CHIA SẺ

ds

Giác ngộ là nhất như (oneness) vượt lên sự chấp ngã, nhị nguyên, hạnh phúc hay phiền muộn, nghiệp xấu hay tốt. Tuy nhiên, khi ta nói về sự chữa lành như trong sách này, không cần thiết phải quá quan tâm đến giác ngộ. Chứng ngộ thật tánh của tâm ta là sự chữa lành tối hậu, nhưng với tâm thông thường cũng có những năng lực chữa lành. Chúng ta có thể dùng tâm nhị nguyên, thông thường để tự giúp đỡ chính mình. Phần lớn những bài thực hành trong sách này dùng những tiếp cận hàng ngày để trở nên thong dong và hạnh phúc hơn.

Vậy, mục đích chúng ta đơn giản là đi từ tiêu cực đến tích cực, từ bệnh tật đến chữa lành. Nếu lúc này chúng ta đã ở trong một trạng thái tích cực, chúng ta có thể học làm sao để duy trì và hưởng thụ nó. Tuy nhiên buông xả bám chấp nhiều đến đâu chúng ta sẽ cảm nhận nhiều tốt đẹp đến đó.

Trên một hành trình dài, chúng ta có thể luôn ghi nhớ đích đến tối hậu, nhưng thật là tốt nếu mỗi ngày chúng ta sống trọn vẹn và nghỉ ngơi suốt dọc con đường. Nếu muốn buông lỏng sự chấp chặt bản ngã, chúng ta không nên quá cố gắng. Tốt hơn nên có một lối tiếp cận nhẹ nhàng. Bất cứ những bước mà ta đi, dù là những bước ngắn, điều quan trọng nhất là thích thú với những bước nhỏ đó, và rồi chúng sẽ trở nên đầy sức mạnh. Luôn luôn chúng ta phải hân thưởng những gì mình có thể làm, và không nên cảm thấy điều chúng ta không làm được là xấu.

Hãy rộng mở, tích cực, buông xả hơn một tí. Đây là những mục tiêu của quyển sách này. Nếu chúng ta là người mới thiền định và tu hành tâm linh, điều quan trọng là thực hành, dùng kiến thức của ta để thấy con đường đúng mà đi. Khi ta giữ một thái độ rộng mở, những khơi gợi về những thiền định đặc biệt chữa lành giúp chúng ta tiến nhanh. Sự hướng dẫn tốt nhất của tất cả là trí huệ trong chúng ta. Chúng ta không nên hạn chế trong vài phương pháp thiền định. Thay vào đó, tất cả đời sống suy nghĩ, cảm nhận, những hoạt động và kinh nghiệm hàng ngày – có thể là một phương tiện của sự chữa lành.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.