CHIA SẺ

Buddha

Sợ hãi là một trong những trở ngại mạnh mẽ nhất, ngăn cản ta thành tựu bất cứ điều gì tích cực trong cuộc sống. Là một trạng thái mê lầm, sợ hãi dựa trên vô minh, đặc biệt là về ý nghĩa của cảm giác an toàn. Tuy nhiên, ta có thể thoát khỏi gọng kềm của nỗi sợ hãi bằng nhiều phương pháp đối trị khẩn cấp và tạm thời.

Sợ Hãi Là Gì?

Sợ hãi là sự bất an về thể chất và tình cảm mà ta cảm nhận về một điều mình đã biết hoặc chưa biết, điều mà ta cảm thấy không có khả năng kiểm soát, đối phó, hay đem lại một kết quả như mình mong muốn. Vì không muốn gặp những điều đáng sợ, ta sẽ phản kháng một cách mạnh mẽ. Cho dù nỗi sợ là một sự lo lắng chung chung, không có một đối tượng cụ thể, ta vẫn rất muốn thoát khỏi “điều gì đó,” dù không xác định được đó là điều gì.

Sợ hãi không chỉ đơn giản là sân hận. Tuy vậy, tương tự như sân hận, nó đưa đến sự thổi phồng các phẩm chất tiêu cực của đối tượng mà chúng ta sợ hãi, và thổi phồng cái “tôi.” Sợ hãi đem thêm cho sân hận một tâm sở phân biệt (‘du-shes, công nhận), rằng chúng ta không thể kiểm soát hay giải quyết tình huống này. Rồi thì ta chú tâm vào (yid-la byed-pa) bản thân mình và những gì mình sợ hãi bằng sự phân biệt này. Sự phân biệt và chú tâm này có thể đúng hoặc không đúng.

Sợ Hãi Đồng Hành với Vô Minh

Sợ hãi luôn đồng hành với sự thiếu hiểu biết (vô minh, mê lầm) về một số sự kiện về thực tại mà ta không biết hay biết theo cách trái ngược với thực tại. Chúng ta sẽ xem xét sáu trường hợp có thể xảy ra.

(1) Khi lo sợ mình không thể kiểm soát hay giải quyết một tình huống, tâm vô minh về nhân quả và phương cách sự vật tồn tại có thể đi kèm với sợ hãi. Các đối tượng khái niệm (zhen-yul, đối tượng ngụ ý) mà ta lo sợ khi chú ý tới bản thân và những điều mình sợ hãi là:

  • một cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc, với sức mạnh của một mình nó, có khả năng kiểm soát mọi thứ, chẳng hạn như con của mình sẽ không bị thương,
  • một sự vật tồn tại một cách vững chắc, tự hiện hữu và không bị bất cứ điều gì khác ảnh hưởng, có thể chịu sự kiểm soát của ta, bằng nỗ lực của riêng mình, nhưng ta không thể làm được điều này, vì những sự thiếu sót của bản thân.

Không thể nào có những phương cách tồn tại như thế này và nhân quả không thể nào vận hành như vậy.

(2) Khi lo sợ rằng mình không thể giải quyết một tình huống, tâm vô minh đi kèm có thể là vô minh về bản chất của tâm và lẽ vô thường. Chúng ta sợ mình không thể xử lý các cảm xúc, hay khi mất mát một người thân. Chúng ta không biết rằng kinh nghiệm về nỗi đau và nỗi buồn chỉ là sự phát sinh và nhận thức về các hiện tướng. Chúng vô thường và sẽ qua đi, như cái đau khi nha sỹ khoan những chiếc răng của mình.

(3) Nỗi sợ hãi về việc không thể giải quyết một tình huống có thể là sự lo sợ rằng ta không thể giải tự quyết nó. Nó cũng có thể đưa đến sự sợ hãi về tình trạng cô độc và cảm giác cô đơn. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể tìm thấy một người nào khác có khả năng cải thiện tình hình. Các đối tượng khái niệm ở đây là:

  • một cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc, người thiếu khả năng, thiếu sót, chưa đủ tốt, và là người không bao giờ có khả năng học hỏi,
  • một sự tồn tại vững chắc của một “người nào khác”, một người tốt hơn mình và có thể cứu giúp mình.

