CHIA SẺ

dalai-lama

Trong một cuộc phỏng vấn với Đức Đạt-lai Lạt-ma, vị lãnh đạo tinh thần nói về một phương cách xử dụng âm nhạc, để truyền bá thông điệp hòa bình đến toàn cầu. Tuy nhiên, Ngài nói rằng đây không phải là phương cách quan trọng nhất.

Tỉnh Bloomington, tiểu bang Indiana (Bài đăng ngày 19/09/1999) – Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 của Tây Tạng, Tenzin Gyatso, Ngài giống như một thỏi nam châm tâm linh, là người vừa có sức thu hút mọi người, và Ngài cũng vừa có sức thu hút âm nhạc mạnh mẽ. Âm nhạc, dường như theo chân Ngài, đi đến khắp mọi nơi. Thí dụ như trong sự giảng dạy của Ngài, trong Lễ Quán Đảnh Kalachakra – gồm có những lời dạy bảo truyền xuống từ thời Đức Phật, để nâng cao tâm thức từ bi, mà Ngài đang hướng dẫn mọi người trong ngày thứ Bảy này, là một ngày nóng và ẩm, ở tiểu bang Indiana, buổi lễ đã được bắt đầu bằng những lời tụng kinh đều đều, trầm hùng, và bình an của các nhà sư. Trong khi các khán giả đang thư giãn trong giờ giải lao, trong buổi diễn thuyết suốt ngày của Đức Đạt-lai Lạt-ma, tại một nơi dựng lên như nhà lều, có gắn máy lạnh, và có sức chứa 5000 người, Đức Đạt-lai Lạt-ma hãy còn ngồi trên ngai, tụng kinh. Trong những ngày lễ hội, dàn nhạc nghi lễ của Tây Tạng bao gồm những tiếng chập chả (còn gọi là tiếng chũm chọe, cymbals), những tiếng trống, những tiếng kèn mảnh khảnh (shawm), những tiếng chuông, và những tiếng kèn trumpet có chiều dài 2.4 mét (hoặc là 8 foot) lạ thường.

Những nhạc sĩ Tây phương cũng tụ họp thành nhóm theo Đức Đạt-lai Lạt-ma. Philip Glass đã viết bản nhạc dùng trong nghi lễ tôn giáo cho nhạc cụ đại-phong-cầm (organ) để tôn vinh Đức Đạt-lai Lạt-ma, âm nhạc của ông cũng góp phần đáng kể vào ánh hào quang tâm linh cho cuốn phim “Kundun” (Sự hiện diện), phim của Martin Scorsese, nói về cuộc đời của Đức Đạt-lai Lạt-ma lúc Ngài còn trẻ ở Tây Tạng. Nhà soạn nhạc hiện đại Peter Lieberson thường lấy nguồn cảm hứng từ Phật Giáo Tây Tạng. Những buổi hòa nhạc có lợi ích cho nguyên nhân “Hãy để Tây Tạng có tự do”, gồm có các nghệ sĩ và ban nhạc như: Sean Lennon, Pearl Jam, R.E.M, Red Hot Chili Peppers, Beastie Boys, Patti Smith, và Herbie Hancock. Đức Đạt-lai Lạt-ma là một vị lãnh đạo về thế tục (bài này viết năm 1999), và lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng lưu vong, Ngài đã hưởng được lợi ích của âm nhạc trong việc gửi đi những thông điệp về chính trị, và tâm linh, cũng như lợi ích của âm nhạc là mang mọi người ngồi lại với nhau, và truyền cảm hứng cho họ hành động.

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã thừa nhận Lễ hội âm nhạc Tôn giáo thế giới, vì Ngài đã đồng ý phát biểu tại lễ khai mạc này ở Hollywood Bowl, vào ngày 10/10/1999. Đây cũng là một dấu hiệu khác cho thấy sự nhìn nhận của Đức Đạt-lai Lạt-ma về giá trị của âm nhạc. Điều quan trọng nhất, trong thông điệp của Ngài về ngày lễ hội này, Ngài nói rằng: “Trong mọi hình thức khác nhau, mà con người cố gắng thể hiện những sự nhận biết và những khao khát sâu thẳm nhất của họ, thì âm nhạc có lẽ là phương cách phổ quát nhất”.

Tuy nhiên, đây là một tuyên bố hiếm có từ Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài rất ít khi đề cập đến âm nhạc trong các tác phẩm, và trong các cuộc phỏng vấn của Ngài. Trong quyển sách mới nhất của Đức Đạt-lai Lạt-ma, “Đạo đức cho thiên niên kỷ mới”, Ngài cảnh báo cho mọi người biết là đừng mong đợi quá nhiều về những kinh nghiệm nghệ thuật, thí dụ như là âm nhạc. Âm nhạc chỉ có thể cho bạn mức độ hạnh phúc sâu sắc hơn là bạn nắm giữ những gì về vật chất, nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma tin rằng sự phấn khởi bắt nguồn từ các giác quan, thì thoáng qua mau, và ngắn ngủi. Ngài nói rằng: “Cảm giác có được từ âm nhạc, có thể không khác gì với cảm giác của những người nghiện ma túy, khi họ đắm mình say sưa, trong thói quen hút sách của họ”.

