CHIA SẺ

1

Đời người rất quý báu, với tiềm năng lớn, nhưng vô thường và đầy bất mãn. Vì vậy phải tận dụng cuộc đời này bằng cách tu tập ngay bây giờ.

Đời sống con người, vốn là khoảng thời gian ở giữa lúc ở trong bụng mẹ và lúc chết, thường có nhiều niềm vui và nhiều thành tựu, là nguồn ích lợi lớn. Nhưng đời sống cũng chịu nhiều hình thức đau khổ không thể tránh được, về tâm trí cũng như thể xác. Một cuộc đời khốn khổ cũng có vẻ trôi qua mau chóng và một cuộc đời hạnh phúc vẫn có thể chấm dứt với cảm giác không trọn vẹn. Như vậy cuộc đời là phù du và rốt cuộc không thỏa mãn khi nó dao động giữa những kinh nghiệm tốt và xấu, tức là giữa hạnh phúc và khổ đau mà chúng ta có vẻ không thể kiểm soát được.

Cuộc đời bắt đầu vào lúc thọ thai và chấm dứt với tiến trình “bệnh và chết” hay tai nạn nào đó để đưa đến cái chết. Thể xác và thần thức cùng hiện hữu một cách hài hòa khi chúng ta còn hơi thở và cơ thể còn hơi ấm. Khi hơi thở ngừng và hơi ấm không còn, thần thức và thể xác tách rời nhau, và người ta chết. (Theo PG thì khi mạch ngừng lại, người ta có thể chưa chết. Khi sờ vào ngực người hấp hối mà thấy có hơi ấm thì người đó chưa chết, và có thể đang ở trong trạng thái thiền định).

Bản Chất Thật Của Con Người

Thể xác không phải là con người thực sự, mà chỉ là nhà trọ, nơi thần thức hay tâm của chúng ta trú ngụ trong một thời gian. Khi thần thức rời khỏi nhà trọ đó, thể xác tan nhập trở lại vào những nguyên tố của tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Thần thức sẽ tiếp tục tái sinh với một thể xác khác và danh tánh khác tùy theo nhân duyên quá khứ. Vận mạng tương lai của chúng ta, dù tốt hay xấu, là tùy thuộc vào những tâm tánh, những thói quen về tư tưởng và cảm xúc, cũng như lối biểu lộ những thói quen đó bằng lời nói và hành động.

Bản chất thật của thần thức hay “tâm” là rộng mở, không và thanh tịnh. Phẩm tính của nó là hòa hợp, hoan hỷ, toàn trí và toàn hảo. Phẩm tính này gọi là “giác ngộ” hay “Phật tánh”. Tiếng Sanskrit gọi Phật là “Buddha”, có nghĩa là “Đấng Giác Ngộ”. Người nào cũng có Phật tánh. Tâm là trí tuệ thực sự không có lối suy nghĩ nhị nguyên, vốn có tính chất tự giới hạn, phân chia kinh nghiệm đời sống thành chủ thể và đối tượng, “mình” và “người khác”. Tính chất thật của tâm là “toàn trí”, trông thấy tất cả cùng một lúc và “bất nhị”, và là sự đơn nhất vô giới hạn. Trong “cõi chân không” của chúng ta, không chỉ có tâm trí hay trí tuệ, mà còn có không gian vô hạn và thời gian vô cùng.

Vậy tại sao tất cả chúng ta không biết đến chân tâm của mình? đó là vì tính chân thật của tâm đã bị che phủ bởi những ý niệm nhị nguyên quen thuộc của trí phân biệt vốn luôn luôn phân biệt, so sánh, gây ra những cảm xúc não phiền, tham muốn. Tuy nhiên dù có những cảm xúc gồm tham, sân, si, ganh tỵ và ngạo mạn, tâm trí tuệ nội tại của chúng ta vẫn thanh tịnh, tức là vẫn trong sạch và không phiền não.

Để khám phá tính chất của tâm trí, chúng ta phải chí thành và tinh tấn thực hành thiền quán. Chúng ta phải nhận biết và thiền quán về chánh kiến, chánh tư duy, tình cảm đúng, niềm tin đúng và lối sống chân chánh. Nhưng dù chỉ có ý tưởng là mình có chân tâm thanh tịnh thì chỉ riêng điều này cũng giúp chúng ta xây dựng niềm tin, tinh tấn tu tập và thúc đẩy chúng ta đạt đến mục tiêu chân chánh.

Có thể có những người nghĩ rằng tâm trí có tính chất chấp thủ và cứng nhắc, không thể tu sửa được. Có thể chúng ta cho rằng mình đã lún sâu vào những thói quen xấu nên khó gây dựng những lối nghĩ, lối nhìn và cảm xúc tốt. Nhưng thật sự là bất cứ lúc nào ta cũng có cơ hội để bắt đầu thực hành lối sống đúng hoặc thay đổi lối sống từ xấu thành tốt.

Sự thật là tâm trí ta không phải là một giòng cố định. Nó không phải là một vật đơn nhất, thí dụ như một thanh sắt, mà là một chuỗi những khoảnh khắc thay đổi liên tục, giống như một chuỗi hạt được ‘lần’ từ hạt này đến hạt khác. Mỗi sự kiện là một loạt những thay đổi của sát na sinh và diệt, một kinh nghiệm tiếp theo sau một sự kiện khác và được kế tục bởi sự sinh ra của một sự kiện khác nữa. Người ta thường nghĩ rằng cuộc đời của mình là một giòng liên tục và đơn nhất, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo ảnh, giống như một cây nhang được quay nhanh sẽ làm cho người ta trông thấy một vòng tròn ánh sáng trong bóng tối.

Nếu chúng ta chán nản hay cảm thấy bế tắc, như vậy thường là vì chúng ta không hiểu hết tính chất phù du của đời sống. Chúng ta chấp chặt vào những sự kiện như những đối tượng của tâm trí và xem chúng như những thực thể có thật. Nhưng sự thật là những sự kiện đã thay đổi ngay cả trước khi chúng ta nghĩ về chúng. Những sự kiện mà chúng ta nghĩ tới chỉ là những cái bóng, những hình phản chiếu của những gì đã diễn ra.

Mỗi sự kiện, mỗi khoảnh khắc là một cái gì mới, giống như sự sinh con. Chúng ta có thể được uốn nắn và có thể tự giáo dục hay luyện tập như đối với một em bé sơ sinh. Qua thiền quán, chúng ta có thể sửa đổi ở mỗi khoảnh khắc sự kiện và do đó khám phá ra chân tính của mình.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Hòa thượng Thích Như Điển và Thượng tọa Thích Nguyên Tạng

Trích: Chết An Lạc, Tái Sinh Hoan Hỷ