CHIA SẺ

2000_tibet_shakyamuni_buddha_header

Điều đầu tiên ta cần phải làm để kết nối bản thân với việc thực hành Pháp là nhận diện các vấn đề và khó khăn trong đời sống. Điều kế tiếp là nhận thức ra việc thực hành Pháp là để giúp ta loại trừ những vấn đề này.

Việc thực hành Pháp không chỉ là để ta cảm thấy tốt lành, hay có một thói quen tốt, hoặc để thích hợp với trào lưu, hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Thực hành Pháp là nhằm để giúp ta loại bỏ những rắc rối của mình. Điều này có nghĩa là để hành trì Pháp một cách thực tiễn, ta cần nhận thức rằng nó sẽ không phải là một quá trình dễ chịu. Ta phải nhìn rõ và thực sự đối diện với những điều không dễ chịu trong đời sống của mình, những khó khăn mà ta đang có – không lẩn tránh chúng, mà đúng hơn là đối diện chúng với một thái độ là giờ đây, ta sẽ cố gắng đối phó với chúng.

Những rắc rối của chúng ta có thể xuất hiện qua nhiều hình thức. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với hầu hết những điều này – ta cảm thấy bất an; có những khó khăn trong mối quan hệ với người khác; ta cảm thấy bị xa lánh; có những khó khăn với những cảm xúc và cảm giác của mình – những vấn đề thông thường mà ai cũng có. Ta có những khó khăn trong việc lo lắng cho gia đình và cha mẹ mình; họ bị bệnh và già đi. Chúng ta gặp khó khăn khi phải đối phó với bệnh tật và tuổi già của chính mình. Và nếu là những người trẻ tuổi, ta sẽ gặp khó khăn trong việc dự tính mình sẽ làm gì với cuộc đời này, làm thế nào để kiếm sống, nên đi theo đường hướng nào và v.v… Chúng ta cần xem xét tất cả những điều này.

Một trong những điểm quan trọng nhất trong đạo Phật là nhận ra những vấn đề mà tất cả chúng ta trải qua, đều phát khởi từ những nguyên nhân. Chúng không hiện diện mà không do nguyên nhân nào cả. Nguồn gốc của những vấn đề này ở trong bản thân mình. Đây là một tuệ giác lớn và không dễ dàng được hầu hết mọi người chấp nhận. Đó là vì hầu hết chúng ta có khuynh hướng đổ thừa người khác hay hoàn cảnh bên ngoài tạo ra những rắc rối cho mình. Ta nghĩ rằng: “Tôi không vui vì những điều anh đã làm – anh đã không gọi điện thoại cho tôi; anh không yêu tôi. Tất cả là lỗi của anh”. Hay ta đổ thừa cha mẹ mình về những gì ông bà đã làm hay không làm, khi chúng ta còn bé. Hoặc ta đổ lỗi cho hoàn cảnh kinh tế hay tình hình chính trị, môi trường xã hội và v.v… Giờ đây, dĩ nhiên là tất cả những nhân tố ấy đã đóng một vai trò đối với kinh nghiệm về đời sống của mình. Đạo Phật không phủ nhận điều ấy. Nhưng nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa hơn của các vấn đề ở trong chính mình – nó là thái độ của bản thân ta, đặc biệt là sự vô minh của ta.

Nếu muốn tìm kiếm một nhân tố định nghĩa rõ ràng thái độ của đạo Phật về ý nghĩa của việc thực hành Phật pháp trong đời sống hằng ngày, thì tôi sẽ nói nó là điều này. Khi chúng ta đang gặp khó khăn, ta nên nhìn vào nội tâm của mình để cố tìm ra nguồn gốc. Một khi đã nhận diện ra nó, hãy cố gắng thay đổi hoàn cảnh từ bên trong. Khi nói về việc nhìn vào bên trong và tìm kiếm nguồn gốc tạo ra những rắc rối của mình, điều này không căn cứ trên sự phán xét rằng tôi là một người xấu và phải thay đổi để trở thành một con người tốt. Phật giáo không tạo ra sự phán xét đạo đức. Ta cố xác định vị trí của cội nguồn tạo ra các vấn đề của mình ở bên trong, đơn giản là vì ta đau khổ và muốn diệt trừ các rắc rối, cùng với sự bất hạnh, và nguồn gốc chính của chúng là thái độ của chính mình. Đặc biệt là Đức Phật đã nói rằng nguyên nhân sâu xa của các rắc rối và khổ đau của chúng ta chính là sự vô minh. Thế thì điều ta cần phải làm là khám phá xem chúng ta mê lầm ra sao về những gì đang xảy ra và có thể điều chỉnh vấn đề như thế nào, bằng cách có một sự thấu hiểu đúng đắn.

