạo đức hạnh,

Với chân tâm bổn tánh,

Một chút thương yêu quý,

Cộng với ba phần của,

Đội ơn và tri ân,

Một gói đong đầy cả,

Thân và khẩu chân thành,

Một phần quán sát của,

Giới luật và giữ Pháp,

Một phần trong kham nhẫn,

Mười tinh tấn và thanh đạm,

Hợp tất cả nhân quả,

Và vô lượng phương tiện,

Thiết lập mối quan hệ,

Càng nhiều lại càng tốt!

Đứng đầu với niềm tin,

Nguyện lực và thực hành.

Dùng nồi gọi độ lượng,

Sử dụng tâm cởi mở,

Đừng làm cho cháy rụi!

Đừng để quá khô khan!

Giảm tâm lửa ba độ,

Điềm tĩnh chút dịu dàng,

Bỏ vào bát nghiền nát,

Như trái tim hòa hợp,

Nghĩ suy trên ba lần,

Khuyến khích như viên thuốc,

Mỗi ngày dùng ba bận,

Uống món súp này với,

Tình yêu và từ bi,

Hãy nhớ khi bạn uống,

Không thể có ác khẩu,

Thành một kẻ lân quân,

Lợi dụng để thăng tiến,

Hại thiên hạ sau lưng,

Chứa chấp ác ý sâu,

Giả tạo đạt khát vọng,

Rồi công kích đâm thọc,

Nói lưỡng ngữ chia rẽ,

Tạo bất hòa để chơi,

Kiềm chế bảy điều trên,

Cũng đừng ghen hoặc nghi,

Dụng kỷ luật tự giác,

Chân lý dịu phiền não,

Nếu thực hành như vậy,

Bệnh tật sẽ biến mất.

Hòa thượng Hsing Yun

Việt dịch: Tâm Quang và Nguyễn Cảnh Lâm

Nguồn: Phật giáo, y học và sức khỏe