CHIA SẺ

2022 06 08 Dharamsala G08 A741184

Khi gặp những người giàu có, tôi thường hay nói với họ rằng theo những lời giáo huấn của Đức Phật thì đó là một dấu hiệu tốt. Đấy là quả của những gì xứng đáng, là một bằng chứng cho thấy trước đây họ từng là những người rộng lượng. Tuy nhiên sự giàu có ấy không hẳn là luôn đi đôi với hạnh phúc. Nếu đúng như thế thì càng giàu người ta phải càng hạnh phúc hơn.

Trên căn bản và về phương diện cá nhân con người thì không có gì khác biệt giữa người giàu có và những kẻ khác. Dù cho gia tài có kếch sù mấy đi nữa, họ cũng không thể ăn nhiều hơn người khác vì mỗi người cũng chỉ có một dạ dày; hai bàn tay cũng chỉ có từng ấy ngón mà chẳng có thêm ngón nào để đeo nhiều nhẫn hơn. Đương nhiên là họ có thể uống các thứ rượu vang và rượu mạnh thuộc loại tinh chế và đắt tiền, ăn những thức ăn tuyệt hảo. Nhưng tiếc thay, thường thì những thứ ấy chỉ làm hại cho sức khoẻ của họ nhiều hơn mà thôi. Những người không cần làm việc nặng nhọc thì phải lại tập thể dục nhằm loại bớt năng lượng dư thừa để ngừa chứng phì nộm và bịnh tật phát sinh. Chẳng hạn như tôi đây, không có dịp ra ngoài thường xuyên nên phải đạp xe đạp trong nhà! Hãy suy nghĩ cho kỹ, chẳng cần phải giàu có để rơi vào cái cảnh ấy đâu!

Nhất định là có những xúc cảm thích chí khiến ta thốt lên: “Tôi thực sự là một người giàu có!”. Câu nói ấy đem đến hứng khởi và ta phóng một hình ảnh thú vị về cái ta vào xã hội này. Tuy nhiên những thứ ấy có đáng hay không, so với những những căng thẳng và lo âu phát sinh từ việc tích lũy và khuếch trương tài sản của mình? Biến một số người trong gia đình và xã hội thành ra kẻ thù, tạo cho kẻ khác mối ganh tỵ và ác cảm. Riêng ta thì luôn phải sống trong lo âu và rơi vào tư thế phải thường xuyên phòng thủ.

Theo tôi, lợi điểm duy nhất của sự giàu có là khả năng giúp đỡ kẻ khác. Đồng thời trong bối cảnh xã hội thì ta cũng giữ một vai trò quan trọng hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu biết nghĩ đến những điều tốt lành thì ta sẽ làm được rất nhiều việc phải. Nhưng ngược lại, nếu là một người xấu bụng thì chính ta sẽ gây ra nhiều điều sai trái.

Tôi vẫn thường nói rằng chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm liên quan đến quả đất này. Nếu ta có đầy đủ điều kiện, chẳng hạn như sự giàu có, để thực hiện một điều gì đó hữu ích nhưng ta lại không làm, thì như thế rõ ràng ta là một người vô ý thức.

Mỗi ngày ta thụ hưởng thực phẩm và những tiện nghi do kẻ khác tạo ra, hay trồng trọt thay ta. Khi đã đủ sống thì đến lượt ta phải biết giúp đỡ cho phần còn lại của thế giới này. Không có gì bi thảm hơn là sống trong xa hoa mà không góp phần để mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn mình. Nên hiểu rằng có những người thật hết sức nghèo khó chung quanh ta. Nhiều người không có gì để ăn, không có nhà để ở, đấy là chưa nói đến vấn đề giáo dục và thuốc men khi đau ốm. Nếu ta giàu có mà chỉ biết lo cho ta mà thôi thì những người phải sống trong cơ hàn sẽ nghĩ thế nào về ta? Những người lam lũ từ sáng đến chiều nhưng vẫn không đủ ăn sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy kẻ khác sống trong cảnh dư thừa mà chẳng cần động đến móng tay? Có phải là chúng ta đã biến họ trở thành những người ganh tị và chỉ biết cảm thấy chua chát trong lòng hay chăng? Có phải chúng ta đã đẩy họ dần vào cảnh hận thù và hung bạo?

