CHIA SẺ

bc

Nhờ cách kiểm tra những yếu tố khác nhau, mà bác sĩ có thể định bệnh. Sau đó, chúng ta phải trị bệnh. Việc trị liệu bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn uống, hành vi và uống thuốc, nhưng có nhiều cách khác để điều trị những tình trạng khác nhau, kể cả châm cứu và ngải cứu, tức là đốt các bộ phận trong cơ thể.

Chế Độ Ăn Uống

Nếu như khí bị rối loạn, thì một số thực phẩm sẽ rất có hại. Chẳng hạn như chất caffeine trong cà phê sẽ làm cho chứng rối loạn khí trầm trọng thêm. Chúng ta rất bồn chồn, và huyết áp sẽ cao. Đậu lăng (lentil), giống như đậu, sẽ tạo ra hơi – và việc đánh rắm là dấu hiệu của điều này. Đối với chứng rối loạn mật thì trứng và thực phẩm có nhiều dầu mỡ, hay đồ chiên là những món không tốt. Đối với chứng rối loạn đờm thì phải tránh các sản phẩm làm từ sữa và gạo, vì chúng sẽ tạo ra rất nhiều chất nhầy. Chúng ta cũng lưu ý điều này ở phương Tây. Các loại thực phẩm khác có thể rất hữu ích cho những chứng rối loạn này. Ví dụ như uống nước nóng rất tốt cho đờm, vì nó sẽ rửa sạch chất nhầy.

Sửa Đổi Hành Vi

Còn về việc sửa đổi hành vi, nếu như mình bị rối loạn khí, thì điều quan trọng là giữ ấm, và ở gần bạn bè yêu thương mình. Việc vui cười là điều tuyệt vời cho chứng rối loạn khí. Nếu mình rất buồn bực và bồn chồn, thì tiếng cười sẽ giải tỏa những vấn đề này. Việc nhìn vào viễn cảnh dài lâu sẽ rất hữu ích. Ngoài ra, ta có thể tránh những việc như đứng trước quạt máy hay đứng ngoài trời có gió lớn. Người ta thường thấy những cỗ máy có công suất rất cao sẽ tạo ra tiếng ồn, như máy cắt cỏ công suất hoặc máy lạnh, sẽ khiến cho họ càng bồn chồn hơn. Đối với chứng rối loạn mật thì việc giữ cho cơ thể mát mẻ và tránh ánh nắng mặt trời là điều rất hữu ích. Đối với đờm thì việc tập thể dục và giữ ấm sẽ rất tốt. Điều đó sẽ giúp cho các khớp xương dẻo dai hơn, và làm sạch chất nhầy.

Thuốc Men

Uống thuốc là phương pháp điều trị chính trong y học Tây Tạng. Chủ yếu là thuốc được bào chế từ các loại thảo mộc. Nó cũng bao gồm các chất khoáng và vân vân. Mỗi loại thuốc có thể có 50 hay nhiều thành phần hơn, được trộn với nhau. Thường thì chúng được trộn và nghiền thành dạng thuốc viên. Người ta sẽ nhai và uống những viên thuốc này bằng nước nóng. Nếu như không nhai, mà chỉ nuốt chúng, thì có lẽ chúng sẽ trôi qua cơ thể mình và đi ra ngoài, mà không hề tan rã. Chúng rất cứng. Người Tây Tạng có hàm răng rất chắc. Nếu như thấy chúng khó nhai, thì mình có thể bọc chúng bằng cái gì như khăn tay, và dùng búa để giã chúng ra.

Các loại thuốc được dùng nửa tiếng trước hay sau bữa ăn. Thỉnh thoảng, một viên thuốc thứ tư sẽ được uống vào khoảng 4 giờ chiều, vì giờ ăn trưa đối với người Tây Tạng có nghĩa là buổi trưa. Ở Mễ Tây Cơ và các nước La-tinh khác, nếu đã được kê bốn loại thuốc khác nhau, thì bạn phải uống loại thuốc dành cho bữa ăn trưa vào buổi trưa, và uống loại thuốc dành cho bốn giờ chiều vào sau bữa ăn chiều.

Một trong những lợi thế lớn của y học Tây Tạng là trong hầu hết các trường hợp, dù có các trường hợp ngoại lệ, nhưng không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nó hơi giống với thuốc vi lượng đồng căn (homeopathy), không phải theo nghĩa là liều thuốc rất nhỏ, mà là thuốc sẽ gom căn bệnh lại, để nó tụ lại một chỗ, rồi thì thuốc sẽ tiêu diệt căn bệnh. Vì vậy mà trong nhiều trường hợp, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, lúc đầu thì bệnh sẽ tệ hơn một chút. Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy thuốc đang gom căn bệnh lại, để có thể tiêu diệt nó. Người ta phải kiên nhẫn, và vượt qua giai đoạn đầu.

Khi dùng thuốc thì điều quan trọng là phải nhai nó, không chỉ để giúp cho nó được tiêu hóa, mà mình còn có thể nếm vị thuốc. Vị nếm của thuốc thường khá ngán ngẫm. Nó có thể có vị mà người ta không bao giờ tưởng tượng là có thể tồn tại. Vị nếm rất quan trọng, vì nó sẽ kích thích những chất khác nhau trong miệng và đường tiêu hóa. Một phần của cách mà thuốc hoạt động là kích thích cơ thể tiết ra nhiều loại enzyme khác nhau. Người ta phải kiên nhẫn một chút với vị nếm của thuốc.

Điều khá thú vị là các loại thực phẩm và các thành phần khác nhau trong thuốc Tây Tạng được phân loại theo vị nếm, chứ không phải phân loại theo ngũ đại hay âm dương của Trung Quốc, cũng không phải là phân loại theo Ayurvedic về ba phẩm chất của rajas, sattva và tamas. Bác sĩ Tây Tạng phân loại chúng theo vị nếm chính và dư vị. Một số vị nếm thì thích hợp cho những chứng rối loạn khác nhau.

Ngoài ra, còn có một hệ thống khoảng 18 phẩm chất của thực phẩm, cũng như các loại thảo mộc. Điều thú vị ở đây là nơi mà thức ăn hay thảo mộc mọc lên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chúng. Loại nào mọc ở một nơi có nhiều gió thì sẽ có một chất lượng nào đó, khác với loại mọc ở nơi khô ráo. Điều này trở thành một vấn đề khá lớn, đối với việc trồng dược thảo, bởi vì chúng phải mọc trong môi trường tự nhiên.

Tiến sĩ Alexander Berzin 

Chuyên Việt ngữ: Lozang Ngodrub 

Hiệu đính: Vũ Thư Ngân.