CHIA SẺ

4867536816

Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, tiếng chuông được sử dụng để giúp mọi người đến với nhau, tạo ra sự hài hòa trong mình và trong người khác. Ở nhiều nước Á châu, mỗi gia đình đều có ít nhất là một cái chuông nhỏ ở nhà. Ta có thể dùng bất cứ loại chuông nào để thưởng thức. Sử dụng tiếng chuông như một lời nhắc nhở chúng ta nhớ thở, nhớ trở về với thân thể, trở về ngôi nhà đích thực của chính mình để chăm sóc chính mình và làm lắng dịu tâm hành. Trong đạo Bụt, tiếng chuông được xem như tiếng gọi của Bụt. Khi nghe chuông, ta dừng lại mọi nói năng, hành động và suy nghĩ. Trở về với hơi thở. Lắng nghe với tất cả thân tâm mình.

Lắng nghe như vậy ta cho phép niềm an vui và hạnh phúc thấm vào mỗi tế bào cơ thể ta. Ta không chỉ lắng nghe bằng đôi tai, không chỉ lắng nghe bằng trí năng, mà ta mời tất cả các tế bào trong cơ thể ta cùng lắng nghe chuông với ta.

Chuông không lấy mất nhiều không gian. Chắc chắn ta có thể tìm một chỗ trên bàn hay trên kệ để đặt nó. Dù ta sống ở đâu, thậm chí trong một căn phòng nhỏ, ta cũng có thể tìm được chỗ cho nó. Trước khi thỉnh chuông về nhà, ta phải đảm bảo là tiếng chuông này hay. Chuông không cần lớn nhưng âm thanh phải hay, phải dễ chịu.

Mỗi khi nghe và tiếp nhận tiếng chuông, ta phải chuẩn bị thân tâm. Thay vì nói đánh chuông, ta nói là thỉnh chuông. Nhìn vào chuông như nhìn một người bạn, một bậc giác ngộ giúp ta tỉnh thức và trở về ngôi nhà đích thực của mình. Nếu muốn, ta có thể đặt chuông trên một cái đế nhỏ, giống như bất kỳ một vị Bồ tát nào đang ngồi thiền.

Khi nghe chuông, ta thở vào và buông bỏ tất cả những căng thẳng đã chất chứa trong ta, buông bỏ tập khí chạy trong thân và đặc biệt là trong tâm. Dù có thể ta đang ngồi, nhưng thường bên trong ta vẫn chạy. Tiếng chuông là một cơ hội đón ta trở về với chính mình, theo dõi hơi thở vào ra để có thể buông bỏ căng thẳng và dừng lại hoàn toàn. Tiếng chuông và cách lắng nghe của ta giúp cho con tàu suy nghĩ và cảm xúc đang chạy đêm ngày trong ta dừng lại.

Mỗi sáng, trước khi đi làm hay trước khi con mình đi học, mọi người có thể ngồi lại với nhau nghe ba tiếng chuông và theo dõi hơi thở. Thở và nghe chuông như vậy ta sẽ bắt đầu một ngày mới bằng sự bình an, vui tươi và hạnh phúc. Ngồi thở một mình hay với gia đình như thế rất hay. Ta có thể nhìn vào một vật nào đó có ý nghĩa trong nhà, hay một cái cây bên ngoài cửa sổ và mỉm cười. Điều này sẽ trở thành một sự thực tập đều đặn, là nơi nương tựa đáng tin cậy cho gia đình. Không mất nhiều thời gian, nhưng là một phần thưởng vô giá, một sự thực tập rất đẹp, mang lại bình an, sự có mặt và hòa hợp trong gia đình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trích: Tĩnh lặng – Sức mạnh của Sự tĩnh lặng trong thế giới huyên náo

Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ – Nhà xuất bản Thế Giới