CHIA SẺ

minh họa

Khi gặp phải một tình huống khó chịu, chúng ta phải tự nhắc nhủ mình rằng chẳng có lợi ích gì khi xem nó như một vấn đề và rồi tự mình tạo ra sự lo sợ hay phiền muộn. Trong quyển Nhập Bồ Tát Hạnh, vị Đại Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva) có lời khuyên rằng: “Nếu một vấn đề có thể giải quyết được thì đâu cần phải lo âu bực bội làm gì.” Nếu có cách giải quyết vấn đề thì, đơn giản là bạn hãy áp dụng cách giải quyết đó. Thật buồn cười khi bực bội lo âu trong khi chúng ta có cách giải quyết. Nếu có cách thì hãy làm đi. Chỉ có một việc là: Hãy làm đi!

Ngài Tịch Thiên cũng dạy thêm rằng, nếu một vấn đề không thể giải quyết được, thì có ích lợi gì khi lo âu phiền muộn? Chúng ta đã cố tình giải quyết mà không được, thì đâu cần phải không vui, phải khó chịu vì nó. Chẳng hạn, nếu chúng ta không thể biến cái nhà thành ra vàng hay biến bầu trời thành ra mặt đất, thì việc bực bội khó chịu cũng chẳng giúp được gì. Có một số vấn đề mà chúng ta không thể tránh được, chẳng hạn một bệnh nan y hay sự gãy đổ một mối quan hệ không thể đảo ngược. Trong trường hợp phải chịu đựng một vấn đề không thể tránh né được như thế thì sự buồn phiền đâu có giúp được gì. Chúng ta nên chấp nhận hơn là từ chối nó.

Trong thời gian nhập thất ở Adelaide (Australia), tôi thường nghe đài phát thanh vào mỗi buổi chiều. Vào một chương trình phát buổi chiều có chủ đề về bệnh trầm cảm, khách mời là một nhà tâm lý học nữ, đã từng viết một số sách về chủ đề này. Bà ta dường như có một quan điểm tâm lý dễ gây tranh cãi, khác biệt với hầu hết các nhà tâm lý khác. Lời khuyên chủ yếu của bà ta đối với những người bệnh trầm cảm là: họ nên chấp nhận trạng thái trầm cảm hơn là từ chối nó. Bà ta khuyên những người tuyệt vọng hãy tự nói với mình: “Tôi đáng phải chịu đựng trạng thái trầm cảm này vì tôi là một con người yếu đuối.”

Lời khuyên của bà ta rất sáng suốt. Dường như bà ta đã cứu xét kỹ các phương pháp khác giải quyết bệnh trầm cảm và thấy các phương pháp đó không thỏa đáng; trong khi, nếu chấp nhận trạng thái trầm cảm thì người bệnh sẽ ngay lập tức giảm được các xúc cảm lo sợ vốn đã kết nối với trạng thái trầm cảm đó, và như vậy họ sẽ được bình an. Khuyến cáo của bà “chấp nhận bệnh trầm cảm hơn là từ chối nó” rất dễ gây tranh cãi, vì nó hoàn toàn đi ngược lại cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Tâm vị kỷ của chúng ta thường muốn thoát khỏi bệnh trầm cảm chứ không phải chấp nhận nó. Kết luận mà bà ta đạt đến cho thấy một sự thay đổi cốt lõi về mặt khái niệm, nhưng điều đó lại phù hợp với pháp chuyển hóa tâm.

Tuy thế, lời khuyên của nhà tâm lý học này không đề cập đến việc giải quyết trạng thái trầm cảm về lâu dài. Chúng ta chấp nhận trạng thái trầm cảm của ngày hôm nay, của tháng này, năm này, nhưng chúng ta phải làm gì với tất cả những cơn trầm cảm trong tương lai? Có hay không có một giải pháp để bảo đảm rằng trạng thái trầm cảm sẽ không bao giờ trở lại với chúng ta? Ý tưởng ban đầu của bà ta là rất tốt, nhưng bà ta đã thiếu mất một giải pháp rốt ráo [để giải quyết tận gốc vấn đề].

Rõ ràng là, sẽ có nhiều bất lợi khi chúng ta xem các tình huống đều như là những vấn đề bất ổn, và nếu chúng ta quen với cách suy nghĩ này, chúng ta sẽ thấy các sự việc khó chịu nhỏ nhặt như những vấn đề to tát. Chúng ta phải lưu tâm đến những thiếu sót này và chúng ta phải có một quyết tâm rằng: khi một điều gì không ưng ý xảy đến cho ta thì ta đừng xem đó như là một vấn đề; thay vì vậy, chúng ta đón chào nó như là một điều vui thích. Chúng ta phải can đảm và phải xác định một cách mãnh liệt là sẽ làm như vậy ngay từ lúc sáng sớm của mỗi ngày. Khi nào chúng ta ngưng diễn dịch sai các tình huống bất hạnh như là vấn đề bất ổn, và thay vào đó ta xem chúng như những điều vui thích, thì ngay cả những thảm họa kinh khủng cũng trở nên tầm thường không đáng kể và ta cảm thấy chúng nhẹ như bông.

Bước kế tiếp, chúng ta sẽ cứu xét làm sao để xem các vấn đề như là điều vui thú, vì một khi làm được như vậy thì ý tưởng ưa thích sẽ tự nhiên khởi lên theo. Để thấy được các vấn đề bất ổn là điều vui thú và ưa thích chúng, ta phải thiền quán về lợi lạc của các vấn đề bất ổn.

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn Văn Điều và Đỗ Thiết Lập

Trích: Điều trị bệnh tận gốc năng lực chữa lành của Tâm bi mẫn, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội