CHIA SẺ

11

Một số người nghĩ đạo Phật là một tôn giáo cho những ai muốn đạt đến trạng thái an lạc, và rồi biến mất vào một loại không hiện hữu nào đó đối với những người khác. Đây không phải là một hình ảnh chính xác của đạo Phật. Người Phật tử tin vào sự nhập cuộc hoàn toàn trong đời sống. Con đường chữa lành không loại trừ những vấn đề và khó khăn, mà nó ôm lấy chúng như là một phương tiện để chứng ngộ thật tánh của chúng ta.

Chúng ta có thể dùng một tiếp cận thực tế đối với những vấn đề có vẻ hoàn toàn tiêu cực. Nếu chúng ta đang ở trong hoàn cảnh căng thẳng, chúng ta phải nhận ra và tự làm hòa với nó, nghĩ rằng: “xấu đấy, nhưng cũng tốt thôi”. Nếu chúng ta không trở nên cuồng loạn nơi hoàn cảnh, tự kéo dài một chuỗi nhận thức tiêu cực, thì ảnh hưởng của chúng sẽ tiêu dần đi, vì giống như mọi sự trong cuộc sống, hoàn cảnh này là vô thường, không sớm thì muộn sẽ thay đổi. Biết như vậy, chúng ta có thể an nhiên tiến đến bước kế tiếp của sự chữa lành, với một cảm nhận tự tin rằng những hoàn cảnh bên ngoài không thể chế ngự trí huệ nội tại của chúng ta.

Trong quan điểm Phật giáo, rốt ráo những cảm xúc không tốt cũng không xấu. Chúng ta phải chấp nhận và chào đón tất cả cảm xúc của ta. Đồng thời, chúng ta cần không bị chi phối bởi những cảm xúc hoang dã hay phá hoại. Nếu chúng ta bị tổn thương bởi thèm muốn, vướng mắc, rối ren hay sân hận, tốt hơn nên nghĩ về “cái đúng để tôi làm” hơn là về “cái tôi muốn làm”. Khi ta đi vào con đường chữa lành, chúng ta nên làm mạnh mẽ những ý định của mình. Chúng ta phải để tâm trí chúng ta hướng dẫn mọi cảm xúc.

Nếu dựa vào bất cứ những gì bên ngoài chúng ta như chúng là nguồn thỏa mãn tối hậu, chúng ta sẽ cảm thấy như trên con thuyền chòng chành giữa sự mãn nguyện và không thỏa mãn. Sự bám chấp phó mặc chúng ta cho sự luân chuyển mãi của bánh xe luân hồi, một thế giới thoáng qua của hoan lạc và đau khổ. Khi chúng ta buông bỏ bản ngã và tìm thấy trung tâm an bình thật sự của chúng ta, ta thấy rằng không cần phải bám víu vào những ý niệm tốt, xấu, hạnh phúc, đau buồn, cái này hay cái kia, “tôi” và “họ”. Nhiều tôn giáo và triết học khuyên chống lại sự đồng hóa mạnh mẽ với bản ngã. Bản văn nổi tiếng của Ấn Độ giáo, Áo nghĩa thư (Upanishads) đã so sánh sự tự đồng hóa này với một cái bẫy: “nghĩ ‘đây là tôi’ và ‘đó là của tôi’, người ta đã tự trói buộc với bản ngã và hành động như con chim mắc bẫy.”

Chăm sóc những nhu cầu thực sự của chúng ta và người khác là con đường tìm thấy an bình, và khi làm điều này chúng ta đã tham gia vào cuộc sống. Đấu tranh không phải là điều xấu. Chúng ta có thể học để thấy sự đấu tranh với đời sống là một thách thức thích thú. Tuy nhiên, phải nhận ra rằng, trong việc tìm kiếm bất kỳ một mục đích nào trần tục hay tâm linh, việc bám chấp sẽ làm mệt mỏi và trói buộc chúng ta trong sự ích kỷ. Khi chúng ta biết cái mình thực sự cần để sống, việc khéo léo sống trong một cách thế quân bình trở nên dễ dàng hơn.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Tuệ Pháp

Trích: Năng lực chữa lành của Tâm, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, Hà Nội.