CHIA SẺ

Đức Phật Dược Sư 5

12 bước thiền chữa lành trong cuốn sách này không đến từ một bản văn hay giáo lý Phật giáo cụ thể mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi chỉ sưu tập tài liệu và sắp xếp các giáo lý thành những bước trên con đường thiền định chữa lành.

Một trong số đó có kể rằng khi Ngài A Đề Sa (Atisha) (982-1055), bậc đạo sư vĩ đại của Phật giáo Ấn Độ đến Tây Tạng vào năm 1042, Ngài rất ấn tượng trước kiến thức sâu rộng của học giả Tây Tạng là Rinchen Zangpo (958-1051). A Đề Sa nhận thấy: “Một kẻ già nua như ta đến Tây Tạng, trải qua nhiều gian nan vất vả để làm gì trong khi đã có những học giả vĩ đại như ông?” Và Ngài hỏi “Làm sao ông có thể đưa tất cả giáo lý vào thực hành?” Rinchen Zangpo đáp: “Chúng tôi thực hành riêng từng giáo pháp.” A Đề Sa nói: “Ông sai rồi. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao tôi phải đến nơi này.” Sau đó Ngài viết tác phẩm Bồ đề đạo đăng luận (Ngọn đèn soi đường giác ngộ) và đưa mọi giáo lý Phật pháp vào cùng một con đường tu tập.

Thông giáo (SUTRA) VÀ Mật giáo (TANTRA)

Là một người sùng kính Mật tông, tôi muốn trình bày với các bạn đại cương về các giáo lý đã truyền cho tôi cảm hứng để viết về việc chữa lành và sau đó tôi sẽ chỉ ra phương pháp tổng quan được phản ánh trong Thông giáo.

Mật giáo có liên hệ với việc chữa lành bao gồm thiền Kim Cang Tát Đỏa về sự tịnh hóa và tiếp nhận bốn quán đỉnh là những phước lành của thân, khẩu, ý và trí.

Trong Mật giáo (Tantra):

  • Bạn xem tất cả đều hợp nhất trong giác tính, sự an bình, hỷ lạc tối thắng và toàn
  • Bạn nhận các nguồn phước lành dưới dạng ánh sáng, nước cam lồ, lửa, gió và làm sạch hoặc xua tan những cấu uế trong cơ thể, tâm trí và trên toàn thế
  • Bạn nhận các phước lành của bốn đặc tính thiêng liêng của Phật hoặc của các bậc giác ngộ: thân kim cang bất hoại, khẩu kim cang bất dừng, ý kim cang – hợp nhất của hỷ lạc và vô biên, và trí kim cang thanh tịnh.
  • Bạn sử dụng năng lượng nhiệt hỷ lạc trong cơ thể làm phương tiện đánh thức sự kết hợp của hỷ lạc và trí tuệ rộng mở của thân tâm.
  • Bạn thiền định đánh thức nhiều khía cạnh khác nhau của thân, tâm và các đối tượng phi thường như tướng mạo và phẩm chất của đức Phật và cõi Tịnh Độ.
  • Bạn chuyển hóa các năng lượng tiêu cực và tích cực, từ bi và sân giận, thịnh nộ và an bình làm phương tiện giác ngộ bản tính hoàn hảo và niềm hỷ lạc tối thượng.
  • Bạn thiền về việc nhìn cơ thể ánh sáng, sự hợp nhất của tướng mạo và sự mở rộng. Bạn nghe thấy lời nói, thấy âm thanh của không khí và năng lượng là tiếng của đức Phật chứa đầy sức mạnh, sự hợp nhất của âm thanh và sự mở rộng. Bạn trải qua tâm thức và ý niệm của trí tuệ toàn giác của Phật.
  • Bạn đạt giác ngộ thông qua các lối thiền bí truyền về năng lượng (rLung), hỷ lạc (hDe Ba) và nhiệt (gTum Mo). Các lối thiền này không chỉ chữa lành các phiền não về mặt tinh thần, tình cảm mà còn về thể chất. Padma Karpo có viết “bằng việc duy trì nhiệt [cùng với hỷ lạc] và hoàn thiện các nguồn năng lượng, không còn phiền não như bệnh, lão có thể làm tổn hại bạn.”

Năng lượng của nhiệt và hỷ lạc được phát triển thông qua các phương pháp rèn luyện tâm. Situ Tenpe Nyinched đã viết: “Nếu làm chủ được tâm, bạn sẽ có sức mạnh làm chủ nguồn năng lượng của mình.”

  • Bạn an trú trong nhận biết về sự hợp nhất của mọi thứ, chân lý của vạn vật mà không có khái niệm nhị nguyên về chủ thể-khách thể.

Để thực hành Mật giáo như tôi vừa nêu, bạn phải bắt đầu bằng việc bước vào con đường tu tập. Nếu bạn thực hiện bước khởi đầu một cách đúng đắn – và tôi đã nhấn mạnh rằng bạn phải thực hiện đúng – thì trí tuệ vốn có của tâm bạn sẽ được đánh thức. Thông thường điều này sẽ chỉ là cái thấy biết thoáng qua về bản chất trí tuệ thực sự của tâm. Sau đó bạn phải hoàn thiện việc tỉnh thức đó bằng thiền định, sử dụng trí tuệ đã được đánh thức làm lý do, nền tảng và phương tiện tu tập.

Trong Thông giáo, bạn tu trì việc tạo thái độ tích cực và từ bi với một trái tim đầy yêu thương và lòng sùng kính. Bạn cống hiến cả cuộc đời để làm lợi ích và gieo lòng từ bi vào các hoạt động để đánh thức tuệ tâm của mình. Bạn đang tu trì phương pháp đó không phải vì bản thân mà vì niềm an lạc của tất cả chúng sinh.

Rất nhiều lối thiền Mật giáo và Thông giáo có sự tương đồng về hình thức hoặc cấu trúc. Điểm khác nhau nằm ở chiều sâu, phạm vi và sức mạnh của chúng. Trong Mật giáo, một thiền giả sử dụng chính trí tuệ được đánh thức vào lúc mới tập và sau đó được hoàn thiện trong thiền định. Trong Thông giáo, thiền giả sử dụng cái tâm dựa trên các khái niệm để đưa đến giác ngộ trí tuệ.

Điều quan trong nhất là các phương pháp hành thiền trong cuốn sách này được lấy cảm hứng từ Mật giáo. Trong cuốn sách này, tôi chỉ trình bày các pháp thiền cũng được tìm thấy trong Thông giáo. Những pháp thiền này sử dụng tâm và cảm giác mang tính khái niệm làm phương tiện tu hành chứ không dùng tuệ tâm vượt xa tầm hiểu biết của hầu hết những người không thạo thiền. Các pháp thiền trong cuốn sách này dành cho cả người mới tập lẫn người không tập và có thể làm lợi cho bất kỳ ai muốn hành trì.

Các thiền giả Mật tông sẽ thấy rằng những pháp thiền này có những đặc tính tương tự với thiền Mật tông. Vì vậy ngay cả khi bạn đã hành trì thuần thục thì các pháp thiền chữa lành được nêu ra ở đây có thể được dùng làm pháp thiền Mật tông.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại