CHIA SẺ

891193

Khi có một vấn đề bất ổn, để chuyển hóa nó thành hạnh phúc, chúng ta phải làm hai việc. Trước tiên, chúng ta phải loại bỏ tư tưởng xem tình huống đó là một vấn đề bất ổn và rồi nổi lên ý nghĩ không ưa thích nó. Thứ hai, chúng ta phải phát sinh tư tưởng xem vấn đề đó có tính cách tích cực và xác lập ý nghĩ ưa thích nó. Khi chúng ta có khả năng xem các vấn đề bất ổn như suối nguồn của hạnh phúc thì tư tưởng ưa thích chúng sẽ tự nhiên phát sinh.

Bằng cách nào chúng ta loại bỏ được tư tưởng xem một tình huống là vấn đề bất ổn và không ưa thích nó? Chúng ta phải nhận ra rằng, nếu chúng ta chú tâm vào tư tưởng này thì tâm sẽ trở nên quen với việc xem các tình huống là vấn đề bất ổn, cho đến khi chúng ta thấy hầu hết các việc xảy đến cho chúng ta đều là bất ổn cả. Một khi chúng ta quen xem các điều kiện không mong muốn như là các vấn đề bất ổn và không ưa thích chúng thì ngay cả những việc rất nhỏ nhặt cũng sẽ trở nên vấn đề to tát đối với chúng ta. Theo cách này thì những cảm xúc lo âu, sợ hãi và đau đớn của chúng ta sẽ gia tăng, và chúng ta rất khó cảm nhận được hạnh phúc hay sự thanh thản.

Thậm chí một sự việc không đáng kể như tìm thấy trong phòng mấy con chuột hay những côn trùng nhỏ bé – vài con muỗi hay bọ chét – cũng có thể trở thành vấn đề rắc rối lớn trong tâm ta. Chúng ta không thể chịu đựng được điều đó và phải dọn đi chỗ khác. Nếu thức ăn của ta bị nguội hay không được nấu đúng theo cách ta thích, chuyện nhỏ nhặt này cũng trở thành vấn đề to tát và làm ta rất giận dữ. [Nói chung], những chuyện rất nhỏ nhặt cũng có thể khiến ta nổi khùng lên.

Khi chúng ta quen với cung cách sống như thế, chúng ta sẽ dễ dàng bị quấy nhiễu bởi hầu hết những gì chúng ta trông thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm. Hầu hết các sự việc chúng ta gặp phải đều trở thành vấn đề và khiến ta khởi lên các suy nghĩ tiêu cực và rồi hành động một cách tiêu cực. Chúng ta thấy mọi sự xuất hiện trước ta có vẻ như là kẻ thù của ta. Như vậy sẽ rất khó để chúng ta tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.

Chúng ta phải nhận ra rằng tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều xuất phát từ tâm chúng ta. Có hai cách để nhìn vào bất kỳ tình huống nào, kể cả bệnh tật. Một tình huống có thể là vấn đề bất ổn nhưng cũng có thể không là vấn đề. Với cách nhận thức này, chúng ta thấy nó là vấn đề bất ổn, nhưng với một cách nhận thức khác chúng ta không thấy nó là vấn đề. Khi chúng ta không ưa thích một tình huống nào đó, chúng ta xem nó là vấn đề bất ổn, gán đặt cho nó nhãn hiệu “vấn đề”, và rồi ta thấy nó như là một vấn đề. Một khi chúng ta đã gán đặt nhãn hiệu “vấn đề” thì vấn đề liền hiện ra trước mắt chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không gán đặt nhãn hiệu vấn đề cho sự việc xảy ra, chúng ta sẽ không thấy nó như là một vấn đề.

Khi có nhận thức về các yếu tố bên ngoài, chúng ta thường trải qua những cảm xúc như hài lòng, không hài lòng, hoặc thờ ơ không quan tâm – nhưng chúng ta cần phải biết rằng ngay cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc cũng đều xuất phát từ tâm ta. Khi chúng ta gặp được một tình huống đang ao ước, chúng ta xem nó là hài lòng; rồi thì trước mặt chúng ta nó trông ưng ý, và chúng ta khởi lên một suy nghĩ ưa thích tình huống đó, và chúng ta tận hưởng sự thỏa mãn, hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta phải xa lìa tình huống hay đối tượng ao ước đó, các cảm xúc của chúng ta thay đổi, chuyển từ sự hài lòng sang không hài lòng. Chúng ta coi sự xa cách đối tượng đó là tồi tệ và chúng ta khởi tâm không ưa thích sự việc đó. Chúng ta cũng trải qua những cảm giác không hài lòng khi gặp các đối tượng không ưa thích. Cái gì làm nên kinh nghiệm không ưa thích? [Đó là vì] chúng ta xem tình huống đó là xấu, là tồi tệ, gán đặt cho nó nhãn hiệu “xấu” và rồi khởi lên suy nghĩ không ưa thích nó.

Hãy lấy thí dụ về một người mà chúng ta xem là kẻ thù. Chúng ta sẽ không tức giận một con người nếu chúng ta không nghĩ rằng: “Ông ta xấu, bởi vì ông ta không ưa thích tôi và ông ta đang cố hãm hại tôi.” Như vậy rõ ràng là, không phải bản thân con người đó mà chính nhận thức của ta về con người đó mới gây khó chịu cho ta. Chúng ta tạo ra một khái niệm và rồi khái niệm đó làm cho chúng ta khó chịu.

Khi chúng ta gặp gỡ người mà chúng ta xem là kẻ thù, chúng ta không hề nghĩ đến những phẩm tính tích cực của người ấy, chúng ta cũng không nghĩ đến những lợi lạc mà chúng ta có thể có được từ con người đó. Lẽ ra, chúng ta đã có thể học được nhiều điều về bản chất tâm của chúng ta nhờ vào việc người đó đã không ưu ái chúng ta, làm ngược lại những ước muốn của tâm tham lam ích kỷ của ta. [Người mà chúng ta xem là] kẻ thù đó có thể giúp ta phát triển tâm nhẫn nhục, tâm từ, tâm bi mẫn, trí tuệ, và còn nhiều phẩm tính quí báu nữa của tâm ta. Họ có thể giúp ta phát triển con đường tu giác ngộ.

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn Văn Điều và Đỗ Thiết Lập

Trích: Điều trị bệnh tận gốc năng lực chữa lành của Tâm bi mẫn, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội