CHIA SẺ

Amitabha_Buddha_6a_2400x

Chết có thể là khoảng thời gian rất đáng sợ vì chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng thân xác và mọi thứ ta biết. Nhưng nó cũng có thể là thời điểm cơ hội. Thậm chí ngay cả nỗi đau và sợ hãi cũng có thể tách rời cái chết, sự hấp hối cũng có thể là một quãng thời gian của sự mở rộng và an bình tuyệt vời, và thậm chí là giác ngộ.

Các Phật tử tin rằng giai đoạn chết và hấp hối là giai đoạn trung ấm, mà các Phật tử Tây Tạng gọi là giai đoạn chuyển tiếp giữa sinh và tử, là một thời điểm mà các xúc cảm dâng cao, là lúc mà chúng ta thực sự cần chữa lành. Đối với cái chết và nỗi sợ hãi, thiền chữa lành có thể rất hữu ích.

Thực tế, có rất nhiều giai đoạn trung ấm, hay các giai đoạn chuyển tiếp. Bản thân cuộc đời cũng có thể được xem là một thân trung ấm vì nó là sự chuyển tiếp giữa sinh và tử. Sự chuẩn bị tốt nhất cho thân trung ấm của việc chết là phát triển một tâm thức an bình trong cuộc đời này. Sau đó lúc cơ thể chúng ta tan rã khi lìa đời thì chúng ta đã sẵn sàng đón nhận rồi.

Nếu có thể tập các thói quen tích cực và an bình cho tâm thức khi còn sống, chúng ta có thể mang theo những thói quen hay vòng nghiệp quả này vào lúc chết đi hoặc mang đến bất kỳ kiếp nào mà bạn tái sinh. Kể cả với những ai không phải là tín đồ Phật giáo hoặc không tin vào việc tái sinh, việc phát triển một tâm thức an bình trong đời này có thể giúp cho việc chết trở nên dễ dàng hơn, an bình hơn. Vào thời điểm chết, khi tâm chúng ta cảm thấy bị thương tổn thì thiền định và cầu nguyện có thể giúp ích rất nhiều.

Thiền định sử dụng bốn sức mạnh chữa lành có thể là nguồn sức mạnh lúc chết cũng như lúc sống vậy. Chúng ta nhìn thấy những hình ảnh an bình, hỷ lạc và rộng mở. Chúng ta nghe thấy âm thanh, lời nói an bình, hỷ lạc. Chúng ta mở rộng cảm giác an bình và hạnh phúc. Và chúng ta tin vào sức mạnh chữa lành của những hình ảnh, âm thanh và cảm giác tích cực này.

Nếu nhờ thiền định, tâm chúng ta trở nên tích cực và an bình thì chúng ta có thể chuyển những cảm nghiệm tiêu cực thành tích cực. Khi đó, vào thời điểm chúng ta lìa đời và lúc ta đi vào thân trung ấm, cảnh hiện ra là những hình ảnh an bình, yêu dấu và mạnh mẽ. Chúng ta sẽ nghe thấy những âm thanh êm ái và hân hoan. Chúng ta sẽ cảm thấy an lạc.

Những cảm nghiệm như vậy sẽ thay đổi toàn bộ tiến trình đi qua cõi chết từ đêm đen mù mịt u mê đến ánh sáng trí tuệ, từ nỗi sợ hãi, buồn đau đến niềm tin và hoan hỷ, từ những xúc cảm tiêu cực thiêu đốt đến niềm an lạc, và từ sự cứng nhắc của khái niệm bị kìm hãm cho đến sự giải thoát rộng mở.

Đương nhiên, nếu chúng ta là những người bình thường, hay tranh đấu thì trải qua bệnh tật và cái chết có thể rất khó khăn. Sẽ giúp ích nếu chúng ta nhờ gia đình hay bạn bè nắm lấy tay ta, nói với ta những lời êm dịu và cầu nguyện cùng ta. Ngay cả nếu chúng ta thấy cô đơn hay sợ hãi thì cũng nên cảm thấy tin tưởng rằng cách tốt nhất để chết là buông lỏng tâm bám chấp càng nhiều càng tốt. Ngay cả khi đang vật lộn với cái chết, chúng ta vẫn có thể buông bỏ bám chấp. Buông được chừng nào thì tốt chừng nấy. Trong lúc hấp hối, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng hơn bao giờ hết việc buông bỏ nghĩa là gì. Điều này có thể mang đến cho chúng ta sự an bình mà ta mong muốn.

Nếu chúng ta đang giúp một người bị bệnh hay người hấp hối thì chúng ta nên chân thành, cởi mở và tự nhiên với họ. Điều quan trọng là tìm ra được họ cần gì và đừng cố gắng ép họ phải có cái nhìn hay cảm xúc của chúng ta. Hãy để cho người bệnh hay người hấp hối biểu lộ bản thân, kể cả lo lắng hay sợ hãi. Chỉ cần ở đó cùng họ với tình yêu thương và lòng cảm thông có thể đã là một niềm an ủi rồi.

Cách tiếp cận với người hấp hối bằng con đường Phật Giáo 

Phải chăng lối tu hành Phật giáo truyền thống về cái chết giúp ích cho những người ngoại đạo và họ cũng có thể thực hành như vậy?

Một số người rất cởi mở với quan điểm Phật giáo về việc hấp hối và chết ngay cả khi họ không phải là Phật tử. Số khác đánh giá cao Phật giáo song lại không dễ chấp nhận hình ảnh Phật giáo và những quan điểm phức tạp về cái chết và những gì xa hơn thế. Có những người hoàn toàn khép kín với Phật giáo và quan điểm Phật giáo về cái chết.

Một số vị đạo sư cho rằng nếu người hấp hối không thích hoặc từ chối những hình ảnh và tư tưởng Phật giáo, khuynh hướng đó có thể tương tự khi vào thân trung ấm bởi thái độ mang tính thói quen không dễ gì vượt qua. Trong trường hợp này, để cho họ làm quen với những lời cầu nguyện có thể hại họ vì sẽ gây rối loạn, khiến họ không thích hay thậm chí còn ghét nữa.

Các vị đạo sư khác lại cho rằng việc thực hiện các nghi lễ Phật giáo dành cho những người hấp hối hoặc đang trong giai đoạn trung ấm sẽ có ích lợi. Chúng ta có thể nhẹ nhàng tiếp cận với họ, giới thiệu họ làm quen với những hình ảnh và lời cầu nguyện Phật giáo mang tính giác ngộ ngay cả khi người đó suốt đời khép mình với Phật giáo. Việc này có thể mang lại lợi ích vì những người trong giai đoạn thân trung ấm sẽ nhận ra bất kỳ hình ảnh và âm thanh an lạc và mạnh mẽ nào. Họ sẽ háo hức tìm kiếm một nơi để nương tựa và được che chở. Chúng ta có thể giúp họ rất nhiều hoặc ít nhất cũng khiến họ không bị tổn hại.

Quan điểm thứ hai này có thể đúng. Tuy nhiên, vì giai đoạn trung ấm lúc hấp hối là thời điểm vô cùng quan trọng nên tốt nhất là thực hiện một cách an toàn. Nếu bạn hoài nghi về một phương pháp tiếp cận người hấp hối theo lối Phật giáo truyền thống, sẽ phù hợp hơn nếu bạn sử dụng một cách tiếp cận phổ biến hơn mà tôi sẽ mô tả trong phần tiếp theo.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Mộc Tử Phương Lan

Trích tác phẩm: Độ sinh vô biên – Nhà xuất bản Thời Đại