Chúng ta vô minh về điều gì? Việc này liên quan đến một vài điểm. Một là hành vi nhân quả. Ta nghĩ rằng nếu mình hành động một cách nào đó thì sẽ không tạo ra ảnh hưởng gì cả. Thí dụ, ta nghĩ rằng: “Tôi có thể đến trễ, bỏ mặc bạn và v.v…, cũng chẳng có sao”. Điều này sai; đó là vô minh. Hay ta nghĩ rằng điều mình làm hay cách mình xử sự sẽ có một tác động nào đó, nhưng nó vô lý và không thể nào xảy ra. Thí dụ như: “Tôi đã đối xử tốt với bạn và vì vậy bạn sẽ yêu tôi để đáp lại lòng tốt của tôi. Tôi đã mua cho bạn một món quà đẹp, vậy mà tại sao bây giờ bạn không yêu tôi?”. Với những ý tưởng như thế, ta tưởng tượng rằng những hành động và thái độ của mình sẽ tạo ra một ảnh hưởng bất khả dĩ, hay thổi phồng chúng lên, nghĩ rằng chúng sẽ phát sinh nhiều tác động hơn là chúng thật sự có thể tạo ra. Cũng thế, ta có thể nghĩ rằng những điều nào đó sẽ mang đến một loại ảnh hưởng; trái lại, chúng lại mang đến kết quả hoàn toàn trái ngược. Thí dụ, vì muốn được vui vẻ nên ta nghĩ rằng say sưa rượu chè liên tục là cách để tìm vui. Nhưng điều đó chỉ sản sinh thêm rắc rối hơn là niềm hạnh phúc.

Một điều khác mà ta bị lầm lạc là về cách ta hiện hữu ra sao, người khác tồn tại ra sao và thế giới hiện hữu như thế nào. Thí dụ, ta đau khổ và không vui khi trở nên già nua và bệnh hoạn. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có thể mong đợi điều gì khác hơn được. Loài người thì sẽ bị bệnh tật và già nua, trừ phi ta chết yểu, những điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khi chúng ta bắt đầu thấy những sợi tóc trắng trên gương, chúng ta âu sầu và kinh ngạc về điều này, đó là vì ta thiếu óc thực tế và vô minh về cách thế giới tồn tại ra sao, về cách chúng ta hiện hữu như thế nào.

Giả sử ta có vấn đề với sự già nua. Vì vô minh về điều này, đó là không thể chấp nhận thực tế về nó, ta sẽ hành động một cách tiêu cực vì ảnh hưởng của phiền não. Thí dụ như cố tạo cho mình dáng vẻ trẻ trung và hấp dẫn, ta hành động với khát vọng có được những điều mà ta hi vọng sẽ làm cho mình cảm thấy an toàn, thí dụ như sự chú ý và tình yêu của người khác, đặc biệt là những người trẻ hơn mà ta cho là hấp dẫn. Đằng sau hội chứng này thường ẩn chứa sự mê muội rằng tôi là người quan trọng nhất trên thế giới; tôi là trung tâm của vũ trụ. Vì thế, mọi người phải chú ý đến tôi. Dù nhân dáng của tôi ra sao đi nữa, tất cả mọi người nên cảm thấy tôi là một người hấp dẫn và ưa thích tôi. Điều này khiến ta phát điên lên nếu ai đấy không cảm thấy ta hấp dẫn đối với họ, hay không ưa chuộng mình. Thậm chí, nó khiến ta điên tiết hơn nếu họ phớt lờ với ta, nếu họ không chú ý đến ta, khi ta muốn họ thấy mình là người hấp dẫn, nếu không phải về mặt nhân dáng, thì tối thiểu là về những khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, không phải mọi người đều đã ưa chuộng Đức Thích-ca Mâu-ni, thế thì có hi vọng gì mọi người sẽ ưa thích ta?

Mong ước được mọi người ưa thích là một kì vọng không thực tế, nó không thực tiễn. Nó căn cứ vào sự mê lầm, mong mỏi khát khao và bám chấp rằng mọi người phải thấy mình hấp dẫn và chú ý đến mình. Bên trong đó là thái độ phiền não của sự ngây thơ. Chúng ta nghĩ rằng mình quá quan trọng và quá đáng yêu, rằng mọi người phải ưa thích mình. Vì thế, người này phải có vấn đề nếu ông hay bà ấy không yêu thích tôi. Hay tệ hơn nữa, chúng ta nghi ngờ chính mình: “Mình có điều gì sai quấy mà người này không thích mình”, và rồi ta cảm thấy xấu xa hay tội lỗi. Điều này chỉ là sự ngây thơ.

Thế thì điều chính yếu là chuyển hóa bản thân mình. Hành trì Phật pháp là như vậy. Bất kể hoàn cảnh ra sao, dù đang gặp khó khăn, cảm thấy bất an hay thế nào đi nữa, ta cần phải nhìn lại mình để thấy điều gì đang xảy ra. Đâu là sự vô minh đằng sau những phiền não mà tôi đang cảm nhận? Tuy nhiên, nếu xem xét một mối quan hệ đang gặp rắc rối, ta cũng nên nhận thức rằng mình không phải là người duy nhất bị lầm lạc. Hiển nhiên là người kia cũng bị lầm lạc như ta. Vấn đề là ta đừng chỉ nói rằng: “Bạn phải thay đổi; mọi việc tôi đang làm đều tốt đẹp và hoàn hảo; bạn là người phải thay đổi”. Mặc khác, ta cũng không cho rằng mình là người duy nhất phải thay đổi, bởi vì điều này có thể biến thành một mặc cảm dày vò. Hãy cố gắng thảo luận vấn đề một cách cởi mở với người kia, mặc dù dĩ nhiên là người kia cần phải tiếp nhận điều này. Ta cần thừa nhận rằng cả hai chúng ta đều mê muội. Có một vấn đề trong cả hai bên về cách chúng ta thấu hiểu những gì đang xảy ra trong mối quan hệ này, thế thì hãy cố gắng làm sáng tỏ sự lầm lẫn cho cả hai bên. Đây là phương cách của giáo Pháp và là cách thực tiễn nhất để ta có thể giải quyết vấn đề.

Alexander Berzin Ph.D

Nguồn: Hội nhập Phật giáo vào đời sống