Đây là một hình thức khác của tâm vô minh về cách mà người khác và chúng ta tồn tại, và vô minh về nhân quả. Việc chúng ta không có đủ kiến thức trong hiện tại để có khả năng giải quyết một việc gì đó, chẳng hạn như xe của mình hư, và người khác có thể có kiến thức về vấn đề này và có thể giúp ta, có thể là một điều đúng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể học cách giải quyết vấn đề bằng sự vận hành của nhân quả.

(4) Khi sợ một người nào đó, ví dụ như người chủ công ty, ta không nhận thức được các bản chất thông thường của họ. Chủ của ta cũng là con người có cảm xúc như mình. Họ cũng muốn được hạnh phúc, không muốn khổ, cũng muốn được yêu thích và không muốn bị ghét bỏ. Họ có cuộc sống bên ngoài văn phòng và nó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Nếu có thể liên hệ với người chủ công ty từ khía cạnh con người, trong khi vẫn ý thức về vị trí riêng của mình, ta sẽ ít sợ họ hơn.

(5) Tương tự như vậy, khi sợ rắn hoặc côn trùng, chúng ta cũng không ý thức được chúng là những chúng sinh, cũng giống như mình, muốn được hạnh phúc và không muốn khổ. Từ quan điểm của Phật giáo, có thể trong hiện tại, ta không có ý thức về chúng như sự biểu hiện của một dòng tâm thức cá thể, không có đặc tính cố hữu như loài này hay loài khác. Ta không biết rằng thậm chí, chúng có thể đã từng là mẹ của ta trong những kiếp trước.

(6) Khi sợ thất bại hay bệnh tật, chúng ta không nhận thức được bản chất thông thường của mình là những chúng sinh trong luân hồi. Chúng ta không hoàn hảo và tất nhiên là sẽ mắc lỗi lầm, đôi khi thì thất bại, hay bệnh tật. “Bạn mong rằng luân hồi sẽ đem lại điểu gì cho bạn?”

Các Phương Pháp Khẩn Cấp để Đối Phó với Nỗi Sợ

Trong Phật giáo Tây Tạng, nữ bổn tôn Tara tượng trưng cho khía cạnh của một vị Phật bảo hộ, để chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi. Tara thực sự tượng trưng cho năng lượng khí trong cơ thể và hơi thở. Khi ta đã tịnh hóa, ngài cũng tượng trưng cho khả năng hành động và hoàn thành các mục tiêu của chúng ta. Biểu tượng này nêu ra một vài phương pháp khẩn cấp để thực hành với hơi thở và các năng lượng tinh tế, nhằm đối phó với sự sợ hãi.

Các phương pháp khẩn cấp xuất phát từ các hành trì chuẩn bị (hành trì sơ khởi) mà chúng ta thực hiện trước khi hành thiền, tu học, hoặc lắng nghe giáo huấn. Các thực hành này giúp ta bình tĩnh hơn trong các tình huống khẩn cấp, khi ta cảm thấy vô cùng sợ hãi, hoặc bắt đầu hoảng sợ. Chúng cũng đóng vai trò như những bước thực hành đầu tiên, trước khi áp dụng các phương pháp sâu sắc hơn.

  1. Nhắm mắt và đếm các chu kỳ hơi thở. Một hơi thở vào và hơi thở ra là một chu kỳ. Tập trung vào cảm giác của hơi thở đi vào, đi xuống, bụng dưới phồng lên, rồi xẹp xuống, và hơi thở đi ra.
  2. Đếm các chu kỳ hơi thở với mắt mở hé, nới lỏng tầm nhìn, hướng xuống sàn nhà, một chu kỳ là hơi thở ra, tạm dừng, và hơi thở vào, với sự tập trung giống như trên, và sau một lúc, chú ý thêm cảm giác bàn tọa chạm vào ghế, hoặc sàn nhà.
  3. Tái khẳng định động lực hay mục tiêu của điều ta muốn đạt được và lý do tại sao.
  4. Tưởng tượng rằng tâm và năng lượng trở thành trọng tâm của sự chú ý, giống như các ống kính của máy ảnh.
  5. Không cần đếm hơi thở, chỉ tập trung vào vùng bụng dưới phồng lên và xẹp xuống trong khi thở và cảm giác rằng tất cả các năng lượng trong cơ thể đang luân chuyển một cách hài hòa.

Alexander Berzin

Nguồn: Sợ Hãi: Đối phó với Phiền não