CHIA SẺ

2023-01-21-Delhi-G04_A742892

Chúng ta có mặt ở đây; chúng ta hiện hữu và có quyền tồn tại. Ngay cả những loài không phải lá chúng sinh hữu tình như bông hoa cũng có quyền tồn tại. Nếu một năng lực tiêu cực tác động lên bông hoa, nó sẽ tự chữa trị bằng phản ứng hóa học để duy trì sự sống. Nhưng [hơn thế nữa], chúng ta, những con người, kể cả côn trùng, thậm chí những ký sinh trùng amip, những sinh vật nhỏ bé nhất cũng được xem là chúng sinh. Là chúng sinh, chúng ta còn có nhiều cơ cấu để duy trì sự tồn tại của bản thân hơn.

Ý nghĩa của một “chúng sinh” (sentient being) là những loài có thể di chuyển bằng ý chí hay ước muốn của chúng, theo sự thảo luận giữa tôi với các nhà khoa học. “Có tri giác” (sentient) không nhất thiết có nghĩa là có ý thức hay là một con người ở mức độ ý thức. Thật ra, khó mà định nghĩa ”ý thức” hay ”có ý thức” có nghĩa là gì. Thông thường, nó có nghĩa là một khía cạnh rõ ràng nhất của tâm thức, thế nhưng, có phải ta không có ý thức khi nửa tỉnh nửa mê hay bất tỉnh hay không? Côn trùng có kinh nghiệm như vậy hay không? Có lẽ tốt hơn là ta nên nói về “khả năng nhận thức”, hơn là về ý thức.

Dù sao đi nữa, điểm chính mà ta đang nói đến ở đây [bằng khả năng nhận thức] là khả năng kinh nghiệm các cảm giác đau đớn, vui sướng hay trung tính. Thật ra, vui sướng và đau đớn [cùng với hạnh phúc và khổ đau] là những điều ta cần nghiên cứu sâu hơn. Thí dụ, mỗi một chúng sinh đều có quyền sống và vì sự sinh tồn của mình, điều này nghĩa là họ khao khát có được hạnh phúc hay sự thoải mái: đó là lý do mà chúng sinh nỗ lực để sinh tồn. Vì thế, sự sinh tồn của chúng ta đặt trên hy vọng, hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp, đó là hạnh phúc. Vì điều này, tôi luôn luôn kết luận rằng mục tiêu của đời sống là hạnh phúc. Khi có hy vọng và hạnh phúc, cơ thể ta sẽ được lành mạnh. Vì thế nên hy vọng và hạnh phúc là những nhân tố tích cực cho sức khỏe của chúng ta. Sức khỏe tùy thuộc vào trạng thái an lạc của tâm thức.

Trái lại, sân hận căn cứ trên cảm giác bất an và đem lại cho ta sự sợ hãi. Khi gặp điều gì tốt đẹp, ta cảm thấy an toàn. Khi bị điều gì de dọa, ta cảm thấy bất an, rồi nổi giận. Sân hận là một thành phần của tâm thức chống lại điều gì có thể phương hại sự sinh tồn của chúng ta. Nhưng chính tâm sân hận [lại khiến cho ta cảm thấy khó chịu và vì vậy, nói cho cùng, nó] tạo ra bất lợi cho sức khỏe của ta.

Luyến ái là một yếu tố hữu ích cho sự sinh tồn. Vì vậy, ngay cả cây cỏ, dù không có bất cứ yếu tố ý thức nào, vẫn có một vài yếu tố hóa học nào đó để tự bảo vệ mình và giúp cho sự tăng trưởng của nó. Ở mức độ thể chất, cơ thể ta cũng giống như thế. Tuy nhiên, là con người, cơ thể ta cũng có một yếu tố tích cực ở mức độ cảm xúc, khiến cho ta có tâm luyến ái đối với người khác, hay quyến luyến với hạnh phúc của mình. [Trái lại,] yếu tố của tâm sân hận là làm tổn hại, xô đẩy ta ra khỏi mọi thứ, [kể cả hạnh phúc]. Ở mức độ thể chất, cảm giác vui sướng [mà hạnh phúc mang đến] thì có lợi cho cơ thể; trong khi sân hận [và nỗi khổ mà nó tạo ra] thì có hại. Vì vậy, [từ quan điểm theo đuổi sự sinh tồn], mục tiêu của đời sống là có được hạnh phúc.

Tôi đang nói đến mức độ căn bản của con người, không nói về tôn giáo, đó là mức độ thứ hai. Ở mức độ tôn giáo, dĩ nhiên là có những sự giải thích khác nhau về mục tiêu của đời sống. Khía cạnh thứ hai này thật sự khá phức tạp. Vì vậy, tốt hơn là ta chỉ nói về mức độ căn bản của con người.

Đức Dalai Lama 14

Nguồn: Mục tiêu của đời sống là phấn đấu cho hạnh phúc