Vì vậy, có lẽ đây là cơ hội tốt nhất để đặt những câu hỏi về âm nhạc cho Đức Đạt-lai Lạt-ma, nhân dịp Lễ hội âm nhạc Tôn giáo thế giới này. Mặc dù Ngài đã đồng ý cho tôi phỏng vấn, nhưng khi tôi chờ đợi để nói chuyện với Ngài ở Trung tâm Văn hóa Tây Tạng ở Bloomington, người phụ tá của Ngài báo cho tôi biết rằng, Đức Đạt-lai Lạt-ma có thể có rất ít lời để nói về âm nhạc. Tôi được khuyên là nên đặt câu hỏi khác, thí dụ như là về bài giảng trong ngày trước đó của Ngài, bài giảng mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã làm sáng tỏ bản chất của đau khổ và lòng từ bi. Nhưng, tôi đã quyết định gắn bó với chủ đề âm nhạc.

Đức Đạt-lai Lạt-ma nổi tiếng là người thân thiện, và Ngài thật sự vui vẻ ngồi xuống trò chuyện với tôi, mặc dù Ngài đã nói chuyện với công chúng trước đó vài giờ. Lễ Quán Đảnh Kalachakra bắt đầu mỗi sáng vào lúc 7 giờ, và bây giờ đang gần đến buổi chiều. Tuy nhiên, Đức Đạt-lai Lạt-ma xuất hiện vui tươi, và bình an, Ngài thoải mái trong chiếc áo nhà sư màu nâu đỏ cùng với màu vàng nghệ và Ngài đi đôi dép cao su. Ngài không muốn có nghi thức rườm rà. Chúng tôi bắt tay nhau, rồi ngồi xuống các chiếc ghế, và ghế sofa. Một thông dịch viên cùng tham gia với chúng tôi – Đức Đạt-lai Lạt-ma nói tiếng Anh, nhưng đôi khi Ngài yêu cầu thông dịch viên, giúp Ngài thông dịch. Nhân viên an ninh bao chung quanh Ngài. Có những người khác trong phòng giải lao, đứng xếp hàng, để chờ tới phiên được phỏng vấn Ngài. Tuy nhiên, Đức Đạt-lai Lạt-ma dường như không quan tâm về lịch trình phỏng vấn, Ngài kiên nhẫn chờ đợi từng câu hỏi của tôi. Nhưng giống như lời báo trước, Ngài có vẻ hết sức kinh ngạc bởi chủ đề của cuộc phỏng vấn. Ngài nói về nhiều điều rất thú vị, và Ngài còn bật cười vang lên rất nhiều lần.

Có lẽ, điểm nổi bật nhất là Đức Đạt-lai Lạt-ma đã do dự, vì có những người đã đặt quá nhiều trọng tâm vào phản ứng tinh thần của con người cho âm nhạc, và họ đặt nặng khả năng của âm nhạc có thể tạo ra lòng từ bi. Bởi vì, tâm điểm của thế giới quan của Đức Đạt-lai Lạt-ma chính là lòng từ bi.

Có phải vì thế mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã không quan tâm đến âm nhạc, đặc biệt là Lễ hội âm nhạc Tôn giáo quốc tế? Đức Đạt-lai Lạt-ma thừa nhận: “Âm nhạc và các bài hát, và dĩ nhiên, cùng các hình thức khác về nghệ thuật, trong đó có hội họa hiện đại, là một loại kênh hoặc là một phương tiện truyền thông mang theo một thông điệp”. Đấy là một cách để cung cấp những thông điệp về hòa bình đến công chúng. Và trong quá khứ, Nhà Tây Tạng (Tibet House) ở New Delhi (Tân Đề Li) đã tổ chức những chương trình ca vũ nhạc về tâm linh, mang đến lợi ích cho nhiều người. Vì thế, sự hiểu biết này chính là cơ sở của Lễ hội âm nhạc Tôn giáo quốc tế. Tuy nhiên, tôi vẫn không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra; vì tôi không có một ý tưởng rõ ràng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma tham gia vào việc tụng kinh, tuy nhiên, Ngài không nói gì về những kỷ niệm mà Ngài yêu thích, về những lễ hội cao quý và phức tạp của Tây Tạng, mà luôn có kèm theo âm nhạc và vũ đạo trong thời tuổi trẻ của Ngài, (Ngài cũng không nói đến sự đam mê của Ngài về chiếc hộp âm nhạc phát ra bản nhạc “Clair De Lune” của Debussy). Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không thừa nhận âm nhạc có một giá trị tâm linh sâu xa, có phải không? Giống như một triết gia Ấn Độ có nói, âm nhạc làm dịu tâm trí, và làm tâm chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi các vị thần linh. Ngài có đồng ý không?

