CHIA SẺ

maxresdefault

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta quá bận rộn, không còn chỗ để nuôi dưỡng chánh niệm. Thế nhưng, thực ra, sống chánh niệm là vấn đề thay đổi thái độ và nhớ lại mục đích thực sự của mình mà không phải nhét thêm mục “thiền tập” vào lịch sinh hoạt hàng ngày. Ta không cần phải ở trong phòng thiền hoặc đợi có giờ rảnh để thực tập chánh niệm, tuy đó dĩ nhiên là điều tuyệt vời để tận hưởng khi ta có cơ hội. Hơi thở yên tĩnh, chánh niệm là điều mà ta có thể làm bất cứ lúc nào. Bất cứ ở đâu cũng đều có thể là một nơi linh thiêng nếu tâm ta thanh tịnh, thư thái, theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý vào những gì ta đang làm.

Thức dậy vào buổi sáng, trong khi còn ở trên giường, ta có thể bắt đầu một ngày mới bằng hơi thở chánh niệm. Trong giây phút đó, việc đầu tiên là theo dõi hơi thở vào ra và ý thức là ta đang có 24 giờ tinh khôi để sống. Đó là món quà cuộc sống ban tặng cho ta.

Khi mới xuất gia làm một chú sa di, tôi phải học thuộc lòng nhiều bài thi kệ để giúp tôi thực tập chánh niệm. Bài thi kệ đầu tiên là:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Như chúng ta thấy, bài kệ có bốn câu. Câu đầu đi với hơi thở vào. Câu thứ hai đi với hơi thở ra. Câu thứ ba đi với hơi thở vào kế tiếp. Và câu thứ tư đi với hơi thở ra kế tiếp. Khi thở, chúng ta dùng bài thi kệ để tập trung tâm ý vào chiều hướng thiêng liêng của những gì chúng ta đang làm. Ta muốn sống 24 giờ mà cuộc sống ban tặng cho ta trong bình an và hạnh phúc. Ta quyết tâm không lãng phí 24 giờ đó bởi vì ta biết rằng 24 giờ đó là món quà tặng của cuộc sống và ta đón nhận món quà đó một lần nữa vào mỗi buổi sáng.

Nếu ta có khả năng ngồi cho thoải mái thảnh thơi thì ngồi thiền là một cách mầu nhiệm để thực tập hơi thở chánh niệm. Có nhiều người không thể cho phép họ có thời gian để chỉ ngồi thở mà không làm gì cả. Họ cho đó là lãng phí hoặc xa xỉ. Người ta nói: “Thời gian là tiền bạc.” Nhưng thời gian quý hơn tiền bạc nhiều lắm. Thời gian là sự sống. Sự thực tập ngồi yên đều đặn đơn thuần có thể có công năng trị liệu rất lớn. Dừng lại và ngồi yên là một cách hữu hiệu để tập trung vào hơi thở ý thức và không làm gì khác.

Cũng giống như ta có thể tắt ti vi trong lúc ăn, nếu chú tâm vào hơi thở, vào thức ăn và những người đang ngồi ăn với mình. Khi lau nhà bếp hoặc rửa chén, ta cũng có thể làm trong tỉnh thức với tinh thần thương yêu, hoan hỷ và biết ơn. Khi đánh răng, ta cũng có thể đánh răng trong chánh niệm. Đừng nghĩ đến những việc khác, chỉ chú tâm vào việc đánh răng. Ta có thể dành hai hay ba phút để đánh răng. Trong thời gian này, ta chỉ ý thức về răng và động tác đánh răng. Đánh răng như vậy có thể mang lại cho ta nhiều niềm vui. Khi đi vệ sinh, ta cũng có thể thưởng thức thời gian ở trong nhà vệ sinh. Chánh niệm có thể làm thay đổi những mối liên hệ của ta đến với mọi thứ. Chánh niệm giúp ta thực sự có mặt và thực sự thưởng thức những gì ta đang làm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trích: Tĩnh lặng – Sức mạnh của Sự tĩnh lặng trong thế giới huyên náo

Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ – Nhà xuất bản Thế Giới