CHIA SẺ

hongdao-172107062154-lac-quan-trong-nghich-canhBạn cần chuẩn bị kỹ mới có thể đương đầu với những cảnh ngộ tang thương, vì thật khó mà hội nhập ngay những nghịch cảnh vào sự tu tập. Nhờ đã tập luyện, nên khi một sự cố nghiêm trọng xảy ra, bạn có thể áp dụng pháp thiền Lam-rim hoặc pháp chuyển tâm mà bạn đã quen thuộc.

Muốn chuyển nghịch cảnh thành an vui thì xem nghịch cảnh giúp cho mình luyện tâm cũng chưa đủ, bạn còn phải xem chúng là điều kiện cần thiết để tu hành, và bạn nên rút từ nơi chúng một hạnh phúc thường hằng, bền bỉ.

Khi gặp khó khăn, hãy nghĩ rằng những rắc rối làm lợi cho bạn rất nhiều, vì nhờ chúng bạn được hạnh phúc tạm thời trong đời này và các đời sau, được giải thoát, giác ngộ. Dù các vấn đề có rắc rối, khó chịu đến đâu, chúng vẫn là những yếu tố làm lợi cho bạn.

Đừng ghét những nghịch cảnh nữa, mà hãy khởi sự thích chúng để tâm được an vui. Như thế, bạn mới có thể tiếp tục tu tập mà không hề nản chí hoặc thất vọng. Cứ tiếp tục nghĩ như vậy để luyện tâm; hãy biến tâm thành an lạc.

Rồi, do hoàn toàn tin rằng có trải qua các rắc rối mới thấy được an vui, nên khi đối diện nghịch cảnh, bạn bèn coi chúng như pha. Chúng không làm bạn rối trí, do đó bạn sẽ dễ dàng chấp nhận chúng. Đây là cách đối phó với cuộc đời đầy bất trắc và chướng ngại, như phải đối phó với kẻ thù hoặc những hung thần mà bạn nghĩ là đang phá rối hạnh phúc hoặc sự tu tập của mình. Bạn sẽ vượt qua tất cả. Dù còn tiếp tục bị quấy rối, tâm bạn vẫn an nhiên tự tại.

Khi bạn xem trọng một chuyện gì và bị nó quấy nhiễu, tức là vấn đề đó đã hoàn toàn thao túng bạn. Trong lúc nỗi khổ ấy diễn ra, bạn khó có thể đem tâm Đại Thừa mà chuyển hóa nó. Khi bạn có thể lợi dụng khổ đau làm đường lối tu tập, thì những khó khăn sẽ khiến bạn phát triển thiện nghiệp, và chúng trở thành nguyên nhân đưa đến hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này phải do kinh nghiệm bản thân của chính bạn.

Đương nhiên, bạn không thể nào bỗng dưng có khả năng đối diện các vấn đề trọng đại và chuyển chúng thành đề mục tu tập được. Tùy theo khả năng, hãy tập chuyển hóa những nỗi khổ nhỏ thì khi gặp sự cố trầm trọng hay những thảm họa to tát hơn – ngay cả chuyện đáng sợ nhất là cái chết – bạn sẽ đối phó được nhờ áp dụng phương pháp chuyển hóa của Đại thừa.

Tóm lại, hãy tập nhìn khía cạnh tốt của mọi vấn đề. Khi gặp nghịch cảnh, đừng chú ý những cái khó chịu mà chỉ thấy khía cạnh tốt và lợi ích. Cuộc đời có sung sướng hay không là do lối cảm nhận và giải thích của tâm ta. Bạn có thể đặt tên một kinh nghiệm là “may mắn” hay “xui xẻo”, điều ấy tùy thuộc hoàn toàn vào tâm bạn, vào sự suy luận của bạn.

Nếu bạn thay đổi đường lối suy nghĩ, thì chắc chắn những gì bạn kinh nghiệm sẽ mang một ý nghĩa khác hẳn. Nhiều năm về trước, ở động Lawudo, trước khi giảng đến bài thứ sáu trong Khóa Thiền Kopan, tôi đã đọc được một bản văn tên là “Mở Cửa Pháp: Trạng thái Nguyên thủy của sự Đào luyện Tâm trên con đường thứ lớp đến Giác Ngộ”. Đây là một trong nhiều bản chép tay khái quát về các pháp nhập môn của phái Nyingma và các Pháp quán chư thần Mật tông.

Khi đọc bài văn ấy, tôi đã nghiền ngẫm rất nhiều về cái tệ hại của tâm bất thiện trước tám ngọn gió đời. Về sau, mỗi khi người địa phương cho tôi một cái gì – chẳng hạn một dĩa bắp trộn cơm với một ít tiền đặt trên dĩa, mà theo phong tục của họ, được gọi là mandala – tôi sợ vô cùng vì thấy cái nguy hiểm khi nhận của cúng dường. Tôi sợ nhận sự cung kính và sợ bị nổi tiếng. Tôi sợ hãi nhiều thứ. Lúc ấy tôi đang nỗ lực tu tập Pháp – còn bây giờ thì tôi hoàn toàn chìm đắm trong vũng lầy của pháp thế gian.

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Dung

Trích: Chuyển họa thành phúc – Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2005