Nếu có nhiều tiền của thì cách tốt nhất là đem của cải ấy để giúp đỡ người nghèo, những người đang đau khổ, và trên bình diện rộng lớn thì đấy là cách giải quyết khó khăn và giúp cho mọi người cùng chung sống trên quả đất này được hạnh phúc hơn. Giúp đỡ người nghèo khó không có nghĩa đơn giản là cho họ tiền. Giúp đỡ có nghĩa là tạo điều kiện để họ được hưởng giáo dục và tự chăm sóc lấy họ, tức là giúp họ đủ sức để tự chu cấp những nhu cầu của họ.

Sống trong sung túc riêng cho mình thì quả chẳng có ích lợi gì cả. Thay vì sống và phung phí tiền bạc để mua lấy sự xa hoa vô bổ thì hãy nên sử dụng tiền của ấy vì kẻ khác. Nếu ta tìm thấy thích thú khi ném tiền qua cửa sổ, hay nướng những số tiền khổng lồ vào các sòng bạc, thì cũng không có lý do gì để trách cứ ai nếu đấy là tiền do chính mình làm ra và không làm hại đến ai cả. Tuy nhiên thật ra đấy cũng chỉ là một cách tự lừa dối mình và phung phí sự hiện hữu của chính mình mà thôi.

Dù giàu có đi nữa thì cũng nên ý thức rằng ta cũng chỉ là một con người mà thôi, và trên danh nghĩa con người thì ta nào có gì khác biệt với một người nghèo khó: tất cả đều có một nhu cầu chung về một niềm hạnh phúc phong phú trong nội tâm, và cái hạnh phúc ấy thì không có đồng tiền nào mua được.

Trong thời buổi này, cái hố phân cách giữa những người quá dư thừa và những kẻ tay trắng ngày càng trở nên sâu hơn. Trong vòng hai mươi năm gần đây, it nhất đã có thêm năm trăm nhà tỉ phú mới. Trước đây số tỉ phú chỉ vỏn vẹn có mười hai người vào năm 1982. Trong số những nhà tỉ phú mới, có đến hơn một trăm người gốc Á châu. Người ta vẫn thường cho Á châu là một nơi nghèo đói, nhưng thực ra thì cũng có vô số người ở Âu châu và Mỹ châu hiện nay chẳng có một xu dính túi. Vấn đề này cho thấy sự nghèo đói không còn liên hệ gì với sự tương phản giữa Đông và Tây phương.

Những hệ tư tưởng lớn, chẳng hạn như cộng sản, đã hoàn toàn thất bại trong ý đồ ép buộc người giàu phải cống hiến những gì họ có để làm của chung. Ngày nay, con người phải tự mình nhận lấy trách nhiệm đùm bọc lẫn nhau. Điều đó nhất định đòi hỏi phải thay đổi thật sâu xa cách suy nghĩ của mình, tức phải có một nền giáo dục mới.

Nhìn vào khía cạnh lâu dài thì người giàu sẽ chẳng được lợi lộc gì cả khi họ góp phần làm suy đồi tình trạng chung trên thế giới. Họ sẽ phải tự che thân trước sự oán hận của người nghèo và sống trong lo sợ ngày càng nhiều hơn, đó cũng là tình trạng đã xảy ra tại một số quốc gia. Một xã hội mà người giàu thì quá giàu, người nghèo lại quá nghèo ắt sẽ sinh ra hung bạo, tội ác và nội chiến. Những kẻ khuấy rối sẽ khích động dễ dàng những người khốn khổ bằng cách lừa dối rằng chính mình là người đứng ra tranh đấu cho họ. Đủ mọi thứ hỗn loạn sẽ theo đó mà sinh ra.

Nếu bạn giàu có và biết giúp đỡ người nghèo chung quanh, và nếu nhờ đó mà họ có sức khoẻ và có phương tiện để phát triển tài năng và sự hiểu biết của họ, thì rồi đây họ sẽ đền đáp lại bằng chính tình yêu thương của họ. Làm được như thế thì dù bạn là người giàu có đi nữa thì bạn vẫn có thể trở thành một người bạn của kẻ nghèo khó. Nếu bạn có gặp thảm họa thì họ cũng sẽ chia sẻ sự xót xa với bạn. Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ biết thu mình trong ích kỷ và không hề biết chia sẻ là gì thì họ sẽ hận thù bạn và vui mừng khi thấy bạn khổ đau. Tất cả chúng ta đều là những con người sống tập thể trong xã hội. Khi bối cảnh chung quanh thân thiện thì đương nhiên chúng ta sẽ tìm thấy sự tự tin và sống trong hạnh phúc.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoang Phong

Trích: Những lời khuyên tâm huyết