“Nói chung, là có,” Ngài trả lời. Mặc dù từ ngữ, và ý nghĩa vẫn là như thế, cho dù chúng ta có tụng kinh hay không có tụng kinh, nhưng giai điệu của giọng tụng kinh, đôi khi giúp cho bài kinh có hiệu quả hơn. Chính Đức Phật đã nhận thấy điều này, và đó là lý do tại sao người Phật tử tụng niệm một số lời cầu nguyện. Cũng có thể, đây là một yếu tố tâm lý. Và trong các nền văn hóa khác, dĩ nhiên có sự liên kết chặt chẽ giữa thượng đế, hoặc là các vị thần thánh, với sự tụng kinh hoặc với các bài hát.

Tôi nhớ có một lần, tôi đã có một cuộc thảo luận không chính thức với một số anh em tâm linh Thiên Chúa giáo. Sau đó, họ bắt đầu cầu nguyện bằng cách họ hát một loại thánh ca với một cây đàn ghi-ta. Sau đó, một số người trong nhóm của họ bắt đầu òa lên khóc. Vì họ có những cảm xúc quá mạnh mẽ, cho nên họ đã không thể ngăn được dòng nước mắt. Đức Đạt-lai Lạt-ma là một diễn giả rất hoạt bát, và Ngài còn có giọng nói rất trầm ấm, theo chúng tôi nghĩ là, khá êm tai, Ngài nhắc đến câu chuyện này bằng lối diễn tả sự ngạc nhiên thật sự của Ngài, giống như Ngài đang diễn một vở nhạc kịch.

Mặc dù như vậy, Đức Đạt-lai Lạt-ma thì lo lắng đến sự mong đợi của chúng tôi dành cho âm nhạc. “Tôi nghĩ rằng có thể có quá nhiều sự dính mắc với âm nhạc, cũng như có thể có nhiều sự dính mắc với bất cứ lĩnh vực nào khác, ngay cả với niềm tin về tôn giáo”, Ngài cảnh báo. “Lúc này đây, tôi là người Phật tử, nếu tôi nhìn Phật giáo với một sự dính mắc, thì đây chính là một điều sai lầm. Người dính mắc là người có thành kiến. Bạn có thể nghĩ rằng, nếu bạn dính mắc vào một lĩnh vực tốt đẹp nào đó, điều này sẽ trở thành một điều tốt đẹp cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có quá nhiều sự dính mắc, có nghĩa là bạn đã từ chối những điều khác, và như thế bạn đã có thêm một thái độ tiêu cực.

Trong một cuộc họp nhiều ngày, tôi (Đức Đạt-lai Lạt-ma) có nói chuyện với các khoa học gia thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, một nhà vật lý rất tài giỏi trong bài nói chuyện của ông có nói rằng, nếu một khoa học gia phát triển sự dính mắc trong ngành nghề của mình, như thế ông ta sẽ trở thành người phá hoại chính mình”. Đấy là sự giải thích của ông ấy, và lời nói này tôi đã đặt luôn vào trong tâm trí của tôi.

Trong khi tôn giáo, và khoa học rõ ràng là có thể đem lại lợi ích từ sự khách quan của tâm không có thành kiến, nhưng chỉ có một số ít người yêu thích âm nhạc muốn thừa nhận lập luận của Đức Đạt-lai Lạt-ma . Tuy nhiên, điều này làm chúng ta muốn nói đến Bản giao hưởng số chín của Beethoven, mà cũng là bản nhạc mở màn trong Lễ hội âm nhạc Tôn giáo thế giới. Đây là bản nhạc được tán dương là có thông điệp của tình người (tình anh em) cho toàn thế giới. Những người phát xít Đức là một trong những nhóm người sốt sắng quan tâm đến bản giao hưởng này, và họ khẳng định bản nhạc này tượng trưng cho lý tưởng cao quý của họ. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói về sự nguy hiểm của sự dính mắc, có phải điều nói trên là ý của Ngài không?

“Tôi cũng nhận thấy mối nguy hiểm này, trong âm nhạc nói về chiến tranh nữa, nhạc mà đề cao tinh thần anh hùng”, Đức Đạt-lai Lạt-ma trả lời. “Nếu cảm xúc tốt đẹp phát sinh ra từ âm nhạc, điều này là điều tốt. Tuy nhiên, khía cạnh tiêu cực cũng có thể xảy ra, nếu một người nào đó trở nên quá dính mắc với âm nhạc”.

