CHIA SẺ

ds

Trong đạo Phật, tâm phát sinh những năng lực chữa lành, trong lúc thân vốn là cứng đặc và vững chắc, làm nền, quy tụ và làm mạnh cho chúng. Bản văn chính của y học Tây Tạng là Bốn Tantra (Gyud Zhi), người Tây Tạng coi là Terma hay là sự Mặc Khải huyền bí, được Ngài Trawa Ngonshey tìm ra ở thế kỷ mười một. Theo những bản văn cổ này, gốc rễ mọi bệnh tật của thân và tâm là sự chấp ngã. Những độc của tâm thức khởi lên từ sự bám chấp này là tham, sân, si.

Những bệnh tật của thân phân làm ba loại chính. Sự mất hài hòa của khí hay năng lượng, thông thường tập trung ở phần dưới cơ thể và có tính lạnh là do tham dục gây ra. Mất hài hòa của mật, thường tập trung ở phần trên cơ thể và có tính nóng là do sân hận gây ra. Mất hài hòa về thủy dịch, thường tập trung ở đầu, mang tính lạnh là do si (vô minh) gây ra. Ba phạm trù: tham, sân, si này cũng như nhiệt độ phối hợp của chúng, ngày nay còn có thể rất ích lợi trong việc xác định những bài tập thiền quán nào có hiệu quả nhất, theo những tính chất và trạng thái cảm xúc cá nhân.

Theo y học Tây Tạng, sống trong an vui tự tại với phiền não và buông xả ngã chấp là phương thuốc tối hậu cho sức khỏe tinh thần lẫn vật chất.

Bản ngã là gì mà chúng ta hay gặp trong sách này? Quan điểm của đạo Phật đôi lúc khó hiểu cho những người không phải đạo Phật. Dù bạn có thể thiền định mà không cần biết bản ngã là gì, một số hiểu biết về bản ngã sẽ làm dễ dàng hơn việc thực tập những bài tập chữa lành.

Ngôn ngữ có thể lừa dối chúng ta khi nói về chân lý tối hậu. Trong ý nghĩa hàng ngày, khi chúng ta nói về “bản thân tôi” hay “bản thân bạn” là hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng tự hiểu biết là tốt, và tính ích kỷ có thể làm chúng ta không hạnh phúc. Nhưng hãy đi xa hơn một chút và thử nghiệm sự thật sâu hơn về bản ngã như đạo Phật thấy nó.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.