CHIA SẺ

11

Đạo Phật tin rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Trong thật tánh của mình, tất cả chúng ta đều là chư Phật. Tuy nhiên, khuôn mặt Phật tánh của chúng ta bị che lấp bởi nghiệp và những tì vết của nó, mà gốc rễ là sự chấp ngã giống như mặt trời bị mây che phủ.

Tất cả chúng sanh đều giống nhau và đều là một sinh linh toàn thiện trong thật tánh của chúng. Chúng ta biết, khi tâm thức được tự nhiên, thoải mái và tự tại trước những tình huống, những áp lực tinh thần hoặc cảm xúc làm rối loạn, chúng ta thể nghiệm được sự an vui. Điều này hiển nhiên là tâm bản nhiên không bị nhiễm ô là an bình và không đau khổ. Dù rằng, trí huệ, thật tánh thường an trú trong chúng ta, bị che phủ bởi sự nhiễm ô tinh thần, nó vẫn hoàn thiện và trong sáng. Tổ Long Thọ (Nagarjuna), người đặt nền tảng của học phái Trung Đạo của Phật giáo Đại thừa, viết:

Nước trong trái đất không bị biến thể.

Cũng vậy, trong phiền não.

Trí huệ vẫn không biến thể.

Tổ Long Thọ nói về sự an bình và giải thoát như là “cõi giới tối hậu” của chính nó luôn luôn ở trong chúng ta mọi lúc nếu chúng ta nhận ra nó, chứng ngộ nó:

Trong bụng bà mẹ mang thai

Dù có một đứa trẻ, ta không thể thấy.

Tương tự, ta không thấy tự tánh mình

Nó bị che lấp bởi phiền não của chúng ta.

An bình là ở trong chúng ta, chúng ta không cần phải tìm kiếm nó ở đâu khác. Bằng cách dùng cái mà đạo Phật gọi là “phương tiện thiện xảo” gồm sự thực hành thiền định, chúng ta có thể mở bày ra điện thờ thiêng liêng tối hậu này. Tổ Long Thọ mô tả cõi giới tối hậu này – sự rỗng rang vĩ đại, sự hợp nhất giữa tâm và pháp giới – theo cách sau:

Khi khuấy sữa, bơ tinh chất sẽ hiện ra,

Tịnh hóa phiền não, cõi giới tối hậu sẽ hiển lộ toàn vẹn

Như đèn trong bình, ánh sáng không xuất hiện.

Phật tánh bị che phủ trong cái bình của phiền não

khiến ta không thể thấy.

Nếu ta đục một lỗ trên bất cứ chỗ nào của bình

Từ chỗ đó ánh sáng chiếu ra mạnh mẽ

Khi cái bình của những phiền não

Bị hủy diệt bởi định như Kim Cương

Ánh sáng chiếu soi vào hư không vô tận.

Thích Ca Mâu Ni, đức Phật lịch sử, nói trong Haivajra:

Chúng sanh là Phật trong bản tánh chân thật của họ,

Nhưng bản tánh của họ bị che ám bởi những phiền não duyên sanh

Khi những phiền não được trừ sạch, chúng sanh là Chân Phật.

Phật tánh hay giác ngộ là “vô ngã”. Nó là sự an vui, rỗng rang, vô ngã, nhất thể và niềm vui toàn thể, vĩnh viễn, toàn khắp. Với đa số người, viễn cảnh đạt đến toàn giác là rất xa lạ và khó hiểu. Mục đích của quyển sách này là không vượt khỏi bản ngã, cũng không phải là toàn giác, mà chỉ là buông xả việc chấp chặt bản ngã một ít để được hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Dù thế, nó giúp ta có được một ý niệm về cái có nghĩa là sự rộng mở và nhất thể toàn triệt.

Những câu chuyện chúng ta được nghe về “những kinh nghiệm cận tử” lúc hấp hối, hay trở về từ cõi chết, có thể cung cấp cho chúng ta sự quán chiếu. Nhiều người đã sống lại từ quá trình hấp hối đã mô tả việc di chuyển qua một đường hầm, gặp ánh sáng trắng xúc chạm cho họ một cảm giác đại lạc, đại an bình. Tuy vậy, ánh sáng không phải là một cái gì tách rời khỏi kinh nghiệm này. Ánh sáng là sự an bình. Và họ là ánh sáng. Họ không kinh nghiệm và thấy ánh sáng theo lối nhị nguyên thông thường, như chủ thể và đối tượng. Thay vào đó, ánh sáng, sự an bình và con người là một.

Trong một câu chuyện lúc cận tử, một người đàn ông đã thấy lại mọi việc xảy ra trong đời sống mình, từ lúc mới sinh ra cho đến khi chết, không chỉ là một sự kiện này tiếp theo một sự kiện khác, mà toàn bộ cuộc sống xảy ra cùng lúc. Và ông ta không thấy bằng mắt hay nghe bằng tai, ngay cả biết bằng ý, ông ta có một tỉnh giác sinh động và thuần khiết về cái thấy, biết và cảm nhận mà không có sự cách biệt giữa chúng. Trong trường hợp như vậy, khi những giới hạn và hạn chế không còn, đó là cái một. Với cái một, không có đau khổ hay xung đột, vì xung đột chỉ hiện hữu khi nào ở đó có hơn một.

Với Phật tử, những kinh nghiệm như vậy được đặc biệt quan tâm, vì chúng có thể là một thoáng thấy “trung ấm quang minh của bản tánh tối hậu” là một giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết, cho người nào có một nhận biết nào đó về chân lý, vượt được khỏi phạm vi không gian, thời gian và những ý niệm thông thường. Những chuyện như vậy không chỉ là về kinh nghiệm chết, mà chúng còn có thể cho chúng ta biết về sự giác ngộ có thể thực hiện được trong lúc ta còn sống.

Tâm giác ngộ thực sự không xa lạ lắm đâu. Tánh không hay sự rỗng rang, thì ở đây với chúng ta, dù chúng ta thường không nhận ra nó, chúng ta có thể thể nghiệm toàn bộ về nó vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống, hay thậm chí là một cái thoáng thấy giữa cuộc sống hàng ngày của ta. Chúng ta không cần phải đợi tới lúc cận tử. Dù cho những câu chuyện cận tử có thể gây cảm hứng và thích thú, giác ngộ không phải chỉ là một câu chuyện này hay câu chuyện khác. Nó không phải là kinh nghiệm “này” hay cách nhìn “kia” hay chúng sanh này chúng sanh kia. Toàn bộ tánh rỗng rang vượt khỏi những đối cực “hiện hữu” và “không hiện hữu”, cũng không vừa “hiện hữu” vừa “không hiện hữu” hay “không hiện hữu” vừa “không phải không hiện hữu”. Nói cách khác, toàn thể tánh rỗng rang không thể ở trong mô tả và ý niệm.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.