Tuy nhiên, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã công khai thừa nhận âm nhạc, là có khả năng mang các nền văn hóa khác nhau đến gần với nhau hơn, và làm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau. “Đúng thế, đúng như thế”, Đức Đạt-lai Lạt-ma thừa nhận. “Tôi cảm nhận được thông điệp hòa bình, thông điệp về lòng khoan dung, thông điệp về sự đối thoại, thông điệp về sự bất bạo động, thì rất là quan trọng và cấp bách. Và nếu các nghệ sĩ khác nhau thông qua nghề nghiệp của họ, họ phát huy được giá trị tinh thần của con người, đấy là điều rất quan trọng. Tôi nghĩ cách đóng góp của riêng tôi, thông qua buổi nói chuyện dùng các văn bản Phật giáo của tôi ngày hôm nay, cũng chính là một cách đóng góp, nhưng rất hạn chế. Các ca sĩ khi họ hát nhạc, họ có một nguồn khán thính giả đông hơn tôi rất nhiều, vì vậy, tôi luôn luôn ngưỡng mộ, và tôn trọng những đóng góp của họ, cùng với sức mạnh của các phương tiện truyền thông”.

Tuy nhiên, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn muốn vui vẻ, đứng tách biệt, riêng ra khỏi các ca sĩ và những bài hát của họ. Khi đặt câu hỏi là Đức Đạt-lai Lạt-ma có nghe âm nhạc hay không, Ngài trả lời như sau: “Khi tôi vừa bước chân ra khỏi phòng của một khách sạn ở Geneva, một nhóm người làm trong một đài truyền hình hỏi tôi về một ca sĩ nổi tiếng, mà tôi quên mất tên, lúc đó cũng đang có mặt trong khách sạn. Tôi không quan tâm đến âm nhạc, cho nên không có lý do gì, mà tôi biết được ca sĩ này là ai. Sau đó, trên đài truyền hình, họ đã phát lại lời phát biểu của tôi là tôi không biết ca sĩ này là ai, mặc dù có nhà sư người Pháp tên là Christian, ông ta thật sự đã đến gặp ca sĩ này”.

Đức Đạt-lai Lạt-ma bật cười vang lên, khi Ngài kể lại câu chuyện này, tuy nhiên, Ngài cũng nói rằng, Ngài sẽ cảm thấy phiền lòng, nếu Ngài bị xem như là người bất lịch sự (chữ dùng của Ngài.) Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không muốn bị xem như là người thờ ơ với những nỗ lực của những người khác. “Qua âm nhạc, và qua những bài hát, hàng ngàn người đã có sự nhận biết về các vấn đề của Tây Tạng. Vì vậy, chắc chắn là tôi phải đánh giá cao về âm nhạc”.

Nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng muốn chúng ta nhớ rằng, âm nhạc sẽ không giúp chúng ta trở thành người tốt hơn, và âm nhạc cũng không thể thay đổi được thế giới. Chính chúng ta phải làm những điều nói trên. Qua lễ hội ở Hollywood Bowl ngày hôm nay, chúng ta có thể học hỏi thêm về Bản giao hưởng số chín của Beethoven, tuy nhiên, sự hiểu biết này sẽ như cơn gió thoảng qua đi, hay sẽ kéo dài thêm nhiều ngày?

Có lẽ, những lời phát biểu gây cảm hứng của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và âm nhạc từ các truyền thống cao quý của các nước khác nhau trên thế giới, sẽ dẫn chúng ta đi vượt lên phía trước của Bản giao hưởng số chín của Beethoven, và có thể giúp chúng ta vượt ra khỏi sự dính mắc của bản giao hưởng này, thay vì chúng ta có những dính mắc như sau: bản giao hưởng này cần phải thay đổi nhịp điệu sau đây, đoạn nhạc này cần phải thay đổi cho thăng bằng hơn, nhanh hơn hoặc chậm hơn, v.v… Những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và âm nhạc từ các truyền thống cao quý, sẽ là những thông điệp có những khả năng tích cực, sẽ trực tiếp mở rộng tấm lòng của chúng ta.

Và Hollywood Bowl có thể là địa điểm lý tưởng, để chứng minh lời nói trên đây, đó là đem ánh sáng ấm áp tỏa sáng của tình thương yêu của mọi người, tình yêu thương xem nhau như anh chị em một nhà, lan ra tới bãi đậu xe, cùng đi theo với mọi người về nhà.

Mark Swed

Việt dịch: Nguyễn Văn Tiến

Nguồn: Đức Đạt-lai Lạt-ma – Cái nhìn về âm nhạc